“Rạch Gầm - Xoài Mút, muôn đời oai linh"

Đăng lúc: Thứ ba - 21/02/2012 15:09
Khi di tích Rạch Gầm Xoài Mút

Khi di tích Rạch Gầm Xoài Mút

Xuất xứ hai địa danh Rạch Gầm - Xoài Mút

Cách nay hơn 10 năm, theo lời chỉ dẫn của một anh bạn ở Hội Văn nghệ Tiền Giang, tôi phóng xe một mạch đến xã Bình Đức - cách TP. Mỹ Tho khoảng 7km, tìm nhà cụ Trác Quan Đồ.

... Tiếp tôi, bên bàn trà dưới lùm nhãn mát rượi là một cụ già râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, đôi mắt hãy còn rất tinh anh, mặc dù cụ năm nay đã tám mươi lăm tuổi, vượt xa độ tuổi “cổ lai hy”. Bên ấm trà đặc sánh, tôi và cụ - một trẻ, một già nói chuyện về đề tài lịch sử, xem ra tâm đắc lắm!

Làng Bình Đức của cụ Trác nằm ven rạch Xoài Mút, đây là địa danh ở đất Tiền Giang có liên quan đến chiến công oanh liệt của vị anh hùng “áo vải cờ đào” Nguyễn Huệ nên cụ đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu, tìm hiểu chiến thắng này và đã viết xong một luận văn khoa học dày cả trăm trang về chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút với tựa đề “Hỏa hổ diệt xâm lăng”. Trong lúc trò chuyện, thấy tôi cứ thắc mắc mãi địa danh Xoài Mút, cụ Trác cười khà khà cho biết:

- “Là bởi vì xưa kia vùng này có một rừng xoài. Và đã là xoài rừng, thì trái nhỏ, hột to, cơm ít, muốn ăn được, sau khi gọt vỏ, phải đưa vào miệng mút. Rồi lần hồi bà con gọi là Xoài Mút, cũng có người kêu là Xoài Hột. Xoài Mút thường để chỉ tên rạch, Xoài Hột là tên chợ, bởi vì ở đây có chợ Xoài Hột ở xã Thạnh Phú kế bên xã Bình Đức”.

Thấy tôi có vẻ bán tín bán nghi, cụ Trác lôi tuột tôi đi luôn ra vườn, chỉ vào một cây xoài cổ thụ tán rộng, nhánh cao, đang trổ bông lác đác, nói:

“Đó! Cây xoài mút đó! Nó có từ khi nào, qua cũng hổng biết nữa, khi lớn lên đã thấy nó rồi. Tới lúc nào có trái, qua nhắn chú lên ăn thử
cho biết vị. Quanh đây còn một hai cây...”

Nhìn cây xoài mút lòng tôi chợt dâng lên một niềm xúc động khó tả! Phải chăng đây là chứng tích còn sót lại của một thời khai hoang mở đất của ông cha ta vào những thế kỷ trước, của một chiến công hào hùng đã đi vào lịch sử dân tộc?

...Vào độ tháng mười một âm lịch, mặc dù nước lũ đã rút, nhưng nước sông Tiền theo chu kỳ hàng năm, vẫn còn dâng cao chảy vào đồng ruộng lan tràn mà bà con gọi là nước rong. Các con mương trong vườn nhà cụ Trác cũng đầy ắp nước. Nhìn nước ngập lé đé bờ, cụ Trác sôi nổi hẳn lên:

“Vùng đồng bằng sông Cửu Long của mình lạ lắm chú ạ! Đi đâu cũng toàn gặp sông rạch, kinh mương. Bây giờ nước còn ngập ra sát đường cái như vầy, thì cách nay, trên 200 năm, thời trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút xảy ra, đất đai chắc hẳn là thấp lắm, cả vùng đồng bằng vào mùa nước nổi  là một biển nước mênh mông. Do đó, theo qua, thời đó, có lẽ ông Nguyễn Huệ đã dẫn hạm đội Tây Sơn từ Sài Gòn băng qua bể nước Tháp Mười mà tiến đến đóng ở Mỹ Tho để lập trận địa phục kích ở Rạch Gầm và Xoài Mút, tiêu diệt quân Xiêm. Và chỉ có theo con đường này, nghĩa quân Tây Sơn mới hành quân thần tốc
như vậy”.

Tôi biết, đây cũng là ý kiến của cụ trong Hội nghị khoa học về chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, được tổ chức tại Tiền Giang hồi năm 1985. Nếu trí nhớ không lừa tôi thì ý kiến của cụ Trác đã được PGS-TS sử học Nguyễn Phan Quang, thay mặt Hội đồng khoa học, trong bản tổng kết Hội nghị cho rằng đây là một ý kiến mới mẻ, táo bạo, bởi vì từ trước đến nay, giới nghiên cứu đều cho rằng nghĩa quân Tây Sơn tiến vào Tiền Giang - Mỹ Tho chỉ bằng một con đường hành quân duy nhất là từ biển vào cửa Tiểu rồi ngược dòng sông Tiền đến đặt bản doanh tại Mỹ Tho.

Do không có thì giờ, tôi đành phải từ giã cụ Trác, mà trong lòng còn luyến tiếc về câu chuyện chưa đến hồi kết thúc với cụ già vui vẻ, tốt bụng, có kiến thức sâu rộng và từng trải kinh nghiệm.

Đường về Rạch Gầm, nhờ cây cầu Đồng Tâm dài 500m nên đỡ mất thời gian đi đò ngang. Rạch Gầm là quê ngoại của tôi. Suốt thời niên thiếu, tôi đã được đùa giỡn dưới dòng nước đục ngầu phù sa của con rạch thơ mộng này và được ru ngủ bởi những bài hát ru em của ngoại tôi vào những buổi trưa hè vắng lặng:

... Ầu ơ! Rạch Gầm - Xoài Mút tăm tăm,

Xê xuống chút nữa, tới vàm Mỹ Tho.

Bần gie đóm đậu sáng ngời,

Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh!

Rạch Gầm, trong thư tịch cổ, gọi là Sầm Giang, là một con rạch dài mười mấy cây số, lượn lờ, uốn khúc qua các làng Kim Sơn, Vĩnh Kim, Mỹ Long, Thuộc Nhiêu hiền hòa và trù phú. Rạch Gầm cách rạch Xoài Mút bảy cây số, cách TP Mỹ Tho về hướng Tây khoảng mười bốn cây số.

Nhà ngoại tôi nằm sát bờ Rạch Gầm. Tôi kéo ghế bố ra hàng hiên ngồi, nghe sóng vỗ nhẹ êm. Trong hàng dừa nước và những dãy bần gie ra bờ rạch, trong bóng tối dày đặc, khẽ lung linh lập lòe những ánh sáng xanh biếc của đom đóm. Ngoại tôi năm nay đã già lắm, nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Bà ngồi ngay ngạch cửa bỏm bẻm nhai trầu và kể chuyện đời xưa:

-“Ngày xửa, ngày xưa, miệt Rạch Gầm của mình đâu được sầm uất như ngày hôm nay. Thuở đó, khi ông bà mình đến đây khẩn đất, lập điền, thì chỉ thấy toàn là rừng rậm, cây cối mịt mùng, còn dã thú nhiều không sao kể, nhất là cọp. Tiếng rống của cọp vang dậy cả một vùng, nên ông bà đặt tên chỗ này là rạch Cọp Gầm, rồi về sau, kêu bằng Rạch Gầm cho dễ nhớ. Nhưng, hồi nẵm ông ngoại bây có qua Phú Túc bên Bến Tre, nghe người ta kể tích khác. Theo mấy cụ ở bển, thuở xưa, tại vùng mình đây, ở bên bờ này sông Tiền và Phú Túc ở bên bờ kia, trời đất tối tăm, mịt mù. Bỗng một đêm nọ, trời mưa như trút nước, sấm chớp đùng đùng. Tiếng gầm thét từ bên bờ này vang sang bờ bên kia, rồi sau đó dội lại, như đối đáp nhau. Đến sáng ra, trời quang mây tạnh, phong cảnh sáng sủa, tươi tốt. Nhờ vậy, dân chúng làm ăn ngày càng khấm khá. Để ghi lại chuyện cũ, ông bà đặt tên cho con rạch ở miệt mình là rạch Ông Gầm, sau đó gọi tắt là Rạch Gầm, còn con rạch ở bờ đối diện thuộc cù lao Phú Túc là rạch Bà Hét”(*).

Những huyền thoại về chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút

Ở miệt này, ai cũng đều nằm lòng ít nhất một câu chuyện mang tính huyền thoại về chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Tại rạch Bà Hào nối với Rạch Gầm, người dân còn kể cho nhau nghe những câu chuyện đượm vẻ hoang đường về những bóng ma nói tiếng lạ tai, chập chờn xuất hiện vào những đêm tối trời không trăng sao. Hầu hết các cụ già đều khẳng định với tôi rằng, đó là hồn ma bóng quế của bọn giặc Xiêm còn vất vưởng ở cõi trần, mặc dù sự việc đã xảy ra cách nay trên 200 năm. Cũng tương tự, như thế, câu chuyện về những bóng ma giặc Xiêm cũng được truyền tụng trong nhân dân ở vùng rạch Xoài Mút. Thậm chí, ở đây còn có cả một địa danh xác thực câu chuyện đó, nghĩa địa Xiêm - mà cụ Trác đã kể cho tôi nghe. Thú thật, tôi vốn chẳng tin chuyện ma quỷ, nhưng khi nghe kể những câu chuyện trên, tôi cũng phải rùng mình. Rõ ràng, đó là những câu chuyện mang tính kinh dị, huyễn hoặc, nhưng bà con vẫn tin là có thật, thể hiện tầm vóc lớn lao của chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và tấm lòng trọng thị của người đời sau đối với một chiến công vang dội của tiền nhân ngay trên quê hương mình.

Nhiều cụ già ở Kim Sơn vẫn còn lưu giữ trong ký ức những câu chuyện kể của ông bà về những chiếc ghe lạ bị chìm ở Đìa Đôi (ấp Hội), ở đầu cồn Phú Túc (Bến Tre) v.v... Có cụ còn nói rằng, thuở nhỏ đi chăn trâu, gặp một cột gỗ giống như cột buồm, cụ bèn nghịch phá lấy rơm đốt chơi, ai dè về nhà bị một trận bệnh nên thân, phải cúng kiếng hậu hỉ mới tai qua nạn khỏi. Phải chăng đó là dấu tích của các chiến thuyền Xiêm đã bị nghĩa quân Tây Sơn đánh đắm trên sông nước
Tiền Giang?

Nhưng, trong khi dấu tích chiến thuyền Xiêm còn mờ nhạt, thì các hiện vật của quân lính Xiêm, như súng thần công, gươm đao, ấm, chén, tách v.v... được phát hiện khá nhiều. Các hiện vật này đang được lưu trữ, bảo quản ở Bảo tàng Tiền Giang. Anh Lê Ái Siêm, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang, bảo với tôi rằng, chính ông Ba Búa ở Kim Sơn là người đã mò vớt các hiện vật ấy ở ngay đầu vàm Rạch Gầm. Vội chạy về Kim Sơn, tôi được ngoại cho hay, ông Ba Búa đã mất cách nay mấy năm. Ông Ba làm nghề đóng đáy cha truyền con nối, quen thuộc luồng lạch của con rạch như lòng bàn tay, biết khá nhiều chuyện kể dân gian về chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Thế là, thêm một cụ già am hiểu chuyện xưa tích cũ đã quá vãng. Và trong lòng tôi chợt lo lắng, nếu những câu chuyện thuộc về dã sử không được sưu tầm cẩn thận thì chắc chắn nó sẽ bị mai một theo thời gian, và giới trẻ sẽ biết gì về chiến công oanh liệt của cha ông ta, ngoài những dòng chính sử khô khan, ngắn gọn?

Cách ngược vàm Rạch Gầm khoảng một cây số ở ấp Tây, xã Kim Sơn, hiện nay vẫn còn dấu vết đá hàn ngang sông Tiền. Có lẽ, đây là một trong những cản hàn sông để ngăn đường rút của chiến thuyền địch. Đứng bên bờ tả ngạn sông Tiền, ngắm nhìn một dãy trường giang mênh mông, vắng lặng dưới bóng hoàng hôn nhập nhòa, bất giác, tôi nhớ đến câu ca dao mà tôi nghe ngoại ru từ thuở nhỏ:

Chẻ tre bện sáo cho dày,
Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau.

Có phải xuất xứ của câu ca dao đó là từ những dãy đá hàn sông trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785? Có lẽ những nghi vấn sẽ còn tồn đọng, nhưng nó đã cho ta một ý niệm, một hình ảnh về sự nhiệt thành tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ phần đất phía Nam Tổ quốc của nhân dân Tiền Giang, góp phần tạo nên chiến thắng vang dội: “Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau” chính là như thế. Thậm chí nữ giới cũng ứng nghĩa cùng nghĩa quân Tây Sơn giết giặc:

Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phượng,
Giặc đến nhà chẳng vụng huơ đao.

Phụ nữ Mỹ Tho rất tự hào về câu ca dao đó. Vâng! Con gái vùng gạo trắng, nước trong, miệt vườn tươi tốt, ai mà không xinh, không đẹp, không trắng nõn nà. Kể cả địa danh Mỹ Tho xuất xứ từ tiếng Khmer cũng có nghĩa là “Cô gái đẹp”. Thế nhưng những cô gái bên bờ sông Tiền đã không kém phần dũng cảm khi giặc đến xâm lăng. Bà ngoại tôi kể, thuở khai hoang mở đất, đầy thú dữ và giặc cướp, phụ nữ cũng phải có nghề võ để hộ thân. “Võ Ba Giồng”, đã được ghi trong quyển sách viết về Nam bộ xưa nhất là Gia Đ ịnh thành thông chí, nổi tiếng khắp nơi. Đây là những thế võ độc chiêu của trấn Định Tường - Mỹ Tho - Tiền Giang, mà có lẽ đến nay đã bị
thất truyền.

Các cụ già ở miệt Rạch Gầm - Xoài Mút còn có vô số những câu chuyện nói về nhân dân Tiền Giang giúp đỡ nghĩa quân Tây Sơn lương thực, dầu dừa, dầu mù u để nghĩa quân làm bè lửa, đánh hỏa công thiêu cháy toàn bộ thuyền chiến địch. Vỏ dừa khô có vẽ hình mặt người kết bè thả gần chỗ đóng quân của địch để địch ngỡ nghĩa quân lặn đục thuyền, phải lo đối phó, bắn hết tên đạn, kể cả việc bảo vệ bí mật trận địa mai phục và hướng đạo Nguyễn Huệ đi thực địa, để từ đó, vị anh hùng dân tộc có quyết định tối quan trọng là thiết lập trận địa phục kích ở Rạch Gầm - Xoài Mút, v.v... tạo nên chiến công chói lọi, sáng ngời ngàn thu. Trong ký ức của dân gian vẫn còn lưu giữ về một cây đa cổ thụ ở đầu vàm Rạch Gầm, và xem đó là nơi phát tín hiệu của nghĩa quân ở rạch Xoài Mút và cồn Thới Sơn biết là hạm thuyền Xiêm đã lọt vào trận địa mai phục để tiến công, về Chòi Mong được nghĩa quân dựng lên bên bờ rạch Xoài Mút để Nguyễn Huệ quan sát và chỉ huy chiến trận, mà hiện nay, tại đây còn địa danh Chòi Gác ở xã Bình Đức. Vâng! Tất cả những câu chuyện ấy, dù đã được huyền thoại hóa nhưng đã phản ánh được những kỷ niệm không thể phai nhòa của người dân đối với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và nhà quân sự kiệt xuất Nguyễn Huệ.

Nguyễn Phúc Nghiệp
(theo tiengiang.gov.vn)

____________________
(*) Ngoài những cách kiến giải đã nêu, Rạch Gầm còn có một xuất xứ khác: TS Lê Trung Hoa trong quyển “Địa danh thành phố Hồ Chí Minh”, trang 43, có dẫn tư liệu từ quyển “Dictionnaire Vietnamien - Chinois - Francais” của E. Gouin, cho biết “Gầm” là biến âm của “gằm” là tên cây. Cũng theo TS Lê Trung Hoa thì “không biết đó là loại cây gì, bởi vì không thấy tự điển nào định nghĩa”. Riêng chúng tôi đã nhiều lần đi điền dã vùng Rạch Gầm, được gặp và hỏi nhiều vị bô lão về cây gằm (?), nhưng không ai biết cả

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 130
  • Khách viếng thăm: 127
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 73423
  • Tháng hiện tại: 464271
  • Tổng lượt truy cập: 60814409