Phấn son tô điểm sơn hà…

Đăng lúc: Thứ năm - 27/05/2010 08:35
Phấn son tô điểm sơn hà…

Phấn son tô điểm sơn hà…

Nữ giới theo quan niệm xưa thì chỉ lo sinh đẻ, nuôi dưỡng dạy dỗ con cái và tề gia nội trợ. Cho nên lúc còn trẻ, nữ giới thường ít được học hành tới nơi tới chốn như nam giới, tuy nhiên, vùng Tiền Giang từ những năm 1920 đã có nhiều cô gái trẻ được học trường mỹ thuật, học sư phạm, âm nhạc... có những người biết đàn tranh, biết xướng họa văn thơ, có trình độ Nho học, tân học, có khả năng làm báo, viết tiểu thuyết... không thua đấng mày râu... đặc biệt là đấu tranh cho bình đẳng giới.

Ở lĩnh vực văn chương, theo nhà nghiên cứu Bằng Giang thì đầu thế kỷ XX, Nam bộ có rất nhiều cây bút nữ như Hồ Thị Quế với truyện Cổ nguyệt hương (in năm 1926), Nguyễn Thị Truyện với Lương duyên túc đế (1927), V. Mộng Kỹ với Kiếp hồng nhan (1927), Lê Ngọc Diệp với Chuyện ly kỳ (1927), Trần Thị Hương Khánh với Nữ huấn ca (1927), Huỳnh Thị Kim Liên với Một tấm lòng son (1930)... Tuy nhiên người đi tiên phong phải kể là bà Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu với tờ Nữ giới chung.

Nữ giới chung là tiếng chuông nữ giới, tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, số 1, ra ngày 1-2-1918. Tòa soạn đặt tại số 5, đường Taberd - Sài Gòn. Chủ nhân tờ Nữ giới chung là một người Pháp tên là Henre Blaquière. Vì rất nhiều việc nên ông ta giao tờ Nữ giới chung cho ông Trần Văn Chim làm tổng thư ký và giao cho bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Là cơ quan phổ biến ngôn ngữ, thương mại, kỹ nghệ và các vấn đề phụ nữ; ngay trong tờ Nữ giới chung số đầu tiên, bà Sương Nguyệt Anh đã đưa ra đường lối của tờ báo này: Nâng cao nền luân lý; Dạy cho độc giả biết cách sống hằng ngày; Chú trọng đến nền thương mãi và tiểu - thủ công nghiệp; Tạo tiếp xúc giữa con người.v.v...

Tiếp sau tờ Nữ giới chung, một người phụ nữ ở Gò Công là bà Cao Thị Khanh (1900 - 1962) nổi đình đám với tờ Phụ Nữ tân văn. Tuần san này số 1 xuất bản ngày thứ năm 2-5-1929. Ban biên tập Phụ Nữ tân văn gồm những cây bút nữ nổi tiếng, đứng đầu là bà chủ nhiệm Cao Thị Khanh, và các nữ ký giả Hướng Nhựt, Trần Thanh Nhàn, Phạm Vân Anh, Thu Tâm nữ giáo, Cao Thị Ngọc Môn, Nguyễn Thị Kiêm... Hầu như bìa tất cả các số của báo Phụ Nữ tân văn đều có hình ba cô gái tượng trưng phụ nữ ba miền: Bắc - Trung - Nam. Dưới có câu thơ: “Phấn son tô điểm sơn hà /Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.

Ngay từ số đầu tiên, Phụ Nữ tân văn đã kêu gọi “Ngay hôm nay, Phụ Nữ tân văn  ra đời là non sông thêm một tay thợ điểm tô, xã hội thêm một người lo công việc, trên trường văn trận bút thêm một đội binh đàn bà, mà trong buồng khuê của chúng ta, cũng có một cơ quan để cùng nhau phấn đấu với đời...”. Liên tiếp 14 số đầu, Phụ Nữ tân văn đã đăng những bài phỏng vấn các vị trí thức, học giả đương thời như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Bá... Tất cả đều tán đồng chủ trương tiến bộ của Phụ Nữ tân văn, là cổ súy dân sinh dân chủ, bênh vực phụ nữ, đề cao luân lý giáo dục...

Báo Phụ Nữ tân văn thường xuyên có những bài viết vận động các nhà hảo tâm tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Có nhiều học sinh con nhà nghèo nhờ học bổng của Phụ Nữ tân văn du học sang Pháp thành đạt. Báo còn mở nhiều hội chợ, vừa giới thiệu thành tích nữ giới, vừa lấy tiền lãi xây dựng viện Dục Anh, quán cơm từ thiện, phòng trọ đêm cho khách lỡ đường... Phụ Nữ tân văn còn vận động thành lập Nữ lưu học hội và thành lập giải thưởng “văn học và đức hạnh”, tương tự như việc biểu dương người tốt việc tốt trên một số báo ngày nay.

Phụ Nữ tân văn là dư âm của phong trào Duy Tân. Báo thường xuyên có những bài phổ biến trí thức nữ giới, đặc biệt là bênh vực quyền lợi nữ giới, những bài phản đối quan niệm cổ hủ, ngăn cấm nữ giới tham gia các hoạt động thể dục thể thao, cấm giới nữ đi xe đạp, cắt tóc ngắn, đến trường học, thưởng thức văn học nghệ thuật... Liên tiếp mấy số báo trong năm 1932, Phụ Nữ tân văn đưa tin một phụ nữ ở Bến Tre tên là Phan Thị Chẩn lên võ đài thách đấu cùng nam giới, hoặc đưa tin một phụ nữ Tây phương là Eahart lái máy bay một mình vượt Đại Tây dương... để động viên chị em phụ nữ.

Ký giả trợ lý đắc lực của báo Phụ Nữ tân văn, đồng thời là một nhà thơ nữ tiên phong trong phong trào Thơ mới là Manh Manh nữ sĩ, tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh năm 1914 tại Gò Công. Năm 1932, sau khi tốt nghiệp bằng Thành Chung, xin làm giáo viên trường Nữ học Sài Gòn một thời gian, Nguyễn Thị Kiêm bước vào làng báo với bút danh Lệ Thủy, Myn,.... Đầu tiên bà viết báo mang tính tài tử đăng ở các báo Công Luận, Việt Nam... về sau, bà là linh hồn của tờ Phụ Nữ tân văn. Năm 1934, bà ra Bắc, đến Huế, Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng đăng đàn diễn thuyết các đề tài “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến”, “Một ngày của một người đàn bà tân tiến”“Có nên tự do kết hôn không”. Bà quan niệm, phụ nữ phải có học vấn, phải am tường văn học nghệ thuật, biết thể thao, trong gia đình hay ngoài xã hội phải bình đẳng với nam giới. Bà vừa là ký giả vừa là diễn giả cho nên các buổi diễn thuyết của bà luôn được dư luận chú ý. Ký giả Nguyễn Thị Kiêm còn nổi tiếng với các phóng sự đề tài xã hội, như “Người điên ở nhà thương Biên Hòa”, “Viếng một cái thành sầu”, “Nhà thương Bạc Hà”. Những phóng sự này giúp người đọc hiểu được hoàn cảnh thương tâm của những người bị loại ra ngoài vòng xã hội. Giọng văn của bà chấm phá, mạch lạc và đôi lúc dí dỏm. Bà còn là ký giả am tường nghệ thuật, là cây bút phê bình các vở kịch và cải lương đương thời. Ngoài ra, trên Phụ Nữ tân văn, Nguyễn Thị Kiêm còn có các bài nghiên cứu như “Phụ nữ với hôn nhân” (Số 221 ngày 19-10-1933) hay kết án những hủ tục phong kiến “Niêm phong cái gói tam tùng lại” dưới dạng một bức thư gởi một người bạn: “Thế thì đạo tam tùng ngày xưa chỉ là một cái luật, một cái mẹo của bọn cầm quyền. Người đàn ông sau lại tưởng là một đạo thiên nhiên chánh đáng nên mới noi đó mà chuyên chế đàn bà là giống cùng bị áp chế như họ... Người dân quê không cần phải sâu xa như vậy, nhưng họ theo cái lý tánh (le bon sens) giản dị mộc mạc của họ và cứ theo điều kiện sinh kế mà hành động. “Mạnh ai nấy đi làm ăn, ai muốn làm chủ ai làm gì! Còn chia nhau mà đi ở đợ, làm
sao con tùng cha, vợ tùng
chồng được?”

Lời đáp đáng để ý trong biết bao nhiêu lời đáp đã biên trong báo. Một điều hiển nhiên: chẳng có ai muốn đem cái thuyết tam tùng về nhà nữa.

...Thôi, bữa nay niêm phong cái gói tam tùng của chị lại đi”

(Phụ Nữ tân văn số 255
ra ngày 23-8-1934)

Cũng theo nhà nghiên cứu Bằng Giang trong Sài Gòn cố sự cho rằng “tính đến năm 1930, văn học quốc ngữ Nam kỳ có non 20 tác giả nữ còn để lại tác phẩm in thành sách”, nhưng “các tác giả trên không để lại một tiếng vang nào ngoại trừ Phan Thị Bạch Vân, chủ nhân Nữ lưu thơ quán
Gò Công”.

Phan Thị Bạch Vân (có tài liệu ghi sai là Phạm Thị Bạch Vân) tên thật là Phan Thị Mai. Bà sinh năm 1903, quê ở làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa  (nay là phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa). Cha làm tri huyện, mất sớm, để lại vợ và bảy người con, bà là người con thứ năm. Năm 17 tuổi bà đã đi lấy chồng. Không may gặp người chồng không tốt nên cuộc hôn nhân tan vỡ. Buồn phiền, bà bắt đầu viết văn. Những bài báo đầu tay của bà được đăng trên Đông Pháp thời báo từ năm 1928. Từ duyên văn chương mà bà đã gặp người bạn đời sau này là ông Võ Đình Dần. 

Cũng trong năm 1928, bà sáng lập ra Nữ lưu thơ quán, trụ sở đặt tại số 24 - 26, đường Chủ Phước, Gò Công. Ban biên tập Nữ lưu thơ quán gồm có: Đạm Phương (Huế), Nguyễn Thị Đan Tâm (Phủ Quảng Trung kỳ), Hoàng Thị Tuyết Hoa (bút danh của Phan Thị Bạch Vân), Tùng Viên (Phủ Quảng Trung kỳ), Vũ Xuân Đệ (Hà Nội), Quốc Anh (giáo học Phú Thọ, Đồng Hới), Á Nam Trần Tuấn Khải (Hà Nội). Nữ lưu thơ quán xuất bản sách mỗi tháng 3 kỳ với  mục đích: “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao.

Tủ sách của Nữ lưu thơ quán rất phong phú, có tiểu thuyết ái tình, sách danh nhân, sách lịch sử, sách khoa học, triết học, chính trị... Có cả sách dạy đạo vợ chồng, sinh sản, nuôi nấng con cái. Đặc biệt Nữ lưu thơ quán có rất nhiều sách dành riêng cho phụ nữ đúng như tôn chỉ của mình, như Tân nữ học sinh, Phụ nữ tân giáo khoa, Nữ công thường dụng…

Phan Thị Bạch Vân là một cây bút rất đa dạng. Bà dịch thuật, viết xã thuyết, làm thơ, sáng tác tiểu thuyết… Là trợ bút của Đông Pháp thời báo, bà viết  rất nhiều đề tài, trong đó có nhiều bài viết về nữ giới, như “Phụ nữ Việt Nam ta thử lập vài cái học bổng”, (Đông Pháp thời báo số 650 - 1927). Bài giới thiệu quyển Gương nữ kiệt viết về bà Roland, một nữ anh hùng của nước Pháp của bà đã công khai bày tỏ chính kiến: “Cùng sống trong một nước thì trai hay gái đều có cái bổn phận như nhau. Đương lúc nước mất dân tàn, trông mong vào những bực trượng phu ra tay cứu chữa, mà cũng trông mong vào những trang nhi nữ ghé vai gánh lấy cái trách nhiệm chung; nước nào nam giới, nữ giới đều có người thì nước ấy hẳn không đến nỗi để cho người ngoài giầy xéo. Chúng ta đọc truyện bà Rô-Lăng nước Pháp, sao được không nhớ đến bà Trưng bà Triệu là những bà mẹ yêu quí của chúng ta, rồi lại nghĩ đến cái bổn phận, cái cảnh ngộ của chúng ta ngày nay mà ngậm ngùi đau đớn”.

Phan Thị Bạch Vân mất ngày 2-8-1980  tại TP.HCM, di cốt hiện được gửi tại chùa Giác Ngộ, quận 5, TP.HCM.

Với Cao Thị Khanh, Phan Thị Bạch Vân, Nguyễn Thị Kiêm... có lẽ nên có công trình xiển dương các nữ lưu đất Gò Công về lĩnh vực văn chương, báo chí và đặc biệt là về những đóng góp cho phong trào đấu tranh bình đẳng giới trong những năm đầu thế kỷ 20.

Nguyễn Ngọc Phan
(Văn nghệ TG số 39)

Tài liệu tham khảo:
+ Bằng Giang - Sài Gòn cố sự, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999
+ Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan - Báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Văn hóa Sài Gòn - 2007
+ Võ Văn Nhơn - Văn học Quốc ngữ trước 1945 ở TP.HCM. Nxb Văn hóa Sài Gòn - 2007

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 379
  • Khách viếng thăm: 376
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 71571
  • Tháng hiện tại: 1712984
  • Tổng lượt truy cập: 48087111