Chơi vơi cùng những mảnh ghép rất đời!

Đăng lúc: Thứ ba - 29/12/2009 15:11
Phạm Linh Đan và Trịnh Hải Yến trong phim

Phạm Linh Đan và Trịnh Hải Yến trong phim

Ngột ngạt, chông chênh đó là cảm giác xâm chiếm lấy tôi từ khi bắt đầu theo dõi bộ phim “Chơi vơi” và cảm giác ấy vẫn còn đọng lại rất lâu sau khi rời rạp. Với sự góp mặt của dàn diễn viên ngôi sao: Phạm Linh Đan, Trịnh Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn,… qua bàn tay phù phép của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, bộ phim đã đưa người xem vào mê cung của cảm xúc.

Mở đầu phim bằng cảnh một đám cưới bình dân nhưng không kém phần vui tươi, huyên náo ở một khu phố chật chội, cũ kỹ nào đó của Hà Nội. Duyên (Trịnh Hải Yến), cô gái trẻ trung, xinh xắn và lãng mạn quyết định đám cưới với Hải (Duy Khoa), một tài xế taxi trẻ hơn cô hai tuổi sau chỉ ba tháng quen biết. Và rồi ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc bắt đầu nhạt nhòa khi cô dần dần nhận ra chồng mình vẫn còn là một đứa trẻ chưa thoát khỏi vòng tay mẹ. Càng oái ăm hơn khi Hải ngô nghê kiêng cữ chuyện vợ chồng chỉ vì đã trót hứa sẽ không đem xui xẻo cho một người khách ruột trong những cuộc đỏ đen.

Duyên đã tìm đến Cầm (Phạm Linh Đan) - một nhà văn từng trải và là người bạn đã từng gắn bó với Duyên trước khi cô lấy chồng để rồi tình tiết phim đưa đẩy Duyên bắt đầu cuộc phiêu lưu tình ái với Thổ (Johnny Trí Nguyễn) một cách tự nhiên và mãnh liệt. Từ đây, người xem bắt đầu bị đưa mê cung những mối quan hệ tình cảm phức tạp: Tình yêu trong sáng của Duyên dành cho chồng, mối tình vụng trộm hết sức mãnh liệt với Thổ; mối tình đồng tính lặng câm mà sâu sắc của Cầm dành cho Duyên, mối tình đơn phương trong vô vọng đầy ám ảnh của Vy (Linh Dung) dành cho Thổ, và mối tình đầy ám ảnh trong quá khứ của ông nội Duyên… Chuyện phim cứ quẩn quanh trong những bối cảnh chật hẹp, cũ kỹ cùng những mối quan hệ tình cảm thầm kín, kìm nén. Sự kìm nén trong lặng lẽ của Duyên, sự kìm nén trong đau khổ tột cùng của Vy, trong khi đó sự kìm nén của Cầm thì vừa dịu êm lại vừa dữ dội. Tất cả dường như bị cuốn vào một dòng xoáy bất tận của xúc cảm bản năng.

Poster chính thức của bộ phim với hình ảnh hai phụ nữ khỏa thân ngồi đâu lưng lại nhau dưới một tấm chăn, dễ khiến khán giả nghĩ tới một mối tình đồng tính nữ. Nhưng “Chơi vơi” thực ra lại là câu chuyện về những ẩn ức tính dục. Xem phim, hẳn ai cũng cảm nhận được sự “bất thường” trong mối quan hệ giữa Duyên và Cầm. Một trong trắng yếu đuối mảnh mai trong chiếc váy trắng, một gai góc mạnh mẽ già dặn trong trang phục đen tưởng như tương phản nhau nhưng lại gắn kết nhau như hai phần của một bản thể. Họ hai mặt đối lập trong tâm hồn của một phụ nữ. Cầm ngã quỵ xuống trong cơn đau khổ sau đám cưới của Duyên, nhưng sau đó cũng chính Cầm đã sắp đặt để Duyên sa vào vòng tay Thổ. Cầm như vừa muốn thỏa nỗi hờn ghen, vừa muốn cho Duyên đạt được cái hạnh phúc cô xứng đáng có nó. Đề tài mà bộ phim “Chơi vơi” khai thác: ngoại tình và đồng tính, không còn là một đề tài mới trên màn ảnh Việt. Thế nhưng bộ phim lại thu hút người xem bằng lối kể chuyện chậm rãi, cảm xúc nhân vật kìm nén mà tinh tế, chuyện phim như những mảnh ghép đầy mâu thuẫn, rất sống động và rất đời.


Poster chính thức của bộ phim

Góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim chính là nét diễn xuất độc đáo của dàn diễn viên. Phạm Linh Đan của “Đông Dương”, “Ba mùa” trước đây tiếp tục chứng tỏ đẳng cấp bằng lối diễn xuất hết sức tinh tế và độc đáo với cách diễn xuất lặng lẽ, thoại chậm rãi. Tôi nhớ mãi đôi mắt chất chứa ẩn ức, khắc khoải và dữ dội của nhân vật Cầm trong phim khi cố kiềm chế những cảm xúc sâu kín trong lòng về mối tình đồng tính với Duyên. Tất cả những biến chuyển trong đời Duyên từ lúc cô lấy chồng cho đến khi Duyên phiêu lưu tình ái cùng Thổ, đều làm cho Cầm hết sức đau khổ, nhưng niềm đau ấy lại được chôn chặt trong lòng đến độ uất nghẹn, đau đớn tột cùng.

Bên cạnh Cầm là Duyên ngây thơ và trong sáng, được Đỗ Hải Yến thể hiện một cách tự nhiên, sinh động. Vai Thổ của Johnny Trí Nguyễn tuy ít đất diễn hơn nhưng vẫn để lại ấn tượng bằng sự nam tính và bí ẩn trong tính cách. Trong khi đó, Duy Khoa với gương mặt baby lại khá thành công với tính cách trẻ con, suy nghĩ giản đơn của Hải.

Những nhân vật phụ của “Chơi vơi” cũng để lại khá nhiều ấn tượng. Đó là vai của hai cha con sống cùng chung cư. Người cha mê chơi đá gà ăn trộm tiền tiết kiệm của con, cô con gái thì thích tắm bồn tắm hoa sen, bà mẹ của Hải thì không cần giấu giếm tình cảm thiên vị dành cho cậu con trai trưởng; bà mẹ góa của Cầm chăm sóc tận tình cho con gái bằng từng nồi lá xông… Những nét chấm phá số phận, những nhân vật điển hình đã vẽ nên trong “Chơi vơi” một bức tranh cuộc sống hết sức sinh động, đầy đặn. 

Âm nhạc cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của bộ phim. Những ca khúc vốn đã quen thuộc của Ngọc Đại, được làm mới qua giọng ca liêu trai của Linh Dung khiến tôi nhiều lần sởn gai óc. Hình ảnh Thổ dùng dao rọc chiếc áo cưới thuê của Duyên và hình ảnh mổ xác Vy được lồng trong ca khúc “Dệt tầm gai” là những cảnh đầy ám ảnh tôi khi xem bộ phim này.

“Chơi vơi” tuy không có những khuôn hình đẹp nhưng tôi đặc biệt thích cái không khí ngột ngạt u ám được tạo ra từ những góc máy lạ. Những cầu thang tối, cửa sổ với chút ánh sáng ngày mưa, đường sá ngập nước, những ngôi nhà rêu phong, tường vôi loang lổ… đều được tận dụng triệt để cho ý đồ của đạo diễn. Tất cả dường như không có sự sắp đặt nào, dù thực tế đó là một sự sắp đặt hoàn hảo, logic và đầy ý đồ nghệ thuật.

Theo tôi, “Chơi vơi” là một bộ phim khó xem và không dành cho số đông khán giả bởi tính giải trí của nó không cao như những bộ phim Việt Nam trước đây. Kết thúc của bộ phim cũng thật bất ngờ, đặt người xem ở một vị trí chơi vơi, khắc khoải đến cùng cực. Chắc chắn sẽ có những ý kiến rất khác nhau về “Chơi vơi”. Đó cũng là điều thường thấy đối với những tác phẩm mang tính tìm tòi, thể nghiệm. Dù có khen hay chê, Bùi Thạc Chuyên cũng đã để lại một dấu ấn nghệ thuật sâu đậm cho những khán giả của “Chơi vơi”.

CHƠI VƠI
- Hãng phim Truyện I và Acrobates Film hợp tác sản xuất
- Kịch bản: Phan Đăng Di
- Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên
-  Diễn viên: NSND Như Quỳnh, Phạm Linh Đan, Đỗ Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn, Duy Khoa, Linh Dung,..
- Giải thưởng của Hiệp hội Phê bình Điện Ảnh Quốc tế (Fipresci Prize) tại LHP Venice lần thứ 66..
- Giải “Hiệu quả âm thanh xuất sắc nhất” (Best sound effects). Liên hoan phim (LHP) châu Á - Thái Bình Dương lần 53
- Giải đạo diễn, quay phim và thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất  LHP Việt Nam lần thứ 16.   

(Bài thu hoạch lớp "Tập huấn, bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật"
do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương
tổ chức tại TP.Cần Thơ từ ngày 16-22/11/2009)

Trương Trọng Nghĩa
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 37)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 202
  • Khách viếng thăm: 201
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 39322
  • Tháng hiện tại: 2271872
  • Tổng lượt truy cập: 46239105