Vương quốc sầu riêng

Đăng lúc: Thứ ba - 29/12/2009 13:52
Vương quốc sầu riêng

Vương quốc sầu riêng

Sông Tiền có 2 cù lao cùng tên gọi Năm Thôn rất dễ bị lầm lẫn: Một là cù lao Dài thuộc xã Quới Thiện, Thanh Bình của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cũng có 5 thôn gồm Phú Thới, Phước Lý, Thanh Lương, Thanh Tuyền, Thái Bình. Hai là cù lao Ngũ Hiệp, thuộc huyện Cai Lậy cũng có 5 thôn là An Thủy Đông, An Thủy Tây, Long Phú, Hòa An, Tân Sơn. Tân Sơn là làng sau cùng lập trên cồn Tân Châu mới nổi, hình như là cùng thời với Long Châu đảo/cồn Rồng của đất Mỹ Tho. Lúc đầu cù lao Ngũ Hiệp còn có tên là cù lao Trà Tân, cũng có sách gọi là cù lao Kiến Lợi, tên một tổng bao trùm gần hết diện tích phía nam huyện Cai Lậy ngày nay.

Nhìn trên bản đồ, cù lao Ngũ Hiệp giống như bắp tay lực sĩ cuồn cuộn. Sông Năm Thôn nép mình phía bắc, lặng lẽ và hiền hòa hơn con đường thủy đạo phía nam nhộn nhịp ghe thuyền lớn xuôi về phía ngã ba Hàm Luông mênh mông. Càng về cuối cù lao, đất càng được bồi thêm những lớp phù sa phì nhiêu. Những năm gần đây hình như độ bồi đắp ít đi, lớp bùn màu mỡ gà đóng trên những miếng ván cầu mỏng dần. Mùa nước son cũng không còn lớp son đặc quánh như thuở nào. Bà con ở đây đổ lỗi cho việc khai thác cát ở phía nguồn làm dòng chảy đoạn sông có vẻ dữ dằn hơn trước...

Sông Năm Thôn, nhánh rẽ của sông Tiền từ Cồn Tròn chảy qua phía bắc cù lao đến cuối ấp Long Quới hơn 13 cây số. Ở cuối cù lao có một cồn nhỏ đặt tên là cồn Long Đức, nay là một ấp của xã Tam Bình. Tên cồn nghe rất lạ. Nghe các bô lão giải thích nôm na là long lay rồi đứt ra, gọi Long Đứt thì trúng hơn nhưng mà nó thiếu sự văn hoa nên viết là Long Đức, nói trại là Long Đước thì ý nghĩa càng xa hơn. Mà cũng chẳng sao, những cái tên nôm ở đây không thiếu như rạch Ông Vú, rạch Thủ Cẩm, xép Ba Kẽm, xép Ông Thiện...Có điều lớp người già không còn nhiều để giải thích cho con cháu ý nghĩa của những địa danh làng xóm.

Cù lao Ngũ Hiệp bây giờ mệnh danh là vương quốc sầu riêng. Một cách gọi chẳng hay chút nào. Dân Nam bộ xưa nay không ai đem cái chôm chôm, trái mít, trái sầu riêng lên bàn thờ chưng cúng, vì cái tên không đẹp. Nhưng sầu riêng là loại trái cây hiện đem lại sự giàu có mà trào lưu hiện nay chỉ cần cái giàu, chẳng cần tên đẹp, cho nên bấm bụng mà gọi theo là vương quốc sầu riêng.

*

Xưa kia cù lao Ngũ Hiệp cũng từng có thời kỳ gọi là “vương quốc”. Sau phong trào “tị nạn chính trị” mà tài liệu xưa ghi là “tị địa” vào năm 1862, để tránh sự cai trị của thực dân Pháp. Từ năm làng trù phú, năm 1864 trên cù lao chỉ còn 6 gia đình cư trú. Bấy giờ trong hàng ngũ sĩ quan Pháp có tên Taillefer. Lợi dụng đất vắng chủ hắn nhảy vô chiếm 300 ha đất. Hắn tung tiền ra mộ người làm thuê cho hắn và áp dụng lối cai trị theo kiểu trại lính, hàng ngày hắn đánh trống gom dân lại điểm danh. Hắn tự xưng là tiểu vương quốc, không cho thực dân Pháp lập Hội tề trên cù lao để hắn nắm trọn quyền. Người dân phải làm xâu, đóng thuế cho hắn. Nếu cho việc tranh chấp thưa kiện thì tự hắn đem ra xét xử, và nếu cần hắn cũng áp dụng các hình thức tra khảo, đóng gông… Vương quốc của Taillefer có một nhà máy xay xát, nếu được ghi vào sách kỷ lục thì có lẽ đây là nhà máy xay xát đầu tiên ở Nam bộ. Hắn cũng đem cây mía đường, dâu tây, cây va-ni sang trồng thử trên đất cù lao. Kết quả thì không ra sao nhưng nhờ đó mà nhiều giống cây mới từ trời Tây nhập nội. Năm 1868, vụ mùa trên cù lao thất bát, người dân không chịu nổi sự hà khắc của Taillefer nên đã bỏ trốn khá nhiều. Năm 1871, hắn sạt nghiệp và bán đất cù lao lại cho đốc phủ Trần Bá Lộc.

Trần Bá Lộc nắm trọn quyền sanh sát trên đất cù lao vỏn vẹn có 9 năm, rồi giao lại cho Trần Bá Thọ, con trai hắn. Sau nhiều năm hắn đã có trong tay 750 ha và không có một địa chủ hay phú nông nào chen chân vào đây được. Năm 1909, Trần Bá Thọ sạt nghiệp, tự tử. Theo sự thỏa thuận trong gia đình, cù lao Ngũ Hiệp được bán cho vợ chồng Đốc phủ Mầu. Cù lao Ngũ Hiệp trở thành vương quốc của Đốc phủ Mầu từ đó.

Từ ngày cù lao Ngũ Hiệp về tay vợ chồng Đốc phủ Mầu, việc đầu tiên của y là giải tán hội tề xã để nắm trọn quyền hành. Dân đinh trên cù lao phải làm xâu và đóng thuế thân cho hắn. Tất cả người dân trên cù lao không kể già trẻ lớn bé đều phải gọi vợ chồng y là ông cố,  bà cố,  gọi con cái y là ông lớn,  bà lớn và mỗi khi gặp vợ chồng y đều phải quì lạy, thưa bẩm. Vợ chồng Đốc phủ Mầu tính toán bóc lột rất tinh vi. Khi cho thuê ruộng thì dùng thước non, tính luôn cả bờ ruộng. Tôm cá dưới kinh rạch không ai được câu bắt. Hắn cho nông dân vay lúa bằng giạ 40 lít, thu lại bằng giạ 50 lít, không kể 50% lãi trong một năm. Mươi năm trước, cụ Ba Trọng còn sống cụ kể lại, đến mùa gặt lúa, các cửa cổng đều đóng kín, trên bờ bao có người cỡi ngựa canh tuần suốt ngày đêm. Người đong lúa ruộng lúa vay xong mới được cấp giấy chở lúa ra khỏi cù lao. Nếu ai còn thiếu thì sai kiểm điền đến ruộng chở tất cả về kho, chờ vợ chồng phủ Mầu đến giải quyết. Bấy giờ có ông Dương Văn Sâm làm kiểm điền mà “thiếu trách nhiệm” để tá điền thiếu nợ, vợ chồng phủ Mầu bắt ông ngồi vào thùng đong lúa lấy gạt gạt ngang đầu làm nhục. Nhiều tá điền mất ruộng vì thiếu nợ phải trốn lên đầu cồn, nơi đất đai cằn cỗi mà sống. Nghe chuyện, nhà thơ Lê Hà không khỏi xúc động:

Cám thương ông lão quần phèn

Đuôi cồn mất ruộng

              trôi lên đầu cồn.

*

Trở lại danh hiệu vương quốc sầu riêng của cù lao Ngũ Hiệp. Câu chuyện bắt đầu từ hơn 20 năm trước. Hồi năm 1985 - 1986, Ngũ Hiệp loay hoay với nhiều mô hình cây ăn trái, dự án bờ bao cho cây chuyên canh đã có, nhưng trồng cây gì để bán có tiền thì rất khó nghĩ ra. Bấy giờ chuối già chiếm ưu thế nhờ xuất khẩu, nó được trồng gần như trọn ấp Tân Sơn. Một trạm thu mua có qui mô cũng đặt ở đây, nhưng thị trường càng ngày lắm chuyện bấp bênh. Anh Tám Hưng, thường vụ huyện ủy Cai Lậy đón đò sang Chợ Lách/Bến Tre nơi có nhiều nhà vườn trồng tiêu, để học hỏi kinh nghiệm mong đem cây tiêu về đất Ngũ Hiệp. Rải rác cũng có người “theo sự chỉ đạo” trồng tiêu… rồi từ từ tiêu luôn, bởi giống cây nầy không hợp với thổ nhưỡng cù lao và quan trọng là trồng rồi bán ở đâu.

Ngũ Hiệp manh nha để trở thành vương quốc sầu riêng trong giai đoạn này. Âm thầm lặng lẽ như người nông dân làm nhiều nói ít. Ông Hai Tôn một nông dân sau này có thương hiệu vua sầu riêng, từ Tam Bình sang lập vườn từ năm 1970 là người đầu tiên đem giống sầu riêng khổ qua vàng sang trồng trên đất cù lao. Ông cho biết đây là giống sầu riêng của ông Chánh bái Mẫn ở làng Tam Bình trồng vào khoảng năm 1930. Khi sang đây lập vườn, nhà ông chỉ trồng mươi gốc. Vào mùa lượm trái bán cho ghe “mặt rằn” với giá 3 - 4 chục đồng/kg, tiền Sài Gòn.

Sau năm 1975, đất cù lao cũng bị cuốn hút theo phong trào Tập đoàn sản xuất nông nghiệp, trái sầu riêng ít người nhắc, bởi lẽ, thời bao cấp, gạo còn không đủ ăn, trồng sầu riêng bán cho ai. Còn ông thì lặng lẽ chăm sóc những gốc sầu riêng với tâm trạng bỏ thì thương vương thì tội. Rồi thiên nhiên tình cờ mang lại cho ông một bài học kinh nghiệm đắt giá. Năm 1978, nước triều dâng làm bể bờ bao. Sầu riêng bị sốc ra hoa đậu trái rất nhiều. Sau vụ lở đê này ông mới phát hiện ra kỹ thuật bơm tưới nước, xiết nước rồi đậy nhựa cho cây sầu riêng trái vụ. Vườn sầu riêng Nguyễn Hòa Tôn giờ đã chuyển sang trồng giống mới, song cây sầu riêng khổ qua đầu tiên dù đã qua thời vang bóng nhưng ông vẫn giữ để làm kỉ niệm.

Hình như những phát kiến mới trong chuyện làm ăn của nhà nông bắt đầu bằng những chuyện tình cờ như vậy. Ở một xóm trồng rẫy nọ, một nông dân tình cờ gánh phân ra đồng bón ruộng, tình cờ trong phân có hạt cà chua, hạt ớt, tự mọc, tự sinh rồi lớn lên xanh tốt. Nó khiến cho anh ta kết luận là đất này có thể trồng được các loại hoa màu, rau cải, rồi lên liếp trồng thử, từ đó cả xóm bắt chước trở thành xóm chuyên trồng rẫy....Vô số những chuyện tình cờ, cho nên rất dễ thấy khi những giống sầu riêng được đặt tên rất nông dân như Chuồng bò, Sáu Ri, Vàm Xẻo, Chín Hóa... do phát hiện chúng ngon... một cách tình cờ.

Ngũ Hiệp hiện có 1.657 ha vườn mà có tới hơn 1.500 ha trồng sầu riêng. Nhiều nhà vườn trở thành triệu phú. Nhà cửa ở phía đuôi cồn thấy toàn là nhà tường. Đường đi thì trải bê tông đến tận ngõ, nhưng mặt đường rất hẹp vì phải dành đất để trồng sầu riêng. Loại trái cây vua này bắt đầu lan tỏa ra khắp vùng và cũng đã thấp thoáng nỗi lo. Lo nhất vẫn là thị trường giá cả. Vào vụ năm ngoái, giá sầu riêng khổ qua tại vườn rớt xuống còn 3 ngàn đồng/kg khiến nhiều nhà vườn xanh mặt. Cho nên Ngũ Hiệp muốn giàu có phải tìm hướng phát triển thêm, ngoài chuyện trồng sầu riêng, vì biết đâu....

Huyện đang tính cho Ngũ Hiệp về phát triển du lịch. Thật ra hơn 20 năm trước, năm 1987, một dự án du lịch trên cù lao cũng đã nghĩ tới. Bấy giờ cũng có những ý tưởng hơi lãng mạn đề xuất nâng bờ bao xung quanh cù lao thành con lộ, trải đá, sắm xe ngựa chở du khách đi vòng quanh cù lao, cất nhà lá theo kiểu miệt vườn làm chỗ nghỉ cho du khách. Ý tưởng đó trở thành món hàng xa xỉ vì bấy giờ còn bị cấm vận lung tung thì khách ở đâu mà tới, rồi tiền đâu mà đầu tư xây dựng. Ấy vậy mà nhà thơ Song Hoài cũng kịp cảm hứng:

Đây khu hành chánh - ngói đỏ, cờ bay
Kia khu công viên - bể bơi, hồ cá.
Khu truyền thống - với những trang sổ đỏ
Khách sạn cao tầng mời mọc khách nhàn du

Ngũ Hiệp bây giờ muốn phát triển du lịch có lẽ cũng nên nghĩ đến việc kế thừa ý tưởng cũ. Du lịch xanh là một lợi thế, nhưng không thể nói xanh một cách chung chung được khi mà môi trường đang bị hủy hoại dần vì hàng tấn chất hóa học, phân bón dư thừa thải ra từ những gốc sầu riêng, vì phía nguồn vẫn nhộn nhịp ngày đêm những chiếc máy hút cát từ lòng sông Tiền, và vì chưa ai nghĩ đến chuyện tái tạo.

Mơ một ngày có một chiếc cầu dây văng vắt ngang sông Năm Thôn để du khách có thể ngắm chiều tà sương khói phủ trên sông. Mơ một ngày thấy lại cảnh bầy chim dòng dộc treo những chiếc tổ đong đưa trên những nhánh bần, hót líu lo đón chào khách lạ đến thăm vương quốc của mình.

Nguyễn Ngọc Phan
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 37)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 449
  • Khách viếng thăm: 436
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 50943
  • Tháng hiện tại: 1916722
  • Tổng lượt truy cập: 48290849