Một đại gia đình nghệ sĩ

Đăng lúc: Thứ sáu - 03/02/2012 08:55
Gia đình GS Trần Văn Khê trên cầu sắt Vĩnh Kim năm 1938

Gia đình GS Trần Văn Khê trên cầu sắt Vĩnh Kim năm 1938

Đây không phải là gia phả của họ Nguyễn Tri, gốc ở Vĩnh Kim. Dòng họ này bây giờ đông người, ở nhiều nơi:
TP. Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Pháp và Mỹ nữa. Trong thân tộc nhiều người vẫn còn chưa biết mặt nhau.

Ở đây tôi chỉ đứng ở góc độ văn học nghệ thuật, nhắc đến một số người trong họ mà tài năng đã định hình. Không phải nói về cuộc đời và sự nghiệp, mà chỉ kể vài mẩu chuyện nhỏ thôi. Khuôn khổ của bài báo chỉ cho phép đến thế.

Ông tổ cao nhất của dòng họ mà con cháu còn biết được là ông Nguyễn Tri Túc.

Ông sinh chín người con. Ba người được nhắc trong bài này vì có liên quan đến văn nghệ. Đó là ông Nguyễn Tri Lạc con thứ tư, ông Nguyễn Tri Khương con thứ năm và bà Nguyễn Thị Dành con thứ tám. Theo gia đình thì ông dạy nhạc cho các con. Cha con hòa đàn với nhau, âm nhạc là thú tiêu khiển tao nhã trong nhà.

           *

TẤM DI ẢNH CỦA ÔNG NGUYỄN TRI KHƯƠNG

Ông Nguyễn Tri Khương tinh thông âm luật, sử dụng được mọi thứ nhạc khi cổ, lại có năng lực sáng tạo. Vở cải lương “Giọt lệ chung tình”, các bài bản “Phong xuy trích liễu”, “Thất trĩ bi hùng” trong vở, đều do ông sáng tác. Vở ấy có giá trị văn học và được gánh Đồng nữ ban biểu diễn đầu tiên. Tiếng sáo của ông được thu và lưu giữ tại viện “Bảo tàng con người” ở Pari. Đầu năm nay, giáo sư Trần Văn Khê và con gái là giáo sư Trần Ngọc Thủy đã trình diễn bản “Phong xuy trích liễu” tại giảng đường Ri-sơ-li-ơ của trường đại học Sorbonne ở Pari.

Ông còn là người học rộng, giỏi Hán Nôm, rành quốc ngữ và tiếng Pháp. Có vợ con rồi, ông vẫn tiếp tục đi học trường trung học tư thục Ta-be, để trao dồi vốn ngoại ngữ.

Ông mất năm 1962, hưởng thọ 72 tuổi. Theo ý nguyện của ông, con cháu đặt trước quan tài bức phóng ảnh ông ngồi thổi sáo. Học trò ca nhạc của ông tề tựu đàn ca suốt đêm, trả nghĩa cho thầy. Mãi sau này, ngày giỗ ông, những học trò còn sống vẫn không quên lệ ấy.

Đúng là “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ !”

*

NGƯỜI BÍ THƯ CHI BỘ ĐẦU TIÊN CỦA VĨNH KIM

Bà Nguyễn Thị Dành, con gái thứ tám của ông Nguyễn Tri Khương, là một phụ nữ đầy chí khí. Bà sớm gia nhập Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và năm 1930, bà thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và là Bí thư chi bộ đầu tiên ở Vĩnh Kim.

Giữa năm 1930, khi dẫn đầu một cuộc đấu tranh, bà bị bắn trọng thương đem về nhà thì mất, để lại ba con nhỏ, hai trai, một gái. Hai người trai sau này chúng ta đều biết. Đó là giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê và nghệ sĩ quái kiệt Trần Văn Trạch.

Chồng bà Dành, ông Trần Văn Chiều (*) là một người thông minh và tài hoa. Để sử dụng tiếng Pháp sành sỏi ông đã học thuộc quyển từ điển Larousse! Còn về âm nhạc, ông vừa điêu luyện vừa sáng tạo. Dây Tố Lan chính là do ông sáng tác.

Khi bà mất, ông buồn rầu, bỏ cả ăn uống. Cái nhạy bén trong cảm xúc của người nghệ sĩ bây giờ trở lại làm hại ông. Ông mất sau bà độ một năm. Con đầu lòng của ông bà chỉ mới mười một tuổi. Cũng may, ông còn người chị thứ ba (ông thứ bảy) là bà Trần Ngọc Viện, một tên tuổi quen biết nữa của giới văn nghệ.

Bà Viện trước là giáo sư trường Áo tím, trường Minh Khai bây giờ. Bà là người thành lập và lãnh đạo đoàn hát “Đồng nữ”. Bà đảm đương việc nuôi dạy các cháu mồ côi, cùng với người con nuôi cùng trang lứa. Đó là ông Nguyễn Hữu Ngư, chúng ta biết đến qua các tác phẩm văn thơ và biên khảo với bút danh Nguyễn Ngu Í.

   *

MỘT CÁI CHẾT BI TRÁNG

Ai thuộc lứa tuổi trên dưới sáu mươi, thuở còn đi học, chắc cũng có lần ôm cặp nhảy nhót trên đường và ca rằng:

“Tung trời xanh, én nô đùa reo mừng…”

Đó là câu mở đầu bài hát “Đến trường” của nhạc sĩ Mỹ Ca. Ông Nguyễn Mỹ Ca là con trai thứ năm của ông Nguyễn Tri Lạc, là sinh viên ở Hà Nội cùng trang lứa với Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ. Những ngày đầu kháng chiến, các ông tập trung ở Vĩnh Kim làm công tác tuyên truyền qua văn nghệ.

Pháp đến Mỹ Tho, đoàn lui xuống miền Tây. Chẳng may thuyền của nhạc sĩ Mỹ Ca bị Pháp chận bắt được. Ông hiên ngang nhận mọi trách nhiệm về phần mình, cho biết những người trên thuyền chỉ là dân bị bắt theo phục vụ thôi. Nhờ vậy những người đó sống sót để kể lại giây phút cuối cùng của con người vừa tài hoa vừa dũng cảm cao thượng ấy.

Có điều là xương cốt của ông bây giờ chẳng hiểu nằm đâu!

Trong gia đình ông Nguyễn Tri Lạc, còn người con dâu trưởng là bà Trần Thị Bân vừa mất năm rồi, ở tuổi ngoài tám mươi. Có lẽ đây là người sót lại cuối cùng của gánh Đồng nữ, một thời vang bóng. Bà là chuyên viên hóa trang, một công việc cực kỳ khó khăn do đặc trưng của đoàn hát. Nhạc sĩ Mỹ Ca còn người em trai thứ mười là Nguyễn Tri Đông cũng say mê âm nhạc. Lúc sinh thời ông dạy nhạc ở trường trung học Vĩnh Kim và cũng có sáng tác.

BÀI THƠ TRÊN BIA MỘ

Con trai trưởng của ông Nguyễn Tri Khương lớn lên lại nghiêng về văn thơ. Giáo sư Nguyễn Tri Hựu giảng dạy ở trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ đến khi từ trần năm 1958. Bên ấy biết ông nhiều hơn ở quê hương dưới bút hiệu Anh Pha. Có cả một quyển sách nhỏ viết về ông.

Trên bia mộ của ông tại Vĩnh Kim khắc nguyên bài thơ Đường luật:

CẢNH CŨ ĐƯỜNG VỀ    

Mái tóc phai màu nhuộm vẻ thu,

Đường trần mờ mịt, cảnh hoang vu.

Nào làn đuốc tuệ soi ta bước?

Hỡi đứng tâm minh giúp tớ tu!

Cửa Khổng, dâng hương quì sám hối,

Sân Trình, mượn trống đánh công phu.

Hồi nguyên trời vẽ năm mười lối,

Sáng, lựa mà đi, kẻo tối mù!...

Người con quả thật giống cha, máu văn nghệ cứ tràn trề, cho đến lúc tim mình ngừng đập!

Con của giáo sư Hựu, người thứ bảy, Nguyễn Tri Hùng lại quay về với âm nhạc, ông hiện vẫn dạy nhạc tại Cần Thơ.

*

CÁI ỐNG SÁO BA LỖ

Thuở ấy giáo sư Trần Văn Khê hãy còn bé.

Một hôm, ông Nguyễn Tri Khương về nhà bỗng nghe thổi sáo, bài “Bình bán vắn”. Ông lặng lẽ đứng nghe. Ông biết là cháu mình, Trần Văn Khê thổi nhưng sáo đâu mà thổi? Ống sáo nhà đang nằm trong túi
ông đây.

Khi tiếng sáo dứt, ông bước đến toan khen ngợi cháu. Ông sửng sốt khi thấy cháu cầm một cọng đu đủ. Ông càng sửng sốt hơn khi thấy chỉ khoét có ba lỗ. Từ đó, ông hết lòng dạy nhạc cho cháu vì biết đấy là một tài năng thiên phú.

Năm rồi, giáo sư về quê, tôi nhắc lại chuyện đó và thắc mắc rằng như thế đó làm sao thổi được. Ông cười:

- Chú cũng chẳng biết sao, vì lúc đó còn nhỏ quá. Nhưng vì mê quá nên cứ cắt đại, khoét đại rồi thổi đại.

GIỌNG CA TINO ROSSI

Nghệ sĩ quái kiệt Trần Văn Trạch có cái biệt tài là nhại lại các âm thanh nghe giống hệt như thật, bất kể đó là giọng ca, giọng nói, hay tiếng còi xe lửa, ô tô.

Trong những năm 1930, 1940, Pháp có một nam ca sĩ lừng danh là Tino Rossi. Giọng ca của ông là sự say mê, là niềm tự hào, của muôn triệu người Pháp yêu nhạc. Tất nhiên, ông quái kiệt đâu bỏ lỡ cơ hội nhại giọng. Ai nghe cũng ngỡ là đang nghe Tino Rossi.

Một cô gái người Pháp rất mê Tino Rossi, sau đó mê luôn người ca như Rossi, và trở thành vợ ông Trần Văn Trạch.

NHỮNG LY NƯỚC

Báo Văn nghệ Tiền Giang năm rồi có in một bản nhạc của Hải Minh Trần Văn Khê. Sao lại có chữ Hải Minh? Đó là tên ghép của hai con trai của giáo sư, Trần Quang Hải và Trần Quang Minh. Mà chỉ có Quang Hải là tiếp nối con đường nghệ thuật của cha.

Khi theo cha sang Pháp, nhạc sĩ Quang Hải tự đi trình diễn nghệ thuật để sinh sống và học hành, không chờ đợi cha phải chu cấp. Nhạc sĩ sử dụng một giàn ly. Tùy mực nước đổ vào cao thấp mà mỗi ly cho một âm thanh khác nhau, khi gõ lên. Nhạc cụ kỳ lạ đó đã phục vụ đắc lực cho người con trai có chí tự lập.

Mẩu chuyện này do chính đồng chí Lưu Hữu Phước kể lại trong chuyến về thăm Vĩnh Kim năm 1976.

*

Chuyện về gia đình văn nghệ Nguyễn Tri còn nhiều. Xin chân thành cáo lỗi với cô, bác, chú, anh, chị, em là văn nghệ sĩ mà chúng tôi chưa kể ra đây vì không biết rõ. Chúng tôi rất mong có hồi âm, để bổ sung trong các bài viết sau này…

 

Ghi chú: (*) Trần Văn Chiều, theo tên đề ở bia mộ. Một số bài nghiên cứu ghi sai thành Trần Văn Triều.

Tỉnh Bá
(Theo Tuyển tập LLPB VHNT Tiền Giang)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Thanh Viet - Đăng lúc: 19/10/2013 13:13
Tôi biết đến bài hát "Đến trường" là do đọc được trong tập chép nhạc của ba tôi và tôi rất thích bài hát này. Ba tôi ghi rõ tác giả bài hát là của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca, nhưng khi tôi tìm trên google thì tác giả lại là nhạc sĩ Phạm Đình Chương ( http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_%C4%90%C3%ACnh_Ch%C6%B0%C6%A1ng) nhờ mọi người có ý kiến.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 407
  • Khách viếng thăm: 406
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 45375
  • Tháng hiện tại: 1794275
  • Tổng lượt truy cập: 48168402