Minh họa
Trong tâm linh của người Việt Nam nói chung, người Nam bộ nói riêng thì việc thờ cúng ông bà, gia tiên, Thần Phật, những vị thần có công khai hoang lập ấp, bảo vệ dân làng… là việc vô cùng hệ trọng. Chính vì vậy mà hầu như ai cũng cố gắng trang hoàng cho mình một tấm tranh kiếng tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh. Nhà nghèo thì chọn loại tranh khổ nhỏ, màu sắc - kiểu cách đơn giản phù hợp với túi tiền; Ai khấm khá hơn thì chọn những loại tranh cao cấp hơn như: tranh màu ngũ sắc cung đình Huế, tranh thếp nhũ vàng, tranh cẩn xà cừ… với đủ kích thước lớn nhỏ, thể loại linh hoạt, đa dạng hoặc có thể đặt thợ vẽ tranh kiếng theo sở thích của mình.
Và dù không mấy khá giả nhưng nội tôi cũng đã sắm ba tấm tranh kiếng. Bức thứ nhất vẽ tám con ngựa phi nước đại, được đặt vách bên phải nhà, hướng đầu chạy vào. Bức thứ hai hình Tây Vương Mẫu được đặt trên cái trang nhỏ nằm lửng ở góc vách trái. Bức thứ ba là bức vẽ chữ to và có khổ lớn nhất với bốn bức ghép (bức hoành phi “Phước - Lộc - Thọ” nằm trên, đôi liễn “Tổ công thụ đức thiên niên thịnh/Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh” nằm hai bên, bức chính giữa vẽ một cội mai). Mỗi lần đến giỗ, tết thì ông lại rất cẩn thận lau chùi từng tấm tranh kiếng với nhiều những cảm xúc. Tôi thường nhìn ông chăm chú nhưng lòng vẫn còn nhiều những thắc mắc. Như hiểu được lòng tôi, ông gật gù vuốt râu, rồi giảng giải: “Tám con ngựa này người ta gọi là Mã đáo thành công, tuyệt đối phải đặt theo hướng ngựa quay đầu chạy vào trong nhà với ý nghĩa mang may mắn, tài lộc về nhà, không khi nào để hướng ngược lại, tức là để ngựa quay đầu chạy ra ngoài, như vậy sẽ mang điềm xấu là mang của cải, sự may mắn khỏi gia chủ. Còn bức lớn ở giữa nhà là bức ý nghĩa nhất về đạo làm người đó là cội nguồn, là con cháu phải biết cội biết nguồn, nhớ ơn ông bà cha mẹ mới thành người. Bức Tây Vương Mẫu thường gọi là mẹ sanh mẹ độ, bảo bọc bình an cho người nhà mình đó.” Qua lời ông, tôi mới hiểu ra những bức tranh kiếng treo ở nhà mình không chỉ là để trang trí làm đẹp cho ngôi mà còn mang nhiều ý nghĩa về phong thủy, tín ngưỡng - tôn giáo và cả về đạo làm người cho con cháu noi theo.
Tranh kiếng vùng đất phương Nam
Lớn lên, tôi mất hút vào phố thị lập nghiệp, có những ngày cứ tưởng quên đi cả một vùng quê với bao kỉ niệm. Rồi một hôm bất chợt thấy một người đàn ông chở tranh kiếng trên phố, bao kí ức lại cứ ùa về trong tâm tưởng và câu rao “ai tranh kiếng, tranh thờ hông?” chợt vút cao, đọng lại một miền nhớ xa xăm trong tôi. Tôi hỏi thăm chủ thì được biết đây là sản phẩm của cơ sở tranh kiếng Phương Tú ở xã Mỹ Phong, Tp. Mỹ Tho - một trong những cơ sở hiếm hoi còn lưu giữ nghề vẽ tranh kiếng từng rất phổ biến một thời.
Để hiểu thêm về tranh kiếng Nam bộ nói chung và tranh kiếng Mỹ Tho nói riêng, tôi tìm đến gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt - chủ cơ sở. Theo ông Nhựt thì tranh kiếng xuất hiện ở Nam bộ vào nửa đầu thế kỉ XX. Mới đầu những người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ bán kiếng tráng thủy làm gương soi mặt, những câu khánh chúc lộng khuôn dùng để biếu tặng nhưng về sau thấy được thị hiếu, cũng như nhu cầu thờ cúng tâm linh của người Việt nên các nghệ nhân đã sửa lại câu đối cho thích hợp và cải tiến thêm các hình vẽ sơn thủy làm ra những bộ tranh kiếng thờ tổ tiên đầu tiên. Từ đó, tranh kiếng đã sớm phân hóa thành 3 dòng lớn mang những nét đặc sắc riêng và làng nghề của ba vùng đã được định danh: Tranh kiếng Chợ Lớn (Sài Gòn), Tranh kiếng Lái Thiêu (Bình Dương), Tranh kiếng Chợ Mới (An Giang). Còn ở Mỹ Tho, nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện vào đầu những năm 1950, khi thầy Trần Văn Đẩu là nghệ nhân vẽ tranh kiếng ở Lái Thiêu về làm nghề và phát triển nó.
Ngoài ra, nghề làm tranh kiếng cũng đã lan tỏa khắp lục tỉnh Nam kỳ, và thâm nhập vào cộng đồng người Khmer tạo nên dòng tranh kiếng Khmer - Nam bộ ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Người nghệ nhân Khmer với kỹ pháp vẽ tranh dân gian đơn tuyến bình đồ với không gian phẳng hai chiều lẫn kỹ thuật bình màu, tạo khối và cả tranh vẽ theo kỹ pháp hiện đại, xử lí tốt hiệu ứng ánh sáng tạo nên các bức tranh ba chiều sinh động, có giá trị mỹ thuật cao. Dòng tranh trong cộng đồng người Khmer chủ yếu phản ánh các chủ đề về Đức Phật, Tổ tiên và Witsowa trấn trạch (đây là loại tranh thờ vị thần thống quản phương Bắc theo phật giáo và đạo giáo) nên mang đậm hệ thức tín ngưỡng - tôn giáo nhất.
Tranh kiếng có rất nhiều thể loại và khá phong phú như: tranh thờ Thần Phật, Tổ tiên ông bà, Cửu huyền thất tổ… Những tranh dùng để treo ở cửa buồng (trang trí theo đặc điểm kiến trúc nhà ở Nam bộ), tranh phong cảnh, nhân vật, vật linh… Loại tranh thờ Thần Phật, Tổ tiên thường treo ở bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, thường thể hiện các đề tài như: Bức tranh hoành phi, liễn đối, chung quanh trang trí viền bằng cây trúc, cây tùng minh họa, tranh viết chữ “Phước Lộc Thọ” trên nền đỏ, xung quanh vẽ khung hình dây lá hoặc hồi văn đôi khi có thêm con bướm hay con dơi ngậm trụ chỉ. Tất cả các chữ trên tranh đều được viết bằng chữ Hán. Ngoài ra loại tranh này còn vẽ một bụi mai già bên cạnh có cây trúc, bụi mai, bụi lan, cúc… tượng trưng cho vẻ đẹp cao khiết, thanh tao. Đề tài khác hấp dẫn hơn đối với những người bình dân như tranh vẽ phong cảnh, vẽ núi non, bầu trời… Tranh cao cấp thì có một tấm liễn vẽ một cành cây có 7 bông, xung quanh có lá, có nụ, phía trên có ghi chữ Hán, loại tranh này rất đắc tiền nên chỉ có những gia đình khá giả, giàu có mới có khả năng mua sắm loại tranh này về để trang trí.
Nỗi lo mai một
Hiện nay ở Mỹ Tho chỉ còn vài cơ sở làm nghề vẽ tranh kiếng như: Đào Công Hải (phường 5), Văn Chánh (xã Đạo Thạnh), Tân (gần Bến xe khách Mỹ Tho)…, nhưng đáng chú ý nhất là cơ sở tại gia của nghệ nhân Bảy Be (con nghệ nhân Trần Văn Đẩu) ở cù lao Thới Sơn và cơ sở Phương Tú mà ông Nhựt đang làm chủ. Dù gần đây, cuộc sống của người dân khá hơn, nhu cầu về tranh kiếng nhiều hơn nhưng hầu như không còn ai theo học để phát triển nghề này ngoài những người trong gia đình. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt bùi ngùi cùng chia sẻ: “Trước cũng có nhiều người theo học nhưng được khoảng thời gian thì bỏ giữa chừng, để đào tạo một người vẽ tranh kiếng mất rất nhiều thời gian và công sức; đòi hỏi người theo học phải có khiếu, có đam mê, siêng năng và tỉ mỉ nữa. Tôi sợ không ít lâu sau nghề này sẽ bị mai một, mặc dù bây giờ làm tranh kiếng có thể sống tốt”. Thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên, nhìn bức tranh kiếng “Cửu huyền thất tổ” do chính nghệ nhân Trần Văn Đẩu vẽ, nghệ nhân Bảy Be ánh mắt buồn xa xăm, quay lại xót xa cùng tôi: “Chắc cái nghiệp cái duyên làm tranh kiếng này đến đời tôi là hết, có nhận mấy đứa học trò mà chúng học chưa tới đâu thì bỏ ngang hết, con cháu thì chẳng đứa nào chịu theo, thật phụ lòng cha tôi nơi chín suối” .
Theo nghệ nhân Bảy Be chia sẻ để vẽ một bức tranh kiếng Nam bộ thì phải vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó mới lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên. Một bức tranh kiếng hoàn chỉnh cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Những tấm kính đủ kích cỡ theo từng bức tranh được những người thợ chuẩn bị, độ sắc nét của bức tranh cũng tùy thuộc vào độ mỏng - dày của tấm kiếng. Sau đó, người ta sẽ cắt kính thành từng mảnh phù hợp với loại tranh muốn vẽ. Phần quan trọng nhất của làm tranh kiếng là vẽ bản mẫu; Và tất cả sự tài hoa, khéo léo của những người nghệ nhân dường như đều được thể hiện ở công đoạn này. Công đoạn vẽ bản mẫu phác thảo nên khung sườn của bức tranh, quyết định sự tinh tế trong từng nét vẽ và điểm độc đáo riêng mà mỗi nghệ nhân vẽ tranh kiếng để lại trong lòng người mua. Tranh được phác thảo bằng sơn đen xong sẽ đem phơi nắng. Khi sơn khô lại tiếp tục tô màu hoặc cẩn xà cừ theo thứ tự tùy theo từng bức tranh vẽ, tuy vậy vẫn phải theo quy luật ngược hoàn toàn so với tranh vẽ thông thường. Để có được những bức tranh kiếng có đường nét, màu sắc đẹp, hài hòa đòi hỏi người thợ cũng cần phải có sự tỉ mỉ, yêu nghề, luôn học hỏi. Việc tô màu cho bức tranh hay cẩn xà cừ được xem là thổi hồn vào bức tranh nên mỗi nghệ nhân đều có một kĩ thuật riêng, màu cần phối hợp như thế nào, chỗ nào cần cẩn xà cừ… để tôn lên vẻ đẹp tổng thể là cả một nghệ thuật và kinh nghiệm của mỗi người. Bởi vậy, nghề tranh kiếng rất kén người theo học, người được cái này thì thiếu cái kia.
Hiện nay, cơ sở Phương Tú cung cấp tranh kiếng cho hầu hết các thị trường trong và các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Long An, Vĩnh Long, … theo đơn hàng số lượng lớn. Ngoài ra, nhiều khách hàng ở xa nghe tiếng cũng đến tìm đặt vẽ. Nghệ nhân Anh Tú (con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt) cho biết:“Giá mỗi bức tranh kiếng thì tùy theo từng loại, nằm dao động thấp nhất cũng vài trăm ngàn, còn tranh cao cấp thì có khi lên đến gần chục triệu. Sau khi trừ tất cả chi phí thì lãi hàng tháng vẫn đảm bảo cho gia đình tôi sống tốt”. Do nhu cầu của khách hàng ngày càng nhiều mà người làm thì ít (chủ yếu là con cháu trong gia đình), nên hiện giờ cơ sở ông cũng đã đầu tư máy in bản lụa. Một số loại tranh kiếng được in lụa nhanh hơn, đều hơn, tiết kiệm thời gian và công sức của người vẽ nhiều hơn. Nhưng điều này cũng làm mất đi một số ý nghĩa vốn có của tranh kiếng thủ công.
Trong những nếp nhà ở thôn quê Nam bộ tranh kiếng không chỉ mang ý nghĩa trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà, mà còn ẩn chứa biết bao hồn quê; đó là những câu chuyện về đạo lý làm người, tín ngưỡng tôn giáo và cũng chứa không ít những kí ức tuổi thơ về nếp nhà xưa của không biết bao nhiêu lớp người Nam bộ. Trước những nguy cơ mai một do thiếu người kế thừa, không biết rồi đây nghề tranh kiếng sẽ đi về đâu và những bức tranh kiếng chở nặng hồn quê, những câu rao, những người bán dạo sẽ mãi mãi chỉ còn là kí ức trong quá khứ
Ý kiến bạn đọc