Tết của một thời

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/02/2013 16:39
VNTG - Phong vị Tết đến từ mùng 1 tháng chạp. Khi má bưng đĩa trái cây lên bàn thờ thắp nhang đầu tháng, thuận tay xé tờ lịch ngày 30 âm tháng 11,
má bảo:
-  Còn 1 tháng nữa là Tết, chuẩn bị dần đi là vừa.
-  Còn những 29 ngày nữa mới tới Tết cơ mà, tôi lẩm bẩm.
Mọi chuyện vẫn như ngày thường; ba vẫn đi tới ủy ban, chị Hai tới bệnh viện, tôi tới công ty, thằng Út đến trường, má vẫn nấu những món ăn ngày thường. Tóm lại chẳng có gì thay đổi, trừ việc một tuần sau chị Hai mang về nhà tặng má một bộ đồ bằng lụa tơ tằm có thêu bông rất đẹp. Nghe đâu chị đã gửi mua ở tận ngoài Hà Nội. Chất vải mềm, mát rượi cả tay khiến má rưng rưng cảm động. Tôi bấm chị Hai: Chắc má nhớ quê. Cái làng nhỏ nơi quê Hà Đông nổi tiếng về  lụa hàng và con gái đảm đang.
 Ba là dân trong này, theo ông bà nội tôi ra Bắc tập kết từ nhỏ, lớn lên ngay tại đất lụa, yêu và cưới cô bạn học cùng trường được hơn nửa năm thì đi B. Tới năm 72, bà nội tôi mất trong trận bom thời kỳ Mỹ leo thang  bắn phá miền Bắc. Má tôi vò võ  nuôi cô em chồng còn nhỏ dại lại bị điếc vì tiếng bom, và chờ đợi chồng, dù không có tin tức gì của ba tôi cả. Tới năm 75, giải phóng cũng không thấy ba về. Ông nội và  họ hàng bên  ngoại đều khuyên má lấy chồng nhưng má nhất quyết vào trong này tìm ba, khi đó đang nằm trong Quân y viện với 4 vết đạn còn lại trên người. Khi ba khỏe, ba má quyết định chuyển hết gia đình vào trong này sinh sống. Khi đó cái đặc khu Vũng Tàu này còn là một vùng quê nhỏ bé và hoang vắng, chỉ dùng để nghỉ mát.. Rồi 3 chị em tôi lần lượt ra đời, cách nhau có năm một. Cái thứ lụa quê hương chắc gợi cho má nhiều kỷ niệm. Chị Hai thiệt là tâm lý hết biết!
Ngày 23 tháng chạp
Không khí đã ra vẻ Tết  lắm. Những quầy bánh mứt, bia rượu, quần áo may sẵn được bày bán khắp nơi. Rải rác hai bên đường đã vàng tươi những hàng hoa Tết. Mai đang chúm chím những nụ hoa nở sớm. Cúc vàng rực rỡ khoe màu cùng hồng, thược dược tươi thắm được đưa từ Đà Lạt, Long Thành, Bà Rịa về. Những chậu bonsai  lớn nhỏ đủ hình đủ kiểu được đặt thành hàng dãy bên cạnh. Ở nhà, ba cũng đã mua thêm hai chậu cây nguyệt quế được uốn cắt thành hình hai con hươu rất xinh. Trưa 23. Má, chị Hai và mấy người bà con trong họ đi tảo mộ, cúng mời ông bà về ăn Tết không quên mang theo cặp cá chép cúng ông Táo lúc sáng. Má cũng kêu tôi đi cùng nhưng nghĩ tới việc cuốc cỏ, nhổ cây,  lau chùi bia mộ rồi còn bày biện ăn uống xôi gà tại chỗ mất cả buổi, tôi  lấy cớ cuối năm công ty nhiều việc, không xin về sớm được lỉnh luôn. Tệ!
Ngày 25
Ở công ty, công việc tổng kết cuối năm đã hoàn tất. Mọi người đều thở phào. Các phòng ban xôm tụ bàn chuyện Tết. Mấy chị trong phòng quây quần nghe chị Nguyệt bày cách làm dưa giá sao cho giòn. Cho gì vào để củ kiệu được trắng, cả cách chọn dưa bằng cuống sao cho đỏ  nữa. Ở nhà má và chị Hai cũng loay hoay làm mứt Tết. Mứt sơ ri đỏ tươi. Mứt dừa trắng tinh. Mứt rau câu trong suốt. Mứt khoai vàng ươm. Các thứ lá giong, lá chuối, gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, dừa bào, hành tiêu để gói các loại bánh chưng, bánh tét cũng đã được chuẩn bị chu tất. Gói bánh sớm để gửi biếu bà con trong họ, họ ngoại một cặp bánh chưng vuông, họ nội một đòn bánh tét dài. Má cũng không quên gửi mấy anh chị cùng làng về ăn Tết vài chữ kèm phong bao ra Bắc cho các bác tôi mua bánh trái, hương hoa về cúng ông bà cụ kỵ ngoài đó. Nghĩ đến cái không khí ẩm ướt mưa phùn, ho sù sụ trong chiếc áo bông, những ngón tay đỏ bầm vì lạnh hồi về thăm quê vào mùa đông mấy năm trước, răng tôi đánh vào nhau lập cập.
Ngày 29
Công ty đã nghỉ Tết. Không còn lý do để lẩn việc nhà  nữa lại thêm muốn ra vẻ năm nay mình cũng đã lớn bộn, chứ không còn nhỏ nhít gì nữa, tôi xem đi xem lại những thứ trong bếp, trong tủ lạnh, rồi phóng xe đi chợ  sắm Tết. Đã ghi nhớ mọi việc trong đầu suốt đoạn đường, vậy mà vào chợ thấy bề bộn hàng hóa, rau quả, thực phẩm tôi chẳng biết nên mua những thứ gì trước, thứ gì sau. Cuối cùng vẫn là thấy thứ gì cần mua thứ ấy. Chọn mua 3 ký thịt heo ngon và hai chục hội vịt mới để làm món thịt kho tàu. Mua mướp đắng, nạc dăm để nấu khổ qua. Một vài thứ rau củ để được lâu và vài thứ bánh tráng, măng, miến, nấm mèo. Tai heo ngâm giấm, dưa giá, kim chi, củ kiệu thì hai thành viên đảm đang trong nhà là má và chị Hai đã chu toàn rồi, mua thêm mà dư là bỏ uổng. Còn gì nữa nhỉ? À, mâm ngũ quả (những thứ này còn đến phần tôi là vì má và chị Hai sợ mua sớm,  mâm ngũ quả chả thể thọ nổi tới khi dập chân nhang). Tôi mua dừa, xoài, mãng cầu, đu đủ theo đúng câu khấn: “Cầu vừa đủ xài”. Bụng thầm cười: sao không cầu cho dư  mà chỉ đủ xài nhỉ?
Sáng 30
 Nhà cửa trang hoàng bày biện xong xuôi cả. Hai quả dưa hấu nặng cả chục ký,  bày hai bên bàn thờ, trên mỗi quả dưa đều có dán chữ phước bằng giấy hồng điều. Giữa bàn thờ là mâm ngũ quả  với đầy đủ mọi loại trái cây bưởi, mận, vú sữa, táo, quýt, sapoche…, lại còn có cả một chùm sung để cầu cho một năm sung túc đủ đầy nữa.  Một cây mai chúm chím nụ với vài cái bông nở hết đã làm vàng rực góc căn phòng khách. Một cành đào hồng hồng hơi có vẻ nhợt nhạt yếu ớt bên cây tắc sum sê những trái vàng tươi. Thằng Út thương cành đào nhiều nụ ít bông, khơ khẳng nên lấy giấy hồng điều cắt làm hoa giả dán lên. Nó cắt rất khéo, cành đào rực rỡ y chang hoa thiệt  nhưng đồ giả thì có đẹp đến mấy, cũng vẫn là đồ giả thôi.
Cả nhà xúm vào lo cơm cúng tất niên, có gà, có gỏi, có chân giò hầm thuốc bắc, có thịt nguội bát bửu, thịt kho tàu, có canh măng hầm cũng có cả canh khổ qua. Trong gia đình tôi, các món ăn bao giờ cũng được nấu theo hai kiểu bắc, nam. Chỉ có điều, ba thì thích giả cầy, giò thủ má lại hay ăn các món dưa giá, gỏi chua. Ba chị em tôi thì món gì cũng làm láng. Má bảo: Tụi này ăn tạp như cá măng. Tôi kêu: Câu này má học của con đó nghen!
Đêm 30
Cái câu tối thui như đêm 30 không đúng với Tết ở tỉnh thành, chí ít cũng không đúng với Tết ở khu phố này. 11 giờ khuya mà thấy đường đi lối lại vẫn sáng trưng. Nhà nào cũng đèn điện, nhang nến làm gì mà chẳng sáng. Mùi nhang đèn, mùi hương hoa bánh trái hắt cả ra đường, tạo nên hương vị của ngày Tết thật đậm nét. Ở nhà, má cũng làm xong cỗ cúng giao thừa. Một con gà trống luộc, mỏ có ngậm hoa hồng. Bánh chưng bánh  tét xắt miếng. Dĩ nhiên có thêm cả món thịt kho hột vịt của tôi nữa.
Tiếng trống giao thừa vừa cất lên. Ba tôi trong bộ veston trịnh trọng bước vô chúc Tết cả nhà. Ba chúc cả nhà làm ăn phát tài, hên nhiều, rủi ít. Ba cũng lì xì  cho cả chị Hai, tôi và thằng Út. Chúc chị Hai tôi sớm có bồ, chúc tôi “người lớn" hơn một chút, chúc cậu Út ngoan, học giỏi. Chị Hai cũng đại diện cả 3 chị em chúc ba má mạnh khỏe, làm ăn phát tài, luôn hạnh phúc. Lời chúc trịnh trọng nghiêm túc của chị khiến tôi  suýt phì cười. Sau giao thừa, ba má ở nhà  chờ các anh chị bên  bác Hai sang chúc Tết. Tôi theo tụi bạn cùng phố đi hái lộc. Dạo hết các chùa thấy còn sớm, người đi đường vẫn đông, cả bọn lại kéo nhau lên Thích ca Phật đài. Leo lên chỗ tượng phật nằm  ngào ngạt nhang khói, con Hà bấu tay tôi:
- Từ nãy giờ thắp nhang hoài mà không thấy cầu?
- Cầu gì giờ?
- Thì cầu cho chóng có bồ; mà bồ phải đẹp trai, ga lăng để giao thừa sang năm hai đứa còn dắt tay nhau lên đây cúng: “nam mô di bố phụ hữu duyên mà thiên lý ngộ, ngộ kỳ thời, con sáo nó sang sông, ra giêng anh cưới em” í mà.
Tôi không cười, thấy bồn chồn nóng ruột. Không biết bây giờ người ta đang làm gì? Giá chi lời ước của nhỏ Hà thành sự thực. Tôi đã 23 tuổi rồi còn gì.
Ngày mùng một
Có lẽ chẳng có ngày nào mà mệt mỏi và đáng ngán đối với tôi như ngày mùng 1. Buổi sáng làm nhiệm vụ của chủ nhà  lì xì cho mấy đứa nhóc, nhận lì xì từ mấy người lớn (khoản này hiếm hoi lắm nha, vì tôi đã đi làm nên hết tuổi nhận lì xì rồi). Thỉnh thoảng tôi lại phải chạy ra chạy vô mang đồ ăn lấy đồ uống theo lệnh của ba và chị, nếm một chút mứt tết cùng khách, nghe chúc tụng những câu giống nhau như đúc ra từ một khuôn.
Không tâm sự tình cảnh, nỗi niềm, không nói chuyện buồn chán, nên khách hầu hết  chỉ ăn uống, ngó nghiêng, khen những lời khen giống nhau  như: Cây mai đẹp quá, hoa Tết cháu nó cắm đẹp thật, mấy cháu lớn quá, ngoan quá, mứt chị làm khéo thế... Buổi chiều,  tôi lại phải làm cái nhiệm vụ của các vị khách, nghĩa là cùng ba, má đi chúc Tết; lại chúc, lại ăn mứt, lại cắn hạt dưa, lại nói y chang những câu, mọi người đã nói lúc sáng. Rồng rắn hết nhà bà con, hàng xóm cũng tới tối mới về tới nhà.
Sáng mùng hai 
Nếu ngày mùng một người ta chỉ đi chúc Tết quanh quẩn thì mùng hai mọi người, nhất là lớp nam thanh nữ tú tụi tôi, như bị dồn cả ra đường. Người nào cũng bận đồ thật đẹp; váy, áo dài thướt tha, lướt qua lướt lại. Một số tiệm ăn, giải khát, rau quả, tạp hóa đã khai trương. Hàng hóa tuy lèo tèo nhưng cũng có khá nhiều người mua. Trừ những quán cà phê mà tụi tui thường ghé vào kêu ly chanh đá uống đỡ khát, còn lại tôi chẳng bao giờ mua bất cứ cái gì vào ngày mùng hai, mùng ba vì mọi thứ đều mắc và rất có thể lại là đồ second hand nữa. Trên mấy đường hẻm có mấy ông trung niên và một đám trẻ con tụ tập xem đá gà. Cái thú chơi này xem ra không còn thịnh hành bằng những bàn bida ở ngay cạnh đấy nữa. Nhưng có lẽ đàn bà và lũ nhóc tập trung đông nhất trên mấy đường lớn để xem múa lân. Cái đầu lân với những sợi râu bạc lắc qua lắc lại không thu hút người xem bằng ông địa tròn trĩnh với cái mồm toe toét và cái bụng chang bang. Thỉnh thoảng ông địa lại cầm cái quạt, sấn tới, quạt thốc vào mấy đứa táo tợn cứ bám sát để lật bụng hay mặt nạ của ông. Hồi năm cấp II, tôi cũng hay tham gia phong trào múa lân lấy tiền thưởng gây quỹ lớp hoặc quỹ từ thiện. Bây giờ nhìn những võ sĩ trang bị đại đao, mã tấu, trống kèn rộn rã sau lân bỗng thấy nôn nao, náo nức…
Tối mùng hai, mấy đứa lại kéo nhau đi hội chợ xuân với rất nhiều trò chơi vui; ném vòng, bắn súng, quay số... Toàn những trò cũ xì nhưng tôi vẫn chẳng bao giờ được gì. Tụi con Hà, thằng Toàn chơi trò quay tiền lẻ rất hên được một mớ mì gói, bánh quy, nước ngọt nên ham lắm, có bao nhiêu tiền lì xì dốc ra chơi hết. Nhìn cái bịch nặng những chiến lợi phẩm bất đắc dĩ trên tay nhỏ Uyên mới thấy buồn cười: Nếu tổng số tiền mua vé được dùng để mua những thứ đồ đó thì số quà phải được gấp đôi, mà lại đỡ công mong ngóng lo lắng. Thế mà những trò chơi thực ra là một kiểu bán hàng khôn khéo đó vẫn thu hút được bao nhiêu người. Tức cười thật.
Sáng mùng ba
Vậy là hết Tết. Ngày mai đi làm rồi. Sao một tuần nghỉ Tết trôi qua nhanh thế ? Nghĩ tới chuyện 6giờ sáng mai phải bò dậy mà ớn. Tính nướng thêm một chút nữa nhưng tiếng ba má bàn tính chuyện gì đó, cả tiếng nhạc thằng Út mở to tướng khiến tôi phải bật dậy. Má dặn bữa nay phải làm cơm cúng ông bà, có mời chú, bác và mấy người bạn của bố tới nên hai đứa bây ráng làm cẩn thận. Má và chị Hai làm món chả giò. Tôi loay hoay với món cuốn tôm cổ truyền của gia đình. Món này ăn ngon, cuốn cũng nhanh, nhưng chuẩn bị thì lâu lắc. Mất gần một giờ sau, những chiếc cuốn tôm cuộn hành nhúng, rau thơm, bắp cải, tôm, thịt mới được xếp vòng tròn trên ba chiếc đĩa sứ Trung Quốc trắng tinh. Khi những chiếc chả giò nhỏ nhắn, xinh xẻo đang vàng dần trong chảo, thì mùi thơm của nồi cháo cá lóc cũng ngào ngạt bốc lên. Má nhắc chị Hai trông chừng vớt gà để còn cho măng vào. Thêm một tiếng nữa thì những món ăn do mấy má con đạo diễn hoàn thiện. Hơi mắc cỡ là cái món tôi đạo diễn thì lại dở nhất vì những chiếc gỏi cuốn bị chê là to quá.
Tối mùng ba
Thế là hết Tết thật rồi. Tôi uể oải nhai miếng bánh tét, dúm lấy một dúm hạt dưa leo lên phòng mình. Làm gì bây giờ, người tôi mong đã không tới, đúng như dự đoán. Mà người ấy tới làm sao được? Bây giờ đang là thế kỷ hai mươi mốt rồi lấy đâu ra chàng hoàng tử cưỡi con ngựa bạch nữa chứ? Và con tàu với những cánh buồm đỏ thắm cũng chỉ xuất hiện trong những tiểu thuyết diễm tình mà thôi. Ước mơ sẽ mãi  chỉ là ước mơ. Thế mà ngốc nghếch sao, tôi cứ chờ, cứ đợi. Thật là trẻ con quá! Nghe nhạc vậy. Bài “Happy new year” quen thuộc  của băng ABBA với giọng nữ cao của  Agnetha Fältskog vút lên "No more champagne and the fireworks are through, here we are me and you, felling lost and felling blue... May we all have our hopes, our wills to try if we don’t we might as well lay down and die you and I - Rượu sampanh đã cạn rồi và pháo hoa cũng đã tàn. Tất cả chúng ta ngồi đây đều bỗng cảm thấy mất mát và cảm thấy buồn... Chúng ta tất cả đều mang trong mình những dự định những ước mơ nếu không chúng ta có khác chi người đã chết”. Bài chúc mừng năm mới sao mà buồn. Thay băng khác vậy. Hừm..  “Top of the world” xem nào. “ I’m on the top of the world, looking down on creation and the only  explanation I can find is the love that I ve found ever since  you’ve been around. Your love's put me at the top of the world... (Em đang ở trên đỉnh thế gian nhìn xuống nhân loại. Và lời giải thích duy nhất em có thể tìm thấy  cho niềm hạnh phúc này đó chính là tình yêu em có  từ lúc anh đến bên em. Tình yêu của anh đã khiến em thành người hạnh phúc nhất  thế gian). Quá chuẩn. Mong rằng thời gian còn lại sẽ là những ngày “ tột cùng hạnh phúc”.
Sáng mùng bốn
 Đang mơ màng theo thói quen nằm nướng, có từ cả tuần nay, thì tiếng má từ dưới vọng lên: Con Liên, thằng Út có dậy đi làm, đi học không? 6 giờ sáng rồi. Bộ tụi bây tưởng hôm nay vẫn còn Tết chắc?
 
Bùi Đế Yên
(Theo VNTG số 56 - xUÂN 2013)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 370
  • Khách viếng thăm: 365
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 52631
  • Tháng hiện tại: 1474289
  • Tổng lượt truy cập: 47848416