Chân dung NSNA Trần Tuấn
Dấn thân cùng nghề ảnh
Sinh ra trên đất cù lao Thới Sơn vào những năm đầy khó khăn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cậu học trò nghèo chăm chỉ mê nghề ảnh từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì thế năm 1996, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Trần Tuấn quyết định khăn gói lên Sài Gòn “tầm sư học đạo”. Anh được nhận vào phụ việc trong một hiệu cưới trên đường Lê Văn Sỹ với hơn một năm dài chỉ theo phụ hợ những việc vặt vảnh như cầm đèn, che ô, xách vali… Tranh thủ những lúc ấy, Trần Tuấn chăm chú quan sát học hỏi thợ ảnh từ cách khai thác góc, tạo kiểu ảnh, đánh đèn flash cho đến cách xử lý ảnh trong phòng tối… Ngày làm việc ở studio, đêm anh lại mày mò tìm đọc sách báo, tạp chí để học hỏi thêm kinh nghiệm làm ảnh.
Năm 2002, Trần Tuấn trở về Mỹ Tho làm nghề ảnh dịch vụ. Là một thợ ảnh tỉ mỉ và cầu toàn, anh luôn cố gắng ghi lại những khoảnh khắc, hình ảnh đẹp nhất để có thể làm hài lòng khách hàng của mình. Có lẽ cũng chính vì thế mà Trần Tuấn am hiểu và bắt đầu đam mê sáng tạo với những đường nét, ánh sáng, bố cục, màu sắc… đó là kinh nghiệm quý giá để anh tự tin bước chân đến với ảnh nghệ thuật. Trong một lần cùng người cậu đến thăm nhà NSNA Phạm Hữu Tiến, Trần Tuấn như bị hút hồn trước những tấm ảnh nghệ thuật được trưng bày khắp nhà. Thấy anh say mê, thích thú NSNA Phạm Hữu Tiến càng nhiệt tình trao đổi, và sau cuộc gặp gỡ tình cờ đó anh thợ chụp hình trẻ Trần Tuấn đã có những dự định ấp ủ cho riêng mình. Trần Tuấn bắt đầu tham gia các câu lạc bộ nhiếp ảnh nghệ thuật để có thể giao lưu, trao đổi với anh em trong giới, đọc các tạp chí chuyên về ảnh nghệ thuật, tham gia các lớp tập huấn nâng cao, suy nghĩ và thực hiện các ý tưởng về ảnh nghệ thuật... Và sau đó là khoảng thời gian mày mò trên máy tính nghiên cứu phần mềm chỉnh sửa hình ảnh. Với anh, khai thác tối đa, nắm vững và sử dụng hiệu quả công nghệ để phục vụ cho mình là một việc làm vô cùng cần thiết và hữu ích.
Năm 2005, tại Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Tiền Giang, cái tên vẫn còn khá mới mẻ - Trần Tuấn bất ngờ “ẵm” luôn 3 giải thưởng (giải Nhất, giải Ba và giải Khuyến khích). Lần đầu tham gia liên hoan, tác phẩm “Vì ngày mai” của anh đã ngoạn mục vượt qua hơn 300 tác phẩm khác giành giải Nhất, một niềm vui quá lớn với người mới chơi ảnh như anh. Có thể nói đây là tác phẩm đã tạo nên cú huých, đánh dấu sự có mặt của NSNA Trần Tuấn ở sân chơi ảnh nghệ thuật, đồng thời hun đúc niềm đam mê sáng tạo trong anh, giúp anh tự tin hơn bước vào sân chơi nghệ thuật.
Tác Phẩm "Công nghệ mới " - HCĐ cuộc thi Đồng bằng sông Cửu Long, giải B ảnh xuất sắc quốc gia 2010 |
Nói về những dự định sáng tác, Trần Tuấn chia sẻ: “Mình thích ghi lại những khoảnh khắc chân dung đời thường, cảm xúc trên những gương mặt gần gũi của người già, trẻ em... Tuy nhiên, ở thể loại ảnh này mình vẫn chưa mấy thành công, vì vậy trong thời gian tới cần cố gắng tập trung nhiều hơn”. Ngoài ra, anh cũng muốn thử nghiệm làm mới mình để tham gia những cuộc thi lớn trong thời gian sắp tới. Theo anh, những cuộc thi này là dịp để anh thử sức mình đồng thời sẽ giúp anh học hỏi, bổ sung kiến thức, tích lũy kinh nghiệm chơi ảnh.Để có được một tấm ảnh nghệ thuật thì người sáng tác ngoài việc nắm vững kỹ thuật còn phải có duyên bắt nhanh những khoảnh khắc, cảm xúc, có được những ý tưởng tạo hình độc, đẹp, ánh sáng phù hợp... Vì vậy, việc đi sớm về khuya và phải dụng công như những chú ong thợ chăm chỉ là một trong những yêu cầu tối thiểu đối với một tay chơi ảnh nghệ thuật. Đối với NSNA Trần Tuấn cũng không ngoại lệ, anh chia sẻ “đã chơi thì phải chịu và rất may cho tôi là bà xã luôn luôn quan tâm và ủng hộ. Có lẽ, vì thế tôi mới vững tâm hoàn thành cả đôi công việc mưu sinh và sáng tác.” Trong sáng tác đâu phải cứ xách máy đi là có ảnh đẹp thế nên phải miệt mài tìm kiếm và thử nghiệm. Nhiều lúc xách máy đi cả tuần liền, khi về vẫn trắng tay là chuyện bình thường. Với NSNA Trần Tuấn nhiếp ảnh nghệ thuật là phải làm thế nào chạm được vào trái tim người xem, phải phản ánh được ý nghĩa sâu xa bên trong và phải có cái tôi rất riêng của mình ở đấy. Có thể coi, nhiếp ảnh nghệ thuật là một cuộc chơi, song cuộc chơi ấy vô cùng khắc nghiệt; nếu không khẳng định được mình, không tiến bộ thì sẽ bị tụt hậu, bị đào thải ngay.
Với tốc độ phát triển vượt bậc của công nghệ trong thời gian gần đây, hầu như ai cũng có thể sở hữu một chiếc máy ảnh nên số lượng người trẻ tham gia môn nghệ thuật của ánh sáng ngày càng nhiều. Thế nhưng để tìm cho mình một “chỗ đứng” trong làng nhiếp ảnh quả thật không phải chuyện dễ. “Nhưng nếu bạn có đam mê thì hãy kiên trì, đừng dễ dàng bỏ cuộc và nên nhớ hãy tìm cho mình nét riêng, hãy xem mình chỉ mới bắt đầu để không ngừng cố gắng…” - NSNA Trần Tuấn nhắn nhủ với những bạn có cùng đam mê đang chuẩn bị bước vào sân chơi nghệ thuật.
Trần Tuấn, Đam mê, trăn trở với nghề, Trần Thương Nhiều, nhiếp ảnh, nghệ thuật
Ý kiến bạn đọc