Long Hưng hôm nay

Đăng lúc: Thứ hai - 19/10/2015 09:54
Trong không khí hào hùng của những hoạt động kỷ niệm Ngày Nam bộ kháng chiến, chúng tôi về lại xã Long Hưng, nơi có Nhà thờ bà Nguyễn Thị Thập (Mười Thập) nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội - người phụ nữ duy nhất được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.
Cây bàng, nơi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng trong những ngày Nam kỳ khởi nghĩa.
Cây bàng, nơi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng trong những ngày Nam kỳ khởi nghĩa

Đây cũng là nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên ngọn cây bàng trước Đình Long Hưng trong Ngày Nam kỳ khởi nghĩa 23-11-1940.


Long Hưng hôm nay đã có nhiều đổi thay với những tuyến đường nhựa, dal phẳng phiu dẫn vào trung tâm xã và các ấp.

Xen lẫn vào các ngôi nhà tường lợp ngói khang trang là những vườn cây vú sữa đang ra hoa chuẩn bị cho vụ trái mới, cùng những vườn rau húng xanh mát mắt…

Phó Chủ tịch UBND xã Trương Minh Huấn hồ hởi nói như khoe: Xã vừa tổ chức Lễ ra mắt Xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác đầu tư xây dựng cơ bản được lãnh đạo xã quan tâm vận động toàn dân thi đua chung sức xây dựng NTM.

Theo đó, xã đã hoàn thành đồ án về quy hoạch, đề án về xây dựng NTM tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông nông thôn. Theo thống kê, đến nay xã đã đạt 12/19 tiêu chí NTM.

Là nơi thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho với lá cờ đỏ sao vàng tung bay vào ngày 23-11-1940 và trải qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, Long Hưng là một trong những địa bàn trọng điểm phải chịu sự càn quét, đánh phá ác liệt của kẻ thù.

Tại ấp Thạnh Hòa, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thơm (đã bước sang tuổi 94) bồi hồi xúc động khi nhắc đến sự hy sinh của người chồng cùng 2 người con trai trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng mẹ rất vui khi sự hy sinh ấy đã được đền đáp bằng độc lập dân tộc, cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.

Cùng với mẹ Thơm, toàn xã có 102 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã nuốt nước mắt vào lòng để tiễn chồng, con lên đường… góp phần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Con số 521 liệt sĩ, cùng 128 thương binh, bệnh binh, 103 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… là nét son trong quá trình đấu tranh cách mạng của quân và dân, là động lực để chính quyền và nhân dân Long Hưng vượt qua những khó khăn sau ngày 30-4-1975 để xây dựng và phát triển kinh tế.

Theo ông Lê Văn Hoàng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã (vào những ngày đầu giải phóng), là vùng kháng chiến, vùng giáp ranh vành đai Bình Đức nên Long Hưng bị địch tàn phá nặng nề, người dân phải bỏ ruộng vườn đi nơi khác sinh sống…

Sau ngày 30-4, chính quyền kêu gọi người dân trở về quê hương khôi phục sản xuất, khai hoang, phục hóa, ổn định cuộc sống, nỗ lực vượt khó để có được Long Hưng như ngày hôm nay.

Từ một xã thuộc diện khó khăn của huyện, đến nay Long Hưng đã vươn lên trở thành một trong những xã đi đầu của huyện về xây dựng và phát triển NTM. Việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp trong những năm qua tiếp tục được đẩy mạnh, phổ biến đến 82% nông hộ và đưa vào áp dụng, đã góp phần nâng năng suất sản xuất, hiệu quả kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 3,9%.

Theo anh Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Long Hưng hiện có 224 ha trồng rau màu với 1 tổ hợp tác rau an toàn; 1.015 ha vườn cây ăn trái, trong đó phần lớn trồng vú sữa, sapô… Qua phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2015, đã có 1.848 hộ đăng ký tham gia, góp phần tích cực nâng cao đời sống người dân, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 26 triệu đồng/năm.

Qua đó, người dân có điều kiện để hưởng ứng và ủng hộ chính quyền xã trong thực hiện chủ trương dal hóa, nhựa hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong những tháng đầu năm, nhân dân đã đóng góp 175 triệu đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã.

Đặc biệt, qua triển khai thực hiện 5 tiêu chuẩn văn hóa NTM, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phát triển ngày càng bền vững và phong phú; tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết, giữ gìn; truyền thống văn hóa dân tộc được phát huy.

Qua nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, ấp văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, năm qua xã có 96,5% hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa và hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa từ 3 năm liền trở lên đạt 79%.

Xã hiện có Khu di tích lịch sử Quốc gia Đình Long Hưng với tổng kinh phí xây dựng 4,6 tỷ đồng với nhiều hạng mục, trong đó có Nhà thờ bà Nguyễn Thị Thập - một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội. Khu di tích được xem là biểu tượng hào hùng, đậm chất tráng ca và sử thi của nhân dân Tiền Giang trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND xã Trương Minh Huấn cho biết: “Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Long Hưng sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong việc tập trung thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã trong thời gian tới.

Trong đó, chú trọng vào việc phát triển kinh tế (tiếp tục khai thác thế mạnh sản xuất rau màu, cây ăn trái); tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển; tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ để giúp
các hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo”.

Nguyễn Hữu
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 425
  • Khách viếng thăm: 423
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 41209
  • Tháng hiện tại: 1906988
  • Tổng lượt truy cập: 48281115