Kỷ niệm 2 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam (13/8/2008 -13/8/2010): Mỹ Tho - Quê hương thứ hai của 'Hương rừng Cà Mau'

Đăng lúc: Thứ hai - 16/08/2010 08:40
Nhà lưu niệm Sơn Nam

Nhà lưu niệm Sơn Nam

Trong những ngày qua, khi hay tin người con gái cả của Sơn Nam là cô Đào Thúy Hằng xây dựng Nhà lưu niệm cho cha mình (ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) sẽ hoàn thành nhân dịp giỗ đầu của ông, nhiều bằng hữu của Sơn Nam đã về thăm. Và những kỷ niệm về nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam cứ lần lượt ùa về trong ký ức con gái và bằng hữu của ông...

1. Khi hay tin ở Mỹ Tho sẽ có Nhà lưu niệm Sơn Nam, nhiều người thắc mắc vì sao lại có nhà lưu niệm ở Mỹ Tho, trong khi quê quán của Sơn Nam ở Rạch Giá, sau này ông sống ở TP. Hồ Chí Minh? Cô Đào Thúy Hằng, con gái cả của Sơn Nam cho biết: Năm 1954, cha cô rời Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) đi Sài Gòn làm báo, viết văn, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, bà Đào Thị Phán (vợ của nhà văn Sơn Nam) phải đùm túm hai đứa con gái lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề dạy học. Từ đó, vợ - chồng, cha - con thất lạc nhau. Một hôm, cô Hằng theo mẹ đến trường, vừa bước lên xe buýt, cô giật mình khi thấy cha mình cũng đang bước xuống xe. Cô thảng thốt gọi "ba", còn Sơn Nam thì ngỡ ngàng chỉ thốt lên được tiếng "trời...", rồi ông quay lên xe lại để cùng đi với mẹ con cô.

* Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ghi trong sổ tang viếng nhà văn Sơn Nam: ... Sơn Nam, nhà văn lớn đã góp phần to lớn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, sức sống mãnh liệt của Tổ quốc, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần cho đông đảo nhân dân. Vĩnh biệt nhà văn, nhưng những gì nhà văn đã nghĩ, đã viết, đã làm sẽ sống mãi trong đời sống văn hóa của nhân dân.

* Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi: Một nhà văn (Sơn Nam - PV) xuất sắc, nhà khảo cứu tài năng đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho đất nước. Một tấm gương lao động văn học đáng kính, gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân, mang bản sắc Nam bộ đặc sắc.

* GS-TS Trần Văn Khê: Trong suốt cuộc đời anh (Sơn Nam - PV) đã đem văn hóa miền Nam nước Việt đến với bao nhiêu người trong và ngoài nước. Sự ra đi vĩnh viễn của anh làm cho bộ từ điển sống cho thư viện về văn hóa miền Nam không còn nữa và chưa thấy ai có thể thay thế anh được. Thương tiếc anh vô vàn , biết rõ là dầu anh không còn ở trên đời này ,nhưng việc làm của anh, sự nghiệp tinh thần của anh còn lưu mãi trong lòng của người dân nước Việt.

Khoảng năm 1958, Sơn Nam đưa gia đình về Tiền Giang sinh sống. Lúc đó, Sơn Nam có người bạn viết báo tên Đoàn Hùng Việt, làm việc ở Bưu điện Mỹ Tho. Sát vách nhà chú Việt có căn nhà bỏ trống nên chú gợi ý Sơn Nam đưa vợ con về thuê ở. Sơn Nam muốn gia đình về Mỹ Tho sinh sống là vì ông sợ vợ con bị liên lụy do chế độ Sài Gòn luôn tìm cách bắt bớ những người tham gia kháng chiến cũ (trước đó Sơn Nam công tác ở Trường Đảng tỉnh Rạch Giá; tỉnh ủy viên dự khuyết tỉnh Rạch Giá). Quả đúng như vậy, Sơn Nam bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi - Bình Dương từ năm 1961 đến 1962. Đến năm 1974, ông tiếp tục bị bắt giam cho đến ngày hòa bình. Chính vì vậy, 3 người con gái của ông phải mang họ mẹ để che giấu thân phận. Khi đưa vợ con về Mỹ Tho sinh sống, ông còn dặn vợ: "Hễ có ai hỏi chồng đâu thì cứ nói tui làm bé, ổng nay đây mai đó nên tui cũng không biết ổng ở đâu" để được yên thân. Hơn nữa, khi vợ con về sinh sống ở Mỹ Tho thì ông dễ đi thăm viếng, vì từ Sài Gòn đi Mỹ Tho có xe lửa.

Trong dòng hồi tưởng về cha mình, cô Hằng bùi ngùi nhớ lại: Mỗi sáng thứ bảy, cô và em gái ngồi trước cửa nhà (bây giờ là đường Ấp Bắc, phường 5, TP. Mỹ Tho) để đón cha về thăm. Khi tiếng còi tàu rúc từ xa là chị em cô đứng bật dậy vì vui mừng. Khi tàu chạy ngang nhà, cha cô ló đầu ra vẫy tay: "Ba nè, ba nè!", chị em cô nhảy cẫng lên, vẫy tay hét lớn: "Ba... ba... a!". Khoảng hơn 10 phút sau thì ba cô đi xích lô về, do ga xe lửa ở Vườn hoa Lạc Hồng. Rồi đến trưa chủ nhật, trong lúc ba cô tắm để chuẩn bị đi Sài Gòn là chị em cô lại nôn nao, hồi hộp vì chờ ba cho tiền để mua khô bò và tôm khô ăn. Chị em cô thèm ăn gì cũng chờ ba về cho tiền mua ăn.

Mỗi lần về thăm nhà, Sơn Nam hay xin quần áo, mùng cũ và mua trả góp đồ dùng trong nhà, đồ chơi, nón... mang về cho vợ con. Hồi mới đi Sài Gòn làm chưa có tiền, Sơn Nam xin mấy tấm băng rôn cũ mang về cho vợ may quần áo cho các con mặc. Sau này viết bài có nhuận bút nhiều, Sơn Nam cũng hay mua những món đồ đắt tiền về cho vợ con. Thấy chồng mua nho khô, sô cô la, cá mòi hộp..., vợ ông bảo mua chi mấy món đó tốn tiền, Sơn Nam nói: "Mua ăn cho biết để nhà quê!". Trong thời gian Sơn Nam bị bắt, người bạn thân của ông là nhà văn Ngọc Linh đã cưu mang vợ con ông như những người ruột thịt trong gia đình. Hàng tháng, nhà văn Ngọc Linh gởi tiền về cho vợ con Sơn Nam, rồi còn giúp đỡ để bà Phán mua nhà cho các con có chỗ ở ổn định.

Thời gian đó trong xóm chưa có trường học. Thấy bà Phán hàng ngày dạy con học, phụ huynh mang con đến gởi. Mới đầu chỉ có 5 đến 10 em, sau này lớp học có từ 60 đến 80 em, từ lớp 1 đến lớp 5. Ai có tiền gởi học phí thì bà Phán nhận, ai không tiền, bà dạy giùm, chủ yếu là giúp cho trẻ biết chữ. Tuy nhiên, nhờ vậy mà cuộc sống của mấy mẹ con bà Phán đỡ vất vả hơn. Nhiều thế hệ học sinh "lớp học gia đình" của bà Phán đã thành đạt như TS-BS Tạ Văn Trầm, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang; Ths Nguyễn Thị Phương, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang...

2. Sơn Nam cũng là người sống xuề xòa, không quan tâm hình thức bên ngoài. Nhà văn hóa Trương Ngọc Tường kể: Có lần Sơn Nam về nhà ông chơi (ở Cai Lậy), sáng hôm sau thì đôi dép kẹp của Sơn Nam mất một chiếc, nhà văn vô tư xỏ chiếc này, chiếc kia rồi cùng với Trương Ngọc Tường đi ra phố. Khi ghé lại quầy sách, Trương Ngọc Tường giới thiệu với chị bán sách nhà văn Sơn Nam, chị bán sách hết sức ngạc nhiên, cứ nhìn chăm chăm vào đôi dép của ông rồi hỏi: "Ông này là nhà văn Sơn Nam sao?".

Lãnh đạo các ban, ngành tỉnh và bạn hữu của Sơn Nam đến thăm Nhà lưu niệm.

Trong những ngày qua, nhà thơ Kiên Giang cũng về Mỹ Tho để được "sống lại" với những kỷ niệm cùng người bạn chí cốt Sơn Nam. Nhà thơ Kiên Giang kể: Hồi còn dạy học ở Rạch Giá, học trò kêu thầy đi tắm, vì Sơn Nam có tật không thích... tắm, nhưng ông không quan tâm lời nhắc nhở của học trò. Một hôm dạy xong, học trò khiêng ông quăng xuống sông. Sơn Nam lóp ngóp lội lên rồi xem như không có việc gì. Nhà văn Ngọc Linh cũng rất ghét cái tính "ở dơ" của Sơn Nam nên khi ở chung, ông chọn căn phòng để hàng ngày ít gặp Sơn Nam nhất. Thấy Sơn Nam mặc bộ đồ đến ngày thứ 13 rồi mà chưa thay để giặt, Ngọc Linh mua bộ đồ mới về đưa cho bạn mặc. Sơn Nam cởi bộ quần áo cũ giắt trên ghế, mặc bộ mới vào. Đến ngày thứ 8 thì Sơn Nam cởi bộ mới ra giắt trên ghế, lấy bộ cũ mặc lại.

Cô Hằng cũng kể: Hồi còn trẻ, mẹ cô thấy ba cô chỉ có 2 bộ đồ nên dành dụm tiền mua vải may thêm cho ông 1 bộ nữa. Ít ngày sau, mẹ cô không thấy ba cô mặc bộ đồ mới nên hỏi thì ông trả lời cho người ta rồi. Đến khi tuổi xế chiều, Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền toàn bộ tác phẩm của ông thì số tiền nhận được, Sơn Nam cũng hào phóng chia chác hết. Thế mới hay tính cách của người Nam bộ đã hội tụ đậm đặc trong con người nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam.

Nguyên Chương
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 400
  • Khách viếng thăm: 397
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 67250
  • Tháng hiện tại: 1933029
  • Tổng lượt truy cập: 48307156