Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên và những vần thơ về quê mẹ Gò Công

Đăng lúc: Thứ hai - 23/04/2012 14:48
Nhà thơ Hoàng  Tố Nguyên và những vần thơ về quê mẹ Gò Công

Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên và những vần thơ về quê mẹ Gò Công

Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên tên thật là Lê Hoàng Mưu. Ông sinh năm 1929, quê ở Gò Công. Ông tham gia cách mạng và tập kết ra Bắc năm 1954. Tập thơ “Gò Me” của Hoàng Tố Nguyên gồm 13 bài, xuất bản năm 1957 đã gây được tiếng vang lớn, tạo nên tên tuổi Hoàng Tố Nguyên. Nội dung tập thơ chủ yếu thể hiện tấm lòng thương nhớ quê hương của tác giả.

“Gò Me” là tên bài thơ nổi tiếng và cũng là tên vùng đất quê mẹ của ông, nay thuộc xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây, ông đã sống qua những ngày thơ ấu:

                        “Quê tôi đó: mặt trông ra bể
                        Đốm hải đăng tắt lóe đêm đêm
                        Con đê cát đỏ, cỏ viền
                        Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò.
                        Ruộng vây quanh, bốn mùa gió mát
                        Lúa nàng keo, cháy rực mặt trời 
                        Ao làng: trăng tắm, mây bơi 
                        Nước trong như nước mắt người tôi yêu! ”.

Chỉ với vài nét phác họa trong 8 câu thơ, ông đã thâu tóm được thần thái của cảnh vật để vẽ lên bức tranh tổng thể quê mình. Hình ảnh nào cũng sinh động. Nhưng tạo được ấn tượng và gợi cảm nhất, chính là cái ao làng lung linh nước biếc, đã được ông thi vị hóa bằng hai câu thơ rất tuyệt vời: “Ao làng trăng tắm, mây bơi. Nước trong như nước mắt người tôi yêu!”.

Hoàng Tố Nguyên có một tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm. Tình yêu quê hương của ông nồng thắm. Thật không ngờ, tâm hồn ông ngày ấy lại giàu mơ tưởng đến thế:

                      “ Ôi, thuở ấu thơ
                        Cắt cỏ, chăn bò
                        Gối đầu lên áo
                        Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo
                        Lòng bay theo bướm, theo chim
                        Me non cong vắt lưỡi liềm
                        Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ ”.                                       

                                                                                                  (Gò Me)

Những trận đòn mẹ đánh thuở bé vẫn khắc đậm trong tim ông. Kỉ niệm đó hầu như trong đời ai ai cũng nhớ; có người khi nhớ lại vẫn còn thấy rát đau, sợ hãi. Thế nhưng với ông lại khác: ông “khát thèm” những làn roi dạy bảo của mẹ, để ông mãi là đứa con thơ dại ngày nào. Chắc hẳn, khi viết những dòng lưu luyến này, ông đã rưng rưng nước mắt:

                      “Lòng tôi chỉ khát thèm vô hạn
                        Những làn roi mẹ đánh cuối năm
                        Những làn roi mẹ dấu mặt khóc thầm
                        Những làn roi giơ cao đánh khẽ…
                        Ở tay người mẹ thương con nén chặt trong lòng! ”.  

                                                                                     (Khát một mùa xuân)

Chúng ta không khỏi đắng lòng và càng thêm căm thù bọn thực dân, phong kiến, mỗi khi nhớ lại cảnh sống cơ cực của người dân quê chất phác; sớm chiều lam lũ mà vẫn không đủ miếng cơm, manh áo:

                     “Ôi, Gò Me!
                      Các bác, các cô
                      Các dì, các cậu
                      Mồ hôi muối trắng hai vai áo
                      Đêm không đèn, húp cháo thay cơm
                      Nhặt từng hạt lép trong rơm
                      Nhìn bầu sữa cạn, thương con héo gầy! ”.

Thật trớ trêu, trong khi đó thì:

                               “Ruộng Gò Me cò bay thẳng cánh
                               Ao Gò Me nước gánh không vơi
                               Đất lành màu mỡ sinh sôi
                               Nếp than, nấm rạ… làng tôi vẫn nghèo! ”.                             

                                                                                                  (Gò Me)

Vậy mà, cuộc sống vẫn âm thầm đâm chồi nẩy lộc theo những câu hò, điệu hát của các cô thôn nữ, làm say mê bao lòng trai xứ lạ: “Hò…ơ…Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me. Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò…”. Bỗng thấy lòng nhớ quá “Những chị, những em má lúm đồng tiền. Nọc cấy, tay tròn, nghiêng nón làm duyên”, ông lại đắm mình thả hồn về mùa cấy
quê xưa:

                     “Điệu hò cấy Gò Công rì rầm giọng biển
                      Như tiếng chim cu trưa hè âu yếm
                      Chơi vơi sực nức hương đồng…! ”.                                                    

                                                                                 (Tiếng hát quê hương)

Bên cạnh những bài thơ hoài niệm tuổi thơ là những bài thơ về quê hương. Ông đã nêu bật được sức mạnh truyền thống cùng với sức mạnh cách mạng. Đó chính là vũ khí sắc bén để chống lại kẻ thù. Vì thế, với câu hỏi: “Người sẽ sống sao đây, Gò Công quê mẹ? ” tưởng như mang đầy nỗi lo; nhưng thật ra, đó chỉ là cái cớ để ông tự hào trả lời bằng tinh thần lạc quan và bằng tấm lòng son sắt, quyết giữ từng tấc đất của người dân:

                     “Người sẽ sống sao đây, Gò Công quê mẹ?
                      Điệu hò cấy ngát xanh, thẳm sâu lòng chung thủy
                      Gió biển khơi nồng mặn vị mồ hôi
                      Vọng tiếng gươm khua trong đám lá tối trời ”.   

Để rồi, cùng với mùa xuân rộn rã của đất trời, ông đã cất vang tiếng hát “ra trận” cùng quê hương chiến đấu:

                      “Gò Công! Xuân đã về trên đất quê ta
                       Mùa no ấm mở đường chiến thắng
                       Hoa mai nở trên súng người ra trận
                       Tiếng thét biểu tình chắp cánh điệu dân ca!” .

Lòng tin tưởng sớm có ngày đất nước liền một dải, đã nuôi lớn niềm hi vọng trong trái tim người con xa quê đi tập kết. Cho giấc mơ vàng của ông sẽ trở thành hiện thực:

                    “Sung sướng bao nhiêu nếu tôi được đi về
                     Giữa những vườn cây ăn trái sum suê 
                     Đã trút xuống người tôi những cơn mưa bạc
                     Nhựa ngọt theo cành ướp giọt sương khuya! ”.                                 

                                                                       (Nhớ về quê hương chiến đấu)

Còn gì vui sướng hơn, khi ông được ngân lên tiếng hát, điệu ca ngày nào của mẹ. Và có gì ngây ngất bằng, khi ông được mơ màng ngâm nga những lời thơ thắm thiết với đồng đất quê mình:

                     “Con sẽ hát những lời mẹ hát
                      Con sẽ ca những điệu mẹ ca
                      Con sẽ làm thơ ca ngợi ngày mùa
                      Cho mãi mãi quê ta:
                      Không còn những đêm dài nước mắt! ”.

                                                                                 (Tiếng hát quê hương) 

Tiếc thay! Đúng 2 tháng sau ngày giải phóng 30-04-1975, cơn đột qụy đã giữ ông ở lại với lòng đất quê mới Thái Bình. Thật xót xa cho ông đã không có ngày đoàn viên quê mẹ. Thôi thì, chúng ta cứ ngỡ như ông đã về lại chốn xưa. Cho ông có được những phút giây hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình:

                     “Xa cách, đau thương chỉ là chùm rau đắng
                      Lên bếp hồng, sẽ bốc vị canh ngon! ”.                                             

                                                                     (Nhớ về quê hương chiến đấu)

Quê hương Gò Công đang từng ngày vui khoe sắc mới! Cùng đi bên nhau giữa lòng phố thị, bỗng thấy bồi hồi, yêu mến quá những vần thơ năm xưa Hoàng Tố Nguyên viết cho quê người, nhưng sao hôm nay lại gần gũi, thiết thân với quê mình đến thế:

                     “Đường nho nhỏ giữa hai hàng phố trẻ
                      Để cách ngăn, hay để thêm gần?
                      Lòng thị xã hẳn có điều muốn kể
                      Thoáng nhìn nhau, ánh mắt đã làm thân! ”.                                  

                                                                                 (Chiều qua thị xã nhỏ)        

Quê hương ơi! Hãy kề đôi má cho ông âu yếm đặt nụ hôn đầu:

                     “Gò Công yêu dấu, đâu nào má em…! ”.                                            

                                                                                         (Gò Me)

Vũ Cường
(Theo Văn nghệ TG số 51)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 63 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 367
  • Khách viếng thăm: 359
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 27057
  • Tháng hiện tại: 1478502
  • Tổng lượt truy cập: 45445735