Những thước phim ký ức vùn vụt tua lại
- Nhớ ra rồi.
Tôi reo lên. Thằng Khền mắt sâu, gầy nhẳng định dạy tôi cái món võ Tàu nhưng tôi không thiết. Mừng quá, tôi dồn lại nó:
- Hiện giờ nó đang ở đâu? Sao mày biết nó?
Nó cười kèng kẹc trong điện thoại:
- Từ từ, được rồi, từ từ…
Tôi ghét cái kiểu làm việc câu giờ của mấy tay làm việc công.
- Hiện giờ đang ở Hà Nội. Nó đi du lịch, cho cả vợ con sang. Khền xin bỏ tour để về chơi với mày. Rồi Kim lề thề dặn dò: “Về nguyên tắc, chúng tao không cho nó đi tự do nhưng nó là bạn thân của mày nên tao đứng ra bảo lãnh. Có điều mày phải giữ gìn nó cho tao, nó mà xảy ra chuyện gì là tao bị công ty nó giết! Nghe chưa?”
Tôi mừng không tả được. Nếu tả thì tôi tả thế này: “Vừa trông thấy bạn, mừng quá bọt mép xùi ra, ngất luôn”. Thú thực, nó là đứa bạn thân nhất của tôi thời thơ ấu. Lớn lên thì đã xa nhau. Tôi nhớ nó suốt một thời gian dài rồi thời gian cũng cuốn trôi theo cùng nỗi nhớ, nhưng tình bạn của chúng tôi thì vẫn còn khắc đậm trong tâm trí. Giờ nhắc đến nó tôi như phát cuồng. Tai tôi vẫn đang nghe thằng bạn ở công ty du lịch lải nhải trong điện thoại: “Thằng này mà là dân thường thì tao mặc kệ con mẹ nó, nhưng xem chừng nó cũng không phải là loại tầm thường. Lúc kiểm tra hộ chiếu, nhìn người nó là tao nhận ra ngay. Mày xem trí nhớ của tao có tuyệt vời không? Thay đổi bao năm mà tao vẫn nhận ra nét cũ của nó. Thằng Khền hỏi thăm mày, tao nói cho nó biết. Nghe xong nó bảo: “Không nên bỏ lỡ cơ hội” thế là nó liền thay đổi lịch trình. Tao ôkê liền. Thằng này ở Trung Quốc có mấy cái nhà máy, tao liền nghĩ ngay đến mày. Một công đôi việc, sau này có làm ăn được với nó thì đừng có quên tao đấy nhé”.
Đúng là thời buổi tiền đè chết tình. Tôi không còn bận tâm tới thằng bạn ở công ty du lịch ấy nữa. Mọi ý nghĩ bây giờ dồn cho thằng Khền. Tôi gọi điện ngay báo tin cho vợ. Vợ tôi hỏi: “Khền nào? Có nghe anh nhắc đến bao giờ đâu?” Tôi giải thích vắn tắt rồi dặn: “ Em chuẩn bị phòng cho anh thật chu đáo vào đấy”. “Được rồi, anh yên tâm đi”. Vợ tôi biết phải làm gì, phản xạ kinh doanh mà, cứ “hiếu” trước cái đã.
***
Đứng trước mặt tôi là một người đàn ông to béo, húi đầu cua, mắt híp, da săn, bụng phưỡn. Anh con trai thật không chê vào đâu được, cứ như chép từ ông bố sang vậy.
Ngược lại với hai người đàn ông, người phụ nữ trông mảnh mai, mắt một mí nhưng to, đen, đẹp và dễ ưa.
Nó thay đổi nhiều quá khiến tôi đứng ngây ra, còn nó thì nhận ra tôi ngay:
- Khương à? Rồi ôm chặt lấy tôi, mặt thì ngoảnh ra giới thiệu với vợ con. Tôi nghe nó phát âm lắm “phờ” lắm nhưng tiếng Việt nó còn nhớ và rất sõi. Người vợ trẻ nở nụ cười thân thiện. Vợ tôi tíu tít sai người nhà xách hành lý từ taxi rồi đưa vợ con thằng Khền vào nhà trong khi chúng tôi vẫn còn đứng ngoài đường quấn lấy nhau. Hai bà vợ nhìn thấy thế cũng vui lây. Tôi có một trang trại chuyên trồng cây lấy dầu. ở giữa đồng bằng mà có mấy trăm hec ta cây cối mát rười rượi. Thằng Khền ngắm nghía, vui lắm. Nó khen: “Việt Nam chúng mày mở cửa sau mà tiến nhanh quá”. Nhìn khu biệt thự tôi ở, nó nhận xét: “Nếu kiến trúc theo kiểu Trung Hoa thôn thì đẹp”. Tôi bảo: “Tao chỉ quan tâm tới cái tao thích”.
Tôi dẫn nó đi thăm khu vườn cây quanh nhà, vừa đi vừa thi nhau kể về mình. Mấy chục năm trời tưởng chừng không bao giờ gặp lại, thế mà bỗng nhiên cứ như trong mơ vậy. Thằng Khền ngày nhỏ mắt sâu, người toàn thấy xương là xương mặc dù thuốc Bắc nhà nó thiếu gì. Nhìn nó múa võ Tàu xàng xê nhào lộn trông cứ như một con bọ gậy. Bọn trẻ con trong làng tôi thích lắm, buổi tối thường đi tắt cánh đồng sang nhà nó xin học võ. Đứa nào học phải cống cho nó mười cái kẹo vừng một bài. Thấy tôi cứ đứng nhìn, nó bảo: “Mày học tao không lấy kẹo”. Tôi bảo: “Tao học, mày phải chi kẹo cho tao”. Tức quá nó lao vào đánh, tay múa tít như chong chóng. Tôi chạy, nó đuổi. Bất ngờ tôi quay lại, dạng chân thấp xuống nhằm đúng mặt thụi cho một phát. Tôi chỉ nghe thấy đánh “choét” một tiếng, thằng Khền ngật đầu ra đằng sau ngã ngồi xuống sân. Máu chảy ra trông hệt như con đỉa bám vào mũi chổng mông vào mồm. Lúc hai đứa cởi truồng nhảy xuống giếng làng tắm trộm, nó bảo: “Mày có nghề mà giấu”. Tôi trả lời: “Tao đâu có biết gì”. Từ đó chúng tôi rất thân nhau, cứ xoắn lấy nhau như bện thừng. Bây giờ nó to béo thế tôi không thể nhận ra nổi. Ngay lúc ấy vợ nó đi ra, nó bá lấy vai âu yếm lắm. Rồi dứ dứ như khoe ngầm với tôi. Tôi ái ngại nhìn cái bụng của nó, đối với người phụ nữ kia mà chơi cái trò bập bênh thì chán chết!
Ngày thứ hai vợ tôi đưa hai mẹ con thằng Khền đi lễ chùa. Tôi lái xe chở nó đi khắp nơi trong vùng, thăm lại tất cả những nơi chúng tôi đã đến, đã chơi, đã nghịch với nhau. Tôi chạy chầm chậm dọc theo con sông Nhuệ. Ngày xưa nó thường chở tôi bằng xe đạp ra bờ sông lấy hạt thầu dầu chơi. Đến cầu Nhật Tựu nó chỉ xuống dưới: “Việt Nam cũng như Trung Quốc phát triển công nghiệp làm cho sông ngòi thối rinh cả lên”. Tôi nói chuyện: “Ngày xưa người Pháp đào con sông này trong vòng mười ba năm”. Thằng Khền bảo: “Người Trung Quốc chúng tao chỉ đào trong mười ba ngày. Chỉ cần mỗi người bê một hòn đất là xong”, “Chuyện, nước chúng mày đông dân. Mỗi công đào đắp ăn một ngày hết một cân gạo. Gần một tỷ rưỡi công dân, ăn một bữa là vét sạch gạo trên hành tinh”.
Buổi chiều ngồi ăn cơm dưới tán cây trẩu. Gió từ ngàn cây lách phách, nắng vàng trải ngập con đường phân khu. Xanh xanh, xa xa là làng tôi. Chỗ tôi đang ở trước đây là dãy phố có những gia đình người Khách xen kẽ với những hộ tiểu thương. Gọi là phố chứ thực ra chỉ có hơn chục hộ dân sống bám mặt đường làm dịch vụ sửa chữa bơm vá xe đạp, bán nước mắm, xì dầu hay dấm Hà Nội… Cách đây chục năm nhà nước mở rộng con đường đi sang Hoà Bình và dãy phố kia phải dời đi chỗ khác. Năm 1979, nhà thằng Khền cùng những hộ Hoa kiều trước khi về nước đã bán hết tài sản cho các nhà hàng xóm. Giờ đây cái phố Khách chỉ còn trong ký ức. Con đường trải nhựa một bên là biển lúa vàng đang kỳ vào mẩy. Bên này xanh bạt ngàn cây bạc hà là trang trại của tôi. Thằng Khền cứ đăm đắm tìm nhìn dấu vết cũ. Gia đình nó cũng như những gia đình người Tàu sang Việt Nam sinh sống không bao giờ họ sống ở nông thôn mặc dù họ có là nông dân đi nữa. Có thể họ sợ bị cô lập trong cái lối sống dòng tộc ở nông thôn. Cũng có khi trong tư duy kinh tế của họ, vì sự phồn thị mà họ luôn chọn những trung tâm hành chính, hoặc chí ít cũng là những nơi thuận tiện giao thông. Nghề thì dứt khoát chỉ chọn một nghề thương mại. Ngay tại khu phố thằng Khền ở mặc dù chỉ khoảng dăm bảy hộ họ cũng làm cho khu phố tưng bừng hẳn lên trong các kỳ lễ hội. Nhà Khách Khền thì buôn thuốc Bắc, Khách Ký buôn hàng mã, Khách Hỷ chuyên xe hương nén và bán hương vòng…Tuy doanh số không đáng kể so với thành phố, thị xã nhưng đám rễ của cái cây thương mại bám chặt vào mấy làng quê đã hút lấy những đồng tiền ít ỏi của những người nông dân quanh vùng. “Sống được và dư dật”. Thằng Khền bảo thế. Những người nông dân khốn khổ có thể nhịn ăn, nhịn mặc nhưng không bao giờ bỏ hương khói ông bà và còn hào phóng biếu xén rất nhiều tiền vàng trong các kỳ lễ tết. Từ tiền giả biến thành tiền thật. Mỗi nông dân vắt một giọt mồ hôi cũng đủ chảy đầy nồi buôn bán. Nhà thằng Khền chọn nghề buôn thuốc Bắc. Có lần tôi nghe nó tiết lộ: “pa” tao tính một quả táo tàu lãi bằng một chục hộp hương vòng nhà Ký, một quả đỗ trọng ăn đứt trăm đinh tiền vàng nhà Hỷ…Dân càng nghèo càng lắm bệnh tật. Bệnh viện thì tận dưới tỉnh mới có, vả lại “nước xa không cứu được lửa gần” nên mỗi thang thuốc tính đắt lên vài đồng cũng chả ai dám kêu.
Có một năm nước lên to lắm, đê chỗ nào cũng vỡ. Nước từ sông Châu Giang đổ xuống, nước từ sông Nhuệ đổ vào. Mấy trăm hec ta lúa của hợp tác xã ngập bủm bùm bum. Ban chủ nhiệm tháo khoán cho xã viên. Mẹ thằng Khền cũng đi mò lúa. Hoá ra mẹ nó cũng họ hàng nhà ông Thần Nông, thế mà cứ giấu! Người giỏi nhất làng tôi lặn xuống cắt được hai thuyền thúng thì mẹ nó đã cắt được ba thuyền. Tháng tám năm ấy nước ngập trắng cả vùng, mẹ nó đứng trên bờ ném viên gạch vỡ, nhìn tăm cá nổi lên liền lao xuống. Một lúc ngoi lên tay cầm con cá chép giẫy đành đạch bỏ vào giỏ. Bọn trẻ chúng tôi đứng trên bờ reo hò, còn người lớn cứ trố mắt ra mà nhìn. Mẹ nó giải thích với mấy người ấy: “Ngộ là con gái ông rái cá ở sông Trường Giang. Ngộ mà lặn đúng nửa ngày cần lên mới lên”.
Thấy thằng Khền cứ thần thừ cả người tôi biết nó đang nhớ kỷ niệm xưa. Một lúc sau nó bảo: “Ngày ấy tao muốn ở lại Việt Nam nhưng người lớn không cho”. Buổi tối nó theo tôi ra khu chế biến. Từ xa ngửi thấy mùi bạc hà, nó bảo: “Người bị trúng phong cứ ra đây mà ngồi một lúc sẽ khỏi”.
Mọi người vẫn ngồi ngoài vườn chơi đợi chúng tôi về. Vợ tôi và vợ thằng Khền không biết tiếng của nhau nên toàn ra hiệu. Rất may hai mẹ con nó cứ ngồi “xủng xoẻng” với nhau, đỡ buồn. Vợ tôi pha nước chanh quả mang ra, vợ nó xua tay rồi lấy nước hoa quả ép đóng hộp để uống. Trước khi đi ngủ thằng Khền hỏi tôi sản lượng tinh dầu mỗi năm và chất lượng tinh dầu thô ra sao. Tôi trả lời: “Một trăm phần trăm từ thiên nhiên”.
Ngày thứ ba. Buổi sáng thằng Khền dậy rất sớm múa bài Tuý luý quyền mà ngày trước tôi gọi là quyền “cho chó ăn chè”. Múa xong nó đứng ngắm những luống bạc hà. Lúc ngồi ăn sáng nó hỏi tôi hiện xuất dầu cho ai? Có muốn có nhà máy chưng cất tinh dầu tinh chế không? Sau này có sản phẩm nó sẽ giới thiệu với các nhà bán lẻ Trung Quốc. Tôi trả lời : “Có. Tao muốn xây dựng một nhà máy cỡ nhỏ”. “Nhỏ cũng phải mở rộng vùng nguyên liệu, phải lấy hết mấy trăm hec ta lúa phía bên kia mới đủ cho nhà máy nó ăn”
- Không được. Phải mở rộng về phía những vùng không quy hoạch đất nông nghiệp. Nó chê: “Chúng mày toàn những thằng làm ăn cò con”. Rồi nó nói câu “Phi thương tắc giàu”. Tôi bảo lại nó: “Phi nông tắc ổn”. Thằng Khền vỗ vai: “Tao với mày coi nhau như tình thân. Mấy chục năm gặp lại, mày vẫn là thằng bạn chân thành và thật thà nhất. Không uổng công tao về Việt Nam lần này. Tôi hỏi thăm song thân. Nó bảo: “Chết sạch rồi”. “ Cho tao chia buồn với mày”. “Hết trẻ thì già. Hết già thì chết. Mày học hành nhiều khách sáo bỏ cụ”. “Không phải khách sáo mà là văn hoá”. Nói xong rồi tôi lại ngại vì thằng Khền mới học hết lớp 7, tôi học lên cấp ba rồi học tiếp lên đại học. Nghe ngày xưa “pa” nó bảo: “Đầu tư cho một nhân lực, chỉ lớp 7 là đủ”. Công bằng mà nói thằng Khền học cũng không đến nỗi nào. Khi ấy hai xã mới có một trường cấp hai. Ngày cấp một chúng tôi đã chơi với nhau, lên đến cấp hai mới được học cùng nhau. Nó học cũng được mà nghịch cũng được. Có lần tiết học văn năm lớp 6, cô giáo thì lùn, bảng đen thì cao khiến cô cứ phải nghến lên để hở một khoảng bụng. Thằng Khền lấy dây nịt cắt từ săm xe đạp, lấy hai ngón tay làm chạc súng bắn một phát. Cô giáo vừa đau vừa ngượng chín cả mặt. Sau vụ ấy thằng Khền bị đình chỉ học, phải nhờ bố tôi khi ấy làm phó chủ nhiệm hợp tác xin hộ.
- Tao về Trung Quốc từng ấy năm mà vẫn nhớ Việt Nam, nhớ mày lắm! Nhờ có chính sách mở cửa nên chúng mình mới được gặp nhau thế này.
Tôi cũng thấy thế. Nó bỏ cả đi du lịch tìm về thăm tôi, đủ biết tình cảm của nó dành cho tôi thế nào. Tôi biết đời cũng lắm loại bạn và đủ các thứ tình cảm nhưng chỉ có tình bạn thuở ấu thơ là còn lung linh và trong sáng mãi. Ngày học cấp một tôi rất mê đọc truyện nhưng không có truyện, còn thằng Khền có truyện nhưng không thích đọc. Chỉ có “pa” nó là chăm chỉ đọc sách. Từ một nông dân ban đầu học mót được vài bài thuốc bệnh vặt sau cũng trở thành một thầy lang nổi tiếng cả vùng. Nghe nói danh y Tuệ Tĩnh thế kỷ thứ 15 bị bán cống sang Trung Quốc, ông viết rất nhiều sách Nam Y thần dược và “pa” thằng Khền rất chăm nghiên cứu, còn biết kết hợp các vị để cho ra một số bài thuốc rất hay. Tôi biết các toa mà “pa” nó kê có tới 3/4 là thuốc Nam. Biết tôi mê Tam Quốc thằng Khền thuê tôi cứ nghiền cho nó một thuyền thuốc nó cho mượn một tập mà đọc. Lúc học lên cấp 2 sau vụ bố tôi xin miễn kỷ luật cho thằng Khền, tôi được “pa” nó đối đãi như khách. Tôi ngồi ghế trong nhà đọc Hồng lâu mộng trong khi thằng Khền phải nghiền thuốc ngoài hè.
Thằng Kim làm ở Công ty du lịch gọi điện về cho tôi xem hai đứa đã ký kết được “phi vụ” nào chưa? Tôi trả lời: “Chưa. Thằng Khền cũng là một đứa trọng tình”. “Lạ. Tao thấy nó trọng tiền thì đúng hơn”. “Mày thì lúc nào cũng dòm vào túi của người khác”. “Để rồi xem”.
Ngày thứ tư. Chúng tôi về thăm lại ngôi trường làng. Lúc đi ngang qua nhà ông Khang, thằng Khền bảo tôi dừng xe lại, hỏi: “ Ông Khang còn sống hay chết?”. “Còn”. Nó bảo: “Nếu sống thì già khú ra rồi còn gì”. Tôi thật bái phục trí nhớ của nó. Đã bao năm nay dung mạo nhà quê thay đổi cũng nhiều thế mà nó vẫn nhớ. Nó chỉ cái vườn vải thiều nhà ông Khang: “Còn nhớ cái ao trước nằm ở đây không?”. “Nhớ”.
Đó là năm chúng tôi mới vào cấp 2. Ông Khang làm tài chính ở huyện, bắt được mấy trăm đồng cân sâm buôn lậu, mẹ nó khóc lóc xin xỏ mãi không được. Một buổi đi học về nó hỏi tôi “Mày ghét ai nhất?”. “Ghét nhất con Thuý Khang”. Thuý là con gái nhà ông Khang, làm lớp trưởng lớp tôi. Tôi ghét nó vì nó là con cán bộ, lúc nào cũng tỏ ra gương mẫu còn bọn tôi thì đứa nào cũng thích nghịch ngợm. Tôi hỏi lại nó: “Mày ghét ai nhất”. Nó nói ngay: “Tao ghét nhất phòng thuế”. Rồi nó rủ: “Có thích cho bố con nhà lão Khang một bài học không?”. Tôi lúc ấy cũng tỏ ra thích thú vì lại sắp được tham gia một trò nghịch ngợm mới. Tôi hỏi: “Cho bố con ông ấy bài học gì?”. “Tối sẽ biết”.
Tối. Hai đứa bò qua bờ rào nhà hàng xóm lần đến ao nhà ông Khang. Cái ao này ông Khang thả ba tầng cá sắp đến ngày thu hoạch. Bò đến vườn chanh quanh bờ ao thì tiếng chó cắn rộ lên. Vợ ông Khang cầm cây đèn dầu thò đầu ra ngoài cửa hỏi “Ai đấy?” rồi lại khép vội cửa vào. Thấy con chó xồm cứ xồng xộc chạy ra, tôi sợ quá! Thằng Khền vỗ vào mông tôi, nói nhỏ: “Chó dữ không sợ, chỉ sợ người dữ”. Rồi thò tay vào túi lấy cái bả chó thuốc Bắc ném về phía con chó, nó liền ngoạm lấy mang đi. Một lúc im ắng không thấy động tĩnh gì. Thằng Khền ghé sát vào mặt tôi, cười: “Đúng là ngu như chó!”. Tôi nằm canh gác cho nó bò ra khoảng trống nhìn thấy nó ném xuống bốn góc và chính giữa ao mấy cục gì như cục gạch rồi quay lại bảo tôi: “Biến”. Sáng hôm sau cả làng kháo nhau nhà ông Khang ăn ở thế nào bị người ta thả đất đèn chết sạch ao cá. Hôm ấy đi học tôi không dám nhìn cái Thuý.
Thằng Khền hỏi: “Ông Khang giờ sống thế nào?”. “Ông ấy về hưu lâu rồi, sống hiền lành lắm”. “Nhưng nghề của ông ấy không hiền tý nào. Ngày ấy tao cứ mong cho ông ấy cũng nổi như cá”. “Mày ác bỏ mẹ, tao mà biết trước thì không đời nào đi với mày”. “Ngày ấy tao cứ sợ mày khai ra thì tao chết”. “Biết thế ngày trước tao khai ra, khốn nỗi tao cũng sợ bị chết lây”. “Biết thế thì chẳng bao giờ có lịch sử cả”.
Chiều mát chúng tôi ngồi câu cá vừa nói chuyện. Thằng Khền thích ăn chân gà nướng. Tôi bảo nó ở đây không có chân gà bán sẵn. Nó bảo: “Mày không biết ăn chân gà” Rồi bảo tôi đi mua cho mấy con gà trống nuôi công nghiệp. Vợ tôi mua năm con mang về. Thằng Khền đem rửa sạch chân bằng cồn rồi trói, buộc cánh treo lên. Nó bê chiếc bếp than hoa lại gần rồi thả cho con gà nhảy trên than hồng. Con gà bị nóng ra sức giẫy giụa. Càng giẫy máu càng dồn xuống chân khiến nó phù nề và to ra trông thấy. Con gà cứ co chặt hai chân vào bụng. Thằng Khền lấy cái kẹp kéo từng chân con gà ra, chờ đến lúc vỏ ngoài cháy xém nó mới dùng móng tay bóc bỏ lớp vỏ ngoài của da chân. Tôi nhìn thấy hai chân con gà đỏ máu và sưng đẫn lên. Thằng Khền lấy từ trong túi khoác ra cái chổi trông như cây cọ của hoạ sỹ, chấm gia vị rồi quét lên. Con gà lúc này mới giãy giụa thật lực, mồm kêu oang oác. Vợ tôi thấy thế bỏ vào trong nhà có gọi thế nào cũng không ra nữa. Thằng Khền tiếp tục bóp giập xương chân con gà, cắt lấy rồi quẳng mấy con gà còn sống ra ngoài. Tôi nướng thêm mấy con cá trong khi thằng Khền hoàn thiện nốt món nướng chân gà. Tôi nhìn nó ăn bỗng liên tưởng đến câu chuyện của nhà văn Trung Quốc viết về một gia đình nông dân đói quá không nỡ ăn thịt con, liền đổi cho nhà hàng xóm làm thịt. Tôi hỏi nó ngoài đời chuyện như thế có không? Nó tỉnh bơ trả lời:
- Đói quá cũng có khi ăn để sống! Mà no quá cũng có thể ăn để thấy mùi vị.
Tôi rùng mình hỏi tiếp:
- Cái ông Dư Hoa viết trong tác phẩm “Sống” tả bệnh viện hút hết máu của thằng bé Từ Hữu Khánh để cứu sống vợ ông chủ tịch huyện. Chuyện đó thế nào?”. Thằng Khền chiêu thêm một ngụm bia, khà một cái: “Có thể ông ấy mơ giấc mơ của người Trung Quốc”. Rồi nó đột ngột cắt đứt câu chuyện, bảo: “Mai tao về”. Tôi rủ: “Chơi thêm vài hôm nữa”. “Đủ rồi. Tao còn nhiều việc phải làm. Bây giờ tao đề nghị với mày một việc”. Tôi hỏi: “Việc gì?”
- Mày bán lại chỗ đất của nhà tao ở cũ. Mày lấy bao nhiêu tao trả từng ấy.
Tôi giật mình. Bây giờ mới thấy thằng Kim nói đúng. Tôi trả lời dứt khoát:
- Ngày trước hợp tác cấp đất cho xã viên để ở, không thể nhận đấy là đất của nhà mày được. Bây giờ tao thuê đất để trồng cây công nghiệp, tao cũng không có quyền bán.
- Mày là bạn thân của tao. Việc này chỉ có mày biết, tao biết.
- Càng là bạn thân càng nên giữ gìn, như thế tao với mày mới chơi bền được.
Tôi nhìn thẳng vào mặt thằng bạn thấy nó tím chặt, không biết do bia hay nó giận tôi. Nó lại đột ngột hỏi:
- Mày có muốn xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu không?
Tôi đáp:
- Có.
- Tao sẽ đầu tư cho mày.
Rồi nó cười rạng rỡ. Tôi cũng thấy vui, thoát khỏi việc khó xử ban nãy. Tôi nghĩ nó đầu tư về đây, cả hai cùng phát triển. Thằng Khền nhìn tôi rồi đưa ra đề nghị:
- Tao không tính lãi nhưng mày phải nhượng lại đất cho tao.
- Không. Mày đừng bao giờ nói đến việc đó nữa. Nó trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Thôi được. Nhưng tao chỉ yêu cầu một việc rất nhỏ là bao bì do tao cung cấp. Nhãn hiệu phải là made in Chi na.
Tôi chợt nhớ đến cái hiệu thuốc Bắc nhà Khách Khền năm xưa. Chữa bệnh bằng thuốc Nam, lại phải mang ơn thuốc Bắc. Bạn bè thì bạn bè, không để cho nó áp đặt lối chơi. Tôi đáp:
- Mày muốn đầu tư để cùng hưởng lợi nhưng bao bì phải bằng gốm sứ Bát Tràng. Nhãn hiệu dứt khoát made in Viet Nam.
Thằng Khền đứng phắt dậy, lãnh đạm bảo tôi:
- Tao với mày không có duyên bạn bè. Rồi nó giục vợ con thu xếp hành lý đi ngay lập tức.
***
Năm ngoái tôi đi dự hội chợ triển lãm hàng bách hoá tiêu dùng (Variety Merchandise Shows) tại Orlando Bang Florida. Tôi có gặp lại thằng Khền ở đó. Nó cũng đem hàng đến hội chợ. Hai đứa lạnh nhạt bắt tay nhau như hai người xa lạ. Tôi chợt nhớ đến câu nói của ông Thủ tướng Anh: “Chẳng có bạn bè vĩnh viễn, chẳng có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có quyền lợi Quốc Gia là vĩnh viễn”.
Ý kiến bạn đọc