Biên đạo Anh Tuấn và mối duyên với nghệ thuật múa

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/09/2017 13:17
NSM Anh Tuấn

NSM Anh Tuấn

Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng biên đạo múa Anh Tuấn đã có hơn 17 năm gắn bó và cống hiến cho nghệ thuật múa. Cùng với hàng loạt những giải thưởng cao, những tấm huy chương, bằng khen… trong và ngoài tỉnh, Anh Tuấn đã khẳng định được uy tín nghề nghiệp của mình trên sàn diễn. Đầu năm 2017, anh vinh dự là một trong 19 văn nghệ sĩ được trao tặng giải thưởng Thủ Khoa Huân - giải thưởng danh giá của tỉnh Tiền Giang dành cho các văn nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Mối duyên với nghệ thuật múa

Sinh năm 1976 tại Mỹ Tho, từ bé Anh Tuấn đã sớm bộc lộ năng khiếu và tố chất của một nghệ sĩ nên luôn được các thầy cô chọn tham gia các tiết mục văn nghệ của trường. Lên 12 tuổi, Anh Tuấn đã đạt giải diễn viên xuất sắc trong buổi Hội diễn Văn nghệ quần chúng do Thành phố Mỹ Tho tổ chức với nhiều vai trò như: hát, múa, kịch… Có lẽ, được sinh ra trong gia đình nghệ sĩ, cha anh là nhạc sĩ Phan Thanh Tùng (hội viên Chi hội Âm nhạc), nên từ bé Tuấn đã quen với cung đàn tiếng hát nên “máu” nghệ thuật, đam mê ca hát thấm vào người lúc nào cũng không hay biết.

Năm 1995, rời ghế nhà trường, Anh Tuấn khoác lên mình màu áo xanh tại đơn vị bộ đội biên phòng Gò Công.

Ở đây, với cây đàn ghi-ta anh tiếp tục lại là cây văn nghệ tiên phong, là hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ của đơn vị. Năm 1996, anh đại diện đơn vị tham gia giọng hát hay của tỉnh và “giựt” luôn giải nhì. Cũng tại cuộc thi này, anh được ban giám khảo đánh giá cao về giọng hát, phong cách biểu diễn, ngoại hình sáng sân khấu và có tố chất để thành ca sĩ.

Cũng vì thế sau khi xuất ngũ, anh chính thức về đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang trong vai trò là một ca sĩ của đoàn. Những tưởng với thành công ban đầu ấy,

Anh Tuấn sẽ gắn bó với nghề hát nhưng rồi một bước ngoặt đã mở ra. “Năm 1999, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang chuẩn bị tham gia hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; Song lúc tập dợt thì bộ phận múa lại thiếu diễn viên, vậy là lãnh đạo điều tôi sang hỗ trợ. May mắn trong lần ấy, tôi vinh dự nhận được Huy chương bạc với vai trò là diễn viên múa cho tác phẩm “Lời mẹ, lời quê hương”, đó là giải thưởng đã ghi dấu cho sự khởi đầu trong nghề múa của tôi” - Nghệ sĩ Anh Tuấn chia sẻ.

Từ cơ duyên ấy mà đầu năm sau đó, đạo diễn Tấn Lộc - trưởng đoàn đã cử anh đi học trung cấp múa tại Trường Múa Tp. Hồ Chí Minh. Hai năm tôi luyện hết sức gian nan, những giọt mồ hôi, những chấn thương trên sàn tập như cơm bữa, nhiều lúc anh tưởng mình đã không vượt qua nổi, chán nản muốn từ bỏ. Thế nhưng, bản lĩnh chịu thương chịu khó và kiên trì của người lính lại thôi thúc anh cố gắng nhiều hơn để không thua kém bạn bè.  Mồ hôi trên sàn tập đổ nhiều hơn, chấn thương nhiều hơn nhưng anh lại càng tiến bộ hơn sau từng bài tập. Sau khi tốt nghiệp với loại giỏi, càng ngày niềm yêu thích lại dần tích lũy thành đam mê, anh nhận thấy duyên nghiệp mình với nghề múa là ngày càng sâu đậm nên tiếp tục theo đuổi. Năm 2008, từ một diễn viên múa chuyên nghiệp anh lại tiếp tục theo học 4 năm ngành biên đạo múa tại Trường Đại học Nghệ thuật quân đội Hà Nội với nhiều dự định, ước mơ và trăn trở cho bộ môn nghệ thuật này ở tỉnh nhà.

Sự khắc nghiệt của nghề

Trong các loại hình nghệ thuật, múa là một bộ môn đòi hỏi diễn viên hội đủ nhiều tiêu chuẩn, rất khắt khe. Bên cạnh việc luyện tập vất vả, để theo đuổi đam mê và sống được với nghề thì diễn viên múa phải đánh đổi cả tuổi trẻ, sức khỏe, đôi khi còn có cả hạnh phúc riêng tư. Nghề múa vì thế mà vô cùng nhọc nhằn và những nghệ sĩ múa thật đáng trân quí.

 Hơn ai hết, họ luôn hiểu để được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp biểu diễn thì việc luyện tập vô cùng khắc nghiệt, thời gian luyện tập hằng ngày lên đến 9 - 10 giờ đồng hồ, cứ miệt mài đổ không biết bao mồ hôi và nước mắt, có khi đổ cả máu. Song song đó là quá trình ép cơ để rèn luyện độ mở và độ dẻo dai. Quá trình phải thường xuyên liên tục và đều đặn. Nói về những vất vả đó, Anh Tuấn nhớ lại: “Việc luyện tập mệt mỏi đến mức nhiều khi về nhà không còn bước nổi, phải dùng đến đầu gối để di chuyển. Có lần trong lúc tập bê đỡ bạn diễn tôi bị thoát vị đĩa đệm phải nằm cả tuần lễ. Trong lúc biểu diễn trên sân khấu đôi khi những chấn thương cũ tái phát, cột sống rất đau nhưng cũng phải cố cười tươi và diễn cho tròn vai, khi bước xuống sân khấu thì nước mắt cứ trào vì đau đớn”. Những nỗi niếm ấy, chỉ riêng họ mới biết và chỉ có thể lí giải là bằng đam mê, khát vọng nghề nghiệp mới có thể giúp họ vượt qua nỗi đau và trụ vững trên sân khấu.

Vất vả mới đến được với nghề là thế, song tuổi nghề của một diễn viên múa lại rất ngắn so với các môn nghệ thuật biểu diễn khác. Diễn viên múa khi bước đến độ tuổi 35 thì sức khỏe cũng hạn chế, việc bê đỡ bạn diễn sẽ trở nên khó khăn hơn, cơ thể không còn được dẻo dai như trước, thêm vào đó sự hạn chế về sắc vóc dẫn đến hiệu ứng người xem cũng bị giảm. Đối với diễn viên nữ thì lại còn khó khăn hơn khi lập gia đình và có con, việc sinh nở làm ảnh hưởng nhiều đến công việc này.

Không những thế, đất diễn của nghề múa lại rất hạn chế. Hiện nay, ở các thành phố lớn hầu như vẫn chưa có một sân khấu chuyên biệt cho múa, ở tỉnh lẻ thì đất diễn lại càng khó khăn hơn. Nghệ thuật múa lâu nay vẫn chưa có chỗ đứng thật sự, trong các chương trình biểu diễn hầu như người ta chỉ biết đến việc múa minh họa, phần phụ hỗ trợ cho các ca sĩ, diễn viên. Tên tuổi của các nghệ sĩ múa cũng ít được công chúng biết đến, quan tâm.

Cũng vì thế, thu nhập thấp và bấp bênh luôn là một vấn đề đáng ngại về mưu sinh đối với diễn viên múa, mỗi buổi tập của các vũ công chuyên nghiệp chỉ nằm khoảng 80.000 đồng và cứ sau 10 buổi tập thì sẽ có một xuất diễn dao động từ 200.000 - 400.000đ cho mỗi cá nhân được xếp theo thứ hạng. Với mức thu nhập như thế dường như chưa được xứng đáng lắm với mồ hôi, công sức họ bỏ ra. Chính vì vậy, mà rất nhiều nghệ sĩ múa hiện nay, có người đành ngậm ngùi từ bỏ để rẽ sang một con đường hoàn toàn mới. Cũng có những người vì gắn bó mà “lấy ngắn nuôi dài” chạy đủ show từ múa đám cưới đến các hội nghị khách hàng... Ai có năng khiếu dàn dựng thì lấn sân sang làm biên đạo cho các trường học hoặc các cuộc thi nhỏ để kiếm thêm thu nhập để giữ lửa đam mê và sống với nghề. Nghệ sĩ Anh Tuấn ngậm ngùi: “Vô nghề đã khó, trụ lại nghề còn khó hơn, quá trình đào thải thì liên tục thế nên tôi thấy chỉ những ai có đủ đam mê, lửa nhiệt tình mới ở lại với nghề múa, chứ thật sự cat-sê ở đây chỉ là tượng trưng so với mồ hôi, công sức mà một diễn viên múa bỏ ra”. Đây là một thực trạng đáng buồn và đầy trăn trở của nghề múa hiện nay…

Chuyện phía sau màn sân khấu

NSM Anh Tuấn đang tiến hành biên đạo cho một tác phẩm

Gần đây, Anh Tuấn được biết đến với vai trò là một biên đạo múa với nhiều thành tích khá nổi bật như: Huy chương Vàng toàn quốc năm 2008 cho tác phẩm “Lời ru nguồn cội”, Huy chương Vàng cho tác phẩm “Lời ru của biển” - Liên hoan Tuyên truyền Văn hoá Bộ đội Biên Phòng năm 2011, Huy chương Bạc cho tác phẩm “Chung lòng bám biển” -  Liên hoan Tuyên truyền Văn hoá Bộ đội Biên Phòng năm 2014, Huy chương Bạc khu vực phía Nam năm 2011 cho tác phẩm “Tự tình người lính”,

Huy chương Bạc khu vực phía Nam năm 2016 cho tác phẩm “Huyền thoại Ấp Bắc”... Để có được những thành tích đó, anh đã phải phấn đấu rất nhiều từ khi còn là một diễn viên cho đến vai trò làm biên đạo.

Với gần 20 năm gắn bó với nghề có rất nhiều những khó khăn và nhiều kỉ niệm khó quên. Tuy nhiên, đối với anh năm 2010 khi anh đang học lớp biên đạo múa tại Trường Đại học Nghệ thuật quân đội Hà Nội, là một kí ức đáng nhớ nhất. Cậu sinh viên Anh Tuấn được NSƯT Vĩnh Hiển giới thiệu dàn dựng chương trình Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc cho Công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh. Ban giám đốc công ty luôn nghi ngại chưa mấy tin tưởng vì anh chỉ còn là sinh viên đang theo học chưa có nhiều kinh nghiệm và chương trình mang tính qui mô lớn, sợ ảnh hưởng đến thi đua của công ty. Thế nhưng bằng tất cả những sự cố gắng đầu tư chất xám, thời gian và công sức tiết mục của anh đã vượt qua 38 đoàn biểu diễn, chương trình công ty đứng nhất. Tiết mục múa do anh dàn dựng đạt Huy chương vàng và anh đạt luôn danh hiệu biên đạo múa xuất sắc. Cũng vào tối hôm trao thưởng đó, anh lại nhận được tin mẹ hấp hối chuyển lên Chợ Rẫy do căn bệnh hiểm nghèo. Anh lập tức trở vào Sài Gòn, ở bên cạnh mẹ được 3 ngày  thì mẹ mất. Những ngày cuối đời, mẹ không quên động viên anh tiếp tục cố gắng hơn nữa trong nghề nghiệp. Có lẽ, những lời dặn dò của mẹ đã theo anh suốt hành trình trong sự nghiệp của mình, thúc giục anh cố gắng nhiều hơn để có được những thành công như ngày hôm nay.

Hiện nay, Anh Tuấn đang là cán bộ nghiệp vụ tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, anh còn tham gia cộng tác cho trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng... với học phần chuyên đề Múa giáo dục mầm non. Luôn trăn trở và muốn phát triển nghệ thuật múa tại tỉnh nhà, Anh Tuấn đang dự định sẽ tập hợp các em có năng khiếu để thành lập Câu lạc bộ Múa của Trung tâm, tạo sân chơi cho các em để qua đó phát hiện, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho những bạn trẻ có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật múa. “Hãy nuôi dưỡng đam mê, trau dồi nghề nghiệp, đổ càng nhiều mồ hôi trên sàn tập thì càng thành công” - đó là lời nhắn nhủ của anh đến những bạn trẻ có cùng đam mê.

Trần Thương Nhiều
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 80)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 438
  • Khách viếng thăm: 376
  • Máy chủ tìm kiếm: 62
  • Hôm nay: 32059
  • Tháng hiện tại: 1483504
  • Tổng lượt truy cập: 45450737