Chuyến tìm và lưu giữ cho

Đăng lúc: Thứ hai - 26/07/2010 07:50
Nhận lại kỷ vật đầu con dinh do ông nội của các cô làm từ năm 1931

Nhận lại kỷ vật đầu con dinh do ông nội của các cô làm từ năm 1931

Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...
(Sơn Nam)

Để các hiện vật, tác phẩm, tư liệu của người cha quá cố có nơi bảo tồn, cô Đào Thúy Hằng (con gái cả của nhà văn Sơn Nam) cùng chồng xây dựng Nhà lưu niệm cho ông ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho. Cuối tháng 8-2010, Nhà lưu niệm nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam sẽ hoàn tất nhân lần giỗ đầu của ông. Hiện nay, Nhà lưu niệm đang trong giai đoạn hoàn thành các công đoạn cuối. Để Nhà lưu niệm có thêm nhiều hiện vật phong phú, cô Đào Thúy Hằng cùng chồng (chú Trần Đức Nghị) và em gái Đào Thúy Liễu đã trở về U Minh Thượng -  nơi "ký ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt" trong tâm hồn Sơn Nam.  

1. Từ Mỹ Tho, xe chạy một mạch đến Vị Thanh (Hậu Giang) rồi băng qua Gò Quao, Rạch Giá, Giồng Riềng (Kiên Giang)... Những cánh đồng mênh mông xâm xấp nước cứ hiện ra, trải rộng thênh thang ở hai bên đường. Xa xa, những đàn trâu hàng chục con ung dung gặm cỏ, tạo nên những dấu chấm đen mông lung dưới chân trời xanh thẫm. Có đến U Minh Thượng mới hiểu được phần nào nỗi khó nhọc của người nông dân trong truyện ngắn Mùa len trâu (trong tập truyện Hương rừng Cà Mau) của Sơn Nam.

Theo Sơn Nam thì: "Len trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, len trâu có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây nước lụt dâng cao từ 1 đến 4 m. Trâu không có chỗ ở, nên nó phải đi đến những vùng đất cao để có cỏ ăn. Ăn hết cỏ chỗ này, nước lên thì đưa trâu sang chỗ khác. Có khi đến ba, bốn tháng mới đưa trâu về. Ngày trước trẻ con đi theo con trâu, áo quần không có, mùng mền không có, gạo cơm thiếu, đó là cả một chuyện khó khăn". Tuy nhiên, bây giờ trâu cũng không còn nhiều như thời Sơn Nam viết "Hương rừng Cà Mau", vì chiếc máy cày, máy xới đã thay dần sức kéo của trâu. Bởi vậy, khi đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh làm bộ phim" Mùa len trâu" phải sang Campuchia mới mướn đủ đàn trâu trên dưới 400 con để quay.

Đến nhà ông Tư (ấp Tà Yểm, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), con của người cậu thứ 10 của nhà văn Sơn Nam, cô Hằng lấy hộp quẹt, bật lửa lên để đốt mấy nén nhang thắp lên bàn thờ từ đường. Chồng cô Hằng ngăn lại: "Ba dạy thắp nhang cho ông bà thì phải châm lửa từ ngọn đèn dầu mới có ý nghĩa hương hỏa". Cũng vì vậy mà trong chuyến về U Minh Thượng lần này, con gái và con rể của Sơn Nam cố công tìm cho được chiếc đèn dầu "trứng vịt" hồi xưa để khi Nhà lưu niệm hoàn thành sẽ thắp trên bàn thờ ông cho ấm cúng. 

Trong mùi hương trầm lan tỏa, hồi ức về nhà Nam bộ học khi còn trẻ cứ lần lượt ùa về trong câu chuyện của những người thân bằng quyến thuộc với ông. Căn nhà ba gian của ông Tư là nơi khi còn trẻ, nhà văn Sơn Nam thường lui về trong những ngày được nghỉ học. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ngôi nhà này vẫn không có gì thay đổi, vẫn mái lá xé, nền gạch tàu như xưa, nhưng có những người đã ra đi và không bao giờ về nữa. Căn nhà này đã gắn bó tình thâm với Sơn Nam, bởi vì nơi đây người cậu ruột thứ 10 của Sơn Nam đã cưu mang, đùm bọc cho ông ăn học. Con kinh phía trước nhà ông Tư vẫn lửng thửng trôi xuôi, nước đục ngầu, nhưng không còn nhiều cá tôm như cái thời Sơn Nam hay lui về nữa. Ngày xưa, để về nhà cậu Mười, nhà văn Sơn Nam phải đi xuồng mấy cây số. Còn bây giờ, đường giao thông nông thôn đã luồn sâu vào các ngóc ngách của xã Bàn Tân Định. Xe du lịch đỗ bên này sông, bên kia là xóm nhà của dòng họ bên ngoại nhà văn Sơn Nam.

Căn nhà ba gian của ông Tư là nơi khi còn trẻ, nhà văn Sơn Nam thường lui về trong những ngày được nghỉ học

Rời Tà Yểm, đoàn tiếp tục lên đường đến ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang để đến nhà cô Phạm Thị Quyên, cháu kêu Sơn Nam bằng chú ruột. Trong dòng hồi ức về chú của mình, cô Quyên cho biết: "Chú Sơn Nam là người sống giản dị, hiền lành, ít nói nhưng hết mực thương yêu con cháu, chưa bao giờ nghe ông rầy la, hay quát mắng ai tiếng nào". Cô Hằng cũng nhớ lại, hồi còn ở miệt Thứ (kênh Sáu Thứ, thuộc huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang), nhà văn Sơn Nam hay cõng cô sang nhà hàng xóm chơi. Tới bữa cơm, ông và con gái cũng ăn "nhiệt tình" như ở nhà của mình, dù bữa cơm chỉ có vài ba con cá đạm bạc.

Theo tờ giấy viết tay của ông nội mà cô Hằng còn giữ được thì Sơn Nam được cha đặt tên là Lạc, còn người anh tên là Khoái. Giấy khai sinh ghi tên ông là Phạm Minh Tày, khi đi kháng chiến, viết văn, ông tự đổi tên mình là Phạm Anh Tài. Bút danh Sơn Nam bắt đầu xuất hiện khi ông lên Sài Gòn làm báo, viết văn, và hầu như chỉ dùng bút danh này ký dưới tất cả những gì ông viết từ đó cho đến khi qua đời. Sơn Nam được sinh ra tại Sóc Xoài, khoảng hai tuổi mới về miệt Thứ làm khai sinh. Vì vậy, ngày sinh 11-12-1926 và nơi sinh ghi tại làng Ðông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang của Sơn Nam chỉ đúng trên giấy tờ chính thức. Cô Hằng cũng cho biết, cha cô chịu ảnh hưởng tính cách của ông nội, rất phóng khoáng và vô lo.

Khi đến nhà ông Năm (bà con cô cậu với Sơn Nam), cô Liễu bùi ngùi khi phát hiện đầu con dinh của ông nội cô làm vẫn còn treo trên vách nhà. Ông nội cô là người cẩn thận, hễ làm hay mua sắm vật gì đều ghi rõ ngày, tháng, năm. Lật phía sau, mọi người bùi ngùi vì kỷ vật này được ông nội của các cô làm từ năm 1931. Rời nhà cô Quyên, con gái và rể của nhà Nam bộ học Sơn Nam mang về lỉnh kỉnh: cái bàn cũ kỹ, mấy viên gạch thẻ vẫn còn đỏ au, cái ché, chậu bông. Đây là những kỷ vật mà một thời nhà Nam bộ học Sơn Nam đã gắn bó với chúng. Rồi đây, những kỷ vật này sẽ trở về với Sơn Nam trong Nhà lưu niệm ở Mỹ Tho. Có lẽ ở nơi  chín suối, "hạt bụi" cũng sẽ vơi đi phần nào nỗi "nhớ đất quê".

2. Đứng trên cống Bảo Định, nhìn về thượng nguồn, Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam lấp ló trong những tán bần, dừa nước, tre, cau, sộp. Mặt chính của Nhà lưu niệm quay ra mặt sông Bảo Định với không gian êm đềm, trầm mặc. Chợt bùi ngùi nhớ mấy câu thơ thay cho lời tựa trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của ông: Dưới bờ tre heo hút/ Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút/ Điệu hò ơ theo nước chảy chan hòa/ Năm tháng đã trôi qua. Vâng, năm tháng thì cứ nối tiếp trôi qua. Tuy nhiên, dù "giọt nước" đã "lìa nguồn", nhưng "Hương rừng Cà Mau" thì vẫn tỏa ngát hương. Rồi đây khi Nhà lưu niệm hoàn thành, độc giả và những người yêu mến Sơn Nam sẽ như vẫn còn thấy ông ngồi bên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ cặm cụi gõ từng trang bản thảo.

Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho sẽ hoàn thành nhân lần giỗ đầu của ông (cuối tháng 8-2010)

Nhà lưu niệm là một quần thể kiến trúc độc đáo, vừa cổ kính, vừa hiện đại, nằm trên khu đất "vàng" cạnh vành đai bảo vệ cống Bảo Định, với diện tích 2.150 m2. Kiến trúc ngôi nhà là do gia đình tham khảo ý kiến của nhiều kiến trúc sư, kết hợp với sáng kiến của các thành viên trong gia đình. Theo chú Nghị thì việc thiết kế, trang trí Nhà lưu niệm và tạo cảnh quan xung quanh rất khó, vì Sơn Nam là người sống giản dị, có phần dễ dãi, xuề xòa. Vì vậy, cần phải cân nhắc thận trọng từng chi tiết khi tạo không gian, cũng như cách bày trí Nhà trưng bày cho phù hợp với tính cách của Sơn Nam. Tuy nhiên, đây là một quần thể kiến trúc không chỉ mang tính chất gia đình, mà còn phục vụ cộng đồng, nên cần phải có sự hài hòa giữa yếu tố giản dị và hiện đại. 

Nhà được xây dựng theo kiểu nhà Nam bộ 3 gian, nhưng được cách tân cho phù hợp với không gian sông nước và tiện việc trưng bày. Kết cấu ngôi nhà được xây dựng rất chắc chắn, có tuổi thọ khoảng trên 100 năm. Gạch xây là loại gạch thẻ, chịu lực cao, do gia đình đặt ở Vĩnh Long. Bộ cửa bằng gỗ gõ đỏ, khung bằng gỗ căm xe. Bên trong có một phòng khách, dành để phục vụ cho bạn bè, thân hữu của nhà văn Sơn Nam đến viếng ông có nhu cầu ở lại. Lối đi từ sân vào đến thềm ba là 82 bậc (tượng trưng cho tuổi thọ 82 của Sơn Nam), được thiết kế mô phỏng hình bản đồ ĐBSCL. Chất liệu để xây các bậc tam cấp, tạo lối đi từ sân vào nhà là đá tổ ong được lấy từ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Chú Nghị giải thích: Những viên đá tổ  ong là tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ của người con rể, đồng thời là độc giả trung thành dành tặng cho nhà văn Sơn Nam.

Điểm nhấn của không gian Nhà lưu niệm là bức tượng nhà văn Sơn Nam, do điêu khắc gia Nguyễn Sánh t tạc. Điêu khắc gia Nguyễn Sánh cũng là người đã  tạc bức tượng nhà văn Sơn Nam để đặt tại phần mộ của ông ở Hoa viên Chánh Phú Hòa, Bình Dương. Chất liệu của bức tượng là đá hoa cương chịu lực cao, không bị ôxy hóa, được lấy ở vùng núi Ngũ Hành sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nặng khoảng 5 tấn, cao 3 m.

Hiện nay, gia đình đã sưu tầm được hàng trăm hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam. Toàn bộ tác phẩm của ông sẽ do Nhà Xuất bản Trẻ tặng. Điều đáng quý và đáng trân trọng là nhà giáo Đinh Công Tâm (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) sẽ tặng lại cho gia đình toàn bộ các tác phẩm cũng như những bài viết về Sơn Nam mà ông đã sưu tầm và cất giữ hơn nửa thế kỷ qua. Phó Tổng Biên tập Báo Xưa & Nay Nguyễn Hạnh cũng sẽ tặng lại cho gia đình chiếc máy đánh chữ mà nhà văn Sơn Nam đã từng sử dụng khi ông viết các bản thảo.

Như vậy là cuối tháng 8 này, "hạt bụi" đã từng "phong sương mấy độ qua đường phố" sẽ về cư ngụ ở một nơi cố định để bạn hữu, độc giả và những người yêu mến "từ điển Nam bộ" tìm về với ông.

Ng. Chương
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 211
  • Khách viếng thăm: 205
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 25238
  • Tháng hiện tại: 2470128
  • Tổng lượt truy cập: 48844255