Rắn và thành ngữ ca dao

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/02/2013 16:53
VNTG - Trong mười hai con giáp có lẽ con rắn là con vật bị nhiều tai tiếng nhất. Rắn gần như tượng trưng cho sự ác độc, giả dối và nguy hiểm. Miệng hùm nọc rắn; đuôi ong nọc rắn là những chỗ chết người cần phải tránh xa, cũng như những kẻ lòng như rắn rít thì đừng bao giờ giao tiếp! Nhưng không phải lúc nào  “trông mặt mà bắt dong” đều đúng, vì có mấy ai lường được với bộ mặt rắn giả lươn hay kẻ khẩu phật tâm xà! Bởi vì lầm lẫn nên có người đã ấp rắn vào ngực để tính mạng sẽ bị đe dọa không biết lúc nào.

Rắn vốn nguy hiểm. Rắn rít bò vào thì cóc nhái bò ra, nên không ai dại gì mà cõng rắn cắn gà nhà, mà càng phải tận diệt; nhưng rắn vốn mình dài nên khi giết nó chớ nên đánh rắn giữa thân, điều nầy chẳng khác gì bắt rắn bỏ bị, là việc làm không triệt để; đã không  hiệu quả mà có thể bị nó quật lại bằng cái đầu vốn sẵn nọc độc của nó. Bởi thế, đánh rắn phải đánh đàng đầu, làm cho rắn mất đầu, thì dù cho rắn biết gáy cũng phải tiêu đời. Rắn khôn giấu đầu cũng vì lẽ đó! Sau cùng là yếu tố bất ngờ, không được đả thảo kinh xà mà chúng lủi trốn mất.
Hổ tha, rắn cắn là hai trường hợp vạn tử nhất sanh, khó mong sống sót.  Thao láo như mắt rắn ráo là nói những kẻ hay soi mói. Đầu rắn mắt chuột theo tướng số là người gian xảo, lòng dạ không được… thẳng như rắn bò!
(mai mỉa). Rắn đổ nọc cho lươn hàm ý vu oan giá họa cho người lương thiện. Rắn (đòi) ăn voi để nói lên sự tham lam quá mức. Rắn nguy hiểm và độc địa như vậy mà tạo hóa lại ban cho chúng ân huệ lớn là “lột da sống đời” ; thật trớ trêu khi mà rắn già rắn lột da, người già người chết; hay rắn già rắn lột, người già người tuột vào săng! (kì thực thì đến lúc nào đó rắn cũng phải chết thôi).
Có những người nóng tính, tuy khi giận dữ thì bạnh như rắn hổ mang,  nhưng lại không dựa hơi mà theo đóm ăn tàn!
Nếu trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu. Thì rồng ở chung với rắn là chuyện khá bực mình; dù cho có biết hóa trang thích nghi với môi trường thực tế như vào nhà rắn rồng, ra đồng hổ ngựa cũng vậy!
May mắn thay, theo sách… mê tín dị đoan, thì: Hễ đi gặp rắn thì may/ Về nhà gặp rắn thì hay bị đòn! Và khi xuất hành nếu gặp rắn thì đi, gặp qui thì trở lại. Đây là trường hợp duy nhất con rắn được “ngưỡng mộ”; nếu không tính những thực đơn của các anh đầu bếp, và các y văn, toa thuốc của các thầy lang!
Rắn độc ở Việt Nam có nhiều loại, thân chúng thông thường có nhiều màu hay có khoan quanh mình, nổi danh nhất là hổ đất, và mái gầm.  Mái gầm tại chỗ, rắn hổ về nhà đã khẳng định nếu ai xui xẻo bị mái gầm mổ thì kể như tàn đời.
Nhưng rắn có phải là loài độc nhất trên thế gian nầy? Bài thơ có hơn ngàn năm nay đã viết:
Thanh trước xà nhi khẩu,
Hoàng phong vĩ thượng châm.
Lương ban giai khả độc,
Tối độc phụ nhân tâm!
Nghĩa:
Miệng của con rắn bị kẹt trong ống tre từ nhỏ.
Trên cái đuôi của con ong vàng (ong vò vẽ ?).
Cả hai đều khá độc,
Nhưng cực kì độc là lòng dạ
đàn bà!

Xem xong hàng trên, chắc không ít quí bà sẽ la oái oái như rắn bắt nhái, nhưng biết làm sao khi… thánh nhân dạy vậy rồi! Hơn nữa, nếu đặng lòng rắn thì mất lòng ngóe; người viết đành phải… thẳng như rắn bò mà thôi!
Dù độc ít hơn… “phụ nhân tâm”, nhưng rắn vẫn được nhắc nhở trong văn chương bình dân qua những câu hò đối đáp: Con gì có cánh không bay/ Con gì không cẳng chạy bay năm rừng? Đáp: Con gà có cánh không bay/ Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng… Con rắn không chân mà đi năm rừng bảy rú/ Con gà không vú mà nuôi tám chín mười con…Với đồng dao: Bao giờ cho hết tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn chạy ra ngoài đồng; và với thần ve chai: Cần gì cá lóc cá trê/ Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.
Nói về rắn mà không nói đến bài thơ Rắn đầu biếng học của Lê Quí Đôn thì thật thiếu sót:
Chẳng phải liu điu , vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn, hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba (roi da)
Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
Chuyện con rắn trong văn chương còn rất nhiều, nhưng người viết không dám vẽ rồng vẽ rắn, để rồi vẽ rắn thêm chân mà làm phiền người đọc. Nhân năm mới chúng tôi kính chúc quí độc giả được “đổi đời”  như rắn hóa rồng; vị nào mua bán thì được sung túc; khách hàng nườm nượp kéo đến xếp hàng như rồng như rắn trước nhà!
 
Kha Tiệm Ly
(Theo VNTG số 56 - xUÂN 2013)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 251
  • Khách viếng thăm: 238
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 56989
  • Tháng hiện tại: 1094612
  • Tổng lượt truy cập: 63323580