Theo dấu nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt

Đăng lúc: Thứ hai - 31/08/2009 08:00
Bài vị thờ tổ tiên lưu giữ tại gia đình nhà văn Minh Lộc

Bài vị thờ tổ tiên lưu giữ tại gia đình nhà văn Minh Lộc

Tập Thơ văn yêu nước 1858-1990 (NXB. VH, Hà Nội 1976) nhận định Huỳnh Mẫn Đạt là một trong những cây bút “chiến đấu” trong hàng ngũ những nhà thơ yêu nước ở Nam bộ thời kỳ đầu kháng Pháp của dân tộc. Ông góp phần vào cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường đồng thời có nhiều bài thơ nói lên lòng chung thủy của ông đối với đất nước; sự ngưỡng mộ với những anh hùng chống Pháp và sự căm ghét, khinh bỉ bọn tay sai của bọn thực dân xâm lược.
Và khi nhắc đến ông, người ta thường hay nhắc đến những câu thơ nổi tiếng ca ngợi Anh hùng Nguyễn Trung Trực:

Thắng phụ nhung trường bất túc luân
Đồi ba chỉ trụ ức ngư dân
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.


Sự nghiệp thơ văn của ông đã có nhiều người nói, xin không nhắc lại, tuy nhiên về quê quán của nhà thơ nổi tiếng này có vài điểm nghi vấn, xin ghi lại, các bậc thức giả ai biết xin chỉ giáo:

1. Dòng họ Huỳnh bên rạch Cây Cui:
Thế hệ U.50 ở địa phương có lẽ không biết cây cui là cây gì, hỏi nhiều người chỉ nhận cái lắc đầu, họ chỉ biết ở đây có một con rạch mang tên Cây Cui. Đó là một con rạch nhỏ khá ngoằn ngoèo, nối từ rạch Cái Bè nhánh phía đông, nơi có cái vịnh nổi tiếng là vịnh Ông Trung, ngọn rạch nằm phía đâu đó bên Bà Đắc, xã Hội Cư. Con rạch nằm trên địa phận ấp 4, xã Phú An, xưa có thời gian ấp này có tên là ấp Phú Khương, nhưng có lẽ chỉ là tên mới. Theo Địa bạ Minh Mạng năm 1836 thì thôn Phú Sơn xưa có 3 ấp Phú Thạnh, Phú Lợi, Phú Hòa triều Gia Long thuộc tổng Phong Hòa, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Và cũng theo đo đạc lúc bấy giờ thì đây là một thôn trong những thôn trồng nhiều cau nhất. Tổng diện tích khai thác là 872 mẫu (số tròn), nhưng có tới 617 mẫu /122 sở đất viên lang/vườn cau, còn lại là sơn điền, tức ruộng gò (không phải “ruộng núi” như một vài tài liệu phiên ẩu). Lai lịch của xã Phú An còn có thôn An Mỹ mà Địa bạ Minh mạng ghi rằng ở xứ Dong Mục cương, dò tìm mãi mới biết đó là giồng Cây Dông nằm phía đông của xã, cứ đánh đố người thời nay, sao họ không ghi là Dông Mộc cương/phụ gì đó nhỉ? Thời Pháp, ngày 24-10-1925, hai thôn Phú Sơn và An Mỹ này nhập lại thành làng Phú An, rồi xã Phú An. Từ đó tên ấp thay đổi, xáo trộn một cách khó hiểu. Nhắc lai lịch một chút chỉ nhằm minh họa rằng đất này xưa là một trong những làng giàu có nhờ lợi tức từ cau, “Gia Định nhất thóc nhì cau” mà. Có giàu mới có nhiều người học hành đỗ đạt chứ!

Cây Cui thuộc xóm ruộng gò và cây ấy tuyệt chủng từ lâu bên bờ rạch nên không trách được. Thi thoảng ai đó có nói đến chiếc xuồng cui hay ghe cui có lẽ nên nhắc đến tên con rạch mang dấu ấn của một loài cây đã đi vào dĩ vãng. Xóm rạch Cây Cui có dòng họ Huỳnh nổi tiếng. Tuy nhiên họ Huỳnh không phải là dòng họ định cư sớm, có lẽ họ đến đây thời Nguyễn Văn Cối lập làng Hội Sơn và Xuân Sơn, tức sau trận Rạch Gầm Xoài Mút - 1785. Bởi đi sau nên họ buộc phải chọn nơi không phải sông sâu nước chảy, nói theo bây giờ là đất mặt tiền, để lập vườn lập ruộng.

Họ Huỳnh hiện chỉ còn một số gia đình định cư, đa số rân rác khắp nơi. Người “bám trụ” lâu đời nhất có lẽ là nhà văn Minh Lộc/ Huỳnh Công Trứ nổi tiếng với tập truyện ngắn Giữ đất và tập truyện vừa Con đường sống đạt giải nhất giải thưởng văn học Cửu Long hồi kháng chiến chống Pháp, năm 1951. Nhà văn tạ thế từ năm 1990 và hiện yên nghỉ tại khu vườn đầy hoa bưởi và cỏ tranh...là khoảnh đất của tổ tiên họ Huỳnh để lại.

Những ngôi mộ xưa lẩn khuất rêu phong, bia mộ theo thời gian chôn vùi, xô lệch.

Lần theo những ngôi mộ xưa, chúng tôi tìm được mộ ông Huỳnh Mẫn Chánh. Sách Quốc triều Hương khoa lục ghi Huỳnh Mẫn Chánh người thôn Phú Sơn, đậu cử nhân hạng 11, khoa Đinh Dậu (1837), có tài liệu ghi về sau làm quan chức Tri phủ nhưng chưa rõ nhiệm sở ở đâu. Trường thi hương Gia Định năm ấy lấy 11 cử nhân. Tuy bia ngôi mộ không đọc được năm sinh năm mất, nhưng phân vai vế rõ ràng ông Huỳnh Mẫn Chánh là chú ruột của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt. Có lẽ bạn đọc thắc mắc tại sao ông chú lại ứng thí và đỗ đạt sau người cháu. Đó là chuyện thường. Ngày xưa việc học hành đâu phân biệt tuổi tác như bây giờ, nên việc những vị đầu hai thứ tóc vẫn bút nghiên đến trường thi là bình thường chứ như ngày nay có lẽ Huỳnh Mẫn Chánh chỉ là học trò của các lớp bổ túc văn hóa hay phổ cập trung học gì đó.

2. Và những câu hỏi về quê hương Huỳnh Mẫn Đạt.
Theo Quốc triều Hương khoa lục, Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm 1807, quê ông ở làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh). Năm 24 tuổi ông thi đậu Cử nhân khoa Tân Mão/1831 và ra làm quan. Dưới thời Tự Đức ông là Án Sát tỉnh Định Tường. Năm 1861, giặc Pháp tấn công Định Tường, Huỳnh Mẫn Đạt cùng binh sĩ ra sức giữ thành nhưng không kháng nổi. Sau khi 3 tỉnh miền Tây mất vào tay giặc, ông lánh về Kiên Giang và sống ở đó đến cuối đời, nên có sách cho rằng ông là người ở Rạch Giá - Kiên Giang. Ông mất năm 1883. Hiện nay ngôi mộ ông tọa lạc tại khu phố Cô Bắc, phường Vĩnh Bảo, Rạch Giá. Có lẽ đây là căn cứ một số tài liệu ghi sai lệch về quê quán của ông.

Trở lại các ngôi mộ và bài vị thờ tại gia đình nhà văn Minh Lộc, chúng tôi thấy ở đây còn có mộ người mẹ là bà Lê Thị Thục và ngôi mộ Huỳnh Mẫn Đức(*), là anh ruột của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt, nhưng không rõ mộ cha ông chôn ở đâu, ngoài ra bài vị chung còn thờ ông bà nội. Theo tập quán chôn cất của ông cha ta ngày xưa thì có thể khẳng định ông bà nội của Huỳnh Mẫn Đạt đã đến cư trú ở thôn Phú Sơn ít nhất cũng vào khoảng cuối thế kỷ 18, tức sau thời kỳ xiêu tán trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Còn chuyện ghi ở sách Quốc triều Hương khoa lục phải chăng chỉ là lý lịch ông khai khi ứng thí? Riêng ông sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Định Tường, ông sang định cư tại Rạch Giá thì rõ ràng ông không phải người Rạch Giá. Một người trong họ Huỳnh còn cho biết thêm, mấy năm trước có một số người bên Rạch Giá sang tảo mộ, có lẽ trước lúc lâm chung nhà thơ cũng đã có vài lời di huấn chăng?

Người viết bài này không có ý “kéo” nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt về đất Tiền Giang, chỉ muốn làm rõ thêm lai lịch của một người nổi tiếng, nói theo ngôn ngữ thời thượng là người của công chúng. Dẫu sao thì hậu duệ đời thứ tư của ông Huỳnh Mẫn Đức cũng còn người kế thừa văn nghiệp đó là nhà văn Thu Trang, hiện công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang.
Nguyễn Ngọc Phan
(Theo Văn Nghệ Tiền Giang số 35)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 347
  • Khách viếng thăm: 321
  • Máy chủ tìm kiếm: 26
  • Hôm nay: 17696
  • Tháng hiện tại: 2386121
  • Tổng lượt truy cập: 48760248