Khám phá nhà tù Phú Quốc
Hành trình tuy ngắn nhưng cũng đủ để tôi khám phá được phần nào vẻ đẹp của Phú Quốc và lắng hồn trong bao huyền thoại nơi đây. Có những huyền thoại từ xa xưa khi người Việt tới “khai sơn lập ấp” như : Dinh Cậu, Giếng Tiên, suối Đá Bàn… cũng có những huyền thoại mới cách vài chục năm từ những cuộc vượt “địa ngục trần gian” của các tù binh cách mạng. Tất cả đều sống động và lôi cuốn. Có người bảo đến Phú Quốc mà chưa tham quan nhà tù thì vẫn còn thiếu sót đối với vùng đất và con người nơi này. Tham quan nhà tù để cảm nhận được một Phú Quốc gian lao mà anh dũng, để thấy được tội ác man rợ của Mĩ - ngụy và để cảm phục ý chí quật cường, lí tưởng cách mạng của những người tù cộng sản trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.
Một số đòn tra tấn khủng khiếp nhất ở trại tù Pgu1 Quốc |
Tôi cùng đoàn vào tham quan nhà tù Phú Quốc với bao cảm xúc lẫn lộn. Trước tiên là hơn 10 lớp rào kẽm gai nhọn chằng chịt, 4 tháp canh sừng sững làm tôi cảm giác thấy ngột ngạt và rợn người. Men theo con đường dẫn, những hình phạt nằm chuồng cọp, những màn tra tấn bắt đầu hiện ra bằng hình nộm tái hiện. Đã từng nghe kể, đã từng đọc tài liệu về nhà tù Phú Quốc nhưng tôi không thể nào tưởng tượng sự dã man giữa con người với con người đến mức độ tàn nhẫn vậy. Nằm chuồng cọp, đóng đinh vào đầu gối, luộc chín người, chôn sống, đốt hạ bộ… cái lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Phía trước đoàn là một nhóm “Tây ba lô”, tôi liếc thấy họ chép miệng, lắc đầu. Không biết họ có phải là người Mĩ không? Và nếu là người Mĩ họ nghĩ gì? Cái chép miệng, cái lắc đầu đó biểu hiện cho điều gì? Có phải đó là sự kinh tởm tội ác mà cha ông, bạn bè, hay chính họ mang đến cho đất nước này?
Rất đông khách tham quan ghé thăm nhà tù Phú Quốc, trong đó có đoàn cựu chiến binh, tôi mon men hỏi thăm một người thì may gặp bác cũng là cựu tù Phú Quốc. Bác giới thiệu mình là Ba Minh quê Long An bị bắt năm 1968 và được đưa về đây. Tôi cùng quê với bác nên cuộc nói chuyện càng trở nên thân tình hơn. Theo bác kể thì phần tham quan chỉ một khu của nhà tù Phú Quốc khi trước. Bác tường tận thuật lại “nhà tù Phú Quốc trước kia là nhà lao Cây Dừa (thời kì thuộc Pháp). Đầu năm 1967, Mĩ - ngụy cho xây dựng lại gọi là “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc” tại thung lũng An Thới với diện tích khoảng 400
héc-ta. Toàn trại giam có 12 khu, mỗi khu được chia thêm làm 4 phân khu được đánh dấu A, B, C, D. Mỗi phân khu gồm 9 phòng cho tù nhân ở và 2 phòng nằm ngang phía trước. Trong đó, một phòng dùng để thẩm vấn tù nhân và một phòng dùng để cho tù nhân tự nấu ăn. Mỗi phòng giam khoảng 100m vuông chứa dao động từ 80 - 120 tù bình tùy theo thời điểm. Phòng cách phòng khoảng chừng 5m và được ngăn cách bằng lớp bùng nhùng. Tù binh không được đứng gần lớp bùng nhùng mà chúng gọi là hàng rào giới hạn nếu không sẽ nổ súng bắn chết. Chung quanh các phân khu có nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai được đan cột dày đặc. Giữa các lớp kẽm gai là ba lớp bùng nhùng, bên trong và bên ngoài kẽm gai lại có thêm hai hoặc ba lớp bùng nhùng nữa. Giữa các lớp rào kẽm gai có gài mìn và trái sáng. Xen kẽ lớp kẽm gai và bùng nhùng có lối đi quanh để quân cảnh kiểm tra và ban đêm thả chó Béc-giê hoặc ngỗng tuần tra. Chung quanh phân khu bên trên các lớp rào có đèn điện chiếu sáng từ 18 giờ đến 6 giờ. Ngoài ra, ở bốn gốc mỗi phân khu đều có tháp lính canh. Tất cả, đều được bố trí hết sức chặt chẽ nhằm không cho tù binh có một cơ hội nào vượt ngục”.
Nghe đến đó tôi mới buột miệng: “Con vẫn nghe thấy có những cuộc vượt ngục mà bác?”. Bác nhìn tôi, mắt hơi đăm ra khoảng không: “Thì có, nhưng bố ráp chặt lắm nên rất nguy hiểm. Anh em vượt ngục bằng rất nhiều cách như: đào hầm, chui rào, đánh quân cảnh cướp súng bỏ trốn khi lao động bên ngoài,… Ý chí vượt ngục để trở về với cách mạng luôn nung nấu nên ngày đêm anh em luôn suy nghĩ tìm cách. Có những cuộc vượt ngục do sự lãnh đạo của Đảng, của tập thể và cũng có những cuộc vượt ngục lẻ tẻ cá nhân hoặc theo tổ. Có những cuộc vượt ngục thắng lợi anh em đều trở về với cách mạng. Tuy nhiên, cũng có những cuộc vượt ngục thất bại anh em bị bắt lại, bị hi sinh”. Nói tới ấy ông bùi ngùi, tôi thấy vậy cũng không đành lòng hỏi tới, trong bụng thầm nghĩ hẳn là những mất mát đồng đội trong những lần vượt ngục ấy là một nỗi đau trong tâm khảm ông. Và giờ ông về đây, để tìm chút kí ức về những người đồng đội “cộng khổ” trong cái nơi mệnh danh là “địa ngục trần gian” này.
Vừa căm phẫn, vừa ghê sợ là cảm giác của tôi khi nghe kể về tên “quỷ ngục” Nhứt Nhu, tên tàn ác nhất khu trại giam này, hắn có sở thích nhổ răng người, răng người tù cộng sản mà hắn nhổ có thể đến cả thúng và đem xâu chúng lại thành chuỗi hạt để niệm Phật. Rồi câu chuyện người tù Trần Văn Bê quê ở Tiền Giang bị bó trong bao tải đem trụng nước sôi cho đến chết, hay người tù bị quay trên than hồng như quay gà cho đến trút hơi thở cuối cùng. Hình như trong nhà tù này chưa từng tồn tại hai từ nhân tính dù là con người với nhau, mọi hình phạt tra tấn tồi tệ nhất thời Trung cổ vẫn chưa bằng. Vậy mà Nhứt Nhu lại theo đạo Phật, lại rất có tâm với những bức tượng đá, với kinh kệ, với xâu chuỗi. Chẳng biết Phật trời có tha thứ tội lỗi của hắn không, khi mà không biết bao nhiêu người tù cách mạng phải chết hoặc tàn phế suốt đờibởi hắn?
Phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật nhà tù Phú Quốc nằm ở cuối điểm tham quan. Ở đấy, những bức ảnh, những hiện vật: cây đinh một tấc, là roi mây, là vật tra tấn cách để tố cáo tội ác của chính quyền Mĩ - ngụy, để ghi lại nỗi đau, những mất mát, hi sinh của người tù cách mạng, để vinh danh ý chí đấu tranh của họ và để giới trẻ hiểu được cuộc chiến đấu trong tù của cha ông. Tôi đặc biệt chú ý tới hai bức ảnh trao trả tù binh treo song song nhau. Một bên là tù binh lành lặn được cách mạng trao trả, một bên là những tù binh đầy thương tích, tàn tật do chính quyền Mĩ - ngụy trao trả. Quả là hình ảnh đối lập về lòng nhân đạo trong thời chiến của hai bên.
Gặp gỡ cựu tù ở Tiền Giang
Người cựu tù Phú Quốc ở Tiền Giang |
Để hiểu thêm về nhà tù Phú Quốc và tinh thần đấu tranh của những người tù cộng sản, tôi tìm đến bác Trương Văn Hưng ngụ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo - một trong những nhân chứng sống tiêu biểu. Sau một lúc vòng vèo hỏi thăm tôi cũng đến được nhà bác, ngôi nhà ba gian mái tôn giữa vườn dừa đang mùa sai trái. Dưới tán cây, người đàn ông đã ngoài bảy mươi, mái tóc bạch kim đầy sương gió đang ôm đàn ghi-ta cổ ngân nga: “U Minh ơi! Tôi trở về đây giữa ngày thu rực nắng. Cơn gió thoảng bay hương tràm ngào ngạt, bến sông xưa vương vấn bao… tình”. Điệu xề mùi mẫn vừa xuống thì tôi cũng không kềm được nên vỗ tay. Tay ông lơi phím, miệng cũng nở nụ cười phúc hậu chào tôi. Ông rót ly trà rồi giải bày: “Chiều rảnh rỗi lấy cây đờn dợt vài câu chơi vậy đó cháu ơi, có vui vẻ mới có sức khỏe mà sống với con cháu đúng hông?”.
Tôi bắt đầu câu chuyện về chuyến đi Phú Quốc và nói rõ mong muốn từ ông tìm hiểu thêm về cái nơi gọi là “địa ngục trần gian” ấy. Ông nhấp ngụm trà, chậm rãi kể: “Hồi trước, tôi ở tiểu đoàn 263 trực thuộc Quân khu 8 cũ, Mậu Thận 68 thì bị thương nên về quê an dưỡng, không biết từ nguồn tin nào mà nửa đêm bị địch khui hầm bắt. Chúng đưa về khám đường Mỹ Tho tra tấn khai thác. Sau 7 tháng không khai thác được gì thì chúng lại đưa tôi về khám Cần Thơ, ở đó được gần một tuần thì đưa tôi đi Phú Quốc luôn. Không cần biết gì, vừa bước xuống sân bay là bọn quân cảnh sẽ đánh phủ đầu trước, chúng đánh bằng gậy, bằng báng súng, đá túi bụi vào người bằng mũi giày quân đội. Bọn quân cảnh vừa đấm đá, vừa la hét dọa giết rằng ở đây là hải đảo, xa đất liền, không có dân, không đường chạy thoát, bất cứ ai có ý chống đối hay chạy trốn chúng bắn bỏ lập tức. Rồi lên xe tải quân sự về Bộ chỉ huy trại giam khám xét, làm thủ tục nhập trại và tiếp tục lên xe đến các phân khu. Cứ mỗi lần lên xuống xe, mỗi đoạn di chuyển là những trận đòn không thương xót vào đầu, vào cổ, vào lưng của tù nhân.”
Ông được đưa vào một phòng thuộc phân khu D3 bằng màn trồng chuối lộn vỉ sắt, phòng rộng khoảng 100m2, được thiết kế hai sạp gỗ dài ở hai bên, ở giữa là lối đi và chứa từ 80-100 tù nhân tùy theo thời điểm, không gian hết sức bức bách, ngột ngạt. Tôi hỏi ông về chuyện ăn uống, sinh hoạt trong tù, ông vừa lắc đầu vừa chia sẻ: “Không bằng đồ ăn cho heo nữa cháu ơi, cơm thì bị mốc, cá thì cá ươn mà có mần gì đâu, rửa rửa bỏ vô chảo kho với nước màu hóa chất là xong, nhưng anh em vẫn cố gắng sống để dấu tranh, để chờ ngày về với gia đình, với cách mạng. Vì thế nên các cuộc đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn xảy ra liên tục ở đều các phân khu. Có những khi lên cao trào, như cuộc tuyệt thực ở khu D3 của tôi đã đến ngày thứ 14, đã diệt 4 tên mật báo giữ xác bên trong phân khu, bắt giữ một tên quân cảnh nhưng địch vẫn không chịu giải quyết, buộc lòng anh Đồng phải xung phong ra mổ bụng, tên Chỉ huy trưởng trại giam mới ra giải quyết các yêu sách”.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn, bức bách, những người tù cách mạng cũng không ngừng đấu tranh và được lãnh đạo, tổ chức bởi chi bộ Đảng mà anh em móc nối ngay trong lòng địch. Giữa nanh vuốt kẻ thù, khi bị bắt giải đi một mình, người tù sẽ cảm thấy sự lẻ loi, thiếu chỗ dựa do vậy các Đảng viên (đã được kết nạp từ bên ngoài) thấy hết sức cần thiết phải thành lập chi bộ để lãnh đạo, hỗ trợ anh em đấu tranh. Việc tập hợp tổ chức chi bộ Đảng rất khó khăn, phức tạp và cần thời gian để thử thách vì địch luôn luân phiên tổ chức đổi phòng, đổi phân khu và xáo người, mục đích hạn chế thấp nhất việc tù binh tổ chức đào hầm vượt ngục. Ngoài ra, chúng còn cài mật báo vào để khai thác thông tin và đã gây một số tổn thất nghiêm trọng cho anh em.
Tôi kể về việc có gặp một cựu tù quê ở Long An trong chuyến thăm Phú Quốc vừa rồi và có nghe kể về một số cuộc vượt ngục nhưng chưa rõ lắm. Bác Hưng mới nói: “Anh em trong tù nghĩ ra rất nhiều cách để vượt ngục, có một cuộc vượt ngục mà tôi còn nhớ mãi về một đồng chí dù anh đã thất bại và hi sinh. Anh tên Thành quê ở Nghệ An, là một người đặc biệt. Anh không sinh hoạt với ai, mà tối ngày chỉ hát một câu “Đền nợ máu, chúng bay quyết phải đền”. Khi hát hai tay nhịp nhịp đưa về trước đôi mắt láo liên như người bệnh tâm thần. Anh mót máy những thứ dơ dáy của nhà bếp bỏ đi để ăn, không xếp hàng, không điểm danh và ngủ lung tung. Địch đánh anh rất dữ anh không phản ứng gì, chúng đổ than hồng đốt anh cũng không phản ứng. Suốt một thời gian dài như vậy, địch cho rằng anh bị điên nên cũng chẳng thèm để ý. Một đêm mưa gió rả rích, anh bò tới dãy phòng sau kêu anh em và nói: “Tôi là Thành đây. Tôi không bị điên. Đêm nay tôi vượt ngục, nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng giùm nếu trường hợp tôi hi sinh”. Nghe anh nói mọi người đều rợn tóc gáy, xót thương và kính phục anh. Anh đi được mấy ngày địch mới phát hiện và nửa tháng sau chúng mang xác anh về. Có lẽ, vì ăn uống thiếu thốn nên anh không đủ sức về tới căn cứ cách mạng”. Kể đến đó, ông bùi ngùi, xúc động.
Được biết, người cựu tù trước mặt tôi dù tuổi đã đến hồi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn còn rất tâm huyết với đời. Hiện nay, ông về hưu nhưng vẫn còn tham gia công tác bên Ban Liên lạc cựu tù kháng chiến huyện Chợ Gạo, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi. Ông bảo: “Tuổi cao chí càng cao như lời Bác Hồ dạy, mình còn góp ích cho đời được gì thì làm”, rồi ông cười hề hề. Nhìn lên chiếc kệ phía buồng, tôi cứ ngỡ đâu là mình bước vào một quầy thuốc Tây, và cũng hiểu ra rằng phần vì tuổi cao, phần vì ngày tháng tù đày, thương tật, nên cuộc sống ông giờ dựa dẫm vào thuốc men.
Ông tâm sự: “Năm 2013 vừa rồi có trở về thăm Phú Quốc một lần, trong chuyến đi có gặp người con của Trần Văn Bê - người tù bị bọn quân cảnh luộc chết, không biết phải nói sao cho hết cái buồn, cái bùi ngùi về một thời gian khổ tù đày, chỉ toàn mất mát và hi sinh”. Nhưng trong đôi mắt của ông, ngoài cái buồn của quá khứ tôi còn thấy thật nhiều những tia sáng, những hi vọng về cuộc sống trong tương lai.
Sau chuyến đi, và buổi trò chuyện với hai cựu tù, tôi cảm nhận thêm những mất mát, đau thương mà những chiến sĩ cách mạng đã trải qua ở ngục tù Phú Quốc và thầm cảm ơn những con người đã ngã xuống, những con người còn sống sót trong thương tật để đất nước có ngày 30/4 trọn vẹn, thanh bình.
Phú Quốc, hành trình, về nguồn, ghi chép, bút kí, Trần Thương Nhiều
Ý kiến bạn đọc