Vĩnh biệt nhạc sĩ Trần Linh

Đăng lúc: Thứ ba - 15/11/2016 14:22
Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, nhạc sĩ Trần Linh đã trở về yên nghỉ vĩnh viễn tại Cái Bè, quê hương của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác như: Hoàng Việt, Anh Việt Thu…
Nhạc sĩ Trần Linh, người mà chúng tôi vẫn gọi thân mật là “Anh Ba Trần Linh”, là một trong những nhạc sĩ thế hệ lão thành của tỉnh Tiền Giang, cùng thời với các nhạc sĩ: Văn Lưu, Việt Trung, Nguyễn Nhuận…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp về Cái Bè thuyết trình về ca khúc chính trị và khiêu vũ quốc tế đang phổ biến trong Đoàn viên, thanh niên. Bấy giờ, anh là trưởng ban Tuyên huấn (Bây giờ là Ban Tuyên giáo) Huyện ủy Cái Bè. Anh Ba tham dự và lắng nghe chăm chú, rồi anh chỉ đạo thanh niên trong huyện nên tích cực tham gia vào hai loại hình này. Qua đó, tôi biết anh là con người cởi mở trong nghệ thuật, luôn tiếp thu những cái mới.

Thời gian sau anh được phân công về làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin rồi Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật. Lúc nầy chúng tôi có dịp gần gũi anh hơn. Ngoài đời anh ba Trần Linh là con người sống giản dị, hiền lành, rất hòa đồng với anh em văn nghệ sĩ. Nếu ai có khuyết điểm gì, anh nhẹ nhàng chỉ bảo. Trong công việc anh rất nghiêm túc và trách nhiệm. Vì thế anh rất được lòng với giới văn nghệ sĩ. Khi anh đã nghỉ hưu, chúng tôi mời anh họp chi hội, hay tham dự buổi sinh hoạt nào đó, anh luôn có mặt và đóng góp ý kiến một cách nhiệt tình.

Những ca khúc của nhạc sĩ Trần Linh hầu hết đều đơn giản, không cầu kỳ, dễ hát, dễ nghe, mang sự chân chất như bản tính của anh. Ca khúc của anh được mọi người biết đến đều được sáng tác trong thời chiến tranh. Những bài hát ấy đã cổ vũ, động viên mọi người hăng hái tham gia vào việc chống Mỹ cứu nước như bài hát: Ngợi ca chị Lê Thị Hồng Gấm(1966), Phất cao cờ Ấp Bắc(1967), Dân ta không sờn bom pháo(1967), Xông lên cướp chánh quyền(1968)… được đoàn văn công Đồng Tháp dàn dựng, biểu diễn trong khắp nơi trong vùng giải phóng.

Giai điệu trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Linh đều lạc quan, trong sáng. Ca từ giản dị, dễ hiểu, pha chút dí dỏm, vui tươi, mang tính cổ động, gần với thể loại nhạc hát nói. Như bài hát: Đố anh(1996), viết về đề tài dân số: “..Em đố anh, đố anh vợ chồng nên có mấy con?” Hay bài: Em chỉ huy(1994) về đề tài nghĩa vụ quân sự: “…Ngày mai nầy em sẽ lấy chồng, chồng của em phải là người lính, anh đã hoàn thành nghĩa vụ thanh niên…”.

Bên cạnh đó cũng có ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ như bài: Tôi yêu Tiền Giang, Về thăm Tân Phong. Ngoài việc sáng tác, anh còn có giọng hát hào sảng và tình cảm, từng biểu diễn khắp nơi trong vùng giải phóng, được nhiều người yêu mến.

Nhìn chung nhạc sĩ Trần Linh sáng tác không nhiều, nhưng những bài hát của anh luôn mang lại ấn tượng sâu sắc, khó quên cho người nghe. Bài hát anh gửi chúng tôi dàn dựng gần đây nhất là một ca khúc viết về cây cầu Rạch Miễu. Bài hát mang nét trẻ trung, sôi nổi, nói lên niềm vui nối liền giữa hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Mới đây, chúng tôi có bàn bạc sẽ thực hiện một CD nhạc của anh, nhưng giờ đây không còn kịp nữa để anh nghe! Vĩnh biệt nhạc sĩ Trần Linh. Vĩnh biệt một cánh chim đầu đàn trong giới sáng tác nhạc Tiền Giang. Anh đi xa nhưng những bài hát của anh sẽ còn ở lại mãi với chúng ta.

Ngô Ngọc Hùng
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 73)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 353
  • Khách viếng thăm: 351
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 37719
  • Tháng hiện tại: 1679132
  • Tổng lượt truy cập: 48053259