Tây Nguyên, thoắt đến rồi đi

Đăng lúc: Thứ hai - 04/07/2011 08:24
Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang chụp hinh lưu niệm tại Cổng Trời (Kon Tum) trong một chuyến đi thực tế

Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang chụp hinh lưu niệm tại Cổng Trời (Kon Tum) trong một chuyến đi thực tế

Ngày Noen gần kề, buổi sáng Tây Nguyên lạnh lẽo với những thung lũng đặc sệt mù sương. Hai bên đường dã quỳ nở vàng rạng rỡ. Loài hoa hoang dại luôn làm tôi xúc động mỗi lần gặp lại. Dã quỳ mọc trên khô cằn sỏi đá, chênh vênh trên sườn đồi hoặc mặt đất trũng thấp. Nắng gió của cao nguyên, rồi bụi đỏ nhuộm phủ của bao chuyến xe vùn vụt lướt qua, dã quỳ vẫn chắt lọc từ trong khắc nghiệt phũ phàng của thiên nhiên dâng tặng cho đời những bông hoa vàng tươi thắm. Có những loài hoa chỉ nở khi được nâng niu chăm bẳm. Còn dã quỳ lặng lẽ nơi hoang vu, tự mình đứng vững xanh tốt và nở hoa. Những cánh vàng nhỏ xinh, mỏng manh ẻo lả cứ thế mà vươn lên tồn tại để được mãi mãi là dã quỳ.

Trên đường đi dọc dài các tỉnh của Tây Nguyên (mà ông bạn nhà thơ bảo là gồm: Đồng, Nông, Kon, Ku, Lăk cho dễ nhớ) tôi gặp những nữ sinh phố núi đến trường. Nơi họ còn lưu giữ được nét đẹp của phụ nữ Việt Nam một thời vốn có. Áo dài trắng đồng phục là đương nhiên nhưng các em luôn mặc bên ngoài cái áo khoác ngắn. Không phải do thời tiết lạnh, ngay cả giữa trưa mặt đường bốc khói các em vẫn mặc thế. Hỏi ra mới biết nữ sinh cần mặc kín đáo, không thích phô ra những đường nét mà những chi tiết áo dài không che kín được. Thật là một điều ngạc nhiên thú vị trong thời buổi này.

Đi qua bạt ngàn rừng cà phê, cao su, thỉnh thoảng tôi gặp những mảng đồi thông chết khô. Thông khô đứng thành từng mảng rộng, thân to một vòng tay ôm không giáp. Hỏi nhà thơ thổ địa của Tây Nguyên thì được biết những cây thông ấy bị ám sát. Người ta có nhiều cách làm cho thông chết khô rồi bảo rằng thông tự chết. Đương nhiên những gốc thông ấy sẽ biến mất đi để đất được sử dụng vào mục đích khác. Rừng là lá phổi của đất nước, là lá chắn những cơn lũ thượng nguồn, điều tiết hệ sinh thái và an ninh quốc phòng. Nhưng không phải lúc nào rừng cũng được đối xử tử tế. Diện tích rừng cứ vơi đi hàng năm vì nhiều lý do. Mất rừng là mất đi hồn vía của Tây Nguyên. Mà Tây Nguyên quan trọng thế nào với đất nước Việt Nam thì dẫu ngây thơ đến mấy người ta cũng hiểu. Có điều cái tâm con người hành xử như thế nào mà thôi.

Con đường xuyên qua khu rừng thưa xen nhau đủ thứ cây lớn nhỏ cao thấp. Trong màu xanh mướt mát của lá bất ngờ có những cây mai rừng nở hết bông, nở bung một màu vàng kiêu hãnh. Trời đã sang xuân đâu, chỉ gần Noen kia mà.

Tôi nhớ đến những cây mai ở nhà, năm nào cũng canh chừng lặt lá sao cho đúng ngày tết mà nào có phải bao giờ cũng đúng hẹn nở bông đâu. Còn ở đây mai rừng chẳng cần ai nhặt lá nhắc nhở đúng thời khắc qui định. Nghe tiết trời lành lạnh cao hứng, thích chí thì nở, một lần cho một năm. Giữa hổ lốn, tạp nham của đủ thứ cây: đại thụ, non tơ, có cả dây leo và chùm gởi… mai đứng đó an nhiên tồn tại, cành nhánh vươn lên tự do mà không bị bàn tay nào cắt xén, tạo dáng, uốn éo theo một chiều hướng, theo một chủ đề rất kêu. Những cái tên rất kêu của thân phận cây đứng giam mình trong chậu, cành nhánh qui củ, trật tự, cho đến nở bông cũng theo thời khắc người khác muốn. Đó là chưa tính bị ghép nối với những chồi nụ không phải của mình: gốc mai vàng cho ra bông trắng hoặc xanh hoặc nhiều cánh đến không còn nhận ra hoa mai nữa.

Ôi những cây mai rừng, vẻ đẹp nguyên sơ thanh quí đã làm nhà thơ tài hoa và ngang tàng phải thốt lên: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Những cây mai rừng theo tôi suốt chặng
đường dài.

Đến Kon Tum mặt trời đã khuất sau dãy núi mờ xa. Chiều đông phố núi lạnh lẽo, trong ánh sáng nhạt dịu tôi gặp lại những cây kơ-nia rải rác hai bên đường hoặc trong nương rẫy, có khi vươn lên từ những đồi cây đầy cỏ dại. Cây kơ-nia thân to khỏe vươn thẳng. Tán lá tròn to với những cành nhánh mọc dày khích bên nhau thành một khối xanh thẫm. Đặc biệt khó thấy lá vàng trên cây kơ-nia.

Lần trước đến Kon Tum, ngồi uống rượu cần ở nhà rông, tôi hỏi già làng: Rễ cây uống nước đâu và tỏa bóng về đâu. Già làng bảo: Hỏi chi mà cũng hỏi, rễ kơ-nia uống nước trong lòng đất nó mọc và tỏa bóng xuống mặt đất. Hỏi một người đàn bà Êđê cũng nói như thế. Tôi hỏi một người trí thức chuyên dịch sử thi Tây Nguyên thì được trả lời rằng bóng cây kơ-nia tỏa theo ngược chiều ánh mặt trời và rễ nó uống nước ngay gốc nó mọc. Tôi hỏi nhà thơ thổ địa, nhà thơ chỉ cười thay cho câu trả lời. Nhưng rồi nhà thơ nói người Tây Nguyên rất thật thà, không biết nghĩ một đàng nói một nẻo nhưng họ rất tôn trọng cây kơ-nia, coi đó là cây thiêng, khi làm nương phát rẫy không bao giờ họ chặt cây kơ-nia dù nó đứng ở vị trí nào. Sau 1975, số người di dân từ nơi khác đến họ không biết cây kơ-nia là gì nên chặt đốn không thương xót. Phải có sự giải thích và ngăn cấm nên
kơ-nia mới còn một ít như ngày nay. Tôi cũng thật thà như người dân nơi đây nghĩ về cây kơ-nia và tôi thiết tha mong muốn đừng vì lý do gì mà cây kơ-nia vắng bóng bởi nó góp phần làm nên hồn cốt của Tây Nguyên.

Tôi đến phố núi chỉ đôi lần. Mọi thứ của xứ sở này đều làm tôi hăm hở muốn tìm hiểu nhưng ấn tượng không nhỏ trong mỗi chuyến đi là người tài xế. Không biết ai thì sao chứ riêng cá nhân tôi người tài xế là người đáng nể thật sự. Có lẽ một phần do tôi có tính lơ đãng, hay để hồn vía bay tận đẩu đâu. Đi bộ còn không nên thân, dám đâu sử dụng phương tiện giao thông nào. Người tài xế có dáng đề đạm và rắn rỏi, khỏe khoắn. Anh vui tính, nhưng nói chuyện gì cũng luôn nhìn thẳng và tập trung vào tay lái. Anh thường nhai kẹo cao su mỗi khi lên cơn buồn ngủ vì có lúc phải đi suốt 12 giờ trong ngày. Ngoài chuyện lên đồi xuống dốc tránh những xe container cồng kềnh, siêu trường siêu trọng, tránh những quái xế miền núi phóng honda như chốn không người, tránh bò dê cừu bên vách núi để xe an toàn đi qua, tôi nghĩ rằng rất đáng mang ơn anh. Nhưng khi anh lái xe lên đỉnh Măng Đen cao hơn 3.000 mét, đường lên quanh co, chênh vênh, hẹp và cua gắt, một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm thì tôi thực sự khâm phục anh. Anh lái bằng tất cả sự tận tâm, tập trung cao độ, xử lý tình huống nhanh nhạy, chỉ cần lơ đãng chủ quan chút xíu thôi xe sẽ lao xuống vực sâu… bao nhiêu sinh mạng sẽ tiêu vong. Có thể trên đời có nhiều con đường hiểm trở hơn đường lên Măng Đen, nhưng với tôi đây là con đường không bằng phẳng lần đầu tôi gặp và tôi nể phục người lái xe tận tâm, tận lực.

*

Đang đi từ Gia Lai về Đak Lăk xe bị trục trặc máy móc phải dừng lại. Đoàn người tắp vào quán ăn nhẹ, nghỉ ngơi. Chiều sơn cước trôi đi trong thanh bình tĩnh lặng, dãy nhà sàn bên nương như có sức sống hơn với từng toán người đi rẫy về ngang. Những người đàn ông, đàn bà với trang phục đỏ đen, xanh vai mang gùi lặng lẽ bước đều. Họ không có gì phải vội vã, không ồn ào, không hối hả. Người Tây Nguyên theo tôi thấy là vậy - trầm tĩnh và chất phác. Và đôi mắt của họ rất đặc biệt mà khi nhìn vào ta không thể lẫn với người miền xuôi.

Trong khoảng đất trống trước dãy nhà sàn có vài đứa bé tóc hoe vàng, da nâu giòn đang cười vui reo hò với trò chơi gì đấy. Quan sát kỹ tôi thấy chúng bắt được một con chim rừng to bằng con gà giò, lông màu xanh két, mỏ nó màu vàng tươi. Không biết là chim gì. Chúng không cột trói mà vặt sạch lông ở hai cánh chim, chỉ còn hai cánh gầy trơ xương, khẳng khiu như cành cây gấp khúc. Thả chim xuống đất chúng hò hét bảo “bay đi”. Con vật loạng choạng, sợ hãi bước đi bằng những bước lạ lẫm trên mặt đất rồi ngã lăn ra, rồi đứng dậy bước tiếp, hai cánh chới với đập vào thân mình một cách tuyệt vọng mà không cách gì bay lên được. Cứ thế bọn trẻ lấy làm thích hò hét vang lên. Loài chỉ biết bay lên không trung bằng đôi cánh, chỉ biết chao lượn nên những đường tung hoành tự do ngang dọc. Nó không biết đi bằng hai chân trên mặt đất với đôi cánh đã vặt sạch lông, càng không thể nào bay lên được.

Cuối cùng xe cũng khởi động và di chuyển bình thường, bỏ lại tít tắp đằng sau lũ trẻ và con chim bị vặt lông cánh. Tôi từng thấy người ta bẫy chim để ăn thịt, thấy những con chim trống bị lừa dối bởi bẫy tình chim mái, thấy bầy chim bỏ rừng lang thang tìm nơi ở mới. Nhưng sao trò chơi trẻ con chiều nay lại máng vào lòng tôi một nỗi buồn thấm thía.

Mơ đến Tây Nguyên để gặp đại ngàn nhưng lần nào cũng vội nên mơ ước vẫn là mơ ước. Tuy nhiên tôi có được những ngày lang thang trong rừng đặc dụng nghe tiếng ve kêu liên miên, kêu không dừng. Và biết thế nào là ngang như cành bứa. Biết những loài cây không có ở đồng bằng. Đến cửa khẩu Bờ Y, ranh giới giữa ba nước Việt, Lào, Miên. Đến một quán nước lưng chừng núi, quán nghèo, vách lá, lợp tranh te tua gió lộng. Chủ quán là người đàn bà trước kia là ca sĩ tên Nhung quê gốc Hà Nội. Chị hát cho chúng tôi nghe bài
hát rất hay về Măng Đen: “Anh chẳng về đâu, anh ở lại
cùng em…”.

Tôi được nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn khi uống cà phê quán của nữ họa sĩ ở Đăk Lăk và quán Eva ở Kon Tum của họa sĩ Ẩn, tôi cảm nhận một điều là cái man mác buồn, sự trầm lắng phù hợp với người phố núi. Và lạy Trời, mong rằng đừng ai gán cho Tây Nguyên thứ âm nhạc hú hét, bạo liệt máu lửa… bởi nó đi ngược lại với bản tính người Tây Nguyên.

Tôi có được một chiều dạo chơi trên bờ sông Đăbkla. Đó là một trong ba con sông chảy ngược của Việt Nam. Sông Việt Nam luôn có xu hướng tự đánh mất mình bằng cách nhập dòng vào biển cả. Còn sông Đăbkla chảy vòng vào đất liền qua những địa danh của dãy Trường Sơn. Mùa khô con sông trở nên hiền lành, nước chảy lờ đờ, dòng cạn không quá gối, phơi bày hai bên là bãi cát trắng rộng dài lộ ra rất nhiều hòn đá đủ cỡ: to nhỏ, vuông tròn, đa diện, thô nhám, nhẵn bóng, góc cạnh. Không viên nào giống viên nào. Vô cùng đa dạng. Không hề có bàn tay con người xen vào. Có một viên đá vuông chằn chặn, góc cạnh sắc bén đường hoàng, người có tâm hồn “quan lại” sẽ nghĩ ngay đến cái “triện vuông” chốn quan trường. Cũng có viên tròn như quả trứng, đều đặn như có bàn tay công phu cắt gọt. Lại có những viên xù xì cổ quái, không thể định hình định dạng. Và biết bao hạt cát nhỏ li ti, thành quả của sự tan vỡ. Như cần phải thêm sinh động, tạo hóa còn ban cho “cộng đồng đá” nhiều màu: xanh, đỏ, trắng, vàng và cả những màu tổng hợp không biết là màu gì. Tất cả đã trải qua nhiều cú va đập từ thượng nguồn theo dòng cuồng lưu tạm thời nằm yên nơi bãi sông này. Những hòn đá như những phận người bị ném quăng vào cuộc đời và dòng đời không ngừng cuộn xoáy. Gương mặt, nhân dáng, cá tính, thân phận, không ai giống ai. Người có thể đắc dụng vào việc này lại không vào việc kia. Có người ngời ngời tỏa sáng lại có phận người cơm vãi cơm rơi, đọa đày tăm tối. Cái “cộng đồng đá” như cái “chợ đời” thu nhỏ.

Đêm đến tôi được dự bữa tiệc trong nhà krông ở một buôn bên dòng Đăbkla. Ngoài sân rộng có một đống lửa, những cô sơn nữ đứng thành vòng tròn múa xoan giao lưu với du khách, những sơn nam đánh cồng chiêng. Trong nhà sàn cũng có một bếp lửa, có rượu cần, có già làng hát sử thi. Bữa tiệc gồm món cơm nếp còn bốc khói trải ra trên những tàu lá chuối xanh non, gà nướng hãy còn nguyên xiên lụi. Cứ thế người ta dùng tay gỡ từng miếng thịt gà chấm muối ăn kèm với cơm nếp. Tay và môi ai cũng dính đầy mỡ. Để tỏ tình thân ái người ta mời nhau ghé môi cùng uống rượu cần, mỗi người một bên. Cần vít cong thấm đẫm mùi vị thịt nướng, mùi khói thuốc lá và vị  nồng cay của rượu cần. Người bạn nhà thơ cảnh báo: Rượu cần không nồng cay như rượu đế nhưng người ta sẽ say đến không ngờ nếu chủ quan.

Ngồi cạnh tôi là một bác sĩ luống tuổi gốc gác Tây Nguyên định cư nước ngoài vừa về thăm quê. Ông nói cười nhỏ nhẹ, lịch sự. Rượu cần ngà say một tí làm không khí vui và người ta trở nên cởi mở gần gũi nhau hơn. Anh bạn nhà thơ nói: Nếu được một điều ước tôi sẽ ước mình trẻ lại 15 năm để có sức mà đi khắp mọi miền rộng dài của đất nước. Một bạn trẻ ở đài truyền hình nói: Nếu cầu được ước thấy, mình ước sẽ già hơn bây giờ khoảng chừng 15 năm, mình cần sự chững chạc, sự trải nghiệm. Tôi nói: Bạn ơi, một ngày nào đó bạn sẽ hối tiếc điều bạn nói, theo tôi tuổi trẻ ngàn lần đáng yêu, đáng quí. Nó sẽ đi qua, không bao giờ trở lại, và bạn sẽ thấy không gì tồi tệ cho bằng tuổi già.

Người bác sĩ nói: Nếu được, tôi ước Tây Nguyên mãi mãi giữ được những gì thân thương vốn có, đừng thay đổi nhiều quá. Tây Nguyên, món quà vô giá của Mẹ Việt Nam trao tặng cho các con. Rồi anh hát một bài dân ca  Ê Đê, giọng đặc sệt của người dân tộc, luyến láy điệu nghệ đến ngỡ ngàng. Tiếng hát như bay chập chờn qua ngọn lửa, bay ra khỏi phên vách nhà rông hòa nhập vào dòng sông trườn mình trong đêm tối.

*

Lưu lại Măng Đen không lâu, nhưng chúng tôi cũng có thời gian đến thăm đồi Violak và đồi Đức Mẹ. Lưng chừng đồi có một khoảng đất rộng thoáng, có rất nhiều cây kiểng và bông hoa đẹp đủ màu sắc, chứng tỏ nó được chăm sóc rất công phu. Tượng Đức Mẹ đứng trang nghiêm và khiêm nhường  nhưng tỏa ra nét từ bi đặc biệt. Người ta bảo chốn này được xây dựng từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Những người lính Sài Gòn đến đóng quân ở cứ điểm này phải đi bằng máy bay, còn đường bộ để đến những trung tâm quận thị khác thì vô cùng hiểm trở. Bởi thế người ta xây dựng tượng Đức Mẹ dành cho những ai có nhu cầu
tín ngưỡng.

Tượng Đức Mẹ ở đây có khuôn mặt rất lạ, khác biệt hẳn so với những tượng Đức Mẹ ở những nơi khác mà tôi gặp. Mẹ trông khắc khổ, gầy gò và in hằn sự u hoài. Tương truyền rằng lúc còn chiến tranh, một mảnh đạn phang đức lìa ngang cổ tượng và vỡ đi. Có một giáo dân miền núi làm nghề thợ hồ đã tự nguyện xây tạc lại phần bị mất đi. Vì không chuyên nghiệp, anh ta làm theo trí tưởng tượng và tấm lòng mến mộ nên gương mặt Mẹ mang một dáng nét rất riêng. Và mãi về sau dù hoàn cảnh nào người ta vẫn không ngừng tôn tạo chốn thiêng liêng tín ngưỡng. Giờ đây đồi Đức Mẹ trở thành điểm dừng chân tham quan của du khách khi đến Măng Đen.

Trại sáng tác văn học TG

Phạm Thị Ngọc Điệp
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 238
  • Khách viếng thăm: 234
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 29479
  • Tháng hiện tại: 2528865
  • Tổng lượt truy cập: 48902992