Quanh quanh sông nước Tiền Giang

Đăng lúc: Thứ ba - 08/11/2011 09:05
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mỗi dòng sông, con kênh ngọn rạch đối với mỗi một con người đều mang theo một ý nghĩa, một kỷ niệm vui buồn nào đó. Trong đối diện quen thuộc hằng ngày, đôi lúc dường như ta quên nó đi, nhưng khi ta xa nó thì nó cứ lấp lánh xôn xao hiện lên thành một nỗi nhớ!

Bao năm dài chống Pháp, chống Mỹ, xa quê hương, nỗi nhớ trong tôi thường hiện lên thành những dòng sông trong giấc chiêm bao. Không có gì buồn bằng tỉnh dậy, giữa trưa nghe vẳng xa đâu đó một tiếng gà. Và hình ảnh những bóng dừa, con sóng cứ dập dềnh trong tâm não:

… Mùi máu người tanh mấy khúc sông
Quạ giành thịt rữa bay đen nghẹt…(1)

Bốn mươi năm! Trải biết mấy sông sâu, biết mấy nhịp cầu! Giờ thì tôi mới gặp lại tiếng chim trảo trẹt giục giã kêu trên những ngọn bần, mới gặp lại mùi bùn, mùi lá dừa nước mát rượi dọc dài bờ bãi Tiền Giang. Những dòng sông, con kênh của đất Chợ Gạo xưa, nước đã trong và sông đã xanh. Ký ức ngày qua, chuyện giờ đây ý nghĩa và hình ảnh cũ mới cứ lẫn lộn. Thời gian như nước cuộn trôi! Ghi lại cái gì về sông nước Chợ Gạo bây giờ? Nhìn lại mình - cũng sắp “cổ lai hy” -  tóc trắng phơ in bóng trên sông chiều nước ròng nửa bãi rồi! Thôi thì cứ “múc được gáo nào hay gáo ấy”. Rồi khắc em cháu mình - khi nước rong nước lớn - sẽ quảy thùng gánh tiếp, để thêm cho tràn đầy các lu mái
chứa vậy!

Nhớ khoảng cuối tháng ba năm 1968, ở Hà Nội, anh em hoan hỉ đọc báo thấy tin “Phân đội đặc nhiệm của Quân khu 8, đêm 17 tháng 3, bằng lối đánh dũng mãnh và sáng tạo, đã đánh chìm chiếc pháo hạm sừng sỏ của Mỹ được mệnh danh là “căn cứ pháo binh trên mặt nước” tại vàm Kỳ Hôn!”.

- Tại sao gọi cửa sông(2) đó là Kỳ Hôn? Một bạn văn miền Bắc tò mò hỏi tôi.

Tôi còn đang phân vân chưa đáp, chưa biết nên giải thích cách nào cho phải. Anh quay sang hỏi họa sĩ Nguyễn Sáng, vốn quê ở gốc Tân Thuận Bình, Chợ Gạo, họa sĩ ậm ừ rồi lắc đầu, cười trừ.

“Kỳ Hôn!”. Đâu phải chuyện bá láp thương hồ con buôn quen thói cợt nhả trêu chọc trên sông, bị các cô gái “bán vàm” tại đây phản ứng… như các cậu thanh niên tếu phịa ra, nói vui để cười chơi. Cũng như có người  còn nói “Bởi nửa thế kỷ trước, tàu Đồng Sanh chở toàn học sinh “Ly-vê” Pê-truýt Ký lên Sài Gòn tựu trường, nửa đêm chìm tại vàm sông này, tất cả trở thành đồng tử! Có phải chuyện kỳ hôn? (kỳ không). Càng không đúng nữa là cách giải thích của các ông “nho chùm” nói chữ theo kiểu tuồng hát bội, là “Thiên hôn địa ám có định kỳ”, rằng tên dòng sông này có từ thời kỳ “Gia Long tẩu quốc”. Y bị Nguyễn Huệ đóng quân tại Chợ Cũ - Mỹ Tho kéo xuống, rượt chạy “xấc bấc xang bang” (thất quốc xa bang) v.v...

Chợ Gạo là đất mới mở từ đầu thế kỷ mười tám. Tên đất, tên sông, nếu không mang tính danh người có công khai phá đầu tiên, hoặc chẳng biết đích xác cụ ông, cụ bà lưu tán nào vận dụng cam ngôn mỹ từ đề tên mong ước cho mai sau, hoặc bởi nhớ về quê cũ mà đặt nên… thì cũng xuất xứ từ một sự tích nào đó của địa phương chứ? Thôi thì ta cứ dùng phương pháp duy danh định nghĩa giản đơn - Ở trường hợp này có thể đúng hơn cả. Kỳ là kỳ lạ diệu kỳ. Hôn là hoàng hôn, sắp tối. Hoàng hôn kỳ diệu. Một vàm sông, nơi có chiều đẹp lạ lùng.

Tuy nhiên, đầu óc tôi cư lởn vởn những ám ảnh của một chuyện xưa. “Kỳ Hôn” xa gần có liên quan gì đến huyền thoại này chăng? Rằng Mỹ Tho là có tiếng thổ âm nói trại ra, là người đàn bà đẹp, một nàng tiên đẹp. Nàng tiên này sinh ra từ khói sóng ngoài biển, theo sông cái đi vào, dừng lại trên đất sau này ta gọi Định Tường. Nàng đến đâu, lúa gạo nức hương mọc lên đến đó (ngẫu nhiên kỳ lạ là chuyện nguồn gốc nàng tiên này, giống như nguồn gốc A-Phôdơrít Nữ thần sắc đẹp và tình yêu của thần thoại Hy Lạp cũng sinh ra từ bọt biển). Có thể khi chiều xuống nàng đã ngồi lại đây, nên ở đây mới rực rỡ hoàng hôn đến vậy? Nên giờ đây, từ Chợ Gạo xuống Gò Công lên Mỹ Tho mới có lắm thứ lúa gạo đặc sản lừng danh đến vậy?

Bãi Xào (Sóc Trăng) cũng nổi tiếng về gạo. Sa Đéc cũng ruộng mật bờ xôi… Và còn nhiều nơi khác của Nam kỳ lục tỉnh. Nhưng không đâu bằng Chợ Gạo. Xưa kia, Trịnh Hoài Đức đã không tiếc lời ca ngợi: “Chợ Gạo là nơi ruộng đất phì nhiêu, mênh mông bát ngát, nhiều người lấy việc canh nông làm gốc, trong nhà lúa gạo đầy vựa, lại có đức tính trung hậu, cần kiệm, vui làm việc nghĩa, an lạc cùng nhau, là nơi có di phong thời cổ vậy”.

Nguồn khai thác chính, nơi tập trung lúa gạo lớn nhất để theo đường biển chở về triều đình Huế là Chợ Gạo đây. Khi đế quốc Pháp chộp được ba tỉnh miền Đông năm 1862, mở rộng cảng Sài Gòn, khuếch trương thương mãi sang Xanh-ga-po và các thị trường châu Âu, sản phẩm hàng đầu là lúa gạo… thì trong hai năm 1875 -
1876, thực dân Pháp lo nạo vét kênh rạch nhiều nơi, bởi thủy bộ là đường giao thông chính bây giờ. Trong số đó có Bảo Định Hà của Tiền Giang, nhưng công trình chiến lược chủ yếu là kênh Chợ Gạo.

Hồi đó, vùng này hay còn lắm đất rừng và phần lớn là đồng khô cỏ cháy trong mùa nắng. Con kênh dài 12 ki-lô-mét, rộng 60 mét nối sông cửa Tiểu sang Vàm Cỏ Tây, chẳng những qui tụ thêm cư dân, tăng nhanh sản lượng mễ cốc mà còn để đưa nhanh chóng lúa gạo từ vựa lúa lớn nhất bấy giờ, về Sài Gòn - Chợ Lớn (ấy là chưa nói chuyện đi tuần tra, tiễu phạt cơ động nhanh bằng lực lượng thủy quân). Dân phu phải đào 900.000 mét khối đất mất 675.000 ngày làm xâu trong 2 tháng, bờ kênh được đắp cao để làm lộ xe. Đây là công trình thủy lợi lớn đầu tiên ở Nam kỳ, khánh thành ngày 10 tháng 7 năm 1877, do chính tên đô đốc Nam kỳ tham dự, trực tiếp thách thức những người từng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân từ hai năm trước. Cũng dựng khải hoàn môn, chưng thủy lục, bông hình tứ linh… Khi tàu sắt của đô đốc chạy tới, hai bên bờ lính mã tà sãi ngựa hộ tống, tốp bồng súng chào, tốp thổi kèn, lại thả những chiếc khinh khí cầu cỡ nhỏ chở từ Pháp sang để khoa trương kỹ thuật của tân trào.

Nhờ kênh này, lúa gạo đến Chợ Lớn với giá thành thấp hơn, khỏi phải đi vòng rạch kênh Bảo Định tốn kém, mất nhiều ngày. Trong khoảng hai năm sau đó, chúng nạo vét lại kênh hai lần vì phù sa nhanh chóng làm cạn dần, còn điều chỉnh rạch Kỳ Hôn cho ngay thẳng và nối rạch Kỳ Hôn vào kênh Chợ Gạo (Tên của thực dân đặt cho nó là Đuy-pơ-rê-Canal Dupré nhưng chẳng ai gọi, chẳng ai nhớ. Bà con ta chỉ gọi kênh Chợ Gạo).

Trong kháng chiến chống Pháp năm 1948 trên kênh Chợ Gạo này đoạn giữa đông Sơn Xép và Quơn Long ta đã bắn một tàu lồng cu LCT cháy và chìm 2 xà lan chở hàng quân sự, ba ngày sau xác hai thằng Tây nổi lên, dân vớt đem chôn làm chúng kinh hoàng. Hai bên bờ trống trải, chẳng chỗ phục kích. Một cô gái dũng cảm đã quật tàu dừa nước làm ám hiệu, để bộ đội ta nhào ra nổ súng bất ngờ. Sau đó, mỗi lần tàu chúng qua ngang đó, cha con nó nhắm mắt mũi bắn tưới hột sen lên bờ.

Một cán bộ lãnh đạo huyện có lần nói với tôi. Trời! Sau năm 1969, chẳng những giặc “bình định” ở Xuân Đông ác liệt, mà còn khắp cả Chợ Gạo vùng dưới. Cán bộ về, qua lộ 24, qua kênh Chợ Gạo là ớn rồi, chỗ nào cũng đụng ngụy.

Từ trước Tết Mậu Thân, địch và ta tranh chấp dữ dội ngày đêm trên con kênh này. Bộ đội, cán bộ tới phải cho người ra bám, giao liên tổ chức xuồng đưa, nếu tình hình không êm thì phải từng người ôm phao bơi qua. Nhất là bộ đội ở miền Bắc vào, hầu hết không biết bơi, đều phải có phao ny long (cho ba lô vào, thổi phồng lên, buộc kín miệng lại, gác súng lên, ôm phao bơi). Năm 1962 - 1963, ta thường xuyên đưa vũ khí về khu vực dưới - Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Gò Công. Một đêm nọ qua kênh, xuồng khẳm bị chìm. Anh thanh niên tên Sáu Đực ở ấp 6, xã Thanh Bình mãi lo cứu hàng, bị vọp bẻ, hy sinh ở đoạn xã Quơn Long, bấy giờ chỉ có chỗ này qua được… Anh Năm Nhỏ hiện đang công tác ở Ủy ban huyện, khoảng trên 40 tuổi từ 1962 đến 1975 phụ trách trưởng trạm giao liên (giao lưu huyện). Cả một trung đội vũ trang (bổ sung rồi hy sinh, lại bổ sung) đều hy sinh cả, chỉ còn lại Năm Nhỏ. Anh luồn lách rất giỏi, có thể nói thuộc từng hang cua, hang còng, biết giặc kích chỗ nào và bằng giá nào anh cũng luồn lách qua được.

Nhân ghi lại vài mẩu về đồng bào, chiến sĩ ta không tiếc máu, không tiếc mạng để qua kênh, tôi bỗng nhớ chuyện lão hội đồng nọ giàu nứt vách - khoảng năm mươi năm về trước - lừng danh khắp tỉnh Mỹ Tho là “Hội đồng Hai cắc chín”. Chả là ngày đó, “bắc” Chợ Gạo, khách qua kênh phải mua vé mỗi người một xu. Lão thường đi xe ngựa lên tỉnh, thời giá là ba cắc. Lão chỉ trả giá hai cắc chín, trừ của người đánh xe một xu để lấy vé qua “bắc”! Nhớ đến cười chơi, còn bình luận gì thì xin nhường cho các bạn.

*

Tôi mới về thăm lại Chợ Gạo có mấy ngày, mới về thăm qua vài xã… mà chuyện bám trụ chiến đấu hy sinh của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta quanh quanh các dòng sông con rạch, nghe hầu như khắp huyện nơi nào cũng có thể viết thành khúc ca bi tráng.

Chẳng hạn như ở rạch Ông Đăng, bắt nguồn từ sông Bảo Định, đi qua Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh năm 1971, lúc Huyện ủy đang gặp khó khăn nhất, giặc luôn rình rập theo sát ngày đêm. Anh Mười Đạt - Chánh văn phòng Huyện ủy một buổi sáng đi kiểm tra bãi lựu đạn đi công tác, bị đại đội thám báo 17A bắn chết khoảng Cựa Gà, thuộc Mỹ Tịnh An.

Những năm 1970, ở rạch Hóc Đùng, các cơ quan Huyện đội, Ban Tuyên huấn huyện, Xã ủy Lương Hòa Lạc, Hòa Tịnh hết đất phải về đóng bám theo hai bên bờ rạch chỉ còn lưa thưa những cụm dừa nước xuyên qua ấp An Lạc A và Long Hòa B của Lương Hòa Lạc. Trước đó, năm 1963 - 1969 giặc rải chất độc hóa học, mận, cam, quít, dừa… cây cối chết hết. Sau cỏ dại mọc cao lút đầu người. Ta phải cất chòi, gác cây dưới lòng mương lấy chỗ ở làm việc, trên phủ dây leo. Khoảnh đất chỉ chừng bốn năm mươi héc ta, mà giặc tập trung 11 ngàn quân dẫy chỗ đó, vẫn không dẫy nổi. Ta luồn lách, chiến đấu vẫn bám giữ địa hình đó đến cuối năm 1970…

- Mà đâu phải trên dòng sông, con rạch nào giặc cũng “ép” được ta! Một lão nông, ngồi bên hàng dừa tơ oằn trái mới trồng sau giải phóng, cười lớn nhìn xuống
mặt nước con kênh mới đào, nói tiếp: “Tại Kinh Nhỏ, xã Thanh Bình đó! Tháng hai năm “bảy lăm” mình diệt gọn Tiểu đoàn 513 của Tiểu khu Mỹ Tho… Biết ai đánh không? 2009 với Tiểu đoàn 514 của mình chứ ai”.

...Ngoài những dòng sông, con kênh quen thuộc tôi còn nghe, hai năm vừa qua ta mới đào thêm kênh Xuân Hòa (dưới Vàm Kỳ Hôn, qua Xuân Đông, Hòa Định). Cũng như kênh 20 tháng 7 đưa nước ngọt về Quơn Long, Tân Thuận Bình là kênh mới đào, nối vào kênh Hóc Lựu từ Cầu Vĩ chảy xuống Mỹ Phong, Song Bình, Đăng Hưng Phước, Long Bình Điền. Cũng còn có một con kênh nội đồng ở Bình Ninh mới đào gần đây, mang tên Trần Văn Ưng. Năm 1965, đồng chí Ưng là Bí thư xã, bị giặc vây. Chúng lội xuống mé sông vạch lục bình, khám phá lấy được tài liệu mật. Đồng chí đã từ chỗ trú ẩn xông ra, vung mác bửa đầu tên lính, giật lại chạy đi. Bị địch đuổi theo bắn trọng thương, đồng chí vẫn lảo đảo vừa chạy vừa đốt hết giấy tờ trước khi gục xuống bên một gốc dừa lão ven sông. Giặc đã buộc xác đồng chí, dòng theo tàu đưa về phơi nắng 3 ngày ở sân banh Chợ Gạo. Bà  con xã Bình Ninh  nổi dậy kéo đến đấu tranh và sau đó, phối hợp với anh em võ trang triệt hạ bót Cầu Ngang mở rộng thêm vùng giải phóng xã nhà… Và còn có biết bao nhiêu chuyện khác.

Một người bạn từ Tiền Giang lên Sài Gòn tiễn chân tôi ra Hà Nội. Ngồi chơi, anh lật lật sổ tay của tôi, chuẩn bị để viết về sông nước và con người dưới đó, xem tôi đã ghi chép được những gì? Anh ngạc nhiên thấy chỉ toàn giấy trắng. Chỉ vỏn vẹn mỗi câu: “Chợ Gạo! Bến cũ đò xưa còn đó”. Anh kêu lên vẻ mừng hộ tôi:

- Ông đã gặp lại người yêu cũ, hoa khôi dưới đó rồi!

- Làm gì có hoa khôi, khôi hoa nào? - Ờ, mà nếu có, thì bây giờ “nàng” cũng thành “mẹ chiến sĩ” rồi! Tôi nhẹ nhàng đáp vậy.

Người bạn nâng tách trà lên, cười rất hóm:

- Thì anh cứ tạm coi là có như vậy đi. “Rằng em khác xưa mà cũng chẳng khác xưa”. Còn như muốn nghĩ thế nào đó, thì tùy mình chứ!

TPHCM, 28 tháng 3 năm 87
Đoàn Giỏi
(Văn nghệ Tiền Giang số 48)

______________________
(1) Thơ Nguyễn Bính

 (2) Miền Bắc không có thuật ngữ vàm (trại ra từ tiếng Khơ-me Pơ-rê-am) chỉ nói ngã ba sông cửa sông. Vàm tương đương với chữ Confluent của Pháp, chính xác hơn, không phải ngã ba, càng không phải cửa

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 425
  • Khách viếng thăm: 417
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 15789
  • Tháng hiện tại: 1881568
  • Tổng lượt truy cập: 48255695