Thực hiện NQTW 7 (khóa X): “Đòn bẩy” để giảm nghèo cho huyện mới

Đăng lúc: Thứ tư - 25/09/2013 16:26
Cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp ở huyện thuần nông, có tỷ lệ hộ nghèo cao là con đường giảm nghèo bền vững, từng bước nâng mức sống người dân. Song, lời giải cho bài toán trên không hề dễ dàng. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là “Tam nông”) ra đời là “đòn bẩy” giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của huyện Tân Phú Đông. Nói về hiệu quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “Tam nông”, ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện cho biết, Tân Phú Đông là một huyện mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện sản xuất khó khăn; hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông, ngư nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.
Dạy nghề tiểu, thủ công nghiệp cho lao động nông thôn ở xã Tân Phú.

Dạy nghề tiểu, thủ công nghiệp cho lao động nông thôn ở xã Tân Phú.

Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nhưng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, từ đó mức sống, điều kiện sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nghị quyết Trung ương 7 ra đời đã tạo cơ hội cho huyện giải quyết nhanh nhu cầu, bức xúc lâu nay của người dân ở vùng đất cù lao.

Sau khi tiếp thu nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã tập trung nghiên cứu xây dựng chương trình hành động sát với thực tế của địa phương. Do là huyện mới thành lập, có tỷ lệ hộ nghèo cao, Tân Phú Đông được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư bằng nhiều chương trình về phát triển “Tam nông” như Chương trình 135, Quyết định 615, Quyết định 167, nguồn vốn miễn thủy lợi phí, chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Các chương trình, chính sách khi triển khai thực hiện đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện. Về phía huyện, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để cải thiện sản xuất, nâng cao đời sống người dân, huyện còn chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng hợp lý; định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu thị trường; lập quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí lại dân cư nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Hàng năm, huyện lập kế hoạch xây dựng NTM để có hướng chỉ đạo kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Qua quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, những bức xúc của người dân từng bước được giải quyết, điều kiện sản xuất dần đáp ứng được yêu cầu; sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, thời gian qua các ngành, các cấp nỗ lực phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, sản phẩm mang tính chất hàng hóa có giá trị cao, áp dụng cơ giới hóa và khoa học - kỹ thuật vào các khâu sản xuất để giảm chi phí... Từ đó, nhiều mô hình hiệu quả ra đời, lợi nhuận sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng rõ rệt.

Cụ thể, mô hình tôm – lúa lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/ha; cây mãng cầu Xiêm cho thu nhập 110 triệu đồng/ha. Ngoài ra, diện tích cây sả đang phát triển nhanh do có lợi nhuận cao; cây lúa cũng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng.

Để thực hiện điều này, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân mạnh dạn đưa các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn thích nghi với điều kiện sản xuất của huyện để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất.

Nếu năm 2008, sản lượng lúa của huyện đạt 14.480 tấn thì đến năm 2012 là 20.044 tấn. Cây dừa, mãng cầu Xiêm đang khẳng định vị trí trên vùng đất nhiễm mặn; diện tích cây ca cao xen vườn dừa từng bước được mở rộng; diện tích trồng nhãn đang được khôi phục.

Bên cạnh đó, huyện cũng từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển một số cây màu trên nền đất lúa như sả, ớt, bắp, dưa hấu, khoai lang… góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Trong chăn nuôi, nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thời gian chăn nuôi được rút ngắn, tăng hệ số quay vòng, tăng số đầu con xuất chuồng trong năm. Trong đó, huyện chú trọng cải thiện chất lượng đàn bò, nạc hóa đàn heo; triển khai và nhân rộng chăn nuôi theo hướng an toàn gắn với hạn chế ô nhiễm môi trường.

Riêng số lao động nông nghiệp dôi dư ngày càng tăng đã chuyển sang làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như kết chuỗi, may gia công, mộc, gia công mặt hàng gia dụng… để tăng thu nhập hộ gia đình và sử dụng lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng/người vào năm 2008 lên 15 triệu đồng/người vào năm 2012.

Các chương trình cho vay thoát nghèo, quỹ quốc gia giải quyết việc làm, phát triển kinh tế… được triển khai và phát huy hiệu quả. 5 năm qua, toàn huyện đã đào tạo nghề trên 3.800 người; số người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo 7.186 người, chiếm 31%. 3 năm trở lại đây, huyện đã giải quyết việc làm cho 1.410 người.

Lao động có việc làm tăng, hiệu quả sản xuất được cải thiện đã kéo theo hộ nghèo giảm. Năm 2011, toàn huyện có 5.700 hộ nghèo, đến nay đã giảm xuống còn 4.406 hộ; hộ cận nghèo mức 1 là 263 hộ, mức 2 là 47 hộ. Nếu tính từ khi thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo trên 50% thì đến cuối năm 2012 còn dưới 40%.

Về nông thôn, điện, đường, trường, trạm, chợ cũng được đầu tư xây dựng và nâng cấp theo từng năm đã góp phần rất lớn vào phát triển sản xuất nông, ngư nghiệp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bộ mặt nông thôn thay đổi gắn liền với xây dựng NTM; an ninh, quốc phòng được củng cố. Những năm qua, hàng năm tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trung bình trên 400 tỷ đồng, giúp cải thiện nhanh kết cấu hạ tầng cơ sở của huyện cù lao.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Thơ, kết quả thực hiện nghị quyết về “Tam nông” vẫn còn nhiều hạn chế như đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn; con đường vươn lên thoát nghèo của người dân chưa bền vững. Dù trong thời gian qua nguồn đầu tư cho huyện rất lớn so với các địa phương khác nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nước sinh hoạt chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân, chất lượng còn kém; hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất… Người dân còn sản xuất tự phát, chưa theo quy hoạch; quy hoạch sản xuất chưa ổn định.

“Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn đầu tư và có kế hoạch đầu tư hàng năm; xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến và nhân rộng; quy hoạch sản xuất, hướng dẫn nhân dân sản xuất theo quy hoạch. Trong đó, huyện tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh; quan tâm hỗ trợ hộ nghèo”- ông Đoàn Văn Thơ cho biết.

N.Văn
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 455
  • Khách viếng thăm: 449
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 80851
  • Tháng hiện tại: 2753486
  • Tổng lượt truy cập: 49127613