Bài thơ vận vào phận người hay thân phận của bài thơ vận vào nhà thơ? Có bài thơ chỉ được trao giải thưởng khi ban giám khảo biết rằng nhà thơ đã chết. Có nhà thơ suốt đời lận đận, lao đao vì bài thơ bị cho là phạm huý, ám chỉ về chính trị.
Bài thơ ra đời từ thế giới vô thức, tuôn trào trên trang giấy (màn hình) giống như tia chớp lóe sáng giữa bầu trời và biến mất không để lại dấu vết gì trong tiềm thức. Kể từ khoảnh khắc đó, bài thơ bắt đầu có số phận riêng. Tuy nhiên, hình tượng bài thơ vẫn như một vết xước ám ảnh tâm thức của nhà thơ. Bài thơ như một sinh linh bé bỏng bước ra giữa cuộc đời. Có thể nó sẽ vụt lớn dậy. Có thể nó sẽ chịu số phận hẩm hiu bị lãng quên. Dù thế nào thì mỗi bài thơ cũng có số phận riêng giống như số phận của nhà thơ vậy.
Số phận của bài thơ làm lên tên tuổi của nhà thơ và tạo nên vị thế của nhà thơ trong thế giới tâm linh của người đọc. Nhà thơ Lê Đạt từng viết đại ý rằng: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Thực ra, chữ trong bài thơ do nhà thơ tạo ra trên cơ sở chuẩn mực ngôn ngữ của cộng đồng. Chữ chỉ “bầu” lên nhà thơ khi nó mang dấu ấn tâm hồn, tính cách và sự sáng tạo của nhà thơ. Khi bài thơ ra đời và được in ấn, công bố, từng con chữ và toàn bộ bài thơ chỉ tồn tại và tái sinh trong thế giới tâm hồn của người đọc. Mặc dù hình thức và nội dung bài thơ có giá trị tự thân, nội tại nhưng nếu bài thơ chưa được bạn đọc tiếp nhận thì nó chỉ là những con chữ vô tri, thiếu sức sống...
Hình hài của bài thơ được cấu tạo bởi từng con chữ, hình tượng và nhịp điệu của bài thơ. Hình hài của bài thơ mang máu thịt tâm hồn và mang dấu ấn đời sống tâm linh của nhà thơ. Chính vì thế số phận của bài thơ thường gắn liền và mang bóng dáng số phận cuộc đời của nhà thơ. Những bài thơ tình, những bài thơ viết về những mối tình tan vỡ, dở dang lại thường là những bài thơ hay. Số phận một cuộc tình thường sống mãi trong tâm hồn nhà thơ và được chuyển hóa thành thế giới hình tượng của bài thơ. Những cuộc tình ngắn ngủi, mong manh, dễ tan vỡ thường gợi cho nhà thơ viết lên những bài thơ tình say đắm, thổn thức hồn người.
Số phận của bài thơ cũng thường gắn liền với số phận của người đọc. Những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, tùy theo sự thay đổi của tâm trạng, kinh nghiệm sống và sự trải nghiệm, bạn đọc có thể thích bài thơ này hay không thích bài thơ khác. Nhiều bài thơ có thể thời tuổi trẻ một người nào đó rất thích nhưng tới một độ tuổi nào đó lại không còn yêu thích nữa. Họ rời bỏ những bài thơ này để hướng tâm hồn đến những bài thơ khác phù hợp với tâm trạng và sự trải nghiệm của họ hơn. Khi ấy bài thơ đã làm xong “sứ mệnh” của nó trong đời sống tâm hồn của mỗi người. Bài thơ đành nép mình trên trang giấy, trên màn hình chờ đợi “mắt xanh” của một bạn đọc tri âm vô danh nào đó...
Tôi tin bài thơ có số phận riêng. Có bài thơ hay bị một kẻ đạo thơ đánh cắp. Nó bị giải phẫu hình hài (thường bị làm xấu đi) và bị gán ghép nằm cạnh cái tên xa lạ nào đó. Tôi tin bài thơ đã bị tổn thương và nó mong mỏi ngày nào đó nó sẽ được trở về với hình hài thật của nó và nằm cạnh tên tác giả thật. Người xưa từng nói đại ý rằng trong chữ có máu và có cả ma quỷ. Tôi tin trong bài thơ có những mảnh linh hồn của nhà thơ. Người ta có thể cướp đi mạng sống của nhà thơ nhưng những mảnh linh hồn của nhà thơ trong mỗi bài thơ thì thường bất tử, sẽ chẳng có ai cướp được cả.
Khi nhà thơ tin vào số phận của bài thơ thì anh ta không cần phải toan tính tìm cách quảng bá, phổ biến tác phẩm. Sự tồn tại và sức sống nội tại của bài thơ sẽ quyết định số phận của nó. Khi bài thơ sinh sôi trong thế giới tâm linh của người đọc bài thơ sẽ trở thành một sinh linh, một số phận cần thiết cho con người và cuộc đời.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc