Người lính già ở chợ Thang Trong

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 09:50
Ông già mặt đầy nếp nhăn nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, kéo ghế mời tôi.
- Bữa trước vô chờ mãi tới chiều không gặp. Hôm nay may quá gặp được chú.
Nhìn ông già dễ mến, tôi hỏi:
- Dạ, tại sao bà con gọi chú là “Tư Chuột” ạ?
Ông cười hiền khô:
- Ba má tui đặt tên tui là Võ Văn Chuộc. Có lẽ nhờ chăm chỉ mần ăn có tiền mua ruộng đất và chuộc lại phần đất hồi ông nội thiếu nợ phải cầm cố cho địa chủ chắc? Ổng bà mừng là chuộc lại ruộng vườn từng khai khẩn. Ở đây gọi “Chuột” na ná “Chuộc”. Bà con gọi riết thành quen.

Ở miền Nam lạ lắm, tên thứ cứ gọi rất thoải mái. Ví dụ anh Thành thương binh mất cái chân trái. Thế là gọi luôn: Thành cụt! Anh Hai bị sốt co giật, gọi luôn: Hai méo! Tên người ta là Chuộc mà gọi là “Chuột”. Ở khắp ngã tư chợ Thang Trong này, già trẻ lớn nhỏ gần như đều thương mến ông Tư. Đức tính chịu khó, ham làm và bình dị khiêm nhường, sống thân thiện, đoàn kết chan hòa là phẩm chất nổi bật của chú Tư Chuộc, là nét đẹp đạo đức Hồ Chí Minh của anh bộ đội Cụ Hồ được trui rèn gần ba mươi năm trong quân đội.
Năm 1998, khi tôi tìm hiểu viết bài về kênh đào Bảo Định, mới biết chợ Phú Kiết, thuộc huyện Chợ Gạo còn có tên gọi là chợ Thang Trong (Thang Trông, âm địa phương gọi “trong”). Phú Kiết là xã có nhiều chiến công qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và, hiện nay là xã nông thôn mới, nhiều thanh niên giỏi sản xuất kinh doanh, góp phần làm giàu cho làng quê.
Bữa trước ngồi chờ từ sáng tới chiều, ông đâu mất tăm. Cô Sáu bảo tôi:
- Ông ấy đang ở quanh quẩn đâu đây. Điện thoại không xài, sao gọi ổng? Cháu viết giấy hẹn ổng, cô đưa cho.
Cái ông này cá tính vậy. Không xài điện thoại, không chạy xe máy. Bà vợ thì chạy xe ào ào, tính sôi nổi, không ngồi yên một chỗ. Vậy mà sống chung thuận hòa êm ấm. Có lẽ do tính nhường nhịn, bao dung nhân từ của ông? Bà bảo:
- Tánh ông vậy đó. Cái nòi giống hiền lành từ đời ông cố tới giờ.
Ông bà nội của chú Tư tham gia chống Pháp. Các bác, cô chú cũng tiếp nối truyền thống gia đình. Tụi ngụy treo bảng trước nhà: “Gia đình Việt Cộng”! Mỗi chuyến càn quét, ruồng bố là chúng nhào vô nhà chú đầu tiên.
- Ê, nhà Việt Cộng! Đốt sạch đi tụi bây!
Ba má của chú Tư tham gia kháng Pháp chống Mỹ. Người cha hy sinh thời kháng Pháp. Má của chú một mình thay chồng nuôi bầy con thơ dại. Chợ Thang Trong là trung điểm nên bọn giặc quyết chiếm đóng, bình định cho bằng được! Bến Tranh - Phú Kiết - Tịnh Hà - Tân Hiệp - Mỹ Tho là liên kết chiến lược của kế hoạch bình định nông thôn, rẽ nước bắt cá của Mỹ - ngụy. Cơ sở cách mạng ở Phú Kiết bị đánh tan nát. Nhiều người chịu không nổi phải chiêu hồi. Gia đình ông vẫn kiên trung theo Đảng, theo Cụ Hồ. Những năm 1968 - 1972, giặc ruồng bố gắt gao, hòng đánh bật cán bộ ra khỏi dân. Một buổi sáng mùa khô năm 1972, tụi bình định nhào vô xăm hầm, phá tan nhà cửa, bàn thờ nhà ông:
- Nhà mày ăn cơm quốc gia thờ ma Việt Cộng!
Chúng lấy tấm hình ba của ông đem về đồn Phú Kiết đốt bỏ. Bây giờ bàn thờ thân phụ trống không. Mỗi lần đốt nhang là mỗi lần khắc ghi mối thù! Chúng gọi nhà Việt Cộng thì cầm súng chơi tới cùng với chúng. Mấy chị em gái làm giao liên. Hai anh em trai thì đi bộ đội chính quy, thoát ly gia đình. Bà mẹ một mình, gồng gánh gia đình, tiếp tế gạo tiền và thuốc men cho cán bộ. Bà mới mất cách đây hai năm thôi, thọ 99 tuổi. Khổ đau tận cùng vậy mà người mẹ đã sống cội thọ. Ông dẫn tôi tới trước bàn thờ gia tiên, thắp một nén nhang cho ông bà và chú út liệt sĩ. Phía trước sân, mộ bà mẹ anh hùng xây bằng đá hoa cương uy nghi. Còn mộ của ông và chú út không thấy đâu. Tôi thắc mắc:
- Chú ơi! Sao không để ba người ở chung mà chỉ mình bà nằm đây?
- Sau 1975, xã quy tập liệt sĩ về nghĩa trang. Má đồng ý cho hai cha con về nằm ở đó. Bà dặn: Nhà mình chia đôi. Ba mày và thằng út theo đồng đội. Sau này, tao trăm tuổi già thì để tại vườn nhà... Bà dặn sao, con cháu làm vậy.
Ngôi nhà bé nhỏ làm nơi thờ phụng lớp ngói âm dương cũ kỹ. Mái dột lỗ chỗ. Nền thấp ẩm ướt. Ông ngậm ngùi:
- Muốn tu sửa thờ phụng linh thiêng. Nhưng chưa đủ tiền, cháu ơi!
Tôi chợt nghĩ tới những biệt phủ xa hoa của quan tham giá hàng trăm tỷ... Hòa bình 1975, hầu hết sĩ quan, chiến sĩ giải ngũ về mần nông. Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy ở Lai Vung, Đồng Tháp về ruộng. Ông Tư cũng thế. Mần nông thì cắc củm từng đồng, sao giàu nhanh được? Nhìn cái nhà là biết đạo đức chủ nhân ngay! Anh bộ đội Cụ Hồ về sống chan hòa với nông dân. Ông bảo:    
- Cụ Hồ dặn: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, cán bộ là công bộc, là đầy tớ của dân. Cô út ngày ngày hương khói được rồi. Vài năm nữa tu sửa cũng kịp. Giờ nóng ruột làm ngay, vay mượn mắc nợ, liên lụy con cháu!
 
Chú Tư sinh năm 1940, nay đã vào hàng “cổ lai hi”. Năm 1961, chú nhập ngũ, đóng ở xã Quơn Long. Sau đó chuyển lên miền Đông, tỉnh Tây Ninh. Biền biệt quê hương từ đấy. Đơn vị chú phụ trách vận chuyển, bảo vệ vũ khí, quân trang quân nhu. Năm 1973, được đi an dưỡng theo Đoàn 83, ra miền Bắc. Mới đầu ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Sau tới Nam Hà. Tình cờ duyên trời, anh lính tập kết gặp được người con gái ra Bắc an dưỡng. Hẹn hò rồi chia tay. Năm 1974, anh xin trở lại chiến trường miền Nam. Những năm đó hy sinh nhiều lắm. Như phép màu, thần linh che chở, anh Tư Chuộc lành lặn trở về gặp lại người con gái đã hẹn hai năm trước. Năm 1976, họ làm lễ cưới. Điều đặc biệt là: người con gái ấy là người Campuchia. Cả nhà theo cách mạng, sang huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang sinh sống. Tình yêu, hôn nhân và lý tưởng cách mạng đã kết duyên hai người, hai đất nước làm một gia đình. Trước là đồng chí, nay là vợ chồng. Bà con ấp Phú Lợi A mở rộng vòng tay nhận cô dâu người Campuchia. Ông Tư bảo:
- Bà nhà tui bị bom B52 vùi tưởng chết. Giờ bị chứng đau đầu khi trở trời. Việc nhà, tui và các con lo hết! Cho bà tập dưỡng sinh giữ sức khỏe. Bà mê dưỡng sinh, học nhanh nhớ nên các ấp rước về huấn luyện.
Cách đây vài năm, phong trào thể dục dưỡng sinh của huyện Chợ Gạo phát triển rất mạnh. Người thắp lửa chính “Bà Tư dưỡng sinh”. Bà Tư dẫn đoàn Tiền Giang ra Nha Trang thi đấu đạt giải cao về mở tiệc ăn mừng tại nhà mới tôi dự. Bà nổi tiếng là nhờ ông nhưng ngày đó tôi không biết. Thì ra, thành tích của bà là nhờ ông tiếp sức động viên. Tính ít nói, nhường nhịn mọi người nên không ai biết nhiều về ông. Đó là cái đức khiêm nhường, bình dị của bộ đội Cụ Hồ, là phẩm chất của Hồ Chí Minh, hôm nay cán bộ đảng viên cần phải học tập và làm theo để phụng sự nhân dân. Chất người ấy đã thấm vô máu thịt của ông biểu hiện rất đỗi bình thường như ánh sáng tỏa ra, như dòng sông tự mang phù sa, như ngọn núi cao tự giấu mình. Tôi và nhiều người cứ kiếm tìm xa vời. Đài báo truyền thông thường tập trung tôn vinh những anh hùng chiến công vang dội. Ông già đang ngồi trước mặt tôi là hạt vàng lấp lánh ẩn khuất chốn làng quê. Những anh hùng áo vải chân đất. Hơn ba mươi năm qua, tôi không nhìn thấy!
Năm 1976, cưới vợ xong, ông ra mặt trận. Chiến tranh đẫm máu biên giới Campuchia năm 1978, ông qua chiến trường K. Nhiệm vụ của ông vẫn lo quân nhu, chuyển vũ khí qua Campuchia, chuyển thương binh, tử sĩ về Việt Nam. Ông kể:
- Mỗi đêm tui hay nhớ cảnh thương binh quằn quại, vết thương máu mủ hoại tử do thiếu kháng sinh. Liệt sĩ trong hòm sắt kín vẫn bốc mùi... Năm 1979 đến 1986, chiến sĩ thương vong tại Campuchia nhiều lắm! Em trai tui năm 1986, mất ở đấy!
Ý chí người lính Cụ Hồ trong con người ông Tư giúp ông đi suốt gần ba mươi năm ác liệt. Thương tích đồng đội, những xác đồng đội trải mưa nắng bao ngày bốc mùi mà ông đã trực tiếp đưa về gia đình không làm ông thối chí.
Tôi gặp Phạm Lê Nhỏ kể loại mìn cóc của Trung Quốc chế rất độc. Đạp trúng, nó nhảy lên ngang gối nổ cắt đứt hai chân như cưa sắt vậy! Không chết ngay mà đau đớn, hoại tử dần dần mới chết vì nhiễm trùng. Có may mắn sống cũng bại liệt, tàn phế suốt đời... Nhìn gương mặt người lính trải bao chiến chinh trận mạc, tôi biết ông không có đủ ngôn từ diễn đạt cái khủng khiếp chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông là bằng chứng sống nỗi đau chiến tranh. Lớp người này mất đi, liệu thế hệ trẻ sẽ nhận biết chiến tranh thế nào? Từ đâu?
Năm 1986, ông giải ngũ. Mừng vui chưa trọn đã nhận báo tử em trai! Nhà có hai anh em, giờ còn mình ông. Chú em đã có vợ và hai con gái. Thương em dâu, hai cháu góa bụa mồ côi, vợ chồng ông cắt 5 công đất cho em dâu. Người cháu gái đang ở trước nhà ông kia!  
Khi tiếp chuyện, ông toàn cười. Chuyện buồn chôn giấu trong lòng. Đời lính chuyên nghiệp. Giống như ông Sáu Trường Sơn, ông về làm ruộng với quân hàm đại úy. Những năm 80- 90, trường hợp như ông là phổ biến.
Thế hệ ông cha ta ra trận vì căm hận, vì độc lập tự do. Không vì quân hàm trên ve áo. Thắng giặc, trở về sản xuất trên mảnh đất ông bà khai khẩn là niềm vui lớn nhất. Người lính già thành nông dân như Tư Chuộc rất tự nhiên, an nhiên tự tại. Giống như mong ước của Bác Hồ: khi về hưu tìm chốn non xanh nước biếc câu cá, trồng rau, bầu bạn với nông phu. Không vướng bận công danh, lòng ông trong ngần như nước suối ban mai giữa rừng...
Những năm 1986, kinh tế khó khăn, có cơm trắng chấm muối đã may rồi. Gặp ngọn gió đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tháo gỡ cho nông dân, ông Tư dồn tâm huyết sức lực còn lại nghiên cứu phát triển sản xuất, thoát nghèo. Vợ chồng đồng tâm nhất trí làm để nuôi năm đứa con ăn học. Đầu tiên là mô hình VAC, kết hợp trồng lúa, trồng màu, trồng cây ăn trái với chăn nuôi. Dùng phân hữu cơ bón tại chỗ tăng độ phì nhiêu cho đất. Phú Kiết từ xưa đã nổi tiếng về vườn cây trái. Phù sa sông Tiền từ cầu Quay qua Mỹ Phong đổ vô Lương Hòa Lạc, rồi tới Phú Kiết qua dòng sông Bảo Định. Ở Lương Hòa Lạc có Võ Văn Chung, là một trong 14 nông dân tiêu biểu của thế giới năm 1984, dự hội nghị lương thực tại Philippin. Ông quanh năm bám ruộng và nhờ giúp đỡ của GS Võ Tòng Xuân nên tiếng tăm lừng lẫy. Tư Chuộc từ quân ngũ, gần 50 tuổi mới cuốc cày ruộng rẫy. Ông tự lực cánh sinh, tự học, tự chắt chiu đồng vốn. Sau 5 năm canh tác cây lúa, ông lên liếp trồng nhãn. Nhãn tàn, ông phá bỏ trồng cam mật. Cam tàn, ông chuyển sang trồng thanh long. Năm 2000- 2008, thanh long lên ngôi. Ông thử nghiệm thanh long ruột đỏ giá rất cao. Hồi ấy, giống này hiếm. Ông hái cho tôi mấy trái nếm mềm và ngọt. Nhờ cây thanh long mà gia đình ông xây dựng cơ ngơi khang trang, thành hộ giàu của xã Phú Kiết.
Bây giờ, thanh long trồng đại trà khắp Chợ Gạo, trên huyện mới Tân Phước, khắp huyện Châu Thành (Long An)... Thanh long đòi hỏi nhiều công lao động. Vườn thanh long tuổi thọ trên dưới 10 năm. Sau đó cây già nhiễm nấm mốc. Nay ông quyết định phá thanh long để trồng cây cam dây. Ông nói rất tự tin:
- Cam dây giá không cao như cam sành, cam xoàn nhưng được cái dễ trồng, ít sâu bệnh. Sau cây cam dây, tui trồng dừa dưỡng già. Bắt đầu khoai mì, cây lúa. Cuối cùng là cây dừa là vừa trọn đời người...
Ông bước xuống vườn sát cặp mí lộ nhựa, với phong cách ông chủ vườn, ung dung chậm rãi, hái cho tôi những quả tròn căng mọng nước. Vị ngọt thanh chắt ra tự mồ hôi mặn chát và vị mằn mặn của máu bao kiếp người đã đổ xuống đất này... Hồ Chí Minh thấu hiểu khát vọng của nông dân. Người biết nông dân vui mừng khi đứng trên mảnh đất của mình. Người căn dặn: khi hòa bình sẽ miễn thuế cho nông dân để bà con phấn khởi tái thiết đất nước... Làm chủ đất đai, thương quý như con ruột. Bài học đắt giá là: hãy để cho nông dân tự do canh tác trên đất mình! Mồ hôi, đồng vốn họ bỏ ra, tự khắc họ năng động sáng tạo. Ông tự hào bảo:
- Vườn đất đã cải tạo không phèn chua, tiện đường kinh nước ngọt quanh năm, bón phân hữu cơ độ phì cao nên tui trồng cây gì cũng tốt. Cây nào phù hợp thị trường thương lái thu mua hút hàng thì mình trồng. Mấy con tui xem thông tin trên mạng, tư vấn cho tui. Trẻ cậy cha. Giờ, già cậy con thôi!
Cây cũng như người ta, đều có một huy hoàng, vang bóng. Tôi thấy tư duy của ông linh hoạt, tin vào lớp trẻ. Dù điện thoại, xe máy, ông nhác dùng.
Ruộng vườn giờ ông chia cho các con hết. Thằng cả lấy vợ, làm nghề cơ khí ở xã Thanh Bình. Thằng em thì lấy vợ buôn bán ở Sài Gòn. Nhỏ gái út lấy chồng Mỹ Tho. Một đứa vợ con trực tiếp thay ông chăm sóc vườn. Thằng trai út đang làm công an, nối nghiệp mẹ cha. Năm con của ông đều học hành đâu đó, sống hiếu thảo, nhường nhịn, yêu thương nhau.
Ông học tập tinh thần của Hồ Chí Minh ở chỗ: biết lo xa, đầu tư giáo dục truyền thống văn hóa cho con cháu. Nhiều gia đình giàu lên, vung tiền mua sắm xe máy, điện thoại, áo quần con cháu ăn chơi không học hành. Vài năm lại tái nghèo. Bác Hồ dặn: Bồi dưỡng thế hệ sau là việc làm vô cùng quan trọng. Cha chắt chiu mua ruộng đất, con bán sạch nướng vào bài bạc, ma túy. Gần ba mươi năm quân ngũ, ông được học nhiều về Bác Hồ. Đơn vị ông đọc đi đọc lại di chúc của Người. Chuyện gia đình cũng là chuyện đất nước thu nhỏ mà thôi. Có tề gia mới trị được quốc! Kiến thức đời sống của ông nhiều hơn cái học vấn của ông. Bởi ông học từ chiến trường sinh tử. Đâu phải chỉ nhờ may mắn mà ông nguyên vẹn trở về hậu phương?
- Hồi nhỏ, ba tui dạy: không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Tui dạy các con phải chăm chỉ học hành và chịu khó chịu khổ, tự lực cánh sinh. Tụi nó ngoan nghe lời nên mới được như giờ. Từ khi ra riêng lập nghiệp, mấy cháu không xin tiền ba mẹ mà còn đem tiền cho ba mẹ. Đời ông bà khổ. Đời cha mẹ tui chiến tranh. Đời tui ở chiến trường. Đời các con khấm khá! Đúng là ba đời nghèo khó, đến đời thứ tư mới ngẩng đầu lên được!
Xã Phú Kiết đã lên nông thôn mới. Bà con đang khấm khá đều đều. Mỗi tháng ông có 7,2 triệu, giờ làm cũng được không làm vườn vẫn sống khỏe re. Ở nông thôn miền Tây Nam bộ, chỉ cần 3 triệu đồng một tháng là sống khỏe re! Khi kinh tế gia đình ổn định thì ông bà cũng già yếu, chẳng hưởng thụ được bao nhiêu. Thầy mẹ tôi, các chú bác là thế hệ hy sinh cho con cháu. Có người vừa xây xong nhà chưa kịp ở, đã qua đời.
Trời gần tối, tôi tạm biết ông Tư. Chợ Thang Trong là nơi đặt doanh trại của quan triều Nguyễn đào sông Bảo Định. Nơi Mỹ - ngụy quyết bình định cho bằng được bởi địa hình chiến lược. Sông đào xong tháng 4/1819. Đến nay tròn 200 năm. Hoa thơm trái ngọt từ dòng sông kết tinh hội tụ... Không phải ngẫu nhiên mà anh hùng Âu Dương Lân yên nghỉ gần ngã tư chợ. Không phải ngẫu nhiên, năm 2019 xã vinh hạnh lên nông thôn mới, lại trùng dịp kỷ niệm 200 năm Bảo Định Giang? Phải chăng ông già ngồi đây là kết tinh của văn hóa tâm hồn miền Tây?    
Đất nuôi người và người làm rạng rỡ cho đất. Nhờ âm vang dòng sông mà tôi tìm thấy người lính già ở chợ Thang Trong. Một tấm gương học tập và sống chiến đấu theo gương Hồ Chí Minh vĩ đại. Giản dị, khiêm nhường lặng lẽ, ghét hư vinh là vẻ đẹp con người Võ Văn Chuộc đang lan tỏa như dòng sông kia đang chảy lặng lẽ ngày đêm... Khi súng giặc đất rền thì ông ra trận. Khi hòa bình thì trở về làm nông dân gieo hạt trồng cây. Hiền lành, chân chất như bụi lúa cây dừa xanh mát dọc triền sông. Tôi ngoái lại: ông vẫn đang đứng nhìn vườn cam, đầu trần chân đất, áo bạc màu và cái quần cộc phơi đôi chân đen nhẻm nhuộm nắng vàng và sình đất xám nâu.
Nguyễn Ngự Bình
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 95)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 297
  • Khách viếng thăm: 292
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 43473
  • Tháng hiện tại: 434321
  • Tổng lượt truy cập: 60784459