Lê đôi chân mỏi nhừ vì lội bộ đường xa, tôi bước vào nhà nàng. Nàng đi phía trước tôi, bé nhỏ trong lớp áo nâu sồng, dáng vẻ nhẫn nhục và cam chịu cho số phận. Nàng bảo tôi hãy ngồi nghỉ nơi chiếc giường cau và nói rằng nàng sẽ ra vườn để hái bù ngót về nấu canh, món ăn ưa thích của tôi từ thuở xa xưa. Tôi cảm động đến ứa nước mắt. Thì ra, mãi mãi nàng chẳng bao giờ quên tôi.
"Tôi cùng đi với bà".
"Thôi" - Nàng với tay lấy cái rổ nơi vách - "Mới từ Sài Gòn về, ông hãy nghỉ cho khỏe".
Nói vậy nhưng nàng cũng không ngăn cản khi tôi cất bước theo nàng. Không gian của buổi hoàng hôn nơi miền quê thật êm đềm với những làn gió nồm và tiếng chim non ríu rít.
Nét già nua đã hằn sâu lên dáng vẻ của nàng nhưng mãi mãi trong tiềm thức tôi, nàng vẫn là cô thôn nữ của lòng tôi độ bốn mươi năm về trước. Cô thôn nữ có cái nhăn mũi rất dễ thương mỗi khi nàng giận dỗi ai điều gì đã làm xiêu lòng biết bao trai làng.
"Vẫn vậy chứ?" - Tôi hỏi.
"ờ. Còn ông?".
"Khỏe như trâu. Chồng bà có trở về đây thăm bà lần nào không?".
Nàng thở dài:
"Không. Có lẽ như thế tốt hơn. Số tôi là suốt đời phải cô đơn. Ông không nhớ hồi đó mình ưa chơi bói bài sao?".
"Tin chuyện gì đâu không. Tôi bảo bà lên sống với tôi ở Sài Gòn cho có bạn mà bà cứ lắc đầu hoài. ở đây lỡ bà có ngã bệnh thì ai lo? Tôi đòi về đây sống bà cũng không chịu".
"Mình lớn tuổi hết rồi".
"Không gian lại rơi vào khoảnh khắc lặng im giữa chúng tôi. Hai bóng già âm thầm đi bên nhau, vòng vèo theo những luống bù ngót gần chân đồng. Điều đó gần như là qui ước ngầm của hai người. Gặp nhau chỉ để nói vài câu vu vơ, thế thôi, nhưng tôi biết tâm hồn tôi vĩnh viễn không bao giờ đánh mất hình bóng nàng. Chỉ tại chiến tranh đã đẩy tôi cách xa nàng đằng đẵng ba mươi năm.
Giọng con vạc sành kêu khắc khoải nơi vách lá khi chúng tôi trở vào nhà. Nàng lúi húi nhóm lửa, còn tôi thì phụ lặt rau. ánh sáng nhập nhoạng soi rõ những nét hằn sâu trên mặt nàng. Nghe mùi khói bếp, tôi chợt thấy lòng mình ấm lại và hạnh phúc hơn bao giờ hết, nhất là có những phút giây quý hiếm được sống bên cạnh nàng.
"Bà theo đạo hồi nào vậy ta?".
"Đâu có theo. Tại thích bộ đồ này thì mặc. Hình như nó cũng giúp tôi xua đi những ray rứt của lương tâm. Ông còn ở trong lính không?".
"Hưu rồi. Bạn bè chiến đấu cũ giờ chỉ còn vài người. Được cấp một căn hộ nhỏ ở Thanh Đa, một thân một mình thui thủi. Buồn lắm nhưng cũng quen. Tôi đếm từng ngày, từng tháng để mong đến ngày về gặp bà".
Nàng nói lảng sang chuyện khác mỗi khi tôi bóng gió thốt nên ý đó:
"Ông về hưu với cấp bậc gì vậy?".
"Đại tá già".
"Hồi mới tiếp quản ông là gì ta?".
"Thiếu tá".
"Lúc đó ông dữ dằn chứ đâu hiền từ được như bây giờ. Ông khiến tôi phải khiếp vía chứ đừng nói chi đến một sĩ quan ngụy như ông Tân".
Tôi cười giả lả:
"Tại chồng bà nhát chứ có ai giết chóc gì ai đâu".
Nàng nheo mắt nhìn tôi:
"Ông không còn nhớ khi đó ông nói gì à?".
"Sao?".
"Ông nói là nếu không nhớ lời Bác Hồ dạy thì ông đã bắn ông ấy vì cái tội cướp vợ người ta".
Câu nói của nàng khiến tôi sượng sùng. Quả thật, khi dò tìm ra được nhà nàng hồi năm 75, tôi đã thốt nên lời đó mà không biết vì sao. Đến khi bước ra đường, tôi và hai người lính cận vệ đã ôm bụng cười bò trong cái nhìn ngơ ngác của dân Sài Gòn đang cầm cờ và biểu ngữ chào đón đoàn quân giải phóng.
Từ nhỏ đến lớn, tính tôi vốn hay đùa, không cách chi bỏ được. Còn nhớ có một lần, lúc tôi là sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn được gọi lên Cứ họp. Đến giờ cơm trưa, đang ăn bỗng dưng tôi bỏ đũa đứng dậy và nghiêm trang quay mặt ra cửa khiến ai nấy đều nhìn nhau ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra.
Tôi liền vẫy vẫy tay:
"Bạn hiền đi rửa chân cho sạch rồi vào dùng cơm luôn thể!".
Tất cả dồn mắt theo. Họ chẳng thấy bóng dáng một người nào ngoài con chó mực của bộ phận hậu cần đang ngồi chò hỏ gần đó. Hiểu ý đùa của tôi, các sĩ quan đều cười sặc sụa khiến con chó hoảng sợ, cong đuôi bỏ chạy. Rủi cho tôi, vị chính ủy sư đoàn vốn không thích đùa. Ông ta xạm mặt lại và hầm hầm bỏ đi. Lúc này tôi mới để ý thấy chân ông ta còn lấm lem bùn đất. Tôi như nửa cười nửa mếu. Cho nên, tham gia cách mạng từ những ngày kháng chiến chống Pháp cho đến ngày giải phóng miền Nam, tôi cứ hết lên thiếu tá rồi lại xuống đại úy vì những trò đùa vô tình như vậy.
Leo lên võng, nằm đưa tòn ten, tôi mỉm cười một mình khi nhớ lại chuyện cũ khôi hài ấy. Bên bếp lửa này, trong gian nhà ấm cúng này, có nàng và tuổi già dần đến, hầu như tất cả những chuyện mà ngày xưa tôi lấy làm buồn phiền giờ trở nên giản đơn hết thảy. Cuộc đời như một vòng xoay chong chóng, có làm gì chăng nữa thì cũng đến ngày chong chóng không còn đủ sức để quay. Cũng như tôi, đã từng xông pha biết bao nhiêu chiến trận, uy dũng là thế rồi cũng đến ngày không biết tôi có còn kịp chọn cho mình một vuông đất nhỏ để nằm nghỉ hay không?
"Ông nghĩ gì mà tủm tỉm cười hoài vậy, Kim?" - Nàng đặt mâm cơm nơi chiếc bàn nhỏ - "Ông ăn cơm đi!".
Mùi canh bù ngót nấu với tép xộc vào mũi khiến bụng tôi như có kiến bò. Nàng về làm vợ tôi trước chiến thắng Điện Biên Phủ chừng vài tháng vậy mà chỉ ít ngày sau nàng đã đoán được khẩu vị của tôi. Đến khi tập kết ra miền Bắc, tôi xuống tàu và đi biền biệt, bỏ lại nàng nơi miền quê nghèo với nước mắt lưng tròng và chén canh bù ngót mặn nồng.
"Bà ăn luôn thể!".
"Nhìn ông ăn là tôi no rồi. Vả lại hồi đó tới giờ tôi có ngồi ăn chung với ai đâu kể từ ngày ông đi. Riết rồi thành quen. Cha con ông Tân cứ thắc mắc với tôi chuyện đó hoài".
"Thì hồi còn là vợ tôi bà cũng có chịu ngồi cùng mâm với tôi đâu. Lúc ấy, bà con hàng xóm nhìn vào cứ phê phán tôi đã làm cách mạng mà đầu óc nặng phong kiến, phân biệt giai cấp ngay cả với vợ con" - Chợt nhớ ra, tôi hỏi "Đứa con gái của bà giờ sống ở đâu?".
"Nó theo chồng sang Pháp. Nó biết tôi còn hận cha nó nên có viết thư về khuyên tôi sang sống chung với gia đình nó. Già rồi, làm sao mà tôi an lòng nhắm mắt ở xứ người được".
Lời nói trôi xuôi của nàng khiến tôi thừ người ra, nghĩ ngợi. Mấy năm gần đây, lòng tôi luôn ray rứt tự hỏi có phải vì sự hiện diện của tôi mà hạnh phúc gia đình nàng tan vỡ hay không. Hồi những ngày đầu tiếp quản, còn say sưa trong chiến thắng, tôi không nghĩ đến hậu quả do tôi gây ra nên thường xuyên lui tới nhà nàng. Chồng nàng tuy có phần uất ức nhưng vẫn phải niềm nở tiếp tôi bởi lẽ ông ta đứng vào hàng ngũ những người bại trận vô điều kiện. Nhưng rồi tôi tự an ủi rằng, chẳng qua tất cả là do nơi lỗi lầm của ông ta. Ông ta đã cố tình cưới vợ có chồng đi tập kết để được lãnh thưởng. Điều đó do chính nàng phát giác ra khi hai người có với nhau một đứa con. Nàng ngầm oán hận chồng nhưng không nói gì suốt cả thời gian dài sau đó.
Ra trại cải tạo, chồng nàng được bảo lãnh sang Mỹ. Nàng cự tuyệt không đi theo chồng. Tôi đề nghị nàng nối lại nghĩa xưa nhưng nàng từ chối. Nàng thề sống cô độc cho đến cuối đời ven bờ Hàm Luông này, mặc ai có nói ra nói vào thì cứ nói. Rốt cuộc, tôi cũng phải đầu hàng trước quyết định lạ lùng của nàng. Và hàng năm, đến những ngày đầu tháng Năm là tôi mới được phép trở về gặp nàng theo định ước nàng đặt ra cho riêng tôi.
"Cơm không ngon hay sao mà ông cứ chống đũa trầm ngâm vậy?" - Nàng cất giọng khàn khàn - "Mắt mũi yếu quá nên tôi nấu nướng chậm chạp, không biết bụi tro có bay vào đồ ăn không?".
"Không đâu. Bà nấu nướng còn khéo tay không thua gì bốn mươi năm trước" - Nhìn thẳng vào mắt nàng, tôi nói - "Hưu rồi, mai mốt tôi về đây sống cùng bà nghe. Ăn quán ngủ đình ở Sài Gòn tôi cũng hơi hoải. Tụi mình già rồi, đâu còn câu nệ chi ba cái chuyện cỏn con vừa qua. Mỗi khi trái gió trở trời, mình hủ hỉ với nhau cho có bạn".
Nàng lặng im, không đáp. Và sự lặng im ấy nơi nàng tôi biết là nàng vẫn không ưng thuận. Từ lúc mới quen nhau đến giờ, nàng mãi mãi là một vì sao huyền bí đối với tôi. Nàng đang nghĩ gì trong đầu, ít khi nào tôi đoán đúng được. Rõ ràng nàng vẫn còn yêu tôi nhưng bên cạnh đó nàng một mực không chịu chắp nối cùng tôi trừ những ngày bên nhau quá ư ngắn ngủi.
Nàng đánh trống lảng:
"Hồi đó kêu ông kiếm đứa con nuôi để đỡ đần hôm sớm, sao ông không chịu?".
"Mãi mãi tôi chỉ có bà trong đời. Nếu muốn có con thì hồi coi bò ở cao nguyên Mộc Châu tôi đã có vợ ngoài Bắc rồi. Tôi không thể quên bà được".
"Định tán tỉnh tôi đó à?".
"ủa, câu này hồi đó bà hỏi tôi rồi mà?".
"Tại ông chứng nào tật nấy. Lẽ ra ông không nên ở bên quân sự mà phải ở bên tuyên huấn thì đúng hơn".
Nàng pha trò. Chúng tôi cùng cười. Nụ cười héo hắt của kỷ niệm đau buồn, của cảnh chồng Bắc vợ Nam và tuổi già gặp lại. Nàng kém tôi năm tuổi. Sáu mươi mốt tuổi, nàng đã vượt qua ngưỡng cửa một đời người và tuổi xuân của con người không bao giờ trở lại. Tôi cũng vậy. Dù có cố níu kéo dĩ vãng chúng tôi vẫn không thể nào tìm được niềm vui trọn vẹn bên nhau.
Đêm châu thổ về khuya càng lúc càng huyền hoặc với tiếng côn trùng kêu rả rích và tiếng chuông chùa đâu đó từ xa vẳng lại. Mùi nhang trầm tỏa ra từ bàn thờ giữa nhà phảng phất khiến tôi nhớ về tuổi thơ của tôi trôi qua trong xứ đạo Cây Da.
(...) Tôi còn nhớ, vào năm 1967, trên đường trở vào Nam dọc theo dãy Trường Sơn, một cơn sốt rét ác tính đã quất sụm tôi và tôi cầm chắc mình không thể nào vượt khỏi bàn tay thần chết. Không muốn làm giảm nhịp độ hành quân, tôi quyết đòi ở lại dù biết rằng cánh võng giữa rừng già có thể sẽ là nấm mồ của tôi. Biết không thể khuyên can gì được, đồng đội tôi đành phải nuốt lệ ra đi.
Nhìn đoàn quân xa dần trong buổi hoàng hôn, một người hay đùa như tôi cũng bắt đầu thấy chạnh lòng. Sau đó, cơn sốt rét lại kéo đến hành hạ thân xác tôi. Trong lúc mê sảng, hình ảnh nàng hiện về lẫn lộn giữa hư và thực. Nàng đứng đó, bên bãi biển, ánh mắt nàng nhìn tôi nửa như oán hờn, nửa như trách móc. Ngày chia ly tôi tưởng chỉ hẹn hai năm là sẽ trở về thế mà giờ đây đã hơn mười năm rồi. Chẳng lẽ miền Bắc xa xôi, lặn lội trở vào Nam để được sum vầy cùng nàng, thế mà tôi đành bỏ mặc, xuôi tay nhắm mắt hay sao.
Tôi vùng dậy và lao đi, không còn biết phương hướng. Cho đến khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm bên mép nước của một dòng suối. Xung quanh tôi lố nhố những gã thợ săn người dân tộc. Không đắn đo, họ liền khiêng tôi về bản. Được hai tháng, sức khỏe tôi bình phục trở lại. Để tỏ lòng biết ơn công chữa trị của họ, tôi tặng họ một con dao xếp mà một thằng bạn ở Hải Phòng đưa cho tôi lúc ra đi. Nhận con dao, họ mừng còn hơn được vàng bạc châu báu. Sau này tôi được biết vùng đó có nhiều buôn của người Ê-đê sinh sống.
Tôi nằm đó, suy nghĩ mông lung trong khi nàng dọn dẹp chén dĩa. Dáng vẻ nhẫn nhục, cam chịu và bình thản nơi nàng đã khơi gợi trong tôi nỗi chua xót vô bờ bến. Có chồng đi tập kết, tôi hiểu rõ sự hy sinh của nàng như thế nào để mong còn có ngày gặp lại chồng dù rằng nàng phải cắn răng chịu tiếng phản bội khi lấy chồng khác. Chẳng lẽ đó cũng là một cách thử thách tình yêu nơi trần thế của ông Trời sao?
"Tôi pha cho ông bình trà nhé, Kim?".
"Khuya rồi uống vào khó ngủ" - Tôi chỉ tay xuống chiếc ghế đẩu - "Bà ngồi đây nói chuyện chơi là tôi vui rồi. Sao bà không ăn trầu, kỳ vậy ta?".
Nàng vỗ vào vai tôi và cười:
"Cái ông này tánh tình lúc nào cũng kỳ cục. Hay để tôi vấn cho ông một điếu thuốc. Tôi thích nhìn ông hút thuốc".
Nàng vấn và đưa cho tôi một điếu sâu kèn, giống y như ngày xưa, lúc tôi trốn dưới hầm mỗi khi có trận càn của giặc. Thường thì mỗi lần nhận điếu thuốc từ tay nàng, tôi cứ cầm ngắm nghía mà không hút, sợ mùi khói dẫn giặc đến nơi ẩn nấp. Đến ngày xuống tàu, hành trang tôi mang theo gồm hai hộp thiếc nhỏ để đựng những điếu thuốc còn vương vấn hơi hướm của nàng. Nhưng rồi tôi đã ân hận vì rốt cuộc không bảo vệ được chúng trong đợt ném bom oanh tạc của Mỹ.
Hơn bốn mươi năm qua, điếu thuốc nàng vấn bây giờ vẫn khéo léo như cô Tấm têm trầu mà hoàng tử cách mặt đã lâu vẫn nhận ra được. Nàng ưa vấn giấy ngược. Hồi đó tôi hay phàn nàn vì không quen tay cầm nên thường làm đổ sợi thuốc. Nhưng rồi tự bao giờ chẳng biết, tôi bị nhiễm luôn kiểu vấn ấy đến nỗi mấy tay miền Nam sống chung trên đất Bắc cứ chọc tôi là đồ đẻ ngược. Và lúc ấy tôi luôn có câu đáp lại: "Khi về hưu tao sẽ có thêm nghề vuốt cổ những người mắc xương cá".
"Sao ông không mồi lửa mà cầm hoài vậy?".
"Đố bà biết!".
Nàng lắc đầu:
"Ông thì trời ơi đất hỡi, đoán làm gì cho mệt".
"Để về Sài Gòn hút và nhớ...".
"Mấy chữ nhớ thương đó năm nào ông cũng nói".
"Thì bà nói mấy chữ đó cho tôi nghe lại cái coi!".
"Lời nói ra sợ sẽ đánh mất đi mọi điều...".
"ái chà, đại tá hôm nay đụng phải triết gia. Lời nói tạo ra súng đạn chứ súng đạn không thể tạo ra lời nói. Tôi về phe súng đạn nên chịu thua bà".
"Nói bậy nói bạ người ta sẽ gởi giấy cảnh cáo giống như vụ mời con mực ăn cơm cho coi. Hôm rồi gởi cho ông bộ đồ, ông mặc có vừa không? Tôi chỉ nhắm chừng mà may".
"Vừa khít. Xin tiết lộ với bà một điều".
Nàng giả vờ làm mặt ngơ ngác:
"Con rơi của ông tìm à?".
"Giỡn!".
"Thế cái gì?".
"Hồi mới cưới bà tôi vừa với lỗ dây nịt nào thì bây giờ tôi vẫn vừa với lỗ dây nịt đó, không mập, không ốm, chỉ có đen và hơi bộn tuổi".
Nàng bật cười nhưng tôi kịp nhận thấy mắt nàng đỏ hoe. Tôi giả vờ quay mặt đi nơi khác để cố ngăn chặn cái mà người già hay gọi là trò trẻ con đó là lau nước mắt cho nàng. Đến bây giờ tôi mới nghiệm ra rằng, tình yêu không bao giờ có tuổi. Nó có tuổi hay không chỉ là những định lý của người đời mà những người đời đó có lẽ không hề biết tình yêu là gì trên trái đất này.
"Tím à!".
"Chi ông?".
"Có mấy cái mương quanh nhà. Nếu bà có đi hái rau hay lượm củi thì chịu khó vòng qua đầu bờ. Bà đừng nên đi cầu, té không ai thấy!".
"Ông khéo lo. Ông nên coi chừng cái thân ông khi đi lên những cây cầu thang nơi chúng cư. ở đây ngày ngày có con bé Hoa ở ruộng vào hú hí với tôi rồi".
"Thì nói vậy mà".
Nàng nhìn tôi với vẻ dò hỏi:
"Lần này ông bị sao vậy? Hay là mấy vết thương trở chứng?".
"Ba cái vết thương đó còn lâu mới quật nổi tôi. Tối nào tôi cũng cầu xin ông Trời cho tôi sống bớt đi năm mười tuổi".
"Ông khùng quá đi!".
"Thật. Hồi thanh niên tôi vẫn thng nói với bà là gì. Số tôi là sống đến 125 tuổi nhưng bây giờ tôi chỉ muốn sống đến 115 thôi. Sống dai quá cũng kỳ".
Có tiếng chó sủa ran ngoài đường và tiếng chân rầm rập của một tốp người đi qua. Tôi trở mình, cảm thấy thân thể rã rời vì cả ngày ngồi trên xe ca. Từ Sài Gòn về Bến Tre thật phiền toái, nhất là sự chờ đợi phà. Ngày trước thì ít khi có sự chờ đợi như vậy, nếu cần tôi và đồng đội chỉ ùm xuống và lội vù qua sông.
Tôi nhờ nàng bóp dùm bả vai. Những ngón tay gầy guộc của nàng mơn trớn trên da thịt khiến tôi có cảm giác như mình đang trôi bềnh bồng giữa đám mây êm đềm và trong sạch, không chút bợn nhơ. Gần một đời đi tìm hạnh phúc, giờ đây tôi mới thấm thía rằng hạnh phúc của con người là được sống trong những phút giây như thế này. Tôi cứ tưởng nó ở đâu xa và mãi đi tìm...
"Ông có còn giận tôi không?".
"Giận cái gì?".
Tôi nghe có tiếng nấc nhỏ từ phía nàng:
"Chuyện tôi không giữ được đứa con của ông".
"Tại tụi nó đánh bà chứ có phải tại bà đâu. Tôi mà biết đức nào tra tấn bà đến nỗi xẩy thai là tôi bắn liền. Đứa nhỏ nếu còn sống giờ cũng bộn tuổi rồi nhỉ?".
"Thì bốn mươi, bốn mấy chứ ít ỏi gì. Tôi với ông dám có cháu cố rồi. Nghĩ lại, mình mà làm ông làm bà chắc ngộ lắm!".
"ờ, ngộ!".
Tôi buồn rầu khi nhớ lại sức khỏe đang càng ngày càng như ngọn đèn dầu leo lét trước gió của tôi. Không biết rồi mai này tôi còn trở về bên nàng được bao lần nữa. ánh mắt của vị bác sĩ mới khám bệnh cho tôi gần đây nhất tôi đã đoán được nói gì. Tất cả rồi sẽ qua đi, dù là một người thường hay anh hùng cũng thế, và chỉ còn tìn yêu ở lại. Tình yêu của nàng mà tôi đã cưu mang và nâng niu suốt cuộc chiến tranh. Nó như tiếng chuông lòng dẫn tôi vào cõi thiên thai rồi dẫn đi xa mãi...; như dòng sông bao la có đi đâu rồi cũng trở về biển cả.
Tiếng con bìm bịp kêu nước lớn giữa đêm thanh vắng, thật buồn. Mùa hè tối nay trôi qua miền châu thổ lại thiếu đi những giọt mưa rì rào trên mái lá. Ngày xưa, tôi đến với nàng từ những cơn mưa miền quê, thuở hai đứa chiều chiều đi cắt cỏ ven sông. Đó là những cơn mưa ấm. Nàng từng nói rằng nàng yêu mưa, yêu những giọt thủy tinh rơi vỡ trong buổi hoàng hôn. Rồi lúc xa nhau, ngồi nhìn mưa rơi trên cao nguyên Mộc Châu, tôi cố tìm hình bóng nàng trong những giọt thủy tinh mỏng manh ấy.
"Xung quanh vết thương của ông sao nó cứ đỏ bầm lên?" - Nàng sờ nhẹ vào vùng hông trái của tôi - "Vết này bị ở trận nào vậy?".
"Phước Long" - Tôi đùa - "Nó đỏ lên vì mắc cỡ khi tay bà đụng phải".
Nàng xô nhẹ tôi ra:
"Kiểu ăn nói của ông mà không có vợ khi còn ở miền Bắc thì tôi chẳng bao giờ tin đâu".
"Thì ba bà, ba mươi ba con, tin chưa?".
"Chưa biết chừng".
"ờ, còn chuyện này mà lần nào gặp tôi đều quên hỏi bà. Nốt ruồi của bà có còn ở chỗ cũ không?".
Nàng đấm vào lưng tôi. Chúng tôi cùng cười. Niềm vui riêng tư của tuổi già giống y như của trẻ nít. Và chu kỳ của tạo hóa cứ vần xoay trên số mệnh mỗi con người.
***
Cách đây chừng sáu tháng, một người đàn ông gầy còm trong bộ quần áo nâu giản dị đến tòa soạn ngay phiên trực của tôi. Tôi không biết ông ta là ai. Ông ta đã đưa cho tôi một xấp giấy học trò độ chừng mười mấy trang và nhờ tôi đọc, nếu được thì cho đăng. Ông ta còn nói thêm rằng tôi muốn cắt bỏ đoạn nào thì tùy ý vì tính ông vốn thích đùa. Bận có hẹn với bạn bè làm một độ nhậu tại Tân Bình nên tôi không có thì giờ để trò chuyện với ông. Ông ra về và tôi liền để bản thảo của ông ta vào hộc tủ. Sau đó gần như tôi đã quên bẵng nó đi.
Sáng nay đến cơ quan, tôi giở tờ nhật báo mới thấy đăng vài dòng cáo phó và ảnh của một người. Tôi bàng hoàng nhận ra người ấy không ai khác hơn là người đàn ông đã giao xấp bản thảo cho tôi dạo nọ. Tên tuổi của ông ta tôi đã biết từ lâu với tất cả lòng ngưỡng mộ thành kính.
Buồn bã, tôi chui vào một quán cà phê và đọc lại câu chuyện của vị đại tá nổi tiếng kia. Chuyện sâu kín và đau khổ của cả một đời người chỉ vỏn vẹn ít trang giấy viết tay với nét chữ run run. Tôi nhìn lên tờ lịch. Bây giờ là trung tuần tháng Tư. Thế là lần hẹn vào đầu tháng Năm năm nay với người tình già của vị đại tá đã vĩnh viễn chôn sâu trong lòng đất lạnh.
Trong dòng suy tưởng vu vơ, bên tai tôi mơ hồ nghe tiếng chuông ngân như tiếng gọi của linh hồn ai đó đang trôi trên những dòng sông miền châu thổ để tìm về một hình bóng xa xưa.
Có một tốp người bước vào quán. Họ đang ồn ào tranh cãi với nhau về sự mất cân bằng của cán cân thương mại giữa Mỹ và Nhật.
1996
Ý kiến bạn đọc