Cây quế trên vùng đất mới

Đăng lúc: Thứ hai - 02/11/2009 16:52
Cây quế trên vùng đất mới

Cây quế trên vùng đất mới

“Chú Mười…ơi..ơi..!”. Tiếng gọi của tôi vọng vào vườn xoài, rồi chạy theo con đê dài hun hút. Không nghe tiếng hú đáp, tôi lại gọi. Có con chim cất tiếng hót lảnh lót như muốn trêu chọc tôi. Rõ ràng là tôi thấy ông lão đi về phía này, sao mới đó đã biến mất?

Tôi khom xuống nhìn theo lối mòn trong vườn, nhưng chỉ thấy những hàng xoài chạy dài tít tắp. Gió sớm lao xao, khu vườn rộng mênh mông không một bóng người. Ở đây đất rộng người thưa, xa xa mới có một ngôi nhà, mà phần nhiều là nhà giữ vườn nên ít thấy người qua lại. Không biết chú Mười đã đi đâu rồi? Ông già nhanh thiệt, gần 80 rồi mà cứ đi thoăn thoắt. Chú đi hái rau, tôi men theo; tới đầu liếp cao cheo leo, chú bảo tôi dừng lại, còn mình thì qua dễ dàng. Từ quốc lộ vào đây chỉ vài chục cây số, nhưng đường rất xấu, tôi đi một lần đã tởn, vậy mà chú vẫn tự chạy xe đi về. Hồi nãy tôi thấy chú cầm con dao và cái giỏ đi về phía này, chắc là đi xắn măng để làm quà cho tôi. Ông già không chỉ giản dị, hiền từ, mà còn chu đáo, sâu sắc nữa. Mấy lần tôi đòi vô đây (xã Phước Lập, huyện Tân Phước) cố ý coi nơi ổng sống “ẩn vật” ra sao, nhưng chú sợ đường sình lầy tôi đi không an toàn, nên đợi lúc về thăm nhà ngoài Phước Thạnh  (Châu Thành) chú mới gọi tôi đến. Nhà ở Phước Thạnh tuy không kiên cố, nhưng cũng đầy đủ tiện nghi, lại sát quốc lộ, nhưng chú chỉ thích ở đây. Được Tỉnh đội cho một mẫu đất, chú đã khai hoang lập vườn, rồi dựng lên căn nhà nhỏ cạnh bờ kinh Sáu Ầu (kinh Cấm). Ngôi nhà đơn sơ với nền đất, mái tôn, ẩn mình trong mấy khóm tre như hoà quyện cùng thiên nhiên. Sáng, sau khi tập thể dục, chú điểm tâm bằng một ly cà phê, rồi ra vườn làm cỏ, chăm sóc cây. Đói thì vào nhà tự nhóm lửa, nấu cơm. Chiều, đi cắm câu, đặt lọp; tối xem tivi, hoặc đánh cờ với ông bạn già. Trong cái nhà nhỏ ấy, ngoài máy bơm nước, bình xịt thuốc, cuốc, vá, cưa, đụt… tôi còn thấy quyển truyện Kiều và cuốn từ điển tiếng Việt được bao bọc kỹ càng đặt bên góc bàn tivi.

Không biết từ đâu, từ tính cách điềm đạm, giản dị; hay từ cái cười chân chất, giọng nói hiền từ mà chú luôn làm cho người đối diện cảm thấy ấm áp, gần gũi. Nhìn chú, người ta cứ nghĩ đó là một lão nông, chứ ai biết chú là một đại tá về hưu, người từng chỉ huy Tiểu đoàn bảo vệ Trung ương Cục miền Nam trong chống Mỹ, Chỉ huy trưởng bộ đội Biên phòng Tiền Giang những năm sau giải phóng. Có phải cuộc sống của chú Mười hiện nay chính là cuộc sống mà Bác Hồ từng ao ước? Khi nước nhà tự do độc lập rồi thì làm một cái chòi nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa; sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, em nhỏ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi?

Tôi biết chú Mười từ những năm 80, nhưng gần đây tôi mới biết tên thật của chú không phải là Phạm Thành Thái, mà là Hồ Chí Thiện. Vì yêu cầu của tổ chức  nên trước khi trở về miền Nam chú phải đổi tên. Chú rất nhớ mẹ. Mẹ chú tên Phạm Thị Thái, chú lấy tên mình là Phạm Thành Thái. Cuộc đời chú gắn bó với mảnh đất này, nhưng quê chú thì ở Càng Long,Trà Vinh. Sinh năm 1933, 16 tuổi chú tham gia du kích; được một  năm thì chuyển qua bộ đội, hết ở các đơn vị của Khu 8, đến các đơn vị của Mỹ Tho. Khi tập kết ra Bắc (1954) thì chú đang ở Tiểu đoàn 309.

Tháng 12/1960, chú đang tham gia một khoá huấn luyện đặc biệt để chuẩn bị về Nam, thì đồng chí Tố Hữu tới thăm. Cuối buổi nói chuyện, đồng chí báo cho lớp một tin đặc biệt: “Tối mai, tất cả tập họp ở CLB quân nhân, Bác Hồ sẽ tới thăm”. Tin ấy làm cho 60 học viên cả đêm không ngủ được. Riêng chú, đây là lần thứ hai được gặp Bác, còn thấy Bác từ xa thì nhiều lần rồi; vậy mà sao cứ nôn nao. Hồi mới ra Bắc, đơn vị chú ở gần Phủ Chủ tịch, sáng nào tập thể dục chú cũng chạy ngang nhà Bác. Lúc thấy Bác vận động trong sân, lúc thấy Bác cầm hai quả chì nâng lên, hạ xuống. Lúc rảnh Bác còn dạy võ cho anh em bảo vệ nữa. Rồi đơn vị chuyển đi, mấy năm không được thấy Bác, nay sắp gặp lại rồi, lòng chú bồi hồi thật khó tả.

CLB quân nhân cách nhà Bác không xa, Bác đi bộ tới. Các chú đã được quán triệt trước là không được ồn ào, không vây lấy Bác, ôm Bác… Nhưng vừa thoáng thấy bóng Bác là sáu chục con người đã bật lên tiếng gọi “Bác! Bác Hồ! Bác Hồ!...”. Hòa trong những tiếng gọi thân thương đó là tiếng vỗ tay cuồng nhiệt, bất tận. Bác cũng vỗ tay. Bác chào các học viên, hỏi thăm sức khỏe mọi người, rồi nói:

- Bây giờ các chú đã biết nhiệm vụ của mình rồi phải không?

- Dạ biết - Cả hội trường đồng thanh đáp.

- Đảng, Nhà nước phân công các chú về miền Nam. Hiện nay trong Nam đồng bào mình bị Mỹ ngụy đàn áp dã nam lắm; chúng lê máy chém đi khắp mọi nơi. Đồng chí mình trong đó chiến đấu rất oanh liệt, các chú về phải đoàn kết cùng nhau đánh giặc. Tôi muốn đi với các chú lắm, nhưng sức tôi yếu, Bộ Chính trị không cho. Mấy chú về nói với đồng bào là tôi nhắn lời thăm; đồng bào cố gắng động viên nhau đánh thắng Mỹ, giải phóng miền Nam cho sớm để tôi có dịp vào Nam…

Bác nhắc đi nhắc lại là về Nam phải xây dựng cho được khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và nhân dân. Đầu năm 1961 chú về Nam công tác ở khu 761; năm 1962 được rút về ATK (an toàn khu), giữ chức tiểu đoàn phó bảo vệ Trung ương Cục miền Nam. Nhớ lời Bác dặn, chú thay đổi cách ăn mặc, nói năng và thói quen của những năm sống trên miền Bắc để dễ hòa đồng; cùng Ban chỉ huy xây dựng đơn vị thành một khối thống nhất. Đơn vị chú thề: “Giặc vô Trung ương Cục phải qua xác của những chiến sĩ bảo vệ”. Biết bao lần giặc tập trung binh hỏa lực đánh phá, nhưng không đẩy nổi Trung ương Cục ra khỏi suối Mây. Đơn vị chú hai lần được tuyên dương Anh hùng.

Năm 1970 chú gặp thím, một chiến sĩ Công an vũ trang; rồi hai người con lần lượt ra đời. Hòa bình, chú chuyển sang Công an vũ trang (nay là bộ đội Biên phòng). Năm 1978, chú được đề bạt làm Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh, kiêm Tỉnh đội phó cho tới lúc nghỉ hưu - 1994.

Thắng giặc rồi, không còn chiến tranh chết chóc nữa, nhưng giặc đói nghèo cũng rất khó vượt qua. Chú nghèo, làm chỉ huy một đơn vị cũng nghèo, có thể nói nghèo nhất tỉnh.  Ba đứa con nhỏ (năm 1975 chú có thêm cô con gái thứ ba) không có đất đai tài sản gì, thím nghỉ mất sức mỗi tháng lãnh 30 đồng; lương chú mỗi tháng 110 đồng, cộng lại cũng không đủ sống. Chú được tỉnh cho căn nhà ở xã Yên Luông - Gò Công Tây, được địa phương cho 3 công ruộng; hết giờ làm là chú ra đồng đến tối mịt mới về. Vậy mà có khi con đi học không có tiền cho; cái ăn hàng ngày phải nhờ bạn bè giúp đỡ.

Nhưng “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Những năm đó tình hình trên biển rất lộn xộn, nhất là nạn vượt biên. Không tháng nào Biên phòng tỉnh không bắt được vài vụ; vàng tịch thu có khi cả rổ. Chỉ cần hốt một nắm bỏ túi là gia đình chú thoát nghèo, nhưng chú không làm. Chú nói: “Gian khổ thì dễ hư. Mình là chỉ huy mà tham lam, tư lợi thì ai coi ra gì”. Nói vậy nhưng chú cũng sợ, sợ mình không chịu nổi cảnh nghèo, rồi bị vật chất cám dỗ. Sợ mình thấy vàng rồi sinh lòng tham, làm mất thanh danh, giá trị một đời … Nên mỗi lần tịch thu của phi pháp là chú báo cho Quân pháp, Công an tới kiểm kê, giao nộp ngay về tỉnh. Số vàng mà đơn vị chú nộp về tỉnh những năm đó không dưới sáu, bảy trăm cây. Không ít lần chú “được” gạ gẫm mua chuộc, hối lộ. Chỉ cần làm lơ để lọt một chiếc ghe qua cửa sông Soài Rạp là chú có ngay cái vi la hai tầng ngoài chợ; nhưng chú thà ở nhà lá chứ không vi phạm đạo đức.

Trong ngôi nhà chú ở Phước Thạnh có ba bàn thờ. Tủ chính giữa thờ hai vị thân sinh, tủ bên phải thờ hai người anh liệt sĩ, tủ bên trái thờ Bác Hồ. Duy nhất chỉ có bàn thờ Bác Hồ là có bình hoa và tấm ảnh to, đẹp nhất. Đó là tấm ảnh từ miền Bắc gởi vào hồi Mậu Thân 68, chú cuốn lại bỏ vào ống nứa, cất trong balô suốt 8 năm trời. Những lúc đấu tranh giữa sự sống và cái chết, những lúc đối mặt với thử thách khắc nghiệt của cái nghèo và sự cám dỗ; chính tấm gương sáng ngời của  Bác Hồ đã động viên chú vượt qua.

Tôi đón ở ngõ trước, chú Mười đã về bằng lối sau. Ba người bạn vong niên đã được chú gọi đến “họp”! Trên bàn, ngoài cơm tẻ, cơm nếp, tép rang; cá lóc, cá trê, cá thát lát chiên giòn… còn có tô rau sống và chai rượu nếp. Trừ chai rượu, còn lại các món khác đều do chú “cải thiện” quanh vườn. Có chút men, mắt chú như sáng hơn, tiếng cười cũng sảng khoái hơn. Chú vừa rót rượu vừa đọc thơ:

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn vào ra có thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người kiếm chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…

Tôi đã hiểu vì sao chú Mười lại thích ở đây. Cuộc sống nơi này thật giản đơn, không có chỗ cho địa vị, hèn sang, chỉ có mênh mông đất trời, cây cỏ và những ngọn gió trong lành. Bây giờ nghĩa vụ với đất nước đã hoàn thành, các con đã có việc làm ổn định (con gái thứ hai làm ở Khuyến Công, con trai thứ ba là bộ đội Biên phòng, cô út công tác ở tỉnh Đoàn) chú không còn gì phải lo lắng nữa. Những chiến công, những tấm huân chương để lại phía sau, chú vui với thiên nhiên, cây cỏ; với cuộc sống câu cá, trồng rau, ăn măng trúc, tắm hồ sen của chú. Hình như những điều đó không chỉ giúp chú sống lâu, sống khỏe; mà còn làm cho tâm hồn, tình cảm của chú ngày càng trong sáng, thuần khiết hơn. 
Ngọc Thủy
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 355
  • Khách viếng thăm: 344
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 30727
  • Tháng hiện tại: 498250
  • Tổng lượt truy cập: 60848388