Những người lặng thầm nơi bệnh viện

Đăng lúc: Thứ tư - 29/07/2015 11:56
Khi người bệnh qua được cơn thập tử nhất sinh, khỏe mạnh, người ta thường tri ân những bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng. Ít ai nghĩ tới sự đóng góp không nhỏ của các nhân viên vệ sinh, hộ lý - những người ngày đêm miệt mài với công việc không tên, rất đỗi bình thường mà không kém phần cao cả.
 
Công việc của các chị tại khu giặt ủi.
Công việc của các chị tại khu giặt ủi.

Đúng 5 giờ 30 phút sáng, các chị nhân viên vệ sinh đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang, mỗi người một vị trí đã được phân công cụ thể, chuẩn bị bắt đầu một ngày làm việc mới. Sau vài phút chuẩn bị, các chị khoác lên mình bộ đồng phục (áo màu xanh) dành cho nhân viên vệ sinh. Ai nấy đều xông xáo với công việc quét dọn, lau chùi từng phòng bệnh, từng ngõ ngách, mạng nhện trong bệnh viện - đó là công việc quen thuộc, mỗi ngày các chị phải làm.

Quét dọn bên trong xong, các chị lại “lầm lũi” lau chùi hành lang bệnh viện. Quan sát các chị làm, dưới ánh đèn tờ mờ sáng, chúng tôi cảm nhận được tiếng chổi quét, cường độ làm việc tấp nập, hối hả, nhanh tay, nhanh chân và mọi việc phải kết thúc trước giờ bác sĩ đi khám cho bệnh nhân đang nằm điều trị, bảo đảm một ngày mới với một phòng làm việc mới. Hành lang được các chị lau chùi vào buổi sáng sớm, khi đó người đi lại còn ít nên đỡ dơ, nhanh khô hơn. Vừa làm, chị Trần Thị Xuân Hồng, nhân viên vệ sinh Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang vừa thủ thỉ: “Nhiều lần, lau mãi vẫn không sạch vết cà phê, kẹo cao su người ta vứt xuống nền gạch bệnh viện”.

Các chị lau nền gạch và hành lang bệnh viện.
Các chị lau nền gạch và hành lang bệnh viện.

Xong việc ở hành lang, các chị lại bắt đầu vào công đoạn nặng nhất, nguy hiểm nhất, tiềm ẩn nhiều bệnh tật nhất, đó là lau chùi nhà vệ sinh, bồn cầu. Dẫu biết nguy hiểm nhưng các chị vẫn âm thầm lau chùi, quét dọn để phục vụ cho người bệnh một cách tốt nhất. Nhiều nơi trong bệnh viện 2 phòng bệnh phải sử dụng chung 1 nhà vệ sinh. Ngoài những thứ cần bỏ vào bồn cầu thì có nhiều thứ khác cũng được một số bệnh nhân thiếu ý thức vứt vào trong ấy, chính vì thế mà công việc lau chùi của các chị trở nên khó khăn, vất vả hơn.

Chị Nguyễn Ngọc Bích, nhân viên vệ sinh Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang trải lòng: “Ngán ngẫm nhất là khâu lau chùi, dọp dẹp vệ sinh trong bồn cầu. Ai ý thức được còn đỡ, còn ai thiếu ý thức thì cái gì cũng vứt vào bên trong, có khi bồn cầu nghẹt cứng, mỗi lần vệ sinh chị em phải cố gắng lắm mới dọn sạch và thông được bồn cầu. Nhiều lúc bồn cầu còn nguyên “hiện trường”, chị em chúng tôi vẫn phải làm tròn nhiệm vụ của mình, nghĩ lại mà thấy buồn cho công việc, cho số phận”.

Dọn sạch các bồn cầu thì trời cũng hửng sáng, là lúc các chị chuyển sang giặt thảm lau chân. Nơi giặt thảm của các chị là khu nhà vệ sinh công cộng trong bệnh viện, tranh thủ lúc vắng bệnh nhân đi vệ sinh thì mỗi người một việc, ai nấy đều nhanh tay, nhanh chân để hoàn thành công việc của mình.

Vừa làm, chị Hồng vừa nói: “Công việc của chị em chúng tôi bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng khi bệnh nhân còn chưa thức giấc, làm xong đến khoảng 7 giờ 30 phút được nghỉ tay, kiếm gì ăn vội để vào làm tiếp cho hết việc. Công việc cứ thế mà trôi qua, ai nấy đều cố gắng hết sức mình để vừa lòng bệnh nhân, tạo sự yên tâm cho những ai mỗi khi đến đây khám và điều trị”.

Vừa dứt lời, chị đứng dậy, tiếp tục lau chùi cửa sổ và các giường khi chưa có bệnh nhân, để kịp thời phục vụ người bệnh khi đến đây khám và điều trị. Công việc là thế, vất vả là thế, đôi khi các chị phải đối mặt với những lời lẽ kém tế nhị, nhưng rồi vì chén cơm manh áo, vì cái nghề đã chọn, vì sức khỏe của bệnh nhân đã thôi thúc các chị phấn đấu nhiều hơn và xem niềm vui của bệnh nhân như niềm vui của chính bản thân mình.

Chị Bích trải lòng: “Có những khi bệnh viện quá tải, vừa lau xong người đi qua, kẻ bước lại, nhiều đôi dép dính bùn đất in lên vết lau, thế là chị em bị khiển trách. Buồn nhất vẫn là lúc lau chùi các bồn cầu, có người nhìn chúng tôi với ánh mắt kỳ thị, coi đây là công việc thấp kém trong xã hội nên cũng tỏ ra xem thường. Lúc đó, chị em chúng tôi thấy tủi lòng vô cùng, nhưng rồi vì nhiệm vụ, vì bệnh nhân mà chị em chúng tôi bỏ ngoài tai mọi chuyện buồn, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn”.

Chị Đặng Kim Chín, nhân viên giám sát tiếp lời: “Làm việc cực khổ, tiếp xúc với nhiều mầm bệnh, khả năng bị nhiễm bệnh rất cao, nhất là ở các khoa dễ lây bệnh. Dù được bảo hộ đầy đủ nhưng làm lâu ngày thì khả năng bị nhiễm bệnh là không tránh khỏi. Vậy mà lương bổng chẳng có bao nhiêu, vỏn vẹn mỗi chị lãnh chỉ 2 triệu đồng/tháng. Nhìn mấy chị làm mà thấy thương vô cùng, đôi lúc còn bị người đời xem thường, khinh rẻ”.

Riêng công việc của những chị hộ lý lại muôn vàn khó khăn, thử thách, ngoài nhiệm vụ thay vải giường bệnh, vận chuyển bệnh và chăm sóc bệnh nhân, các chị còn phải đảm nhận vai trò giặt ủi quần áo của các y, bác sĩ phòng mổ, bệnh nhân, vải trải giường bệnh và cả những vật dụng có thể tái chế để sử dụng lại trong bệnh viện.

Cứ sáng sớm các chị lại “lầm lũi” cùng chiếc xe đẩy, đi thu gom mọi thứ từ các khoa, tập kết về khu giặt ủi. Tất cả được đưa vào máy giặt, máy sấy bảo đảm các yêu cầu quy định đưa ra, rồi mỗi người một việc: Người giặt, người phơi, người ủi, người phân loại... Công việc gần như quá sức với các chị nhưng vì yêu nghề, vì muốn góp sức mình chăm sóc cho bệnh nhân được tốt hơn nên các chị tự nhắn nhủ nhau, phải làm bằng cái tâm của mình.

Chị Lê Thị Lệ Hà chia sẻ: “Ở đây đa phần hộ lý đều là những chị em lớn tuổi nên việc giặt đồ ở những máy lớn đã quá sức với chị em chúng tôi. Ngoài ra, việc phân loại đồ để giặt cũng là một khâu nguy hiểm, nhiều ca mổ xong, đồ bảo hộ, dụng cụ mổ bê bết máu, chị em chúng tôi phải xử lý nhiều lần mới sạch các vết bẩn đó, phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất nặng như cồn, xylen, foormol... ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nhưng tất cả vì bệnh nhân, vì tương lai, vì hy vọng chắp cánh ước mơ cho các con ăn học nên chị em chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn”.

Có thể nói, bệnh viện được bảo đảm vệ sinh sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng cho sức khỏe bệnh nhân, môi trường sạch còn góp phần chống nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm. Chính vì thế, công việc của công nhân vệ sinh, hộ lý trong bệnh viện tuy thầm lặng, nhưng đã góp phần làm cho bệnh viện thêm sạch đẹp, khang trang. Hy vọng rằng, mỗi người chúng ta hãy cùng lắng lòng, thấu hiểu, cảm thông với công việc của các chị - những người đang ngày đêm miệt mài với công việc không tên, rất đỗi bình thường mà không kém phần cao cả này.

Minh Toàn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 256
  • Khách viếng thăm: 253
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 53158
  • Tháng hiện tại: 2285708
  • Tổng lượt truy cập: 46252941