Ai đã từng vô tiệm hàng xén (không hiểu “xén” nghĩa là gì), tức tiệm tạp hóa, hay tiệm bách hóa (hồi xưa không dùng từ “cửa hàng”) trước năm 1975 mới thấy cái “tạp” hay cái “bách” nó không ngoa thế nào! Có thể nói tại đây thứ gì cũng có bán, mà nếu kể ra cho thế hệ bây giờ nghe chúng cũng phải “trên cả bất ngờ”, vì nó không phải hàng trăm, mà là cả ngàn mặt hàng không chừng! Ngoài những bách hóa mà các cửa hàng ngày nay có bán như bánh kẹo, kem đánh răng, thuốc lá, đường, đậu, nước tương, nước mắm, tập học trò, nhang đèn,… mà nếu chịu khó liệt kê thì cũng khó mà tới hơn một trăm với những tiệm thường thường bậc trung; nhưng các tiệm tạp / bách hóa nhỏ hồi xưa ở làng thôi, thì những mặt hàng có mặt ở đó, nếu kể ra cũng… mệt nghỉ, để không ít người nghi ngờ!
Xưa, tiệm thuốc Tây và thuốc Bắc chỉ có ở quận (hồi đó không xài từ “huyện”), cho nên, muốn trị các bệnh thông thường như cảm cúm, ho, đau bụng bằng thuốc Tây hay thuốc Bắc thì cứ vô tiệm tạp hóa ở xã là có đủ; sau này dù có trạm y tế, nhưng người dân theo thói quen họ cũng thích vào mua thuốc ở tiệm tạp hóa hơn. Cứ cảm cúm thì Ascyl, ớn lạnh thì thuốc ngoại cảm hiệu con cò, xổ lãi thì thuốc xổ lãi mộng dừa của gánh hát thuật Sơn Đông gởi bán… Tất cả hiệu nghiệm vô cùng!
Chị em muốn học thêu thùa may vá? Thì cứ vào tiệm mà mua: kim may đủ loại, chỉ màu đủ sắc; rồi thì bàn căng lớn nhỏ, cây móc ngắn dài! Làm ruộng thì mua “phân hóa học”, cuốc xẻng, búa rìu, lưỡi hái…; ghe tàu thì mua xăng, chai trét; dầu lửa thì cho mọi nhà đốt đèn; bắt cá dạng nhỏ thì mua lưới bén, lờ, chọp.
Khí đá thì phục vụ cho mấy anh soi ếch, đi cắm câu, hoặc cho mấychị nhà vườn giú trái cây, hay để mấy anh thanh niên làm chất nổ cho “ống lói” bắn ì đùng mua vui trong ba ngày Tết!
Kính lão cho mấy ông già, kính râm cho mấy chàng thanh niên dù cả đời chỉ mang được đôi lần!
Đinh, bù lon con tán, dây chì lớn nhỏ; xi măng đủ loại để phục vụ ghe xuồng, nhà cửa. Rượu đế bình dân phục vụ trong bữa tiệc bình dân; rượu “Tây” Bình Đông, rượu Hổ Cốt Thái Phong, phục vụ cho tiệc tùng cưới hỏi trang nghiêm.
Nhớ gì kể nấy với những món hàng mà tiệm bách hóa ngày nay ít thấy: Quần áo trẻ em, khăn tay, giày dép, guốc vông, nón cối trắng, nón lá, nón nỉ, giấy kiếng, giấy nhựt trình cũ, dây nịch, bóp da, hột vịt, hột gà, khô cá kèo, khô cá đuối, tôm khô, dấm nuôi, cá mòi hộp, cà chua hộp, tương hột, đậu hộp, thiệp cưới, mẫu thế vì khai sanh, cân, quả cân (hồi đó chưa có “cân đồng hồ”), bẫy chuột, thuốc chuột, cần câu, lưỡi câu, lịch, tranh ảnh Con Tấm Con Cám, Thạch Sanh Lý Thông,… truyện Tam Quốc, Thuyết Đường, Thủy Hử, thơ Vân Tiên, thơ Sáu Trọng, cờ tướng, võng, chổi quét nhà… Nói chung, hầu như thứ gì cũng có bởi nó “lấn sân” qua các cửa hàng chuyên dụng khác vốn rất ít oi (ở “thành”), hoặc không có (ở quận, xã). Hỏi, như vậy thứ gì mà tiệm Tạp hóa hồi xưa ở quê không có bán? Đáp, đó là dây điện và bóng đèn điện, bởi có bán cũng không ai mua vì lưới điện chưa về quận, nói gì tới nông thôn!
Ô! vôi bột thì đành rồi; còn vôi trầu nữa chớ! Cái loại “thức ăn”, chỉ dành cho quý bà cụ mỗi ngày chỉ dùng một ít mà tiệm bách hóa cũng đặc biệt chiếu cố. Lạ thay!
Vì vậy, chúng tôi dám bảo đảm là có những mặt hàng tiệm tạp hóa ngày xưa có bán nhưng với siêu thị lớn bây giờ cũng không có (vôi ăn trầu, khí đá…).
Bán tạp hóa rất cực, với các tiệm ở quê thì lắt xắt hoài, nhưng hai vợ chồng cũng có thể đảm đương; nhưng với các tiệm đầu mối ở thành thì ba bốn người phụ việc cũng chưa chắc làm trôi chảy! Đầu tiên là người tài phú chuyên ngồi trước cái bàn toán, “lóc cóc” từ sáng tới tối. Ít nhất cũng ba người phụ việc bán lẻ, và soạn các toa hàng dài như sớ táo quân; rồi đóng gói, thao tác lẹ làng chuyên nghiệp để cho anh xe ba bánh (xe của tiệm) kịp gởi cho những chuyến đò, chuyến xe về các quận.
Tiệm tạp hóa thời… năm một ngàn chín trăm hồi đó, chủ nhân thường là người Hoa, ở “thành” hay ở quê cũng vậy; nếu có một vài tiệm người Việt xen vào giữa cộng đồng người Hoa thì sớm muộn gì các tiệm này cũng… dẹp tiệm! Lý do đơn giản là phong cách mua bán của người Hoa khác xa phong cách Việt. Nói ra thì có thể đụng chạm, nhưng kẻ viết bài này từ khi còn học lớp Đệ thất đã làm công cho một tiệm tạp hóa của người Hoa cho tới tốt ngiệp Tú Tài 2 nên biết khá nhiều về lối mua bán của họ: người Việt thì có tật hay “chảnh” khi mới “tanh tanh” đã bắt đầu không cần khách hàng mua lẻ! Khi cả nhà ăn cơm trưa, nếu có ai “bán tui một cục xà bông” hay “bán cho một trăm gờ ram đường cát”, thì lập tức chủ nhà nói “hết rồi!”. Trong lúc đó tiệm người Hoa mà có trường hợp như vậy thì thay vì người nhỏ nhứt hay “tân binh” như tôi ra bán; nhưng đích thân ông chủ bỏ đũa, khoát tay: “Lể ngộ, lể ngộ, nị an com li” (để tui, để tui, mày ăn cơm đi). Bán xong ông nói với mọi người; tạm “dịch” ra như vầy: “Người ta mua một cây kim mình cũng phải vui vẻ bán. Người ta đem tiền lại cho mình mà mình không nhận là ngu lắm đó!”. Đó là chưa nói người Hoa họ rất đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau; khác với người Việt mình hễ thấy đồng nghiệp ai hơn mình thì ganh tị, hạ bệ cho bằng được (xin lỗi nếu nhận xét này sai).
Ngoài ra, việc mánh mung mua bán thì người mình thua xa: thùng dầu lửa vuông hiệu con sò dung tích hai mươi lít giá vốn là 20 đồng (không nhớ rõ) thì người Việt Nam bán 20 đồng rưỡi; nhưng tiệm người Tàu gần đó bán chỉ có 20 đồng xem như không có lời! Nhưng người Tàu không dại gì họ bán giá vốn: chẳng qua là họ đục một lổ kim ở chỗ khó nhìn nơi nào đó rồi rút ra nửa lít. Hỏi, “sao chú bán rẻ hơn tiệm bà Hai?” - “Hề hề! Ngộ chỉ cần kiếm cơm thôi mà”. Đến khi tiệm người Việt dẹp tiệm vì “bán mắc hơn chú Xồi”, thì chú Xồi này lại bán 21 đồng, hoặc 22 đồng/ thùng mà chẳng cần “rút ruốt” cho mất công và… “thất đức”! Lúc này nếu có ai hỏi sao mắc quá thì cũng giọng cười cầu tài cố hữu, “tạm dịch” như vầy: “Hề hề! Ngộ đâu có muốn vậy đâu mà! Tại trên quận nó lên giá đó mà! Hầy! Thông cảm, thông cảm!
Giờ tiệm tạp hóa đúng nghĩa như hồi xưa không còn nữa vì dân số ngày nay đông hơn, sức mua cao hơn, nên phải cần một cửa hàng chuyên ngành: điện, vật liệu xây dựng, thậm chí gia vị, hột gà hột vịt… để chia sớt mặt bằng cũng như hàng trăm mặt hàng khác mà tiệm tạp hóa không khả năng gồng gánh nổi, và nhất là không thể biết hết kỷ thuật chuyên môn của từng món hàng, cũng như không đủ “điều kiện hành nghề” như thuốc tây, thuốc bắc,… Điều này thuận lợi cho việc trao đổi cho các đại lý tay em, nhưng cũng hơi bỡ ngỡ cho những ai ít khi đi chợ mà muốn mua một món gì; không ít người than phiền: “Không biết mua (cái gì đó) ở đâu!”.
Tiệm tạp hóa hồi xưa, khảo cứu, ghi chép, dân gian, tư liệu, Kha Tiệm Ly
Ý kiến bạn đọc