Bà hoàng tài đức vẹn toàn
Ở Việt Nam có một hoàng hậu sống qua 8 đời vua, có thể chi phối chuyện quốc gia đại sự, đạo đức của các vị vua, cháu chắt. Đó là Hoàng Thái hậu Từ Dụ, sau đọc chệch thành Từ Dũ.
Thái hậu Từ Dụ tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19/5 năm Canh Ngọ (tức ngày 20/6/1810) tại giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là trưởng nữ của quốc công Phạm Đăng Hưng.
Ngay từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham học. Năm 14 tuổi, bà theo cha ra kinh thành Huế và được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang, tuyển triệu vào hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng, cháu trai của bà.
Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng, năm sau lại sinh công chúa thứ hai. Năm 1829, bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì, tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, chính là vua Tự Đức sau này.
Cổng vào lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công.
Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà trở thành Cung tần, hai năm sau, được phong Thần phi. Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Giai phi, rồi Nhất giai phi.
Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, lấy niên hiệu Tự Đức. Sau khi lên ngôi, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý định tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định chối từ.
Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm 1849, nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo (sách vàng & ấn vàng) và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu. Năm 1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Bà mất năm 1902, hưởng thọ 92 tuổi.
Tính từ lúc được tuyển vào cung đến khi mất, bà đã ở ngôi vị Hoàng hậu rồi Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu hơn 70 năm. Bà được ngợi ca là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn. Những đức tính của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến tư cách của vua Tự Đức.
Vua Tự Đức còn viết hẳn cuốn sách "Từ Huấn Lục" ghi lại những lời mẹ dạy. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. Đồng thời cũng là người rất trân trọng các bậc trung thần.
Nhân đức của bà đã đi vào lòng người như một bậc mẫu nghi nhân từ. Chính vì thế mà người ta đã lấy tên của bà đặt cho một bệnh viện phụ sản nổi tiếng ở TP HCM: Bệnh viện phụ sản Từ Dũ.
Hoàng hậu từng là tú tài Tây học
110 năm sau, một cô gái Gò Công nữa cũng nhập cung, đó chính là Nam Phương Hoàng hậu - Nguyễn Hữu Thị Lan. Khác với 12 hoàng hậu triều Nguyễn trước đó chỉ được phong hoàng hậu sau khi qua đời. Một ngày sau lễ cưới, vua Bảo Đại phong tước vị Nam Phương Hoàng hậu cho Nguyễn Hữu Thị Lan. Khi đó bà mới hơn 19 tuổi.
Nam Phương Hoàng hậu sinh năm 1914, ở làng Đồng Sơn, nay là xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Bà là con gái của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính, cháu ngoại ông Lê Phát Đạt ở Nam Kỳ - một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20.
Năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux - một trường nữ danh tiếng ở Paris. Trước khi trở thành Hoàng hậu vào năm 1934, bà đã ba năm liền trúng giải hoa hậu Đông Dương.
Một năm sau khi từ Pháp về nước, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace tại Đà Lạt do Toàn quyền Đông Dương chiêu đãi, Nguyễn Hữu Thị Lan và Bảo Đại đã gặp nhau.
Có thể nói, chính vẻ đẹp đài các của con gái một điền chủ, nét trinh nguyên của thiếu nữ vừa chớm tuổi đôi mươi, cùng tố chất thông minh, phong cách của cô tú tài Tây học đã hút hồn Bảo Đại ngay từ lần gặp đầu tiên. Hôn lễ được tổ chức ngày 20/3/1934 ở Huế. Hoàng hậu Nam Phương cùng Bảo Đại có tất cả năm người con (hai trai, ba gái).
Ngoài công việc hàng ngày là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa, bà còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Không chỉ là một Hoàng hậu, bà cũng là một công dân yêu nước như bất kỳ ai. Bà chính là người đã khuyên giải, nài nỉ Bảo Đại thoái vị để tránh đổ máu.
Khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, bà đã gửi thông điệp đến bạn bè khắp thế giới: "Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay, máu của người dân Việt Nam lại tiếp tục chảy... Tôi thiết tha yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh, hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh".
Nhưng cuộc đời bà kết thúc bằng những tháng ngày lưu lạc tận một miền quê nước Pháp xa xôi. Không còn với danh phận của một bà hoàng và không có chồng bên cạnh. Bà mất năm 1963 tại Pháp, thọ 49 tuổi.
Đến những "đệ nhất phu nhân”
Ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang có một cô giáo trở thành phu nhân của Chủ tịch nước. Đó là cô giáo Đoàn Thị Giàu - vợ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Bà được xem như một "đệ nhất phu nhân" giản dị nhất.
Từ ngày bà lấy chồng cho đến năm 1954, trong suốt hơn 30 năm, thời gian bà ở bên chồng chỉ có thể tính bằng số ngày. Do tính chất công việc hoạt động cách mạng, Tôn Đức Thắng đã phải liên tục thay đổi địa bàn hoạt động, lâu lâu mới gặp vợ con một lần.
Rồi ông bị thực dân Pháp bắt giam đày đi khổ sai ngoài Côn Đảo suốt 16 năm, khi Cách mạng tháng Tám thành công mới trở về đất liền. Bà một mình tần tảo nuôi ba người con, có lúc tới tận Nam Vang bán hàng rong kiếm sống... Đứa con trai của bà bị bệnh chết trong cảnh nghèo giai đoạn đó.
Năm 1945, nhà Cách mạng Tôn Đức Thắng ra tù, chỉ kịp ghé Tiền Giang thăm vợ con đúng một ngày sau 16 năm chia ly, rồi vội vã lên đường nhận công tác mới.
Đầu năm 1946, Bác Tôn ra Hà Nội nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ cùng với hai con, không kịp chia tay vợ. ở lại quê nhà, bà vào chiến khu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp với biết bao gian khổ, hiểm nguy.
Năm 1954, bà tập kết ra Bắc. Từ đó, bà mới thực sự ở bên chồng con. Là vợ của Chủ tịch nước, nhưng bà sống cuộc sống bình dị như bao người dân Hà Nội bởi điều kiện chiến tranh đầy khó khăn. Bà mất năm 1974, không kịp trở về quê hương trong ngày vui đại thắng.
Ở Tiền Giang còn có những người phụ nữ khác cũng nổi danh không kém, mà trong bài chưa thể liệt kê ra hết được...
Ngày nay, tại xã Long Hưng, Thị xã Gò Công vẫn còn di tích Lăng Hoàng Gia là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng - tổ tiên của Hoàng Thái hậu Từ Dụ.
Nơi đây có một cái giếng cổ. Tục truyền rằng có năm, khi mọi cái giếng khác trong làng đều cạn nước thì giếng này vẫn đầy ắp nước ngọt. Dân trong làng đều đến đây xin nước về dùng. Đó cũng là năm Hoàng Thái hậu Từ Dụ chào đời.
Bởi vì con gái Tiền Giang vốn nổi tiếng xinh đẹp. Sông nước Tiền Giang với đất đai màu mỡ, cây trái ngọt lành đã sinh ra những thiếu nữ "da trắng, tóc dài", "sắc nước hương trời" làm say đắm lòng các bậc quân vương.
Tiền Giang cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt với hàng trăm những cuộc khởi nghĩa chống giặc nổi tiếng như: Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Lê Văn Ong, v.v... Không thiếu những người con, người cháu sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, có tố chất của những bậc lãnh đạo.
Phải chăng, lịch sử đã ưu ái cho vùng đất bên bờ sông Tiền này. Hay Tiền Giang chính là một "sự lựa chọn" của lịch sử? Có những người phụ nữ mang tướng quý nhân, sinh ra để làm bậc "mẫu nghi thiên hạ”?
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc