Chú Tư

Đăng lúc: Thứ hai - 08/12/2014 07:00
Trời hừng sáng, chú Tư vừa bước vô quán cà phê đầu xóm thì đám thanh niên đã nhao nhao mời mọc:

- Ngồi đây nè chú Tư!

- Cô Ánh cho chú ly cà phê đen, để tui trả tiền nghen!

Mọi người đều mến tính chú xởi lởi, vui chuyện và cư xử đâu ra đó rất đúng mực. Thong thả hớp ngụm cà phê đầu ngày, quấn điếu thuốc rê nhả khói, chú cười lộ hàm răng thiếu hai “tiền đạo”:

- Hồi nãy nghe loáng thoáng bây bàn chuyện nuôi trăn, cũng nên chú ý giá cả lên xuống thất thường. Theo tao biết thì hình như nhà thơ Hàn Mặc Tử là người đầu tiên… rao bán cái món đó. Nghe này… Ai mua… “trăng” tôi bán “trăng” cho…

Ba Lém nhạy miệng vỗ đùi, cười khà khà:

- Nghe đúng quá! Nhưng đây là trăn gió, trăn gấm mà. Ờ, chú Tư rành chuyện con trăn kể chơi!

Tằng hắng lấy giọng, chú co một chân lên ghế cho vững rồi vào đề ngay:

- Cách nay hơn bốn chục năm, tao còn tuổi thanh niên sức vóc có theo nhóm thợ rừng làm ăn miệt U Minh Thượng. Hồi đó mật ong, chim thú, sản vật thiên nhiên nhiều lắm. Đi mấy ngày đã khẳm gánh, tính ngủ lại đêm nữa rồi về. Chập choạng tối, tụi tao đốt đống lửa tính nướng cua cá nhậu chơi, ai dè…

Ba Lém háo hức chồm tới nói chen:

- Gặp cọp hay heo rừng vậy chú Tư?

Ở bàn bên, Chín Độ cau mày nạt:

- Thằng này chuyên môn phá đài, để chú nói tiếp!

Vẻ mặt chú Tư bỗng trở nên căng thẳng, hàng ria mép lưa thưa như nhúc nhích:

- Chỗ đống lửa bốc mùi khen khét, đất chung quanh rùng rùng chuyển động. Ba đứa tao nhắm tít mắt, hồn vía lên mây, tay đeo bám mớ rễ cây lòng thòng gần đó. Chừng nghe khè một tiếng rợn óc, tao hé mắt nhìn thấy con trăn mốc, lừ đừ cuộn mình đe dọa. Ôi trời! nó dài cỡ năm thước, tao độ chừng bề hoành bụng phải bằng cây cột đình. Chắc con trăn này ăn no mồi, nằm vùi dưới đống lá cây từ lâu, tụi tao vô ý nhóm lửa bên trên nên…

Ai nấy im lặng tặc lưỡi, rùng mình. Cô Ánh chủ quán nghe chuyện hấp dẫn, châm bình trà nóng đem ra, hỏi han:

- Rồi nó có… nuốt sống ai không vậy chú Tư?

Chú Tư ngẩng mặt lên, tự phụ:

- Hổng dễ đâu con, gặp tay chú thì tán mạng. Hai thằng bạn run muốn vãi đái, tao bình tĩnh nhào ra đứng tấn Phục Long, vung rìu thủ thế. Con trăn ngóc đầu há cái miệng toang hoác như thùng thiếc lao tới thật nhanh. Bởi đứng gần quá nên tao khó xoay trở, đành chơi chiêu “Thiên địa đồng quy” năm ăn năm thua luôn. Trong chớp mắt, tao chém con trăn hai nhát rụng đầu, phần thân còn sống uốn khúc giãy giụa phá nát cả vạt rừng. Tao ngồi hút tàn hai điếu thuốc nó mới chịu chết thiệt!

Rót ly trà nóng mời chú, Chín Độ đưa đẩy:

- Coi bộ dạng chú hom hem, ốm nhách, đố ai biết được chú là tay võ nghệ siêu quần, có thể nói là độc nhất vô nhị. Tết này huyện có tổ chức giải việt dã lớn, chú đăng ký tham dự lấy giải nhứt chơi? Hay là tham gia thi đấu võ thuật trên tỉnh cho bà con xã nhà phấn khởi, được hông chú Tư?

Ngó chăm chăm Chín Độ dò xem có ẩn ý châm chọc gì trong câu tán dương ấy không, thấy mặt anh ta tỉnh rụi, chú Tư an tâm nói tiếp:

- Tao già rồi, đâu còn ham danh lợi mậy! Ờ… tụi tao lột da con trăn chia làm ba phần kỷ niệm. Mổ bụng nó thấy còn con nai tổ chảng chưa tiêu hóa hết, ớn chưa? Thịt trăn chặt khúc treo cây cao, đánh dấu để về kêu bà con mình chống xuồng vô lấy ăn…

- Bây giờ mấy miếng da trăn ấy đâu rồi?

Người kể chuyện chợt lắc đầu thở ra:

- Xui hết biết! Một người sang Lào tìm vàng, nghe nói té suối mất tích. Còn ông kia bệnh chết, con cháu chôn luôn miếng da trăn theo ý nguyện của ổng…

Bán tín bán nghi, Chín Độ hỏi tiếp:

- Vậy hôm nào chú lấy miếng da trăn phần chú cho bà con coi. Cháu nhờ phóng viên chụp vài tấm hình, viết bài đăng báo giới thiệu thành tích lẫy lừng bốn chục năm về trước của chú. Biết đâu…

Hơi giật mình, chú Tư chép miệng tiếc rẻ:

- Uổng quá chừng! Cả đời tao chưa từng thấy tấm da trăn nào lớn như vậy. Bề ngang cỡ… ba gang tay, dài một thước tám, ý là chỉ một phần ba thôi. Hồi chiến tranh, tao giấu dưới hầm rồi lu bu dời nhà cháy mấy bận. Sau giải phóng, tao tìm về nền cũ đào bới tìm thì ôi thôi… chuột gặm nát tan, của thiên trả địa. Tao buồn tới nỗi sinh bệnh. Mà bây cười cái gì? phải chi vợ tao còn sống, bây hỏi bả thì biết!

Ba Lém tủm tỉm cười:

- Đời dâu bể thiệt! Trăn ăn chuột rồi tới màn chuột ăn lại trăn, huề cả làng. Cháu đoán chừng bác Ba ở Cà Mau là anh của chú phải không?

Chú Tư tròn mắt ngạc nhiên:

- Tao có hai bà chị thôi, mày biết rồi sao còn hỏi. Mà… mà bác Ba ấy tên gì?

Ba Lém đứng lên, miệng cười hì hì:

- Thì… bác Ba Phi chớ ai!

Cả quán cười rần lên khiến chú Tư hiểu ra cũng cười theo. Trời sáng, chú huơ tay chào chung rồi bước hướng hội trường xã cho kịp dự họp định kỳ. Chú phụ trách Chi hội Nông dân ấp hơn mười năm nay mà. Nghĩ ngợi dọc đường, chú lẩm bẩm: “Mình hay nói chuyện phiếm, cường điệu chút chút cho vui. Cũng ngại người ta cho là… tào lao, thây kệ họ. Nông dân ngoài chuyện làm ăn nghiêm túc, hòa đồng với nhau, giữ tình làng nghĩa xóm sao cho trọn vẹn là được!”…

Minh họa: Thanh Tên


…Cuộc họp xong, về tới nhà chú hơi ngán ngẫm khi thấy khách là chị Bảy Ngân ngồi chờ sẵn. Tính chị này nhỏ nhặt, đụng chuyện trái cà trái ớt cũng làm ra quan trọng, mất thời giờ. Nghĩ vậy, nhưng chú vẫn niềm nở tiếp chuyện. Chị Bảy nói liên tục như sợ người nghe ngắt lời:

- Anh Tư quan tâm giùm tôi việc này. Số là chiều qua bầy dê nhà tôi sổng chuồng vô vườn bà Hai Cam ăn hết… nửa vạt rau muống. Chuyện có chút xíu mà bả qua nhắc nhở cẩn thận này nọ, tôi tự ái nên… đóng cửa hổng nói chuyện. Nói thiệt với anh, trúng ngày rằm lớn tôi phát nguyện chay lạt, tu tâm dưỡng tánh, nhằm bữa khác tôi không nhịn đâu. Tôi nuôi dê là áp dụng mô hình tăng gia sản xuất kết hợp do anh hướng dẫn. Hàng năm, đàn dê nhà tôi phục vụ gần một tấn thịt cho… các quán nhậu, công sức hổng nhỏ đâu!

Chú Tư cười hóm hỉnh:

- Tất nhiên là dân nhậu nhẹt biết ơn chị lắm, sau khi đã trả tiền đủ! Ờ… in như tuần rồi chị đi cúng viếng cái gò mối… ủa quên… đất địa vong linh tiên ông thần nữ ở tỉnh xa hả?

Nét mặt tươi lên một chút, chị Bảy cao giọng khoe:

- Mấy chú xe ôm nghe ngóng rồi đồn đãi rần rần, tôi, cô Hồng tiền góp cùng mấy bà chủ hụi bao xe đi luôn. Ai cũng bỏ ra vài trăm ngàn tiền nhang khói mới được gia chủ mời ngồi bàn, chụp hình chung. Lấy phước lộc làm ăn mau khá lắm anh Tư!

Lơ đễnh nghe một lúc, chú Tư chậm rãi nói:

- Tôi góp ý với chị! Chuyện mơ hồ, viển vông sao chị lại tin? Tốn hao tiền bạc cúng kiếng bao la thì được gì? Muốn làm việc tốt, việc từ thiện đâu cần đi xa. Ví dụ như chị cùng mấy bà bạn lâu lâu trợ giúp tập vở cho đám học trò nghèo hay tặng gạo cho bà Mười, ông Chín tật nguyền, neo đơn gần nhà chị thì họ cảm kích tấm lòng biết bao. Đó mới là tích phước, tích đức cho con cháu dài lâu…

Rót cho khách tách nước, chú nhẹ nhàng tiếp:

- Những điều vu vơ được thổi phồng nhằm mục đích trục lợi, gây hoang mang, chị nghe làm gì? Nhớ năm rồi, chị rước ông thầy phong thủy, bùa chú nào đó về nhà như… bác sĩ riêng để trị bệnh cho Út Hoa, con gái chị. Được hai ngày, thằng cha ấy cho con nhỏ uống thuốc rồi đưa ra chòi định làm bậy. May nhờ bà Hai Cam nghi ngờ theo dõi, tri hô bắt quả tang, cứu được đời con bé. Rồi chuyện chị buôn bán về khuya bị tụi lưu manh trấn lột, nhờ thằng Ba Lém dân phòng can thiệp giải vây. Chị an toàn, không mất của, Ba Lém thì gãy tay nằm bệnh viện gần tháng. Chị tới thăm cho chục cam, vài hộp sữa rồi thôi. Nó vẫn bình thường vui vẻ, trọng nể chị, nào so đo chi đâu?

Thấy người đối diện im lặng đăm chiêu, chú lựa lời tình cảm:

- Xóm giềng giúp đỡ, tương trợ nhau mới quý. Còn cầu kiến tận non cao biển lớn xa xôi, khi hoạn nạn ai đến với mình? Chuyện với bà Hai Cam, tôi nghĩ nếu chị nói lời êm đẹp thì chắc rằng bả không giận, không tiếc nửa vạt rau muống đâu. Đàng nào cũng vô bụng bầy dê của chị rồi, nó mập thì dân nhậu nhờ. Chớ ra vô gặp mặt nhau hoài, tâm trí còn ấm ức thì ái ngại lắm chị Bảy ơi! Ấp mình đang chung sức cùng xã xây dựng các tiêu chí Nông thôn mới. lấn cấn vặt vảnh hoài…

Thái độ hòa giải có lý có tình của chú Tư khiến chị Bảy nhận ra mình thật vô lý khi phiền trách bà Hai Cam, người bị thiệt hại. Chị xẻn lẻn, vô tình đặt tay lên vai chú, cười giả lả:

- Thôi… anh nói tôi hiểu, tôi thấm thía rồi! Cuối tháng nhà tôi có giỗ, mời anh với bà Hai tới, sẵn dịp tôi nói câu xin lỗi luôn…

Chú Tư thấy vui, giả bộ ngó dáo dác, thấp giọng:

- Chị làm ơn đừng quá thân mật, tội nghiệp tôi… Bà vợ tôi mất gần chục năm, nhưng máu ghen của bả thì tôi vẫn sợ. Nhớ hồi xưa, tôi xem hát cúng đình với chị, mình mê coi tới khuya, lúc sánh đôi về thì…

Chị Bảy Ngân ngượng ngùng rụt tay, “hứ” một tiếng rồi quày quả về. Ngó theo bà hàng xóm, chú lẩm bẩm: “Bà góa này bụng còn sân si, mình khéo nói từ từ cũng yên, khỏi mất lòng ai!”. Bước ra nhà sau, chợt nhớ vợ chồng con trai đã lên huyện mua cây giống, chú ngẫm nghĩ rồi đập vách gọi to:

- Cò ơi bớ Cò! Mày có rảnh thì đi với tao…

Giọng thanh niên nhà bên rổn rảng đáp:

- Dạ… chuyện khơi thông kinh mương cháu lo rồi. Chủ nhật này anh em sẽ ra quân hổng thiếu ai, chú yên trí!

- Tốt rồi… mà hổng phải việc đó!

Mang giỏ tre lên vai, tay cầm mác, chú Tư nói như ra lệnh:

- Mày theo tao ra chỗ ruộng gò móc vài cặp ếch về xào lăn, hổm rày thèm. Hay mày đem theo cuốc, hôm nọ tao phát hiện cái hang chuột lớn gần bằng miệng thúng. Cặp chuột bự cỡ… bắp đùi bà Xồi bán vải, nó tuông tao té sấp rồi lội băng ruộng chui vô hang. Ôi trời… lông nó vàng ươm, tươm mỡ nổi váng mặt nước, cá rô cá sặt nổi đớp móng ùn bọt như cơm sôi. Bữa đó tao xúc được một rổ đầy, ghê chưa? Mình tóm được cặp chuột này về xẻ ướp sả nướng thì… Cò ơi bớ Cò… lẹ chân chút coi!

Tiếng cười hai chú cháu vang lên, đôi chim sáo đang đậu trước sân đảo mắt ngơ ngác rồi vụt vỗ cánh bay vút lên cành tre lả ngọn…

Nguyễn Kim
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 62)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 434
  • Khách viếng thăm: 429
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 29565
  • Tháng hiện tại: 1895344
  • Tổng lượt truy cập: 48269471