Vĩnh Tràng cổ tự

Đăng lúc: Thứ tư - 09/09/2009 14:57
Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng không giống với nhiều ngôi chùa khác trong vùng từ dáng vẻ bên ngoài cho đến hai chiếc cổng vào bề thế thanh lịch.
Chùa tọa lạc riêng biệt giữa khu vườn tược sung túc thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang, nép mình dưới tàn những cây sao cao vút từ xa đã có thể nhìn thấy.

Hồi nhỏ, mỗi lần theo bà và mẹ đi lễ chùa tôi luôn bị cuốn hút với cảnh quan tuyệt vời nơi đây. Sờ tay trên những mảnh sành sứ, thủy tinh nho nhỏ được cắt dát công phu trên tường tôi không khỏi ngạc nhiên với bao hình dáng lạ thường về Phật tích, mà theo bà, người ta đã phải huy động vô số nhân công, thợ giỏi để chế tác thành muôn hình vạn trạng phi thường ấy. Sành sứ thủy tinh nơi đây có nguồn gốc từ Pháp, Ý, Trung Quốc, Nhật… hoặc từ những món đồ cổ vô giá do phật tử bốn phương cúng dường để sau đó đập vụn, gọt giũa góp phần kiến tạo nên nét độc đáo nơi đây.

Hẳn người xưa khi thực hiện công trình đã thể hiện sự hoài vọng chân thiện mỹ và hằng mong di tích nầy không dễ phai tàn theo năm tháng.

Có nhiều câu chuyện về ngôi chùa lớn mà giờ đây đã là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là quá trình của thịnh suy, của sự đắc tâm, đạt ý qua nhiều bậc thiền sư tiếp nối sau chiếc thảo am nho nhỏ của tri huyện Bùi Công Đạt khoảng đầu thế kỷ 19 truyền lại.

Hồi ấy thảo am đơn sơ quá, nhưng đến năm 1849, hòa thượng Huệ Đăng có mặt, việc xây chùa mới định hình từ con số không và cùng với tên gọi Vĩnh Trường tức Vĩnh Tràng lấy từ câu chữ: “Vĩnh cửu đối sơn hà, Trường tồn tề thiên địa”, một tâm thế không hề nhỏ đã gắn kết nơi cửa Phật từ ngày ấy.

Liên tục phải trùng tu sau nhiều lần lâm cảnh dãi dầu mai một, hoang tàn.. các mốc quan trọng là ở những năm 1907, 1932, 1992…, để ngôi chùa định hình viên mãn, kết quả của niềm tin, sự kiên trì, lòng thành, cùng tài năng trí tuệ nhân dân cống hiến, hiển nhiên đã trở thành viên ngọc quý trong di sản văn hóa dân tộc.

Khách đến chùa không khỏi trầm trồ với hai chiếc cổng trang nghiêm. Công trình này được xây dựng vào năm 1933 sao cho hòa hợp với tổng thể của gian chính điện. Chẳng phải bình thường, khi cổng là những tòa cổ lầu thanh lịch hướng thẳng đến trời xanh, khách nước ngoài tò mò đã phải dùng viễn kính để tận mắt chiêm ngưỡng bao chi tiết hoa văn công phu tinh xảo được thể hiện ngay trên các tầng cao vợi.

Bước vào trong, cảnh quan ngôi chánh điện đã thu hút mọi tầm nhìn bởi dáng vẻ của một công trình khỏe khoắn, uy nghi, tầm cỡ án ngữ khuôn viên chùa rộng lớn do chính hoà thượng Trà Chánh Hậu khởi công xây dựng theo hình chữ Quốc từ năm 1907. Mãi đến năm 1930 khi hòa thượng Xuyên trụ trì mới tiến hành xây dựng phần đỉnh nóc, mặt tiền, mặt dựng nhằm tạo nên một không gian diện mạo tổng thể thoáng đãng, xoáy vào bao giá trị hàm chứa từ chính ngôi chùa. Khi ấy để đạt thỏa nguyện, dân gian từng đồn đãi vị hòa thượng đã phải vân du khắp nơi cùng nhóm thợ giỏi tham khảo nhiều ngôi chùa trong nước, ngài cũng thân hành sang đất Campuchia với mong muốn có được một phong cách kiến trúc độc đáo, giá trị vững bền.

Thực vậy, mặt tiền ngôi chánh điện rộng lớn là sản phẩm của nét đẹp kết hợp Á -Âu hài hòa cân đối, đỉnh nóc nổi bật năm ngọn tháp thể hiện khái niệm ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) đồng thời cũng ngẫu hứng đôi chút dáng dấp từ đền tháp cổ nổi tiếng Angkor. Từng khuôn cửa, viên gạch, chi tiết hoa văn nơi đây, người xưa hẳn đã biết chắt lọc để chúng toát lên nét quyến rũ tiềm ẩn sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn văn hóa mà ngay cả khách ngoại quốc cũng phải lặng ngắm suy tư.

Bên trong chùa, khoảng không gian rộng lớn đến 14.000m2 bao gồm tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu, có sân cảnh lộ thiên với những hòn non bộ đặc sắc, có tranh thủy mạc, câu đối, bức hoành…, ở mọi nơi, mọi khía cạnh quan sát, nếu tìm hiểu cặn kẽ từ gian nhà đến hàng cột, mái hiên, viên đá…, khách thập phương bao giờ cũng “ngộ” ra một điều gì đó.

Đến chùa phật tử luôn có niềm vui được vào nơi chánh điện để trong làn khói hương đãnh lễ, họ còn được chiêm ngưỡng vô số tuyệt tác từ bàn tay nghệ nhân. Đó là gần sáu mươi pho tượng Phật mà cổ nhất là bộ Tam Tôn bằng đồng, còn lại bằng gỗ quý, đất nung óng ánh sắc vàng, những bộ bao lam lớn, tập trung cao độ tài hoa nghệ thuật chạm trổ công phu tinh tế. Gian chính điện còn là nơi hiện diện của những đôi long trụ khổng lồ kiến trúc theo kiểu “thượng thu hạ cách”, đặc biệt là bộ Thập Bát La Hán bằng gỗ mun ở hai bên điện với mười tám vị cưỡi trên lưng thú, tay cầm bửu bối tượng trưng cho “lục căn” theo giáo lý, đây cũng là đỉnh cao trong nghệ thuật tạc tượng tròn nơi vùng đồng bằng Nam bộ. Chùa còn giữ được chiếc đại hồng chung sau nhiều năm thất lạc nặng đến 150kg, chiều cao 1,2m trên thân chuông có ghi rõ Vĩnh Trường Tự bằng chữ Hán.

Hãy còn khá nhiều vật phẩm văn hóa khác hiện diện khắp nơi như những câu liễn đối cổ tự chạm nổi, các họa phẩm, hình tượng điêu khắc… vẫn tiềm tàng với nguyên vẹn ẩn số gợi ý cho du khách chuộng tò mò khám phá, giải mã.

Tồn tại đã từ hơn trăm năm qua, chùa Vĩnh Tràng luôn không tách khỏi cuộc sống nhân gian. Bóng từ bi phả vào ký ức của không ít những phận người, có khi đơn giản chỉ là kỷ niệm học trò đến tá túc đi học, hay nhiều bà con vẫn không quên cảnh nháo nhác tranh nhau về đây lánh nạn giữa tiếng đạn bom gầm thét những năm chiến tranh, chùa Vĩnh Tràng từ lâu hãy còn là địa điểm chẳng xa lạ của nhiều bậc tiền bối ẩn danh lưu dấu trên đường bôn ba cứu nước...

Ngày lớn lên dù phải xa cách quê nhà nhưng lòng tôi luôn nhớ như in từng chi tiết hình dáng ngôi cổ tự. Mãi đến khi trở lại, cảnh vật đã có nhiều thay đổi, ngôi chùa dường như thoát khỏi cuộc sống âm thầm lặng lẽ ngày nào để tiết lộ với cuộc đời đôi nét chân giá trị còn tiềm ẩn. Một khu công viên sang trọng ngay phía trước chùa thay thế cho mảnh vườn hoang cũ u tối, nơi đây nổi bật với bức tượng Phật màu trắng cao đến 24 mét, cổng chùa cũng được sửa chữa thẳng đứng vững chắc, khác hẳn dáng đứng nghiêng nghiêng sầu cổ năm xưa.

Điều tôi phân vân chính là hai bức tượng nhà sư đứng trên tầng cổng nay đã biến mất, thay vào là tượng Phật còn mới tinh tươm. Một khách vãn cảnh có lẽ cũng quan tâm đến bèn tìm hiểu, được sư trụ trì hoan hỉ giải thích:

- Đó là tượng hòa thượng Xuyên, để trên cổng mọi người qua lại thì chẳng hay gì nên vừa rồi tôi thỉnh ngài vào thờ trong chùa, bù lại là hai tượng Phật thì có lẽ hay hơn.

Người khách nở nụ cười nhạt rồi cất bước, riêng tôi trong lòng nảy sinh đôi chút phản biện hồ đồ rằng Phật thì ở trong chùa, Phật tại tâm, sư có nhiệm vụ canh gác cho Phật, giữ gìn đạo pháp, sư ở cổng chấp tay cung nghinh khách đến… còn chúng sinh vốn dĩ vô tâm, lời đàm tiếu thì vô lượng, căn cứ vào, hóa ra chẳng phải đã phụ lòng người xưa đó sao?
Lê Tư
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 188
  • Khách viếng thăm: 187
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 61844
  • Tháng hiện tại: 2430269
  • Tổng lượt truy cập: 48804396