Cá nào mồi đó

Đăng lúc: Thứ ba - 30/12/2014 07:00
Câu cá là thú tiêu khiển thanh tao, là lối hưởng nhàn của các cụ ngày xưa. Sau khi cuốn cần, nếu có cá để “đưa cay” cho ly rượu thêm đậm đà thì tốt;  không có cũng chẳng sao! Nhưng với những người coi cần câu cá là cần câu… cơm lại là chuyện khác: Nếu ngày nào câu không được cá thì kể như ngày đó phải ăn “thịt cọp”(*).
Cho nên họ phải nghiên cứu thế nào để được “bội thu” nhất. Muốn như vậy, ngoài việc phải biết tập tính của từng loài cá, người ta còn phải tìm hiểu xem chúng “hảo” loại thức ăn nào nhứt, để cho dù no, mà thấy mồi “bắt”, cho dù biết sẽ mắc câu, chúng cũng “phập” một phát cho đã thèm!

Để cho cá ăn câu không phải chuyện đơn giản! Không tin quí bạn thử thả mồi xuống ao cá tra xem sao: Cá đặc gậc như vậy nhưng bạn chờ mỏi tay cũng chẳng có con nào đến táp mồi (thường là chuối chín); chỉ vì bạn thả mồi nhẹ tay quá! Muốn cho cá táp mồi, bạn phải quăng cục mồi mạnh xuống, kêu một cái “chủm”, thì mới có cơ may! Bởi nó tưởng là “cục mồi” hàng ngày nên tranh nhau đớp! Nhưng muốn bắt chúng dễ dàng không gì bằng con ong bầu: Bắt con ong bầu, ngắt một cánh rồi thả xuống ao (không cần lưỡi câu), ong bị ngắt cánh không bay được vì mất thăng bằng, nó sẽ quay vòng vòng dưới nước; chỉ vài giây sau là cá đớp liền, và cũng chỉ vài giây sau, cá sẽ phình bụng nổi lên vì nọc độc của ong phát tán! Thế là chỉ việc lấy vợt vớt lên!

Cá lóc thường thích mồi chạy, còn gọi là mồi sống, tức là con mồi phải còn sống, còn hoạt động lanh lợi. Khi cắm câu, mồi sống thường dùng là nhái, nhưng chớ dùng nhái bầu, mà dùng nhái bén, vì nhái bén sống dai hơn; cũng không nên móc trên lưng mà phải móc ở hàm trên để nhái khỏi bị ngộp nước. Khi cắm, canh làm sao cho bụng nhái vừa chấm mặt nước để nó có thể bơi tới bơi lui mà dụ cá lại. Với câu cắm, mồi nhái thông dụng nhất vì nó khá nhạy, nhưng nếu được con dế nhủi thì không gì bằng: Cá dù no mồi cũng vẫn táp một phát cho dù tới đâu thì tới! Có thể nói, với mười con dế nhủi thì có thể bắt được chín con cá lóc, còn con kia chạy vuột vì … lưỡi câu bị hoác!

Với cá rô, mồi tép không nhạy bằng trứng kiến vàng, nhưng chỉ có con nhền nhện mới khiến nó biết chết cũng lao vào!

 Với cá bông lau, gián đất là món khoái khẩu nhất!

Trên những bãi bồi ven sông, người ta thường cắm chà để dụ tôm vào ở, lâu lâu dỡ chà một lần; có chà cả bốn năm kí tôm, có chà lại chẳng đủ một buổi lai rai! Chẳng qua trường hợp trước là họ biết món khoái khẩu của loài tôm là gì mà thôi: Đó là hột vịt thối! Lấy một mớ hột vịt thối, đập nhẹ nhẹ cho giập rồi cũng nhẹ tay lột bỏ vỏ ngoài, chừa lại vỏ lụa; không cần lột hết, mỗi hột chỉ cần lột ba bốn điểm lớn bằng lóng tay là được, rồi thả xuống đám chà. Cứ chín mười ngày làm lại một lần. Chuyện đơn giản, rẻ tiền, mà hiệu quả vô song!

Khác với cá lóc, cá trê chỉ thích mồi chết - thường là trùn đất- và cần phải cắm cho lưỡi câu đụng đáy. Trước khi cắm phải quậy nước chỗ đó cho đục thì cá mới dễ mắc câu hơn - có lẽ nhờ lưỡi câu được ngụy trang trong lớp bùn. Độc chiêu để dụ cá trê lại là đốt một cục gạch cho nóng rồi thả vào một chảo mỡ chó đã được thắng sẵn:  Khi mỡ chó đã bị gạch hút no, người ta tìm chỗ nào có nhiều cá trê thì thả xuống; thế là bao nhiêu họ hàng chúng đều tụ tập lại để câu hay bị quăng chài! Thế mới hay loài cá còn “ghiền” thịt cầy thay!

Với lươn, lươn hiếm khi ăn câu nên phải đặt trúm: Đó là hai ống tre mà mắt giữa được chọt cho thông để có độ dài. Một đầu kín là đáy có gắn mồi - thường là cua đồng đập giập hay cá thòi lòi chặt khúc; một đầu trống là miệng trúm được tra chặt bởi một cái hom.  Lươn chui qua hom tìm mồi, lọt vào trúm và nằm đó chờ bị trút vào đụt! Với mồi nầy, một trăm trúm lươn thông thường chỉ “vô” được chừng vài chục trúm là cùng, mà mỗi trúm cũng chỉ được một con, hiếm khi hai con. Thế nhưng nếu có tuyệt chiêu lại là chuyện “trên cả bất ngờ”: Cơm nguội quết với cá mòi Sumaco chánh hiệu Maroc (loại cá mòi khác chưa thử lần nào nên không dám nói). Quết xong thì vò viên bằng trái chanh, bỏ vào mỗi trúm hai viên; không cần nhiều cho hao, vì chỉ dùng được một lần. Khi trúm được đặt xuống, dầu từ viên mồi nổi lên, theo dòng nước chảy lừ đừ, dẫn đường cho cha con nhà lươn tìm đến, rồi tranh nhau chui vào hom. Khi “ra” tuyệt chiêu nầy, lần đầu tiên thăm trúm ai cũng phải kinh ngạc vì ba bốn anh chị lươn nằm chật trong đó! Hiếm khi trúm chỉ có một con; trúm không có con nào chỉ vì nơi đó không còn lươn nữa!

Ếch sinh sống ở hồ ao, bàu đầm. Bởi là loài lưỡng thê nên đôi khi chúng phải lên bờ để nghỉ ngơi hoặc kiếm ăn. Cho nên, nếu hồ ao, bờ đầm nào có cái “cù lao”, là nơi lý tưởng cho chúng ở, và cũng lý tưởng cho… người câu chúng! Ếch dễ câu mà cũng khó: Dễ là với bất cứ mồi gì, như chỉ cần một cái hoa nhỏ trắng trắng,  một chút “tim” của cây mì,… móc khéo vào lưỡi câu rồi nhử nhử trước mặt, là nó đớp liền! Khó là khi động, nó nhảy “chủm” xuống nước!

Sau nầy có người phát hiện móc mồi bằng bông dâm bụt thì ếch khoái đớp hơn. Nhưng tất cả những loại mồi kể trên chỉ thuộc vào hàng “nhập môn”, chỉ để cải thiện bữa ăn chứ không có giá trị kinh tế. Muốn bắt “không sót một con” thì trong... cửu âm chân kinh(!) dạy như vầy: Đầu cá biển, mắm nêm, hai thứ quết chung cho nhuyễn, gia thêm một ít dầu chuối (loại xịt vô sương sa hột lựu). Đến “cù lao” mà ếch thường nghỉ như đã nói trên; lấy một mớ “mồi” trét ven bờ, mục đích việc làm nầy là cho mồi tỏa mùi cho ếch tìm đến. Một mớ vò viên nhỏ nắn vào lưỡi câu, rồi cắm chỗ nào thấy thuận tiện. Xong lên bờ… ngồi chờ! Thời gian sau, mỗi lưỡi câu đều có một con ếch tòn ten! “Sát thủ” chỉ việc lội xuống gỡ ếch bỏ vào giỏ rồi móc mồi khác, đến khi nào khu vực đó… không còn con ếch nào nữa thì thôi!

 Như võ công, mồi câu cũng có thế phản đòn, nên phải cẩn thận đề phòng: Chỉ cần ai đó lén nhỏ vào ổ mồi vài giọt dầu lửa thì kể như công toi, bởi không có “con ma” nào tìm tới!

 Người viết bài nầy có tuổi thơ cực kì nghèo khổ, hàng ngày sau buổi học, có khi thức suốt nhiều đêm, hoặc phải ngủ bờ ngủ bụi để cắm câu bắt cá đổi gạo; mà cũng bữa đực bữa cái, bữa giáng bữa thăng! May nhờ có “ân sư” thương tình truyền… khẩu quyết, mà đời sống lúc đó có khắm khá hơn! Nay người viết không làm nghề đó nữa, nên viết bài nầy để tặng kẻ có “duyên”. Chớ như xưa kia, dễ gì!

(*) Thịt cọp: (tiếng lóng) muối ớt. Ớt đâm với muối kêu "cộp cộp"

Kha Tiệm Ly
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 63)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 103
  • Hôm nay: 27581
  • Tháng hiện tại: 308695
  • Tổng lượt truy cập: 67283186