Cao gầy, lãng tử, mái tóc dài phủ kín gáy trông thầy như nghệ sĩ chứ không giống một nhà mô phạm. Quận lỵ bằng nắm tay, mọi sinh hoạt, đi đứng của các giáo sư đều không qua tai mắt của học trò và phụ huynh. Chuyện chiều thứ bảy thầy hay la cà nhậu nhẹt với nhóm sĩ quan trong các thiết đoàn đóng ở thị trấn sau các cuộc hành quân dài, chuyện thầy ra vào dinh quận, ngồi chung xe jeep với quận trưởng về Mỹ Tho, lên Sài Gòn vô vũ trường, quán bar, được đồn thổi tưng bừng. Những điều tiếng về tư cách, phẩm hạnh của thầy được bàn tán như một scandal.
Nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận là từ khi thầy về điều hành, ngôi trường nhỏ bé ở thị trấn như được thổi thêm luồng sinh khí mới, việc giảng dạy, học tập vốn bình lặng, tẻ nhạt, đã sôi động hẳn lên với các phong trào thể dục, văn nghệ, báo chí, tổ chức các chuyến đi sinh hoạt dã ngoại. Trường ngày càng mở rộng, cơ sở vốn có không đủ chứa số lượng học sinh ngày càng đông, một số lớp nhỏ (6,7) phải học nhờ hết chỗ nầy tới chỗ kia, khi thì mượn mấy phòng ở trường cấp 1, khi lại phải ra tận ngoại ô trường vùng ven. Thầy về chưa được một năm, nhờ tài ngoại giao tháo vát, một dãy phòng học mới khang trang được xây ở khu đất trống bên hông trường. Dãy phòng cũ cũng được sửa chữa tươm tất. Chúng tôi không phải ngồi học trong căn phòng cũ kỹ, nền đất ẩm thấp, hễ mưa xuống là phải di tản nhốn nháo nữa. Trường cũng có thêm nhiều thầy cô mới, không còn cảnh phải học suốt buổi, nhiều bộ môn chỉ với một thầy, một cô. Chỉ qua một kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, số học sinh xuất sắc, khá giỏi tăng lên nhiều…
Ngoài việc điều hành chung, thầy còn giảng dạy bộ môn Việt văn, và Toán cho một số lớp. Tôi giỏi văn mà dốt toán, vừa thích vừa ngại những tiết học của thầy. Tôi chờ đợi những giờ Việt văn để nghe thầy giảng Kiều, giảng thơ tiền chiến. Thầy đọc thơ tình Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử bằng giọng như ru làm học trò ngẩn ngơ, mà giảng Bình Ngô đại cáo, thơ văn nghị luận cũng thật hùng hồn. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ dáng thầy nghiêng nghiêng, đầu ngẩng cao, kiêu bạt, giọng sang sảng những vần thơ luận về kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ: Có giang san thì sĩ đã có tên, từ Chu Hán vốn sĩ nầy là quí. Miền hương đãng đã khen rằng hiếu nghị. Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường. Khí hạo nhiên chí đại chí cường…(*) Đề văn của thầy cho kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt năm lớp 11 có nội dung: Phân tích vai trò kẻ sĩ trong bài thơ Nguyễn Công Trứ, liên hệ trách nhiệm của tuổi trẻ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay…, đã khơi dậy trong chúng tôi nhiều trăn trở, suy gẫm. Có thể nói, những giờ Việt văn của thầy, đã mở ra cho chúng tôi cái nhìn, cách tiếp cận với thời cuộc. Thầy cho chúng tôi những khái niệm về “vận nước”, những mơ ước về một Việt Nam thống nhất, hòa hợp, một Việt Nam hòa bình, không còn tiếng súng, không còn cảnh “Xác người nằm trôi sông, trên ruộng đồng…”(TCS).
Bên cạnh những vần thơ lãng mạn của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, đám học sinh chúng tôi bắt đầu chép đầy sổ tay những sáng tác của các nhà thơ trẻ trong phong trào sinh viên yêu nước, những vần thơ kêu gọi Việt Nam thống nhất, hòa bình: Có phải em giữa đồng khô cỏ cháy. Đã thấy xuân về trên nhánh lúa non. Một mai sớm khi trời hồng lớn dậy. Thổi tin yêu về với mọi tâm hồn. Anh dừng lại bên cầu tre lả nhịp. Rửa mặt mày trong dòng nước bình yên. Những dòng sông máu cha ông chuyển tiếp. Chảy dạt dào trong một trái tim chung. Trái tim Việt Nam muôn đời tranh đấu. Sáng kiêu hùng trong đêm tối lầm than. Nụ hoa mới nở vàng trên đất máu. Hòa bình rồi thấy lại Bắc, Nam, Trung… (**)
Trong các buổi cắm trại, sinh hoạt văn nghệ, chúng tôi hát nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, nhạc của phong trào sinh viên, học sinh yêu nước vang dậy. Tôi, thuở 13-14 đã tập tành viết lách và có bài đăng ở các trang Măng non, Tuổi lá mạ, Vườn hồng của một số tờ báo lớn như: Điện Tín, Tin Sáng, Dân Chủ Mới…, dưới bài viết ngoài họ tên, luôn ghi rõ địa chỉ trường lớp. Một hôm, thầy cho gọi tôi lên văn phòng: Tôi có đọc một số bài của em trên một số báo. Trường mình sẽ ra đặc san kỷ niệm thành lập trường vào dịp tết, mời em vào Ban Báo chí cùng lo nội dung đặc san!
Minh họa: Thanh Tiên
Những ngày đầu tôi tập sự “làm báo” với thầy là kỷ niệm khó quên. Thầy trò cùng viết thông báo phát động, cùng đọc, sửa chữa bài. Ngày nào tan học, tôi cũng ghé văn phòng phụ thầy đánh máy, vẽ minh họa, in ronéo… Chính trong gian phòng cũ kỹ ấy, tôi đã học cách “làm báo”, tập viết những bài báo đầu tiên, dưới sự hướng dẫn, động viên của thầy. Sau nhiều ngày bận rộn chuẩn bị bài vở, biên tập, in ấn, đặc san của trường chính thức ra mắt, phát hành không chỉ ở trường mà còn được giới thiệu ở các trường bạn ở Giáo Đức, Cai Lậy… Tiếng nói của phong trào sinh viên, học sinh yêu nước đã được lan truyền ở quận lỵ.
Tình hình chiến sự mùa hè năm 1974 ngày càng nóng bỏng, tiếng súng xa gần vọng về những đêm mất ngủ. Học sinh đến lớp phấp phỏng lo âu vì lệnh tổng động viên. Những chuyến đi về Sài Gòn của thầy trở nên thất thường, có khi không chỉ là ngày nghỉ. Buồn nhất là những giờ Việt văn của thầy phải nhờ thầy Bình dạy thế. Thầy Bình chỉ mở sách mà đọc, rồi nói y như những gì sách viết, không có những phút thăng hoa, trữ tình ngoại đề như thầy, nên tiết học vô cùng buồn chán.
Buổi liên hoan tất niên, trước tết cũng là ngày kỷ niệm thành lập trường được ghi dấu bằng đêm văn nghệ chào mừng thật hoành tráng với những tiết mục hợp ca, song ca ngợi ca quê hương: Hòn vọng phu, Nối vòng tay lớn… Thầy trò còn ngồi lại quây quần bên đống lửa trại, đàn hát. Tôi nhớ ánh mắt như có lửa của thầy đêm liên hoan, khi thầy ôm đàn hát những lời vang vọng:
Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào
Hát cho đêm thiên thu lửa cháy bên trại giặc thù
Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên
Hát sâu trong xa xưa tiếng hát Trưng Vương hồng thơm
Hát vang danh Lam Sơn người cũng như mây lên non
Hát cho trăm năm son sử vàng cũng biết môi thơm (***)
Không ngờ đêm liên hoan cắm trại ấy, cũng là đêm chia tay với thầy. Qua đợt nghỉ tết, vào học, thời khóa biểu không còn tên thầy. Một vị khác trong Ban giám hiệu được chỉ định điều hành công việc của trường trong khi chờ bổ nhiệm hiệu trưởng mới. Học trò xôn xao hỏi han, chỉ nhận được lời giải thích: Thầy T. đã được thuyên chuyển đến nơi khác.
Một buổi, chúng tôi đang ngồi học thì thấy một chiếc xe jeep chạy vào sân trường. Mấy người mặc cevil, mang kính đen bước vào phòng hiệu trưởng. Tôi cũng được gọi lên văn phòng. Người đeo kính đen hỏi tôi về khoảng thời gian làm báo chung với thầy T. thầy có đưa tôi tài liệu, sách vở, có đưa tôi đi gặp ai không. Linh tính cho tôi biết có chuyện xảy ra với thầy. Tôi trả lời không, kèm mấy cái lắc đầu. Thật ra trong cặp tôi vẫn đang cất giữ hai quyển sách thầy tặng buổi tất niên. Quyển Tâm hồn cao thượng (Les grands coeurs) của văn hào Italia Edmond De Amicis với lời đề tặng: Chúc em viết hay, học giỏi và tập Hát cho đồng bào tôi nghe (****).
Đến giờ, hơn 30 năm, tôi vẫn còn cất giữ hai quyển sách của thầy. Sau 30/4/1975, tôi được biết thầy hoạt động nội tuyến được cài về trường tôi, rằng có một mối bị bể trong đường dây của thầy, nên cơ sở phải điều thầy đi. Và cùng với sự ra đi của thầy, một số nam sinh lớp 11-12, tới tuổi động viên cũng biến mất khỏi trường. Từ sau năm 75, tôi không gặp lại thầy. Có tin đồn, thầy bị bắt và chết vì bị tra tấn, hành hạ trong tù, trước 30/4. Cũng có tin thầy về Bảo Lộc, khẩn hoang, mở một trang trại cà phê, vui thú điền viên, “hàn danh” với: Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch. Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn… theo tiêu chí mà Hy Văn tiên sinh đã vạch ra khi: Nước nhà yên thì sĩ được ung dung…(*)
Dù thầy đã hy sinh hay đang sống ẩn cư ở một miền quê yên bình nào, hình bóng thầy luôn sống mãi trong tôi, cùng với hồi ức đẹp đẽ, hào hùng của một thời tuổi trẻ trên quê hương của những ngày tháng tư năm ấy.
(*) Kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ.
(**) Thơ Tần Hoài Dạ Vũ
(***) Ca khúc của Tôn Thất Lập
(****) Tập ca khúc của Tổng hội sinh viên Sài Sòn xuất bản năm 1970, gồm 32 ca khúc phản chiến, đấu tranh chống Mỹ, kêu gọi hòa bình.
Ý kiến bạn đọc