Đi tìm ông chủ bút

Đăng lúc: Thứ năm - 02/07/2009 13:25
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Anh Tâm - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin của huyện Gò Công Tây là một thổ địa đáng tin cậy. Người như anh thì làm sử hợp gu hơn, bây giờ có phong trào nhà nhà viết sử, người người viết sử, nhưng phong khí đất đai ở địa phương mình thì họ hoàn toàn mù tịt. Anh có cái hay là khá rành các địa danh trong vùng: rạch Cá Chốt ở đâu, chợ Dinh đóng chỗ nào, thêm chợ Giồng nổi tiếng với món bánh vá... rồi giận người ta cứ viết sai là bánh giá. Một con người sôi nổi nhiệt tình và luôn tâm huyết muốn chứng minh rằng Đồng Sơn từng là trung tâm văn hóa của Gò Công mà không phải vì tâm lý địa phương chủ nghĩa.

Đố em con rít mấy chân,
Cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người.


Làng Đồng Sơn có hai ngôi đình: Đồng Sơn đình trung và Đồng Sơn đình thị. Đình thị là ngôi đình nằm ở gần chợ. Đâu đó ở vài địa phương chúng ta cũng bắt gặp miếu viên, miếu điền, miếu thị không những chỉ vị trí tọa lạc của nó mà còn phản ánh một kiểu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mặc dù ở chợ, ở vườn hay ở ruộng đều có cái chung là thờ cúng những vị Phúc thần hay Thành hoàng Bổn cảnh. Riêng với Đồng Sơn đình thị với niên đại của nó người ta có thể mường tượng rằng, vùng này chợ búa phát triển sớm, nói theo mốt thời thượng là “kinh tế thị trường”. Dông dài một chút để trao đổi xung quanh câu hỏi Tại sao chợ Dinh? Từ lúc khai khẩn đến đầu thế kỷ 19, Gò Công thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định, dinh Phiên Trấn, năm 1808 được cắt sang tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường, tổng Hòa Bình lúc đó rất rộng từ Chợ Cũ - Mỹ Tho đến Chợ Gạo, Gò Công luôn cả cù lao An Hóa. Năm 1831, Minh Mạng tách một phần tổng Hòa Bình ra lập huyện Tân Hòa. Huyện Tân Hòa bao gồm cả hai huyện Đông Tây Gò Công ngày nay và huyện lỵ đóng tại Đồng Sơn. Có lẽ chợ Dinh ra đời từ đó.

Chuyện đó nhiều người nói rồi, không nhắc lại nhiều, chỉ nhờ anh một việc là giúp tìm ra ngôi mộ của cụ Lê Sum - một nhân vật một thời nổi tiếng trong trường văn trận bút. Một nhân vật mà nhiều người chỉ biết vỏn vẹn có mấy dòng “Nhà văn Lê Sum, gốc ở Đồng Sơn, tinh thông Hán học và luôn cả Tây học; từng bình bút cho những tờ báo thời xưa như tờ Lục tỉnh Tân văn, Công luận, Nông cổ mín đàm. Cây viết của ông rất sắc bén, có thể nói là một trong những cây viết cừ khôi ở miền Nam, sánh với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh của miền Bắc”. Rồi thuyết phục anh thêm “Lê Sum, Nguyễn Tử Thức, Trương Minh Biện, Sơn Vương... là những nhơn kiệt xứ này mà không nhắc tới, không tìm hiểu cứ cho vùng này một thời là trung tâm văn hóa đất Gò thì người ta sẽ nói mình xạo”.

*

Chúng tôi về Đồng Sơn giữa cái nắng và gió tháng hai khô khốc. Khó có thể hình dung đây một thời là trung tâm chính trị và văn hóa của cả vùng. Nhà cửa san sát do nạn nhân mãn, vườn ruộng từng khoảnh nhỏ không có huê lợi gì nhiều, lại thêm mồ mả chen lấn diện tích trồng trọt vốn đã chật hẹp. Muốn có nhà tường, nhà ngói và đủ tiện nghi, người dân ở đây phải bươn chải, làm ăn ở tận Sài Gòn. Người có vốn thì trở thành doanh nghiệp này nọ, kẻ ít học thì làm công nhân cho các khu công nghiệp. Nói công nhân cho oai chứ thực ra họ chỉ là những người lao động cơ bắp, được đào tạo sơ sài có thể đứng trong một dây chuyền sản xuất nhiều khâu từ cắt, may, dán keo đế giày, đóng thùng....làm ngày nào ăn ngày nấy, cho nên trong cơn bão khủng hoảng kinh tế họ là những nạn nhân đầu tiên bị đẩy về quê xin gạo. Và hình như phương cách kiếm sống kiểu này đã trở thành nếp, cho nên ở địa phương thiếu nhân công làm việc đồng áng, vào mùa vụ thuê mướn rất khó khăn, trong xóm quá nhiều người già.

Nghe nói có một cụ già ở xóm rẫy biết nhiều việc, chúng tôi tìm đến hỏi thăm. Cụ nói chẳng biết Lê Sum là ông nào, trò chuyện giờ lâu, ông tiết lộ xưa ở đây có người viết báo nổi tiếng lắm, gọi là ông chủ bút, không có con thừa tự nhưng có một người con nuôi là bà Tám Vinh hiện ở xóm trong. Mừng vì bắt được đầu mối quan trọng, chủ bút là Lê Sum chứ không ai khác, chúng tôi đinh ninh như vậy.

Bà Tám Vinh năm nay đã ngoại bảy mươi. Cụ sống một mình trong căn nhà tuềnh toàng trống hoác, chỉ có một bộ ván cũ và vài chiếc ghế đôn. Nhiệm vụ của cụ là chăm sóc mộ phần của ông bà, nhưng ngôi mộ của ông chủ bút thì không nằm trong khuôn viên vườn nhà, chỉ có mộ của cụ bà. Hai ông bà chủ bút không có con nên xin cụ về nuôi từ nhỏ. Qua lời kể của bà, gia thế cụ Lê Sum không giàu có như một số nhà giàu nổi tiếng ở Đồng Sơn thời bấy giờ, nhưng cũng có thể xếp vào bậc khá giả. Ruộng đất cũng có dăm ba chục công nằm ở khu vực ngã ba Đồng Sơn. Bà kể, hồi ba tôi làm chủ bút, ruộng đất mấy mẫu tây đem bán sạch, để có tiền in nhựt trình. Đến nỗi giờ, khoảnh đất nơi ông an nghỉ cuối cùng ở khu vực ngã ba Đồng Sơn cũng đã thuộc về người khác từ lâu. Câu nói của bà như xác nhận lại lần nữa bài thơ Hí đề mà ông đã từng tâm sự trong Việt Âm văn uyển:

Nghĩ mình thôi cũng nực cười thầm
Giàu chẳng ngàn muôn cũng chẳng trăm.
Xe ngựa ngả nghiêng liền trót tháng,
Áo xiêm lòe loẹt trãi quanh năm
Ruộng vườn tuy kém trang hào hộ.
Xài phá đà mang lắm tiếng tăm.
Thật cũng khéo dày công tạo hóa
Sanh voi sanh cỏ ví không lầm.

Thật hay cho câu “Xài phá đà mang lắm tiếng tăm” . Đất Mỹ Tho - Gò Công xưa đâu chỉ mình Lê Sum xài phá và để đời. Một Lê Công Phước nổi danh trong thiên hạ với “thương hiệu” Bạch công tử từng xài phá bằng cách lập đội banh, gánh hát Huỳnh Kỳ, qui tụ những diễn viên nổi tiếng như Phùng Há, Năm Thiện, Ba Thiện, Ba Thâu, Ba Duy, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Tư Long, Hai Nữ v.v… Ông xây dựng rạp hát, sắm ba chiếc ghe chài cho gánh Huỳnh Kỳ đi lưu diễn... Nhưng tiếng tăm cho hậu thế mỉa mai thay chỉ còn lại là hai chữ chơi sang. Nhưng nếu xét cho cùng việc làm của George Phước nói theo ngôn ngữ thời đại là thành viên tích cực cho công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa thể thao.

Trở lại chuyện Việt âm Văn uyển, quyển sách này hiện không còn được nhiều người lưu giữ. Bà Tám Vinh cũng không giữ được quyển nào vì trước khi ông mất toàn bộ sách vở đã đem tặng cho học trò. Chúng tôi may mắn sưu tầm được một bản, nhân nói về ông cũng xin mở rộng đôi điều về quyển sách này, kẻo thiên hạ bảo mình đặt dóc. Và bạn đọc thông cảm vì tôn trọng người xưa nên những câu trích dẫn xin ghi nguyên văn, chính tả quốc văn thời trước không giống như bây giờ.

Việt âm Văn uyển, nhà in J.Viết xuất bản năm 1919. Theo lời tựa, công trình này, cụ Lê Sum đã bỏ ra 10 năm trời với sự thận trọng của một người “khuôn phép” mà tâm tư rất đỗi băn khoăn “... Trong Nam kỳ ta từ năm mươi năm nhân lại đây, việc Nho học tuy càng ngày càng suy song thói hư chưa dứt. Nên sự học kinh truyện thì lần lần muốn tuyệt... Nếu vậy mà đạo học chữ Tàu ngày một suy, người biết đặt đễ càng lần càng ít. Vậy thì ngày kia hàng hậu tấn của chúng ta muốn kiếm dấu tích của chư tiên giáo đặng xem cách đặt đễ văn từ thi phú ra thể nào nương đâu noi theo mà làm phép... Nên tôi mới ra công tìm kiếm những danh thi, danh phú cũa chư tiền triết đễ lại, và những thi phẩm của chư nho đương thời trong bạn thân bằng cố hữu cũa tôi, những bài nào văn từ tao nhã, trúng cách luật thi gia, đũ làm qui cũ tôi mới lục vào...”.

Đây có lẽ là một trong những công trình phê bình văn học đầu tiên ở Nam kỳ được in thành sách. Bởi vì, ngay phần đầu tiên của Việt âm Văn uyển là phần thi pháp sơ dãi (giải), bình giảng và đưa ra phương pháp làm thơ theo niêm luật bát cú, tứ cú, ngũ ngôn, thất ngôn... đồng thời có những bài minh họa đắc ý như bài “Tạ hương đảng” (thất ngôn vần trắc), bài “Cẩu giao vĩ” (ngũ ngôn vần trắc) của Học Lạc ...Theo ông, thơ bát cú phải theo niêm luật “phá - thừa - trạng - luận - chuyển - kết”, nhưng quan trọng hơn, thi văn phải “tả đến sự vui thì nghe hân hoan khoái lạc, tả đến cảnh buồn thì nghe rất ưu sầu thảm thiết, tả đến sự trung can nghĩa khí hào kiệt anh hùng thì người nhu nhược nghe cũng trở nên cứng cỏi”. Ông dẫn chứng một cách tâm đắc:

“Nước kia bởi gió nên nhăn mặt
Non nọ vì sương chịu bạc đầu
.....
Sông lo thiếu đất bồi thêm nước
Núi sợ trời nghiêng đỡ lấy mây”

Việt âm Văn uyển vỏn vẹn có 130 trang, đa phần là những bài thơ hay do ông sưu tập giới thiệu, trong đó có Hà Tiên thập vịnh (11 bài) của họ Mạc; vịnh Nguyệt nga thập nhị thủ (12 bài) của Nguyễn Quang Công; 32 bài cung oán (ông ghi là cổ thi) và một số bài của cụ Phan Thanh Giản, Cử Trị, Thủ Khoa Ngãi (Nghĩa) của Đặng Thúc Liêng... Nhưng quí nhất cho người đời sau là các bài của các tác giả địa phương: (mà trong đó ta thấy có sự góp mặt của các nhân vật trong “Gò Công tứ tài tử”) Nhiêu Tâm, Nhiêu Phang (Mai Đằng Phương), Lê Bá Đảng (Gò Công), Huỳnh Đình Ngươn (Gò Công), Nguyễn Hữu Đức (Vĩnh Long), Trần Hữu Quang (Mỹ Tho), Phan Tử Nhàn (Gò Công), Trần Khắc Hài, Nguyễn Tử Thức, Phan Xuân Thảo, H.Q.Viên, Đỗ Thanh Phong (Giáo Sỏi), Huỳnh Trí Phú, Nguyễn Viên Kiều, Lê Văn Lộc, Trần Quang Quờn, Lâm Lợi, Nguyễn Kim Đính... Không chỉ có thơ, trong Việt âm Văn uyển còn có các bài văn tế rất hay như văn tế vợ của Thủ Khoa Nghĩa, văn tế tình nhơn, văn tế Đức thầy Bá Đa Lộc...

Phần hai của quyển sách là Lê Sum thi tập, tổng cộng 50 bài. Các bài Thầy kéo xe, ngồi xe kéo, Ngựa già, Nước lã khuấy nên hồ, 3 bài cảm tác khi du lịch Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang, Qui cố hương cảm tác, Hí đề, Tha hương cảm tác và một số bài thơ tặng cho các thi hữu Hồ Văn Trung (tức nhà văn Hồ Biểu Chánh), Phan Tử Nhàn, Phạm Duy Hiệu, Đặng Bá Dung... cho thấy ông là một người khoáng đạt, thích lãng du đây đó, giao thiệp rộng nhưng trong lòng lúc nào cũng ẩn chứa một nỗi buồn man mác, không định nghĩa được.

*

Năm 1916, Lê Sum làm chủ bút tờ Công Luận báo, xuất bản mỗi tuần 2 kỳ vào ngày thứ ba và thứ năm. Đây là bản Việt ngữ của tờ L’Opinion, số 1 ra ngày 29-8-1916. Năm 1918, là nhựt báo lấy tên chính thức là Công Luận báo. Giám đốc cũng là một người Pháp, ông L.Héloury; Tổng lý ông Nguyễn Kim Đính. Là một trong những tờ nhựt báo sớm nhất, Công Luận báo có khuynh hướng thân chính phủ, đề cập đến những vấn đề có liên quan đến thời sự, chiến tranh Âu châu, nhưng đồng thời cũng là tờ báo đăng tải nhiều văn chương tiểu thuyết. Tờ báo này tồn tại đến tháng 10-1939, tổng cộng được 9.021 số.

Năm 1917, Lê Sum được mời làm phụ bút cho tờ Nam Trung Nhựt Báo của người đồng hương Nguyễn Tử Thức. Thời gian này, ông là cây bút thường xuyên viết cho những tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ như tờ Lục tỉnh Tân văn, Nông cổ mín đàm.... Làm báo có gì vui ? Đọc bài Sơ nhậm Công luận báo chủ bút tự trần cho thấy tâm trạng của ông dường như có sự căng kéo giữa cái mới và cái cũ, dường như việc đi làm chủ bút là chuyện bất đắc dĩ:

Buồn viết tân văn trót mấy niên
Cúc tòng co duỗi phận hầu yên
Gia đình những ngỡ vui danh giáo
Nghiên bút hay còn vướng nợ duyên
Tấn thối tuy rằng người trước định
Ân trừng song cũng lẽ tự nhiên
Nóng lòng nong nả đều công ích
Đâu phải mơ chi chốn thị thiền.

Sau khi ông chủ bút qua đời, có một người mến mộ tài năng ông tên Tảo làm lục lộ, gọi nôm na là Lục lộ Tảo tự nguyện chăm sóc phần mộ. Ông ấy cũng qua đời từ lâu, đất đai nơi cụ Lê Sum an nghỉ cũng đã về tay chủ mới. Theo lời chỉ dẫn của bà Tám Vinh, chúng tôi trở ra ngã ba Đồng Sơn tìm mộ ông để biết đích xác năm sinh năm mất. Ngôi mộ tọa lạc trong một khu vườn, phía sau dãy nhà trọ tường rào kín kẽ, người ra kẻ vào lấm la lấm lét như vừa mới ăn vụng sợ bắt quả tang. Người chủ nhà trọ không cho chúng tôi vào cổng chính có lẽ vì kinh doanh nghề nhạy cảm hay họ sợ ông trưởng phòng Văn hóa đi cùng dòm ngó. Phải vòng qua một bờ ranh miếng vườn rậm rạp chúng tôi mới đến được khoảng đất trống có nhiều ngôi mộ. Mộ ông chủ bút bằng xi măng đắp hình yên ngựa. Tấm bia ghi Lê Khánh Sum, sinh năm 1878, mất tháng Décembre năm 1927. Ông chủ bút giã từ trường văn trận bút khi còn quá trẻ, mới 49 tuổi.

Đốt nén nhang cho ấm lòng người dưới đất. Ông nằm đây có lẽ cũng chuyện bất đắc dĩ, không đoán trước cuộc thế bể dâu chứ Đâu phải mơ chi chốn thị thiền!

Nguyễn Ngọc Phan
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 34)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 211
  • Khách viếng thăm: 210
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 362
  • Tháng hiện tại: 2445252
  • Tổng lượt truy cập: 48819379