"Mỹ phẩm" ngày xưa

Đăng lúc: Thứ tư - 16/11/2016 16:52
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Làm đẹp không những là bản năng mà còn là nhu cầu thiết yếu của loài người đặc biệt là giới phụ nữ; cho nên dù ở thời điểm nào trong cuộc đời, người phụ nữ cũng dành ít nhiều thì giờ để chăm sóc sắc đẹp của mình.
Trong bài nầy, chúng tôi xin nói về cách làm đẹp của phụ nữ hồi xưa trong giới bình dân ở nông thôn Nam bộ; không đá động gì tới cách làm đẹp của các nhà quyền quý chốn thị thành; càng không đề cập đến cách làm đẹp của những vương phi nơi cung cấm.

Cũng nên nói rõ, “xưa” ở đây là mốc thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến tiền bán thế kỷ 20, khoảng thời gian mà các bà các mẹ từng sinh sống mà thôi.

Người ta nói “cái răng cái tóc là gốc con người”, hiểu nôm na là tóc, răng là phần cốt yếu của vẻ đẹp con người. Một người dù gương mặt xinh xắn tới đâu mà trên đầu chỉ có le hoe ba cọng tóc, hay có hàm răng mọc … vô kỷ luật hoặc “hàng tiền đạo” trống trơn mà… xe nhà binh có thể chạy ra chạy vào thì thật khó coi!

Bởi vậy, tóc là mục tiêu mà người phụ nữ ngắm đầu tiên! Hồi xưa, chỉ cần bốn, năm trái bồ kết đem nướng sơ rồi nấu sôi vài dạo là đã được một loại “mỹ phẩm” làm sạch da đầu, làm tóc đen nhánh, lại có hương thơm đặc trưng (hương bồ kết) mà ngày nay các thương hiệu dầu gội cũng không thể bỏ qua.

Gội đầu bằng bồ kết rất tiện lợi, nhưng nếu xài mãi thì sẽ đâm ra lờn mùi với khứu giác người đối diện. Các bà bèn “đổi tông” với mùi bưởi, mùi chanh, mùi sả, mùi hương nhu bằng cách lấy hoa, lá của các loại cây nầy bỏ vào nồi nước rồi đun sôi (giống như nồi xông); nhưng loại nước nầy chỉ có tác dụng tạo hương như loại “dầu xả” hiện nay chứ không làm sạch tóc được; muốn sạch tóc, trước đó phải gội đầu bằng tro: Lấy tro của các loại cây sống ở vùng nước mặn (đặc biệt là cây mắm) hay nước lợ thì tốt nhất, vì các loại cây ở những vùng nước nầy sẽ cho tro mặn hơn và khi gội sẽ tiết ra nhiều bọt hơn.

Cho tro vào vật chứa (thường đã phế thải) như thúng, gàu,… rồi ém chặt, xong đổ nước lã vào đó, nước sẽ rỉ qua nhưng kẽ hở và được hứng bên dưới bằng một vật dụng khác, thường là cái vịm sành để khỏi bị

rỉ sét (tương tự như lược cà phê!)

Gội đầu với nước tro dù ít bọt, không có mùi thơm như xà bông, nhưng độ sạch thì chưa chắc ai đã hơn ai! Gội xong, để “tạo mùi”, các bà bèn xả lại bằng “dầu xả” với hương liệu như hương bưởi, hương chanh, hương sả như đã nói ở trên. Mùi hương thoang thoảng tự nhiên nầy từng gây tương tư với những chàng trai làng đang tuổi thanh xuân!

Phụ nữ xưa hay gội đầu bằng trái bồ kết


Những “mỹ phẩm” trên thực sự chỉ làm cho tóc sạch, thơm tho; muốn tóc được mượt mà óng ả, “khỏe mạnh”, các bà phải vuốt dầu dừa: Nhúng mấy ngón tay vào dầu dừa, thoa lên tóc rồi vuốt đến khi nào tóc thấm đều dầu dừa thì thôi. Loại “mỹ phẩm” dầu dừa này dù có lạm dụng qua nguyên liệu… nhà bếp(!) nhưng hiệu quả vô song! Cho nên ngày nay mấy bà có mái tóc khô, bị chẻ ngọn hay “yếu đuối”, thường bị rụng, họ bèn dùng “mỹ phẩm dầu dừa” và chỉ một thời gian sau đã được hiệu quả như ý!

Thế còn răng? Các bà đã làm thế nào mà răng được trắng bóng và miệng thơm tho khi mà không có kem đánh răng? Đơn giản thôi: Ngoài việc thường xuyên chà răng bằng vỏ cau, các bà cà than cây đước cho thật nhuyễn rồi trộn với muối, nhỏ thêm vài giọt chanh là đã có một loại “kem” làm trắng răng trên cả tuyệt vời! Loại “kem” nầy có ưu điểm nữa là nó làm cho răng bền chắc, ngừa được sâu răng; nhưng lại để tạo mùi thơm thì… “có phần hạn chế”! Bù lại khuyết điểm nầy là sau khi đánh răng hay lúc nông nhàn, các bà thường ngậm, rồi “khọt khọt” nước sắc của hương nhu, tần dày lá và vài thứ rau thơm khác. “Mỹ phẩm thơm miệng” nầy không phải tốn tiền nhưng hiệu quả quá lòng mong đợi!

Lại có câu “nhất dáng nhì da”, bởi vậy giữ gìn da mặt luôn được mịn màng trắng trẻo cũng là điều quan tâm của giới phụ nữ. Để làm điều nầy, quý bà thường ngày chỉ cần rửa mặt bằng nước cơm vo! Nước cơm vo còn có tuyệt chiêu nữa là trị mụn; nếu có hột mụn nào ngoan cố thì các bà khéo léo nặn cồi ra rồi trét một chút nghệ lên; phần da tại đó sẽ mau liền lại. Trong một tháng nằm cử, sản phụ hồi xưa luôn thoa nghệ khắp mặt, khắp cổ và luôn cả hai tay để giữ làn da mịn màng không bị thâm đen, Việc làm nầy được truyền từ đời nầy sang đời khác cho nên hiệu quả của nó thì khỏi cần bàn; có điều mỗi khi sản phụ có việc gì đó tối cần thiết mà phải ló mặt ra ngoài mà lỡ trẻ em nhìn thấy thì chúng sẽ khóc ré lên, bỏ chạy không dám ngoái đầu nhìn lại!

Vào cuối thế kỷ 19, việc “điểm phấn tô son” đối với người phụ nữ thôn quê có thể nói là chưa ai dùng tới. Sau nầy, có chút “tiến bộ” hơn, trong các dịp đình đám hội hè đôi khi các bà cũng dùng “phấn” trắng bằng thạch cao phi hòa với nước; còn để cho môi được màu đỏ mọng thì chỉ việc dùng lưỡi làm cho môi ướt rồi mấp mấp vào bao nhang, hoặc lấy vỏ hạt dưa thoa lên! Hạt dưa chỉ có trong ngày Tết, nên ai cũng đừng thắc mắc sao mấy bà lại giữ vỏ hạt dưa trong túi trang điểm của mình! Còn quý bà đứng tuổi (thực tế chỉ ngoài bốn mươi), lên chức “bà” mà làm cách nầy sẽ bị xóm làng dị nghị, nên thường ăn trầu để “cho đôi môi đừng trắng nhách khó coi”!

Về sau nữa, không biết ai nghĩ ra việc làm son môi bằng cách dùng nước sắc hoa hồng hòa với sáp ong. Đây là một bước “đột phá ngoạn mục” của “mỹ phẩm” dân gian thời bấy giờ!

Thời ấy dân tình còn khốn khổ về vật chất, áo quần chưa có đủ thì làm gì dám mua chai dầu thơm (nước hoa) vốn dành cho những nhà quyền quý ở chốn thị thành? Hơn nữa, với văn hóa đình làng ngày đó, người con gái quanh năm lam lũ mà “xức dầu thơm” sẽ bị nhìn với “ánh mắt hình viên đạn” của các bậc trưởng thượng, không ai dám hỏi cưới cho con mình! Để đối phó lại thành kiến nầy, các chị bèn “ướp” áo quần bằng các loại hoa thơm như hoa trang, hoa bưởi, hoa ngâu,… vốn có mênh mông trong vườn nhà bằng cách đơn giản là gói chúng thành nhiều gói nhỏ rồi để xen kẽ vào mớ quần áo mới ít ỏi của mình; và mỗi lần ra khỏi nhà, các chị cũng không quên mang theo vài túi nhỏ chứa các loại hoa thơm kể trên bỏ vào túi áo. Không thiếu những chàng trai si tình cố xin bằng được túi thơm nầy để đêm về hôn vào đấy trước khi đi vào cơn mộng đẹp!

Ngày nay có hàng trăm loại mỹ phẩm làm mượt tóc, đẹp da, son phấn đa dạng, bán đầy trong các cửa hàng nhìn đến choáng ngợp; có thể nói muốn thứ gì có thứ nấy. Người phụ nữ nông thôn ngày nay tha hồ chọn lựa, tha hồ tiêu xài, không còn sợ nền văn hóa đình làng liếc mắt trề môi như ngày nào!

Nghĩ mà thương giới phụ nữ ngày xưa ở nông thôn vô cùng!

Kha Tiệm Ly
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 73)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 189
  • Khách viếng thăm: 177
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 84153
  • Tháng hiện tại: 2365810
  • Tổng lượt truy cập: 48739937