Thơ trẻ Tiền Giang: Những tín hiệu mới

Đăng lúc: Thứ tư - 11/03/2009 09:16
CLB Sáng tác trẻ Tiền Giang

CLB Sáng tác trẻ Tiền Giang

Cách đây hơn 7 năm, tỉnh Tiền Giang xuất hiện một lớp tác giả thơ trẻ đầy triển vọng. Họ là những học sinh, sinh viên có năng khiếu, thích sáng tác thơ cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ và khẳng định tài năng, sức sáng tạo qua cuộc thi thơ trẻ Tiền Giang lần thứ nhất năm 2000. Những bài thơ được xuất bản trong: ”Thơ Trẻ Tiền Giang” năm 2000 (Hội VHNT Tiền Giang) đã báo hiệu sự xuất hiện của những giọng điệu thơ đầy ấn tượng và tài năng.
Bảy năm qua, khoảng thời gian đủ dài để các tác giả trẻ trưởng thành trong cuộc đời và tìm tòi, thể nghiệm phong cách thơ của mình. Hầu hết các tác giả trẻ đoạt giải đều tiếp tục đeo đuổi nỗi đam mê dấn thân trên con đường thơ ca. Một số tác giả trẻ dần định hình phong cách và trở nên quen thuộc với người yêu thơ như: Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thị Chí Mỹ, Nguyễn Quốc Vũ, Vũ Tuấn, Trịnh Ân Tứ, Nguyễn Quốc Đạt, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Trần Hà Lý Thái Bạch…vv…

Cuộc thi Thơ Trẻ Tiền Giang do Hội VHNT Tiền Giang tổ chức lần hai năm 2006 qui tụ 145 tác giả tham dự với 372 tác phẩm. Hầu hết các tác giả đều là học sinh hệ THCS và THPT trong tỉnh. Đây là tín hiệu mới thật đáng mừng cho thấy thơ ca vẫn giữ vị trí trang trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của giới trẻ. Các tác giả trẻ tham dự cuộc thi sáng tác thơ thật hồn nhiên như hít thở khí trời như đang sống và yêu. Các bài thơ dự thi hầu hết chỉ nhằm diễn tả chân thật tâm trạng của tác giả trong một khoảnh khắc giao cảm với con người và cuộc sống. Hầu hết các bài thơ giống như văn vần, tác giả “buông thả” cảm xúc và hầu như thiếu hẳn sự công phu về sáng tạo nghệ thuật ngôn ngữ. Nhiều bài thơ dự thi thiếu sự thăng hoa, bộc phát cảm xúc thẩm mỹ của chủ thể trữ tình và thiếu sự chắt lọc, đa nghĩa của hình tượng thơ và thiếu sự độc đáo, mới lạ của tứ thơ. Thực tế cho thấy, việc học thơ trong môn văn học ở nhà trường và sáng tác thơ luôn có khoảng cách và sự khác nhau. Học thơ nghiêng về cảm thụ, còn sáng tác thơ thì đòi hỏi năng khiếu sáng tạo. Nhiều người có thể cảm thụ được cái hay, cái đẹp của bài thơ nhưng chưa hẳn có khả năng sáng tác thơ. Điều này cho thấy, hơn 90% thơ dự thi của các tác giả trẻ đều chưa phải là thơ hay hoặc chỉ là văn vần cũng là lẽ thường tình. Dù thế nào thì cuộc thi Thơ Trẻ Tiền Giang cũng khẳng định một điều: Thơ ca thanh lọc tâm hồn và hướng tâm hồn con người đến thế giới của cái đẹp. Một người trẻ tuổi yêu thơ và thích sáng tác thơ sẽ hướng nhân cách đến những chuẩn mực cao đẹp và có khả năng “ miễn dịch” với cái ác, cái xấu trong cuộc sống.

Những tác giả đoạt giải cao trong cuộc thi Thơ Trẻ Tiền Giang đều là những gương mặt thơ quen thuộc. So với cuộc thi trước, tác giả Trương Trọng Nghĩa chín hơn về tư duy nghệ thuật và lắng đọng hơn về cảm xúc nghệ thuật. Giọng thơ của Trương Trọng Nghĩa có sự hòa quyện giữa sự hồn hậu và chất suy tưởng sâu lắng. Bài thơ: “Lời của giọt sương” của Trương Trọng Nghĩa đoạn cuối thật độc đáo khi khắc họa mối giao hòa kỳ diệu của những sự vật nhỏ bé, tinh khiết và sự mênh mông, những buồn vui của đời sống:

“Em - hạt sương
Cứ đến rồi đi như thế
Mang theo nỗi khát khao trở về biển lớn
Để xóa tan bao phiền muộn
Trên nét mặt một ngày mới rạng ngời.”


Nguyễn Thị Chí Mỹ vẫn giữ giọng thơ giàu tính suy tư về tình yêu, cuộc sống và thân phận của con người. Thơ của Chí Mỹ đậm chất ấn tượng và hình tượng thơ đa nghĩa gợi sự liên tưởng sâu sa trong tâm hồn người đọc. Trong bài thơ: “Bức tranh mùa thu” Nguyễn Thị Chí Mỹ viết:

“Mùa thu cảm lạnh vì chợt bị bao trùm bởi người đàn bà trùm chăn và run rẩy
Em thả nắng hong mùa
Thả ngọn gió ngọn lá bay ngang qua đôi mắt người đàn bà câm lặng
Có phải đó là định mệnh
Ơi những người đàn bà mắt trong sinh vào những mùa thu nổi gió…”

Bài thơ lắng đọng nỗi cô đơn và nỗi buồn nhưng vẫn hướng tâm hồn con người về với thế giới của cái đẹp xa xăm, lung linh và bí ẩn.

Gương mặt mới xuất hiện đáng chú ý nhất là tác giả thơ trẻ Dương Trọng Phúc. Dương Trọng Phúc có tư duy thơ khỏe khoắn và giàu tính suy tưởng sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và tình yêu, nghệ thuật. Viết về bi kịch của sáng tạo, trong bài thơ: “Thi sĩ giữa cuộc đời không thơ” Dương Trọng Phúc có những câu thơ thật độc đáo:

“Có những lúc nỗi đau như giằng xé
Tiếng hát không cất được nên lời
Tôi gởi lòng vào thơ
Đầu bút bi cứ cắm lì vào giấy...
Tôi đau như nỗi đau của giấy
Rách nát hồn
Những đường vạch lung tung
...
Không!
Tôi không biết làm đẹp cho đời
Mà chỉ biết ném vào gió
Vào mây, vào tình yêu
Vào những ngày đang sống…
Những nỗi buồn bất tận
Ngày không thơ!…”

Cảm xúc của bài thơ thật mãnh liệt và được đẩy tới tận cùng giúp tác giả khắc họa đậm nét chân dung sáng tạo của nhà thơ.
Các tác giả thơ trẻ Tiền Giang vẫn đang đi trên con đường thi ca hướng đến chân trời nghê thuật. Ai sẽ tiếp tục dấn bước và ai sẽ rẽ sang hướng khác của cuộc đời? Thế hệ trẻ thời nay có nhiều con đường để chọn lựa. Dù đi theo con đường nào thì đối với những người yêu và sáng tác thơ, thơ ca vẫn in đậm trong tâm hồn họ và giúp họ hình thành khát vọng, niềm tin vào cái đẹp để vững bước vào đời.
Võ Tấn Cường
(Theo Văn nghệ trẻ TG số 25)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 426
  • Khách viếng thăm: 425
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 86668
  • Tháng hiện tại: 1952447
  • Tổng lượt truy cập: 48326574