Mê muội & tang thương

Đăng lúc: Thứ tư - 14/11/2018 08:58
Cậu tôi chết. Nỗi đau đến với gia đình tôi không chỉ là sự mất mát, mà còn là sự oán trách của họ hàng bên ngoại: “Không lấy cốt cô, ba ổng đâu có chết!”, “Đang khỏe mạnh vậy mà… Có những chuyện không tin đâu có được”… Những tiếng thì thầm, kể lể xen lẫn trong tiếng khóc từ góc nhà, chái bếp cứ xoáy vào tai tôi. Tôi biết, không ai ghét bỏ tôi nhưng họ không thể không nói những điều mà họ tin là đúng. Những ánh mắt đau khổ, dẫu cố nén vẫn ánh lên vẻ oán hờn, trách móc. Không ai chịu tin cậu tôi chết vì bệnh ung thư, dù những lời kết luận trong bệnh án đã rõ ràng. Nếu cậu tôi được đưa đến bệnh viện sớm hơn, vết loét trong thực quản được cắt bỏ sớm thì có dẫn đến kết cuộc này không? Bây giờ đối với họ hàng bên ngoại thì nguyên nhân cái chết của cậu là do ba tôi. Ba tôi đã bày ra chuyện lấy cốt má về quê, còn để cho cậu tôi xuống huyệt mộ; vì vậy mà cậu mới bệnh, mới chết!...
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Nghe những lời thêu dệt ấy tôi muốn gào lên cho họ tỉnh, nhắc cho họ nhớ rằng chính gia đình tôi đã từng là nạn nhân của sự mê tín đó. Tất cả đã quên rồi sao, hay vẫn chưa nhận ra chuyện của hơn 30 năm trước?

Hồi đó, gia đình tôi rất vui vẻ, hạnh phúc. Má tôi là một người mẹ đảm đang, hiền thục, hết lòng lo cho chồng con. Ba tôi, dẫu không tinh tế chu đáo, nhưng vẫn là chỗ dựa tin cậy của gia đình. Tôi có tới 7 anh chị em. Anh Hai năm ấy 16 tuổi, chị Ba 13, còn tôi mới lên 10. Vậy mà tôi đã có 4 đứa em: con Thu 7 tuổi, thằng Linh 5 tuổi, con Nương 3 tuổi và Út Phượng mới 8 tháng. Tuy đông anh em, nhưng chúng tôi luôn được chăm sóc chu đáo, được sống trong tình thương yêu bao la của má. Ngoài chuyện ăn học, tôi không phải làm gì cả; hàng ngày còn được má nấu nước tắm gội cho. Dẫu gia đình phải tản cư về quê ngoại, bỏ hết ruộng vườn, nhưng ba má vẫn không để chúng tôi thiếu thốn. Ba sắm ghe, cùng anh Hai đi chở mướn; má cấy mướn gặt thuê, nuôi heo gà và lòn lõi về quê làm thêm vài công ruộng. Tôi nhớ hoài lần đó, lần cuối cùng tôi được theo má về quê để giữ em cho má ra đồng.

Ngôi nhà cũ của tôi ở Phú Phong bấy giờ chỉ còn lại căn bếp. Má giăng võng, thả tôi và Út Phượng lên rồi cắp nón ra đồng. Bà con tản cư hết rồi, cánh đồng mênh mông không một bóng người. Cỏ lác, cỏ đuôi chồn mọc cao tới ngực. Đám ruộng mới cấy của má tôi như một mảnh vá màu vàng chanh, sáng rực trên tấm vải xanh mốc, cũ kĩ. Một mình má lom khom, đơn độc ngày này qua ngày khác. Cấy xong một lối lúa má lại vào nhà cho Út Phượng bú, chưa kịp ráo mồ hôi má đã đi. Trời đang nắng lại mưa. Má mặc chiếc áo mưa may bằng bao nilon đựng phân. Chiếc áo ngắn ngủn, chỉ che được phần lưng, vậy mà má không chịu vô nhà.

Ở nhà một mình tôi buồn lắm, nhìn đâu cũng toàn cây cỏ. Nền nhà ông nội chỉ còn những cây cột cháy. Cây sữa già trước sân nhà bà Sáu, nơi tôi thường cùng chú Mười, cô Một dựng nhà chòi, bây giờ bị pháo bứng nằm chỏng chơ. Vết tích còn lại của con người là cái lu bể, cái ghế gãy, cái cối quết bánh phồng mục nát. Tôi chưa đủ trí khôn để hiểu thế nào là sự tàn phá của chiến tranh, chỉ bùi ngùi cảm nhận một cái gì êm đẹp đã mất.

Tôi đang chạy theo một con chuồn chuồn tía thì nghe tiếng pháo đề-pa. Quen rồi, nên tôi không sợ. Tôi hốt Út Phượng chạy vô trản-xê. Tiếng hú xẹt qua đầu tôi, nổ ầm ầm ngoài vườn; miểng pháo phang vu vu, rơi lịch bịch. Pháo bắn vậy mà má tôi không núp, lại chạy vô nhà. Tiếng má gọi tôi thất thanh, lạc giọng. Khi nghe tiếng tôi trong trản-xê, má mếu máo nói: “Tưởng chị em mày chết hết rồi chứ!”, rồi má ôm chặt chị em tôi vào lòng.

Chập pháo thứ hai, rồi thứ ba tới. Cứ mỗi lần nghe tiếng đề-pa là má lại cúi xuống, ôm chặt chị em tôi. Hết mấy chập pháo trời đã nhá nhem, má hối hả tay bồng Út Phượng, tay dắt tôi băng đồng ra lộ.

Trăng lên, ánh trăng xuyên qua tán cây trâm bầu dập dờn. Con lộ đá lởm chởm, nhấp nhô dài như vô tận. Tôi vừa đói vừa mỏi chân, chắc má tôi còn mỏi hơn, vì đã khom lưng trên đồng cả ngày rồi. Vậy mà vìa tới nhà, giao Út Phượng cho chị Ba, má tôi lao vào dọn dẹp nhà cửa, nghe ba đứa nhóc thay phiên tố cáo nhau. Má tôi dỗ dành đứa này, rầy đứa kia, nhưng với thằng Linh thì không bao giờ má rầy. Má cưng nó lắm, chắc tại nói nó ốm yếu, khờ khạo nhất trong mấy chị em.

Má kiểm tra áo quần, đầu cổ từng đứa, rồi hỏi chị Ba có tắm cho tụi nhỏ không. Chị Ba nói có, nhưng mấy cái móng chân dính đầy đất sét đã tố cáo chị. Chị đã không nấu nước tắm tụi nhỏ như má thường làm, mà cho chúng nó lội xuống xẻo quậy. Má nổi giận khi ngửi mấy cái đầu hôi nặc mùi bùn. Má mắng chị Ba một trận, rồi đi pha nước nóng, kêu từng đứa ra gốc dừa tắm lại, kể cả tôi.

Tối, lên giường đứa nào cũng đòi nằm kế má. Tôi không giành, vì biết không tới phần mình; ai ngờ sắp xếp sao mà cuối cùng tôi lại được nằm sau lưng má.

Tôi đang ngủ say, bỗng giật mình vì nghe tiếng rên. Quờ tay tìm không thấy má, tôi lồm cồm ngồi dậy. Qua bóng đèn hột vịt mập mờ tôi thấy má ngồi ngoài vách mùng tỳ tay lên thành giường, oặn người rên từng chập. Tôi giương mắt nhìn một hồi, rồi gọi “Má!”. Má cố nén đau đớn nói: “Ngủ đi con!”. Bây giờ, những đứa trẻ bằng tuổi tôi chắc không ngu như tôi hồi ấy. Tôi không hỏi má đau chỗ nào, đau ra sao; không giúp má lấy được chai dầu, rót được ly nước; tôi chỉ ngồi yên ở góc giường giương mắt nhìn má. Một lúc sau má tôi lại nói: “Ngủ đi con! Má đau lắm, không ngủ được đâu!”. Tôi vẫn làm thinh như một khúc gỗ. Bàn tay gân guốc của má tôi lúc tỳ lên thanh giường, lúc ôm một bên sườn. Người má lúc cong xuống, lúc dúm lại, lúc rướn lên. Những tiếng rên cố kềm nén nhưng vẫn bật ra. Các em tôi vẫn ngủ say; chị Ba ngủ ở bộ ván bên ngoài không hay biết gì. Ba và anh Hai đi chở mướn chưa về. Không chịu được nữa, má kêu chị Ba dậy, biểu đi kêu bà Ba. Đó là một bà già có dáng đi lom khom, khuôn mặt khắc khổ, sống một mình cách nhà tôi cái xẻo lá.

Một lúc lâu sau, bà Ba bưng đèn qua nói với má tôi cái gì đó, rồi kêu chị Ba lấy cái ghế đẩu, cái mâm nhôm đem ra sân. Bà Ba đặt lên mâm hai khúc cọng chuối, một khúc để cắm nhang, một khúc cắm cái nẹp tre kẹp miếng giấy màu vàng có vẽ những chữ bùa ngoằn ngoèo. Chị Ba đặt thêm cái đèn và một ly nước lạnh rồi bắt đầu khấn vái. Cứ cách vài phút chị lại chắp tay đứng trước mâm lâm râm khấn nguyện. Tôi ngây thơ nghĩ: “Rồi má sẽ hết bệnh thôi!”.

Út Phượng giật mình khóc thét, tôi vô nằm ôm nó rồi ngủ quên luôn. Khi tôi thức dậy thì đã thấy ba và anh Hai về rồi. Dì Tư (chị họ của má tôi) cũng đã tới tự hồi nào. Má nằm ngoài bộ ván, mắt nhắm nghiền. Má không rên nữa, vậy là má hết bệnh rồi - Tôi vui mừng nghĩ vậy.

Dì Tư về, ba tôi kêu chị Ba nấu cháo cho má, còn ba đi đâu đó. Lát sau ba tôi về, dẫn theo ông thầy “Hai Thuốc”. Ông thầy “Hai Thuốc” là chủ tiệm thuốc Bắc ngoài lộ, tuổi cỡ ông nội tôi. Ông mặc bộ đồ bà ba đen, bới cái đầu tóc nhỏ xíu, láng bóng. Tôi và các em tôi bị đuổi vô trong. Khoét vách nhìn ra, tôi thấy ông sờ trán má tôi, rồi đặt tay lên cổ tay má tôi, im lặng. Ít phút sau, ông đứng lên nói với ba tôi là má tôi bị thương hàn, kêu ba tôi theo ông lấy thuốc. Tôi nghĩ “thương hàn” chắc không sao, chắc không nặng như đau ban cua, ban bạch. Tôi nghe người ta nói đau ban bạch là rụng sạch đầu, còn đau ban cua thì ăn cơm sẽ bị lủng ruột.

Nồi cháo nhừ, má biểu chị Ba nhờ dì Tư vô nêm cháo, biểu tôi đi tước lá hành. Tôi đang búng hột me với con Thu, nghe má sai, tôi dạ nhưng không đi. Tôi thường như vậy đó, má biểu làm gì, cứ dạ, rồi bỏ qua một hồi má sẽ quên luôn. Lần này, không ngờ nó đã trở thành nỗi ray rứt suốt đời tôi.

Ngày đầu má tôi còn ăn được chén cháo, còn la rầy mỗi khi chúng tôi phá phách, còn cho Út Phượng bú khi nó khóc; ngày thứ hai má không ăn nữa, không nói gì và thậm chí không thèm ngó tới Út Phượng khi nó khóc. Nhưng tôi đâu có để ý chuyện đó, tôi háo hức chờ đợi một cái gì đó sắp xảy ra. Hết dì Tư, dượng Tư, rồi các cậu mợ rù rì với ba tôi chuyện gì đó. Hình như họ nói ông Hai Thuốc không trị được bệnh của má tôi và bàn nhau tìm một ông thầy khác. Anh Hai tôi kêu đưa má đi bác sĩ; nhưng có lẽ mọi người cho rằng anh Hai là con nít, nên không ai để ý, còn dặn anh không được nói gì với má.

Chiều đó, tấm vách ngăn giữa bộ ván và giường ngủ của má tôi được dời vào trong. Rồi bộ ván cũng được khiêng vào đặt sát vách, chừa phía ngoài một khoảng trống ra tới cửa.

Tối, dượng Tư dẫn Thầy Ba và mấy người lạ hoắc nữa về nhà. Bắt đầu rồi đây - tôi nghĩ bụng - và kiếm một góc thuận tiện nhất để quan sát. Con Ánh, thằng Ngươu (con cậu tôi) chỉ vào ông già ốm nhom, nước da trắng bạch, ở trần, vận quần đáy nem, thì thầm: “Ông Hai Đồng Khương đó! Ổng chuyên ngồi đồng cho Thầy Ba”.

Thầy Ba là một ông già cao lêu nghêu, miệng ăn trầu đỏ chót. Nhà ông ở xóm dưới, nóc lợp lá, vách làm bằng cọng dừa nước bện và không khi nào mở cửa. Có lần tôi khoét vách nhìn vô, thấy bên trong lờ mờ như có sương. Sau cánh cửa là tấm màn màu đỏ thiệt lớn cột vén ra hai bên để những sợi dây tua rua đung đưa lấp lánh. Phía trong tấm màn đó có cái bàn nhỏ, cao, đặt sát vách. Trên vách là tấm vải màu đỏ bầm thêu những đường đen trắng như cái mùng con nhền nhện. Con Ánh nói đó là hình bát quái. Hai ông già đem theo bảy, tám cái tĩnh sơn trắng, miệng trùm vải đỏ. Họ trải đệm ra sân rồi bày những cái tĩnh lên đó. Trong nhà, mấy người đàn ông đang đào hai cái hố ở hai bên cửa nhà tôi. Ông Thầy Ba lấy từ trong thùng gỗ ra một cái hình nộm bằng rơm, đầu bịt vải đỏ, có đủ mắt mũi, tay chân, dựng lên tấm vách ngay đầu giường Má tôi. Xong xuôi, họ kéo nhau ra sân.

Trên tấm đệm trải giữa sân, ông Đồng Khương đang ngồi xếp bằng bất động. Thầy Ba trùm lên đầu ông một tấm vải đỏ, rồi bắt đầu vừa múa, vừa la hét. Tôi rán lắng tai nghe, nhưng không hiểu Thầy Ba nói gì. Một lát sau, người ông Đồng Khương run lên; rồi lắc lư, lắc lư càng lúc càng mạnh. Cái khăn phủ trên đầu ông chao qua chao lại. Khi ông bắt đầu la ú ớ thì chúng tôi bị người lớn cầm gậy đuổi đi.

Cảnh ngoài sân kéo dài cả giờ đồng hồ, mọi người đổ dồn vào đó, quên mất má tôi trong nhà. Tôi cũng vậy, thoáng một chút lo lo rồi lại quên ngay. Tôi leo lên cây u, nhìn qua cánh én để xem cảnh múa may trong nhà. Chiếc đệm bây giờ được trải ở chỗ trống, ngay đầu giường má tôi. Trên đó bày ra cung tên, nhang và thật nhiều những mảnh giấy màu vàng. Tay cầm một nắm nhang cháy đỏ rực, chân Thầy Ba tiến lên, lùi xuống thiệt nhanh. Ông vừa hét, vừa vung vẩy nắm nhang lên người má tôi, tạo ra những đường lửa đỏ ngoằn ngoèo. Tiếng trống cơm, tiếng đờn cò và tiếng chập chen nổi lên từng hồi. Miệng Thầy Ba phun ra lửa, những đám lửa bùng lên, bay qua người má tôi. Tôi tự hỏi, không biết lửa có làm má nóng không? Lỡ nó đốt cháy má thì sao? Thầy Ba bỗng nhảy lùi lại thật nhanh, giương cung bắn liên tiếp mấy mũi tên vào cái hình nộm trên vách. Rồi tất cả im lặng, kết thúc.

Khi tôi tuột xuống mò vô nhà đã thấy tám cái tĩnh xếp chồng lên nhau, mỗi bên bốn cái, dựng đứng trên hai khúc cây chuối chôn trong hai cái hố đầy trấu đang bốc khói. Không còn gì để xem, đám con nít tản ra, người lớn cũng lần lượt ra về, chỉ còn ba tôi ngồi bên má, im lặng.

Sáng hôm sau, ba cõng má xuống ghe để đi Cổ Cò “trị bệnh”. Dượng Tư và Thầy Ba cũng đi theo. Dì Tư đỡ má dậy, lau mặt, chải tóc cho má. Tóc má tôi đen, dài, trải xuống giường; dì Tư phải ngoai lên mấy vòng mới chải được. Má nhìn chầm chậm như muốn tìm cái gì đó. Má biểu tôi đem Út Phượng lại, nhưng má không bồng nó mà chỉ nhìn. Cái nhìn lạ lắm.

Ba má đi rồi nhà tôi trở nên vắng vẻ. Những tiếng la ó, cãi cọ của mấy chị em tôi thường ngày không dễ gì dẹp được, bây giờ cũng không nghe. Anh Hai, chị Ba không bước ra khỏi nhà và tự nhiên trở nên siêng năng lạ lùng. Cả đêm anh Hai không ngủ, phụ tôi và chị Ba dỗ dành Út Phượng và giữ bếp đỏ than để nồi cháo của Út Phượng luôn luôn nóng. Tôi nằm với Út Phượng trên võng. Cái võng nhỏ xíu, làm bằng tấm ga trắng xếp đôi giăng giữa mùng. Anh Hai đã khoét hai cái lỗ trên vách mùng để buộc dây lên cây kèo tre. Tôi thầm tự hào vì Út Phượng chỉ chịu nín khi nghe tôi hát. Mỗi lần nó khóc tôi phải ngồi dậy cất tiếng: “Ầu ơ…ví dầu…”. Ban đầu tôi hát lớn, sau nhỏ dần, rồi nín hẳn theo con mắt từ từ khép lại của tôi. Có lúc miệng tôi ầu ơ mà mắt nhắm nghiền, Út Phượng ngưng tiếng khóc là lập tức tôi ngưng tiếng hát, cho dù câu hát dang dở nửa chừng. Tôi nghĩ bụng, mai má về sẽ kể cho má nghe chuyện Út Phượng nhõng nhẽo, chuyện tôi phải thức cả đêm để đưa nó… Thế nào má cũng khen tôi giỏi. Tôi không biết rằng đêm ấy, cảnh ấy sẽ kéo dài suốt những năm tuổi thơ của tôi. Tôi còn phải tập nấu cơm, giặt đồ, quét nhà; tập tắm em, vá quần áo; tập bắt ốc hái rau để phụ ba lo cho các em đủ no cơm ngày hai bữa. Tôi phải tập làm tất cả những công việc trong nhà, kể cả mỗi ngày phải bồng Út Phượng đi bộ ba bốn cây số lúc trời còn chưa sáng để đi chích thuốc. Dẫu tôi là con bé gầy nhom, cao chỉ bằng cái lu đựng nước; nhưng tôi không được sợ ma dù xung quanh vắng ngắt, không được vấp té dù đường trơn trợt và tối đen như mực. Và nhất là, tôi không có quyền nghĩ đến chuyện đi học nữa. Bởi vì sáng hôm ấy, chiếc ghe chở má tôi trở về. Má tôi đã chết khi chưa kịp tới nhà một ông thầy pháp khác! Khi nghe tiếng kêu thất thanh của thằng Ngưu tôi chỉ muốn úp mặt xuống đất. Mặt đất bỗng vàng khè, chao đảo dưới chân tôi. Tôi muốn hét lên, muốn kêu trời, gọi đất; nhưng môi tôi run run, người tôi tê dại. Tôi lùi lại ôm cây cột nhà, miệng lắp bắp: “Mày nói bậy, nói bậy! Má tao không chết! Không!...”.

Má ra đi mang theo cả tuổi thơ của tôi, sự đầm ấm, hạnh phúc của gia đình tôi. Sau đám tang má, ba tôi bán chiếc ghe - là phương tiện làm ăn duy nhất của gia đình - có lẽ để xóa đi kỷ niệm đau buồn. Anh Hai lên Sài Gòn làm công cho một hãng dệt, chị Ba đi giữ quầy cho một tiệm cầm đồ ở Mỹ Tho để có tiền phụ ba nuôi sống gia đình. Chỉ qua mấy ngày, từ đứa bé ngây ngô chỉ biết rong chơi, chuyện tắm rửa, học hành phải có người nhắc nhở, tôi đã trở thành người lớn, người nội trợ chính trong gia đình. Mỗi ngày qua đi, sự thiếu vắng má càng trở nên rõ ràng, sâu sắc trong tôi. Nhìn chỗ nào tôi cũng thấy hình ảnh má, từ dấu mòn trên cán liềm cắt lúa, miếng vá trên áo tôi, đến dấu chày nện trên cái nền nhà nứt nẻ. Gốc dừa quỳ là nơi chiều chiều má tắm chúng tôi, cây cầu u là chỗ má thường ngồi giặt quần áo… Đêm đêm, tôi ngỡ như thấy bóng má chập chờn ngoài vách mùng. Má lắc võng, quạt muỗi lúc tôi ngủ quên. Tôi nhớ má lắm, chỉ mong được gặp lại má một lần, dù là trong chiêm bao; nhưng ngay cả những giấc chiêm bao của tôi cũng nặng nề, u ám. Lần đầu, tôi thấy lửa từ miệng Thầy Ba bay qua người má. Má tôi chồm dậy định chạy đi, nhưng Thầy Ba đã giương cung bắn vào má. Tôi thét lên, tỉnh giấc. Tôi không kể với ai về giấc mơ đó, nhưng nó ám ảnh tôi suốt những năm tuổi thơ. Trong đầu tôi cứ lảng vảng câu hỏi: “Má chết vì bệnh, hay vì bị Thầy Ba bắn?”. Rõ ràng hôm ấy tôi thấy Thầy Ba bắn vào hình nộm mà? Lần sau tôi lại mơ thấy tấm vải đỏ lắc lư trên người ông Đồng Khương bỗng bay vào nhà, quấn chặt vào cổ má tôi. Tôi chồm lên, vừa la vừa cố sức gỡ nó ra, nhưng không được. Người má tôi tự dưng tan thành khói, trong tay tôi chỉ còn lại mảnh vải đỏ ma quái. Câu hỏi về cái chết của má ngày càng bám chặt lấy tôi. Những giấc mơ của tôi chỉ toàn màu đỏ; màu đỏ của lửa, của tấm vải màn nhà thầy Ba và cái khăn phủ trên đầu ông Đồng Khương.

Khi lớn hơn, tôi dần dần nhận ra cái chết của má tôi là oan uổng. Má tôi không chết vì bệnh hiểm nghèo, mà chết vì sự mê muội của những người thân. Nỗi nhớ má khắc khoải, da diết trong tôi biến thành nỗi đau, một nỗi đau mà cả nhà tôi không dám nhắc đến.

Bây giờ, đã mấy mươi năm trôi qua mà người dân xứ này vẫn chưa tỉnh, vẫn còn đổ lỗi cái chết của cậu tôi là do ba tôi lấy cốt má mà ra. Nhưng dẫu sao cậu tôi cũng được tới bệnh viện, cũng được biết vì sao mà chết. Còn má tôi? Rốt cuộc má tôi chết vì bệnh gì? Thương hàn, viêm gan, viêm ruột thừa, hay một thứ bệnh nào khác? Điều chắc chắn là má tôi sẽ không chết nếu như được đưa tới bệnh viện, hay đi bác sĩ. Ba tôi đã nghe theo họ hàng, tin vào sự linh thiêng của vùng đất đó mà bỏ thầy thuốc chạy theo thầy pháp, hại chết má tôi, làm tan nát gia đình tôi. Vậy mà bây giờ ba tôi còn bị lên án là người vô thần, vi phạm những điều cấm kỵ mới làm chết cậu tôi. Chuyện như vậy mà người ta vẫn tin, vẫn nghe và vẫn còn tồn tại ngay trong cái xã hội này. Có phải chính vì nỗi đau không dám kể, sai lầm không dám thừa nhận, mà một lần nữa ba tôi trở thành nạn nhân của sự mê tín?

 

Ngọc Thủy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 88)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 424
  • Khách viếng thăm: 420
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 61174
  • Tháng hiện tại: 2225834
  • Tổng lượt truy cập: 46193067