Người lớn mua sắm đã đành, trẻ con càng háo hức. Ngày xưa, trẻ con theo mẹ đi chợ để được mua dăm xu pháo tép, mấy củ khoai cột xâu vào một cái que, xâu táo vườn hay mấy bức tranh gà lợn xanh đỏ về treo trên vách. Đi mỏi chân, chen mệt người, quần áo có khi lấm lem bùn đất vì chợ cuối năm thường có mưa phùn, nhưng bọn trẻ cảm thấy sung sướng mãn nguyện lắm.
Ngày nay, chợ Tết càng đông vui bởi đời sống đã dần khá lên. Người ta đi mua sắm để khoe sang, khoe giàu. Người nghèo chí ít cũng soạn mâm ngũ quả, thẻ hương cúng ông bà, vài đòn bánh chưng bánh tét, nắm hoa vạn thọ cắm bình mời các cụ về ăn Tết cùng con cháu.
Các nhà thơ của chúng ta cũng săm sắn, hồ hởi đi chợ Tết. Nhưng chắc các nhà thơ đi chợ, sắm thì ít mà… ngắm thì nhiều. Đây là phiên “Chợ Tết” ở miền quê Nam Định của nhà thơ Đoàn Văn Cừ hồi giữa thế kỷ trước:
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân…
Phiên chợ Tết quê ấy thật náo nhiệt, sinh động, hấp dẫn. Nhà thơ Vũ Duy Thông “Đi chợ hoa” ở Hà Thành:
Người ta đi sắm, mình đi ngắm
Mắt thỏa thuê nhìn hoa với hoa
Và anh thấy:
Yêu hoa ai cũng thành thi sĩ
Vẫn chiu chít nụ đợi ngày xanh
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “”Đi chợ Tết” “mua” được rất nhiều thứ, cứ ngỡ anh giàu có lắm, hóa ra anh vẫn chỉ là… thi sĩ thôi, và anh mua được (không phải, anh được biếu) một thứ vô giá:
Người ta mua rượu mua hoa
Tôi đi mua tuổi làm quà tặng tôi
Người ta khăn xếp, áo sồi
Tôi mua thảng thốt chuỗi cười ròn tan
Người ta ngà ngọc bạc vàng
Tôi may mắn được tấm voan sương mù
Mắt nàng đầy ắp mộng mơ
Biếu không tôi
Một bài thơ
Không mùa.
Nhà thơ Nguyễn Văn Chương cũng “Đi chợ Tết” giống như vậy:
Tôi mua ánh mắt, nụ cười
Của cô bán quả, của người tỉa bông
Nhưng khi sờ đến túi thì… không có tiền, nhà thơ đành hỏi: “Không tiền mua chịu được không ?” và giống như mấy anh ngông đi vay tiền ngân hàng để… in thơ, nhà thơ thế chấp: “Tôi xin thế chấp dòng sông, cây cầu”. Tất nhiên chẳng ai dám nhận của thế chấp ấy, vì đó là tài sản quốc gia. Không mua được, cuối cùng, nhà thơ đành ngơ ngác:
Mùa xuân xinh đẹp về đâu
Cho tôi theo với, chợ lâu hết người.
Nhà thơ Đồng Đức Bốn đi “Chợ”, nhà thơ Phạm Nguyên Tường đi “Chợ tang bồng”, còn nhà thơ Tô Hoàn đến “Chợ đời”:
Mình ngồi góc chợ ẩm ương
Thuận mua vừa bán đoạn trường với nhau.
(Phạm Nguyên Tường)
Chợ đời như ớt vốn cay
Như men để ngấm ngất ngây đổ trời
Đã sa vào chốn chợ đời
Bán mua hết cả kiếp người chưa xong.
(Tô Hoàn)
Chợ buồn bán nhớ cho quên
Bán mưa cho nắng, bán đêm cho ngày
Chợ buồn bán tỉnh cho say
Bán thương suốt một đời này cho yêu.
(Đồng Đức Bốn)
Nhà thơ Lê Văn Vọng đi chợ Tết chỉ để chờ người yêu: “Chợ Tết chỉ còn một phiên/Hẹn em, anh chờ, chẳng thấy”. Thì ra các nhà thơ có trăm ngàn lý do để đi chợ Tết. Còn các nhà thơ nữ đi chợ chắc là mua sắm nhiều thứ lắm, vì họ là những người nội trợ đảm đang. Ta thử xem nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mua gì:
Tôi mua gà đất tuổi thơ tôi
Gà đất bây chừ nằm trong đất
Tiếng gáy còn tươi rộn giữa trời!
Té ra chị đi mua kỷ niệm. Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, ngược lại, đi chợ để bán:
Tơ vương tóc rối chân gà
Ai mua tôi bán - để mà cầu duyên.
Các nhà thơ đi chợ Tết, tưởng là họ mua bán được nhiều thứ lắm, té ra chẳng có gì, trước sau, họ vẫn chỉ là… nhà thơ thôi. Bù lại, họ được no con mắt ngắm và tâm hồn dào dạt nên mới có nhiều thơ “Đi chợ Tết” tặng bạn đọc. Thế cũng đủ vui rồi!
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc