Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa Trương Định

Đăng lúc: Thứ năm - 06/11/2008 13:39
Trương Định nhận phong soái

Trương Định nhận phong soái

Nhìn lại buổi đầu kháng Pháp đầy khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc, tinh thần bất khuất và sự hy sinh dũng liệt của Trương Định đã trở thành biểu tượng ngời chói cho ngọn cờ đoàn kết, yêu nước của người dân Nam Bộ. Ngót một thế kỷ rưỡi trôi qua, tên tuổi người anh hùng đã được bao thế hệ sử gia trân trọng ghi chép vào sử sách. Nhưng cảm động và thiêng liêng hơn, đó là toàn bộ cuộc khởi nghĩa của Trương Định đã được lưu giữ trong ký ức của nhân dân. Những tia hồi quang ấy, theo thời gian, đã kết tụ thành một pho truyền thuyết dân gian sống động.
Qua truyền thuyết dân gian, người dân Nam bộ không chỉ biết ơn vị Bình Tây Đại nguyên soái mà còn tưởng nhớ cả những bộ tướng của ông cùng những người anh hùng vô danh tay lấm chân bùn “tuy là mất mà tiếng vang như mõ” [1].

1. Truyền thuyết dân gian về anh hùng Trương Định

Xét về số lượng, nếu so với mảng truyền thuyết về những anh hùng kháng Pháp ở Nam bộ như Thiên Hộ Dương và Nguyễn Trung Trực thì truyền thuyết về Trương Định khá khiêm tốn.

Cho đến nay, mọi người chỉ có thể hình dung cuộc đời và sự nghiệp của ông chủ yếu thông qua sử triều Nguyễn và các nguồn tư liệu lịch sử. Hẳn nhiên, số lượng truyền thuyết không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức độ tình cảm mà nhân dân dành cho người anh hùng. Bởi lẽ, so với Thiên Hộ Dương và Nguyễn Trung Trực thì Trương Định ít có điều kiện cùng sống, cùng chan hòa với quần chúng nhân dân. Nhớ lại, từ khi khởi binh đánh Pháp, chưa kịp ổn định căn cứ lâu dài thì Trương Định phải đưa quân rút vào bí mật. Biết bao quần chúng vô danh đã tự nguyện đem cả mạng sống của mình để bảo vệ linh hồn cuộc khởi nghĩa. Dẫu biết truyền thuyết được quyền hư cấu, nhưng rõ ràng, nhân dân đâu cần hư cấu để lấp đầy khoảng trống trong cuộc đời người anh hùng. Bởi ai đâu cần mây trắng để che bớt trời xanh!

Xét đặc điểm thời gian, nếu truyền thuyết về Thiên Hộ Dương và nhiều anh hùng kháng Pháp thường có tính mơ hồ, ước lệ thì truyền thuyết về Trương Định lại khá cụ thể, chính xác. Những thời khắc hệ trọng liên quan đến cuộc đời ông mà truyền thuyết nhắc đến đều nhất quán với các nguồn sử liệu. Thời điểm sớm nhất là năm Tự Đức 14 (1861), lúc ông bắt đầu khởi binh mộ nghĩa. Rồi đến mùa hè năm 1862, ông từ chối giải binh, ở lại cùng nhân dân đánh giặc. Sau cùng là sáng ngày 20/8/1864, bị giặc bao vây, ông quyết tử thủ, không chịu quy hàng.

Về không gian truyện, truyền thuyết về Trương Định chỉ nhắc địa danh, không miêu tả. Có thể hình dung, đó là đất Gia Định, nơi ông thụ chức Quản cơ; là vùng Quy Sơn, nơi người anh hùng mở mang căn cứ; rồi đất Gia Thuận (Gò Công), nơi vị Bình Tây Đại nguyên soái mãi mãi thành huyền thoại. Do thiếu vắng cảnh tượng không gian, các câu chuyện này tự tước bỏ phong vị đặc sắc của miền Nam.

Về nội dung, cũng khác với truyền thuyết về Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, không truyền thuyết nào kể về thời niên thiếu của Trương Định.

Qua sử sách, Trương Định hiện lên với vẻ đẹp của vị tướng giỏi dụng binh, có tài tập hợp quần chúng, sớm lập nhiều công trận. Đặc biệt, ông chính là vị võ quan đầu tiên dám công khai chống lệnh bãi binh của triều đình, không đi nhậm chức ở An Giang, tự nguyện ở lại cùng nhân dân đánh giặc. Vào sử sách, đây chỉ là đôi dòng ghi chép sơ lược. Trái lại, truyền thuyết dân gian đã miêu tả cụ thể và sống động. Chuyện kể rằng, mùa hè năm 1862, Trương Định có cuộc gặp gỡ đặc biệt với cụ Đồ Chiểu. Trương Định hỏi, giọng còn đượm vẻ ấm ức: “Thánh chỉ đòi tôi giải binh về đầu Pháp. Ông xử sự thế nào?”. Đồ Chiểu không trả lời ngay câu hỏi của Trương Định mà chỉ ra hàng dừa trước ngõ và hỏi lại: “Cái cây tươi tốt cần ở gốc hay ngọn hở ông?”. Trương Định đã nhấc chén trà lên rồi lại đặt xuống: “Lẽ đời xưa nay, cây cỏ tốt tươi là nhờ gốc. Gốc bền thì cây vững!”. Đồ Chiểu tiếp lời: “Phải lắm! Nhưng biết được cái gốc ở đâu mà theo mới là cặp mắt tinh tường!”. Trương Định hiểu ngay, liền nói: “Ở đây, cái gốc ở ngay đây! Trong thôn xóm thường dân này. Một ngày lòng dân còn thì một ngày quốc thổ còn, vậy đó!”.

Câu chuyện hẳn là sản phẩm tưởng tượng của đời sau. Nhưng sự thật lịch sử vẫn tươi rói trong từng câu chữ. Bởi, chỉ có thể sống và nghĩ như thế, vị Lãnh binh mới sẵn sàng chịu chữ bất trung, chịu cùng sống chết với nhân dân. Ở đây, truyền thuyết không chỉ ca ngợi mối quan hệ giữa Trương Định với nhà thơ mù yêu nước mà còn dự phần soi tỏ chỗ khuất trong nỗi lòng vị Lãnh binh dám kháng chỉ nhà vua.

Về phút cuối cùng của Trương Định, nhiều tài liệu Pháp ghi rằng, ông chết vì một phát đạn trúng vào lưng. Còn sử liệu Việt Nam thường chỉ ghi vỏn vẹn ngày mất. Thế nhưng, truyền thuyết dân gian không muốn tin người anh hùng chết trận. Nhân dân đã dựng lại tư thế lẫm liệt, đường hoàng của ông trước làn hơi cuối. Dân gian truyền rằng, sau khi bị thương nặng, biết mình không sống được, Trương Định điểm mặt Tấn rồi đâm vào bụng tự sát. Người dân xã Gia Thuận (Gò Công) còn kể, Đội Tấn khép chặt vòng vây và nói: “Bẩm quan lớn, tôi đem quan lớn về đầu Tây. Gió chiều nào, theo chiều ấy. Quan lớn đầu hay không đầu cũng bắt!”. Trương Định liền trả lời: “Mày coi tao đầu nè Tấn!”. Và liền rút gươm tử tiết. Có người thì kể rằng, Trương Định bị thương nơi đùi, bèn tuốt gươm đâm vào hông tử tiết. Phía sau ông có Đốc binh Chấn cũng bị thương nơi vai, nhảy đến đỡ ông lên. Ông tắt hơi trên tay ông Chấn[2]. Như vậy, qua truyền thuyết dân gian, cái chết của Trương Định không mang đặc điểm mơ hồ như của Thiên Hộ Dương, cũng không kỳ ảo như của Nguyễn Trung Trực. Sự hy sinh của Trương Định mang vẻ đẹp uy nghi, lẫm liệt của một anh hùng chiến trận “thất thế nhưng vẫn hiên ngang” .

Nhìn chung, con người, sự nghiệp của Trương Định trong chính sử và trong truyền thuyết không mâu thuẫn nhau. Có lẽ công đức quá ngời sáng của vị anh hùng đã tạo nên mẫu số chung ấy. Tuy nhiên, nếu thiếu đi truyền thuyết, Trương Định vẫn chỉ là một tên tuổi được sử sách lưu danh, chứ chưa phải một con người bằng xương bằng thịt, đã sống và ngã xuống thật cao đẹp trong vòng tay thương quý của nhân dân. Truyền thuyết về ông, dẫu ít ỏi, nhưng đã góp thêm điều đó.

2. Truyền thuyết về các bộ tướng của Trương Định và những anh hùng quần chúng.

Mảng truyện này thường có mốc thời gian liên quan đến cuộc đời Trương Định. Sớm nhất là lúc ông làm Quản cơ ở Gia Định, dưới quyền Nguyễn Tri Phương. Rồi những ngày tháng ông lui binh, bảo toàn lực lượng. Được nhắc nhiều hơn cả là thời gian sau khi ông mất. Đây chính là quãng đường ngắn ngủi nhưng hào hùng, lẫm liệt nhất trong cuộc đời chiến trận của Trương Định và của những người cộng sự.

Về không gian, truyền thuyết mở ra khá rộng. Đó là vùng Bến Nghé xưa, là giồng Sơn Qui, vùng Rạch Gia, Tân Phước (Gò Công). Đó còn là đất Lý Nhơn (Duyên Hải), miệt Bến Chùa (Cửa Tiểu), cù lao An Hóa (Bình Đại - Bến Tre)… Mỗi không gian ấy đều gắn liền với những sự kiện, những con người bình dị mà bất khuất, kiên trung.

Về nhân vật, mảng truyện này vừa có tướng lĩnh, vừa có những binh sĩ trung thành, lại không thiếu thành phần phụ nữ.

2.1. Truyền thuyết về tướng lĩnh của Trương Định.

Nổi bật hơn cả là hai hình tượng đẹp: phó tướng Bình Tây Nguyễn Nhựt Chi và Trịnh Viết Bàng. Kế đến là những trang dũng liệt như Trương Điền, Đặng Khánh Tình, Trần Văn Thiện, Võ Đăng Được, Mạc Bảo Đường…

2.1.1. Phó tướng Bình Tây Nguyễn Nhựt Chi là cánh tay mặt của Trương Định. Quê hương ông ở vùng Bến Chùa, bên dòng cửa Tiểu. Tương truyền, khi Trương Định tử tiết, quan phó tướng dẫn tàn quân kéo qua Tân Bình Điền, đến Tân Thành đèn đỏ, rồi nhờ ghe của ngư dân đưa ngược dòng cửa Tiểu, ghé Bến Chùa dưỡng quân, mong có ngày dấy lại muôn binh. Nhưng rủi thay, vừa dừng quân nghỉ ngơi, Pháp lại hay tin tới đánh. Trận quyết tử diễn ra suốt một ngày một đêm. Nghĩa quân chống cự không nổi, đành tan rã. Nguyễn Nhựt Chi cùng người tùy tướng tên Cương đưa gươm lên trời, hướng về phương Bắc, như muốn tạ tội với triều đình Huế, đoạn lạy ba lạy rồi thổ huyết ra chết.

2.1.2. Trịnh Viết Bàng người làng Tân Định, huyện An Hóa, Định Tường (nay là xã Định Trung, huyện Bình Đại, Bến Tre). Năm 1864, căn cứ Tân Hòa thất thủ, Trương Định hy sinh, Trịnh Viết Bàng cùng một nhóm nghĩa quân rút về hoạt động ở cù lao An Hóa. Ông cùng ông Tô, ông Kiểu và người con cả của mình là Trịnh Văn Diệm vận động nhân dân chống Pháp và trừng trị Việt gian. Thế nhưng, sức cùng lực tận, thời vận không còn, Trịnh Viết Bàng sa vào tay giặc, bị xử chém ở Cồn Rồng (Mỹ Tho).

2.1.3. Ông Trương Điền, xét theo gia phả, là anh của Trương Định, cũng theo nghiệp võ, vào Nam với cha là Trương Cầm. Khi quân Pháp xâm lược Gia Định, Trương Điền đã đánh nhau với Pháp trận Đường Tranh. Bị thua, ông cùng một số nghĩa quân kéo về Gò Công với ý định hiệp quân cùng Trương Định. Nhưng về đến nơi thì Trương Định đã mất, đoàn quân đánh nhau với Pháp tại Gò Tre (nay là thị xã Gò Công). Thua trận, ông dẫn tàn quân rút chạy về Rạch Già (Gò Công Đông). Ít hôm sau, bị Pháp tấn công tiếp, Trương Điền thoát được, về xã Long Bình, được nhân dân che giấu nuôi dưỡng. Vùng Long Bình bấy giờ có một nơi đất rất trũng, bông sen mọc khắp bưng, ở giữa có những gò đất, cây cối mọc rậm rạp. Lợi dụng địa hình này, Trương Điền cùng với số nghĩa quân tản lạc tập hợp lại, lập căn cứ kháng chiến (nay là căn cứ Bưng Sen). Quân Pháp dùng các biện pháp cô lập, phong tỏa. Nghĩa quân dần dần thiếu thốn lương thực, thuốc men, vũ khí. Trương Điền lo buồn, tuyệt vọng. Trong một đêm quá uất hận, ông thổ huyết mà chết.

2.1.4. Ông Đặng Khánh Tình người xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây) tham gia nghĩa quân Trương Định. Ông Tình thoạt tiên được giao chức Đội, sau lên chức Đốc Binh, hoạt động ở vùng Gò Công Tây. Sau khi Trương Định mất, ông tập hợp anh em nghĩa quân, về lập căn cứ ngay trên phần đất của gia đình, tự phong là phó tướng. Nhân dân bấy giờ gọi ông là Phó lãnh binh. Tên Việt gian Huỳnh Công Tấn chỉ huy tìm cách bao vây, tấn công căn cứ, kêu gọi ông đầu hàng. Có lẽ quân Pháp muốn bắt sống ông nên bao vây đến ba ngày. Trước khi bị bắt, ông còn đứng trên bộ ván gõ, cầm chắc thanh gươm. Dụ hàng không được, cuối cùng, Pháp phải xử tử chặt đầu ông tại chợ Gò Công. Ngay trong đêm đó, nhân dân Gò Công thương cảm, dành giấy tiền vàng bạc đậy đắp xác ông lại. Pháp tra hỏi việc này, nhân dân bảo “do ông trốt hốt” giấy tiền vàng bạc, chứ họ không biết.

2.1.5. Ông Trần Văn Thiện là con của một vị quan địa phương thời Tự Đức, khoảng 18 tuổi tham gia nghĩa quân. Tuy còn trẻ nhưng vì là con quan, có học và lại rất gan dạ nên ông được Trương Định tin tưởng phong cho chức “Phòng”, gọi là “Phòng Thiện”, hoạt động vùng Đồng Sơn. Tuy Trương Định mất, ông Thiện và nghĩa quân vùng Đồng Sơn vẫn tiếp tục hoạt động cho đến mười một năm sau (1875). Bị Pháp truy lùng ráo riết, ông dẫn đứa con gái nhỏ chạy vào đám lá tối trời (nay là ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt). Rủi ro cho ông là lúc quân Pháp ruồng bố lùng sục, một con heo nái hoảng hốt, chui vào nơi cha con ông đang trốn. Thấy có người lạ, con heo nái “hộc hộc” lên. Phần hoảng sợ, phần bị kiến vàng cắn nên đứa con gái nhỏ khóc thét. Quân Pháp phát hiện và bắt được ông. Chúng đem ông về địa điểm nay là cầu Bà Tám Huê - Chín Đào (ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh) chém đầu. Trước khi xử chém, giặc Pháp dọn cho ông một mâm cơm cuối cùng đầy thịt cá. Ông không ăn, chỉ uống hai chung rượu và nói lên tấm lòng yêu nước của mình. Những người chứng kiến còn nhớ câu ông nói: “Thà chịu chết chứ không nhục nhã đầu hàng!”. Người chém đầu ông lại nói: “Trước đây, tôi là lính của ông, nhưng vì thời thế, xin ông miễn chấp!”. Người em trai của ông lấy kim chỉ may tượng trưng, ráp cái đầu lại để chôn cất ông tại phần đất của gia đình.

2.1.6. Ông Võ Đăng Được ở trong đoàn quân Trương Định đánh trận với Pháp tại Tân An, nhưng không rõ chức vụ gì. Thất trận, Trương Định dẫn quân về Gò Công. Ông Được dẫn một cánh quân, phần lớn là người quê vùng Gò Công Tây, băng qua Đồng Sơn, đến một địa điểm cây cối rậm rạp, có nhiều lá dừa nước. Ông Được tuyên bố: “Ai muốn về nhà thì về, ai ở lại thề tử chiến!”. Số người còn lại xây dựng cơ sở. Chưa rõ đoàn quân ở đó bao lâu. Chỉ biết một điều là cuối cùng Pháp đã mở một cuộc tấn công lớn. Ông Được tử tiết, được chôn cất nơi này. Sau, nhân dân còn lập thêm miễu thờ, gọi là Dinh Ông.

2.1.7. Ông Mạc Bảo Đường quê ở Yên Luông (nay thuộc thị xã Gò Công), chức vụ là Thống quản cơ. Khi Trương Định kháng chiến, ông có trách nhiệm giữ mặt phía Tây Gò Công. Ngày mùng năm Tết 1862, được tin báo quân Pháp vào đến xóm nhà dài (nay là ấp Hòa Bình, xã Đồng Thạnh), ông Đường dắt ngựa ra. Bà vợ ông cản lại, bảo: “Bữa nay mùng năm mà đi gì?”. Ông trả lời: “Giặc đến mà bà bảo là mùng năm, mùng bảy!”. Và ông cứ đi. Khi chỉ huy, ông cưỡi ngựa nên quân Pháp bắn hạ ông dễ dàng. Bị trúng đạn, ông ôm cổ ngựa chạy về đến nhà, thì đã chết trên mình ngựa. Về ngôi mộ của ông, mọi người chỉ biết mộ nằm ở khu đất thuộc ấp Chợ Mới, xã Long Hòa, thị xã Gò Công.

Như vậy, cả Nguyễn Nhựt Chi, Trịnh Viết Bàng và các bộ tướng của Trương Định đều dấy binh nhưng chưa kịp lập chiến công. Tuy nhiên, cái chết của họ cũng uy nghi, lẫm liệt, đâu kém gì chủ tướng. Các vị đã có công kéo dài sức sống, âm vang của cuộc khởi nghĩa đầu tiên ở Nam bộ. Chính sử chưa biết để ghi công nhưng nhân dân đã xem họ là những bậc “sanh vi tướng, tử vi thần”.

[…]

3. Nhận xét chung

Cuộc khởi nghĩa Trương Định không chỉ đi vào lịch sử mà còn kết tụ, thăng hoa thành một pho truyền thuyết dân gian đặc sắc. Đặc biệt, các truyện về bộ tướng của Trương Định và những anh hùng quần chúng đã chứng tỏ ngọn cờ Bình Tây phù hợp lòng dân, nên được nhiều tầng lớp, nhiều thành phần nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Các tác phẩm tái hiện phần sống động nhất của cuộc khởi nghĩa: những con người, những sự kiện mà chính sử chưa bao giờ chạm đến. Ở đó, nhân dân đã tôn vinh những vị thần mà vua chưa hề ra sắc chỉ. Ở đó, nhân dân còn thể hiện tình cảm, cái nhìn về mối quan hệ giữa vị Bình Tây Đại nguyên soái với người dân Nam bộ. Theo góc nhìn ấy, chính tài năng và đức độ của Trương Định đã thu phục được nhân tâm. Ngược lại, Trương Định cũng “là người nhờ dân mà giữ vẹn nghĩa trung với nước, kiên trì cùng dân kháng chiến” (Trần Văn Giàu).

Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin mượn lời của nhà nghiên cứu Bùi Quang Thanh: “Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa của Trương Định được lan truyền từ Nam ra Bắc như khúc ca giáo đầu cho bản trường ca chiến trận ngót trăm năm của dân tộc ta chống ách thực dân”.

-----------------
[1] Nguyễn Đình Chiểu - Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
[2] Có tư liệu cho rằng, nơi Trương Định ngã xuống là một khoảnh đất trống, nay thuộc Ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Từ ngày Trương Định hy sinh, dân địa phương gọi đó là "khuôn đất Vinh", về sau đào ao lấy nước gọi là "Ao Vinh". Cũng tại nơi đây còn có hai ngôi mộ, được gọi là "mộ nghĩa quân Trương Định".
Võ Phúc Châu
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 29)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 246
  • Khách viếng thăm: 239
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 61257
  • Tháng hiện tại: 452105
  • Tổng lượt truy cập: 60802243