Bài thơ là câu chuyện dạt dào cảm xúc

Đăng lúc: Thứ năm - 31/01/2013 16:38
VNTG - Từ trước đến giờ, tôi cứ rạch ròi giữa thơ và truyện. Câu truyện kể có nguồn có ngọn, có nhân vật hành vi. Còn thơ chỉ là dòng cảm xúc tản mạn bất ngờ. Vì thế mà làm thơ không có tứ, bài thơ không sống được, bạn đọc không thừa nhận. Quá trình khám phá rất lâu, cứ ngỡ cái mình học được ở trường, cái mình tự nhận thức từ thực tế đã đúng, đã đủ... Nào ngờ, có ngày chợt nhận ra: bài thơ thực chất cũng là câu chuyện đời, huyện số phận con người bất trắc, u uẩn…
Việc phân chia thể loại văn học thời hiện đại tưởng rõ ràng đương nhiên, có lợi cho người tiếp nhận. Nhưng lợi bất cập hại. Nó khiến chúng ta xơ cứng máy móc khi thưởng thức đánh giá văn bản văn học? Hơn nữa, nó tạo nên “con đê”, “bức tường” hại người sáng tác. Đọc lại những bài thơ mình đã làm, thơ của nhiều người khác thấy tản mạn, không chặt chẽ. Có nhiều bài thơ đọc riêng vài câu thì hay, nhưng khi đặt vào chỉnh thể thì non nớt, nhợt nhạt.
Thì ra phải có một sự việc, một câu chuyện, một biến cố cụ thể nào đó làm cơ sở, nền móng, làm cái “đầu quạt” liên kết nan quạt - những câu thơ với nhau. Tạm gọi là “kết tứ” cho thơ.
Cách đây hơn mười năm, tôi đọc bài thơ cổ của Trung quốc khắc họa sự diễn tiến tăng cấp theo thời gian: quả mai (mơ chua) trên cành đang đến độ, cô gái tuổi trăng rằm mong bà mối nối duyên với quân tử, mai chín ba phần mau mau tìm chàng, quả mai chín bảy phần rồi chàng đến gấp đi, quả mai chín nẫu hết rồi, chàng hãy đến ngay bây giờ cùng em kết nghĩa tào khang. Lúc đó, tôi cũng nóng lòng tìm một nửa… nên cảm được. Thiếu nữ mới đầu còn kiêu kì nghi lễ, nhưng khi hoa đến thì, đò đầy chuyến rồi thì “em chỉ cần anh thôi”! Chuyện tình duyên con gái thường thôi nhưng khát khao cháy bỏng bùng lên thành thơ. Trong ca dao Việt Nam có rất nhiều bài thơ như thế. Ví như bài “Con cò đi ăn đêm”, “Tát nước đầu đình”, “Anh đi anh nhớ…”, “Trèo lên cây bưởi…bây giờ em đã có chồng… chim vào lồng biết thuở nào ra?”... Nhiều lắm, những bài thơ là chuyện tình oan trái, đổ vỡ.
Thơ trung đại cũng vậy. Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan là chuyện ly hương xứ Bắc vô Nam: “Dừng chân đứng lại trời non nước. Một mảnh tình riêng ta với ta”. Chùm tự tình của bà chúa thơ nôm kể tha thiết thấu tận nỗi niềm tình duyên lận đận, lao đao của Hồ Xuân Hương. Tài tử đa cùng hồng nhan đa truân. Khóc Dương Khuê, Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến là chuyện bạn hiền ra đi để lại trống trải cô đơn: “Đời loạn đi về như hạc độc. Tuổi già hình bóng tựa mây côi”; từ quan về làng Yên Đỗ sống chật vật đến mức: “Đầu trò tiếp khách trầu không có”… Những bài thơ viết về cảnh truờng thi, gia đình vợ con của Tú Xương thực ra là chuyện kể đầy xúc động của ông về sinh ra chẳng gặp thời, tám khoa chưa sạch chữ trường thi, “thi không ăn ớt thế mà cay”, sức dài vai rộng lo xuất khẩu thành thi rốt cuộc phải ăn bám vợ!
Đến những bài thơ nổi tiếng hiện đại ở Việt Nam cũng vậy. Núi đôi của Vũ Cao là chuyện tình người lính trở về bàng hoàng trước tin: “Ai viết tên em thành liệt sĩ. Bên những hàng bia trắng giữa đồng?…. Núi vẫn đôi mà anh mất em!”. Màu tím hoa sim của Hữu Loan cũng là câu chuyên có thật: “Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương lạnh vây quanh”. Em vĩnh viễn ra đi bỏ mặc anh hành quân giữa đồi hoang tím hoa mua đến mênh mang không hết…
Những bài thơ về Trường Sơn, về thanh niên xung phong của Phạm Tiến Duật đều là chuyện tình khăng khít giữa hai mái Đông - Tây Trường Sơn, cô gái làm đường nuôi quân với bộ đội lái xe tiếp máu tiếp sức cho tiền tuyến miền Nam; chuyện anh lính ngang tàng gan lì cóc tía: “Cái vết thương xoàng mà đưa viện. Hàng còn nằm đó tiếng xe reo. Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến. Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”. Chuyện anh lái cái xe bị bom dập bom rơi làm vỡ kính đi rồi: “Không kính rồi không có đèn. Không có mui xe, thùng xe có xước. Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước. Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
Những trường ca như “Dấu chân qua trảng cỏ” của Thanh Thảo, “Những người đi tới biển”, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, “Bài ca chim Chơ-rao” của Thu Bồn… đều là chuyện chiến trường và tâm tư người lính. Bài Khoảng trời và hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ kể trong nước mắt về cô gái tự biến mình thành mục tiêu máy bay Mỹ cho rượt theo để cứu đoàn xe ra trận trong đêm Trường Sơn khốc liệt ngày ấy.
Bài thơ nổi tiếng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Hữu Thỉnh là chuyện lính tăng xông trận được cảm xúc dệt thành thơ hào hùng vô cùng lãng mạn của thời hoa lửa đã qua.
Những bài thơ sau chiến tranh, thời xây dựng của Nguyễn Duy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, của những nhà thơ trẻ cũng là câu chuyên ấn tượng, thăng hoa cảm xúc. Tôi đọc Tự hát, Sân ga chiều em đi của Xuân Quỳnh là hình dung chuyện hôn nhân, phập phồng âu lo của chị. Bài “Bếp lửa” của Bằng Việt kể tuổi thơ ở với bà, bố mẹ đi kháng chiên. Nhớ bếp lửa “chờn vờn”, “ấp yêu nồng đượm” chính lòng nhân hậu nồng đượm yêu thương của bà cho cháu, cho đất nước ngày chiến tranh: “giặc đốt tàn đốt rụi”, dân làng đói quay đói quắt: “Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”. Tác giả kể nhằm để bộc lộ xúc cảm: “Chỉ nhớ khói hun nhoèn mắt cháu. Đến bây giờ sống mũi còn cay”. Thơ kể cốt để cảm. Truyện kể cốt phản ánh hiện thực, khắc họa nhân vật, từ đó kín đáo gửi thông điệp đến mọi người.
Trường ca chính là chuyện dài trong thơ. Lê Ái Siêm có “Hoa dại” kể về diễn biến số phận cô gái hành trình quê lên phố xá, quá trình tha hóa và hối hận, tiếc nuối, cô gái: “Giấu một miền quê trong túi xách” với bao ẩn ý nhân sinh. Bài “Chị” của anh cũng là câu chuyện đặc biệt. Những bài thơ hay, kể cả bài đạt giải thơ báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thơ ĐBSCL của La Quốc Tiến cũng là chuyện trắc ẩn đời anh, chuyện suy thoái đạo đức…
Nói vậy chẳng lẽ nhập nhằng giao thoa ranh giới bài thơ trữ tình với thể loại truyện hay sao?
Không phải như thế. Mác xim Goroky nói: “Văn học là nhân học”. Nhiều cách hiểu câu này. Tôi hiểu rằng: tất cả thể loại văn chương đều từ cuộc đời số phận con người mà thành. Tác giả đều lấy cảm hứng sáng tạo từ đây. Rồi hướng về con người, tìm tòi, phát hiện một cái gì thiết thực cho mình cho mọi người. Cái gốc của thơ cũng từ đó, phải có câu chuyện thực sự ấn tượng như: chuyện oan trái, chuyện mối tình sóng gió hay đầu tiên, chuyện hồi ức thơ ấu…
Người kể chuyện trong truyện ký xây dựng nhân vật rõ tính cách, hành động để phản ánh hiện thực khách quan đã diễn ra, phải giấu cảm xúc chủ quan đi. Viết càng “lạnh” càng hay. Vì thế mà nhà thơ viết truyện khó hay bởi cảm xúc khó kiềm nén.
Còn thơ chỉ mượn cớ câu truyện để giãi bày cảm xúc chủ quan. Thơ kể lể miêu tả thì sống sượng, thơ viết dài khó hay. Câu chuyện lồng trong cảm xúc dâng tràn cháy bỏng. Chuyện trong thơ chìm vào cảm xúc. Nó đã được chưng cất như rượu ngon. Nó như tia chớp cực ngắn. Thí dụ tác giả văn xuôi kể ngàn trang còn thi sĩ tinh lọc vài dòng là đủ. Bài thơ có thể viết nhanh như tia chớp. Có thể viết chậm viết lâu vài tháng vài năm, thậm chí một đời tích lũy mới cháy lên như bài kệ của sư Mãn Giác:
“Xuân khứ bách hoa lạc. Xuân đáo bách hoa khai…Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai).
Phương thức thể hiện rất khác nhau. Làm thơ đích thực quả rất khó. “Thơ là nghệ thuật bậc nhất của trí tưởng tượng” (Sóng Hồng). Nhưng nó cũng bắt đầu từ câu chuyện số phận đau đáu, vật vã rớm máu cho bài thơ cái tứ vượt thời gian.
11/2012
 
Nguyễn Ngự Bình
(Theo VNTG số 56 - xUÂN 2013)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 163
  • Khách viếng thăm: 162
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 46902
  • Tháng hiện tại: 2279452
  • Tổng lượt truy cập: 46246685