Thực trạng và giải pháp về chất lượng cán bộ CĐ và hoạt động CĐCS

Đăng lúc: Thứ hai - 16/09/2013 08:53
Phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn (CĐ) trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chất lượng cán bộ CĐ và hoạt động Công đoàn cơ sở (CĐCS) vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, tồn tại cần được khắc phục.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh phát thẻ CĐ cho các công đoàn viên ở một doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh phát thẻ CĐ cho các công đoàn viên ở một doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đó là đánh giá và yêu cầu được ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đưa ra tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng cán bộ CĐ và hoạt động CĐCS” do LĐLĐ tỉnh tổ chức vào ngày 12-9 với sự tham dự của hơn 80 cán bộ CĐ của các CĐCS ngành, doanh nghiệp.

Hoạt động CĐCS và chất lượng cán bộ CĐ: Nhìn từ thực tế 

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Minh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động CĐCS và chất lượng cán bộ CĐ hiện nay.

Đó là, phần lớn các CĐCS, trong đó có CĐCS doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên và người lao động. Việc nắm bắt và giải quyết diễn biến về tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân (CN), lao động (LĐ) không kịp thời, dẫn đến tình trạng CN, LĐ tại các doanh nghiệp lãn công, ngừng việc tập thể có chiều hướng gia tăng.

Một số Chủ tịch CĐCS không kịp thời cập nhật số liệu CN, LĐ biến động và số đoàn viên hiện CĐCS đang quản lý. Nhiều đơn vị không thành lập tổ CĐ hoặc có thành lập nhưng không sinh hoạt tổ CĐ… Nhiều Ban Chấp hành CĐCS chưa xây dựng các quy chế hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều CĐCS doanh nghiệp tổ chức kết nạp đoàn viên không theo quy định. Thực tế số đoàn viên chưa có thẻ CĐ ở các doanh nghiệp hiện còn rất nhiều.

Hầu hết các CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa trích nộp kinh phí CĐ theo đúng quy định của Luật CĐ và thu đoàn phí không đúng hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Do đó, CĐCS nào cũng cho là gặp khó khăn về tài chính nên tổ chức hoạt động phong trào rất hạn chế. Việc tự chấm điểm, đánh giá, xếp loại CĐCS cuối năm còn chạy theo thành tích, không đúng thực chất. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn chưa quan tâm đến việc tổ chức hội nghị người lao động…

Đối với công tác chăm lo đời sống CNVCLĐ, nhiều CĐCS doanh nghiệp chưa giám sát, kiến nghị, đề xuất việc chấp hành pháp luật lao động một cách đầy đủ như việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế, thời gian làm việc, chế độ tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, bảo hộ lao động nên CN, LĐ bị thiệt thòi.

Ông Lê Minh Hùng còn dẫn chứng cụ thể về tỷ lệ lao động được ký kết hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp còn rất thấp, có doanh nghiệp số lao động là 450 nhưng chỉ có 44 lao động được ký hợp đồng lao động.

Riêng về những yếu kém của đội ngũ cán bộ CĐ cũng được LĐLĐ tỉnh chỉ rõ, đó là cán bộ CĐCS chưa quan tâm nghiên cứu, bồi dưỡng về nghiệp vụ CĐ; chưa nhiệt tình với công tác CĐ, xem hoạt động CĐ như là một nhiệm vụ được phân công chứ không phải vì cái “tâm”, vì đoàn viên mà hoạt động. Cán bộ CĐ, trong đó có Chủ tịch CĐCS chưa biết phương pháp tổ chức hoạt động, chưa thể hiện được bản lĩnh nên việc phối hợp với lãnh đạo đơn vị, với người sử dụng lao động chưa hiệu quả, chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần May Việt Tân (Cai Lậy) cũng đã chia sẻ tại buổi tọa đàm về những khó khăn trong hoạt động CĐ ở đơn vị mình như: Phần lớn Ủy viên Ban Chấp hành CĐ và tổ trưởng CĐ còn nhiều hạn chế về năng lực và trình độ nên vẫn còn lúng túng khi triển khai, giải thích các vấn đề với CN, LĐ.

Vấn đề biến động lao động cũng gây khó khăn trong hoạt động CĐ, có lúc tổ trưởng CĐ phải thay mới hơn 50%. Về công tác chăm lo đời sống CN, LĐ thì CĐCS không có điều kiện tham gia vào việc chi trả lương, thưởng, bởi công ty là doanh nghiệp ngoài nhà nước nên tiền lương, thưởng hàng tháng tùy thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh và do chủ doanh nghiệp quyết định.

Một khó khăn khác mà CĐCS Công ty cổ phần May Việt Tân đang gặp phải trong việc chấp hành pháp luật lao động, nhất là thời gian làm việc, mỗi năm CN, LĐ phải làm thêm hơn 300 giờ, dù được công ty trả tiền làm thêm theo đúng quy định của Bộ luật Lao động nhưng không thoát khỏi tình trạng làm nhiều giờ mà thu nhập vẫn thấp. Thực tế, một bộ phận cán bộ tổ trưởng, tổ phó CĐ cũng không tha thiết làm công tác CĐ…

Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ CĐ và hoạt động CĐCS

Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều giải pháp được nêu ra nhằm nâng cao chất lượng cán bộ CĐ và hoạt động CĐCS. Trong đó, ông Trần Văn Dân, Chủ tịch CĐ ngành Y tế cho rằng, để xây dựng CĐCS vững mạnh, trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ vững mạnh. Bên cạnh đó, CĐ cấp trên cơ sở cần bổ sung, cải tiến về nội dung, hình thức tập huấn, bồi dưỡng cho người làm công tác CĐ ở cơ sở.

Về mặt cơ chế, chính sách cần xem xét, có sự điều chỉnh, bổ sung cụ thể và khả thi đối với những người làm công tác CĐ ở cơ sở. Vừa chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên, vừa đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên để có số lượng đoàn viên CĐ ngày càng đông đảo.

Một yêu cầu khác không thể thiếu để nâng cao chất lượng hoạt động các CĐCS là nâng cao chất lượng chỉ đạo của CĐ cấp trên đối với CĐCS. Tăng cường sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp để đạt được thành công, thắng lợi trong hoạt động CĐ…

LĐLĐ tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ CĐ và hoạt động CĐCS, trong đó đối với CĐ cấp trên cơ sở là phải tăng cường kiểm tra, khảo sát, kịp thời uốn nắn những sai sót, hạn chế. Phân công cụ thể cán bộ phụ trách, tăng cường đi cơ sở.

Mạnh dạn kiểm điểm, phê bình những tập thể, cá nhân chưa làm tốt nhiệm vụ, báo cáo, đánh giá không đúng thực chất hoạt động CĐCS của mình. Tổ chức, chỉ đạo điểm, xây dựng điển hình, mở hội nghị chuyên đề, tổ chức các hội thi để thúc đẩy mọi hoạt động CĐ các cấp nhằm thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia vào hoạt động CĐ.

Tiếp tục triển khai thực hiện Hướng dẫn 187/HD-TLĐ ngày 16-2-2011 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Hướng dẫn 34/HD-LĐLĐ ngày 29-6-2011 của LĐLĐ tỉnh hướng dẫn xây dựng CĐCS vững mạnh và đánh giá chất lượng CĐCS.

Thực hiện việc chấm điểm đúng thực chất, không chạy theo thành tích. CĐ cấp trên cơ sở mạnh dạn phê bình, không công nhận CĐCS vững mạnh của các đơn vị chấm điểm không đúng tiêu chuẩn. Chú ý củng cố, nâng chất hoạt động CĐCS ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS bằng nhiều hình thức.

Đối với CĐCS, cán bộ CĐCS cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ CĐ; học tập và vận dụng những bài học kinh nghiệm trong hoạt động CĐ. Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện sổ sách quản lý CĐCS, tổ CĐ theo quy định.

Củng cố, nâng chất nội dung sinh hoạt, hội họp từ ban chấp hành CĐCS đến các tổ CĐ. Khắc phục ngay tình trạng báo cáo, đánh giá hoạt động không đúng thực chất hoặc tổ chức hoạt động mang tính đối phó, hình thức.

Tổ chức nhiều hoạt động thu hút đoàn viên, CNVCLĐ tham gia. Kết nạp đoàn viên đúng quy định. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp với lãnh đạo đơn vị, người sử dụng lao động để tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động tốt hơn.

Phương Nghi
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 379
  • Hôm nay: 15975
  • Tháng hiện tại: 1764875
  • Tổng lượt truy cập: 48139002