Mưa trên phố

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2018 13:37
Sài Gòn ngày xưa, mỗi khi trời mưa, cảnh vật và con người thật lãng mạn. Bọn sinh viên chúng tôi áo dài tơ, guốc thuyền, súng sính trong những chiếc áo mưa trong suốt hoặc màu sắc hoa văn hực hở chở nhau trên những chiếc xe đạp, hoặc chung dù chung nón tản bộ dưới những hàng cây, lá me bay lất phất, mưa bay lất phất, có đôi bạn hứng khởi đọc thơ cho nhau nghe, hoặc hát nho nhỏ hay tâm sự thầm thì trên những chiếc xích lô đã phủ mui kín. Có nhiều chuyện tình sinh sôi nẩy nở từ những cơn mưa dầm, họ nhờ mượn nhau những chiếc áo mưa hay có lúc cùng trú bên mái hiên nhà ai mà quen biết rồi nên vợ nên chồng.

Tôi cũng có mối tình “mưa” thật dễ thương. Cơn mưa “bóng mây” sau buổi tan học khiến chúng tôi nép vội vào  gốc cây sao bên đường. “Người ấy” móc vội chiếc áo mưa đưa cho tôi để che mảng áo vừa  ướt vai, ngần ngừ giây lát rồi tôi cũng cầm. Từ đó, sau mỗi buổi tan trường, tôi bắt đầu “có đuôi”. “Cái đuôi” của tôi thường mơ ước trời mưa mỗi khi chung đường, vì trời mưa “người ấy” mới chở được tôi sau xe đạp, còn trời nắng thì… đường ai nấy đi, chân ai nấy bước. Ngày xưa là vậy, e ấp ngại ngần lắm, phải có cớ gì đó tác động từ bên ngoài mới thân mật được với nhau. Vậy mà đẹp, đẹp đến khó quên!  

Mưa Sài Gòn xưa không tối trời tối đất  như bây giờ mà cơn mưa thường láy pháy hoặc  chóng vánh, bất ngờ. Có khi mưa cầm chỉnh cầm đổi, có lúc sáng nắng chiều mưa, có hồi đang mưa  mà nắng, có cơn  mưa chỗ này mà chỗ kia ráo hoảnh khiến người đi đường không biết đâu mà lần. Tự nhiên đang nắng chang chang, trời xanh trong vời vợi, có đám mây đen chen  ngang, vần vũ giây lát là đổ mưa, mưa ngon mưa ngọt  khiến người đi  ướt như chuột lột, các cô gái áo dài  sũng nước, lụa là dính vào da thịt trông thật quyến rũ mà cũng thật… tội. Có khi mặc  áo mưa chưa kịp gài nút thì “Ổng” đã tạnh rồi. Sau cơn mưa, đường sá loang loáng sạch sẽ, cây lá xanh mướt mát mẻ, con người nhẹ nhàng thư thái vô cùng.

Trời mưa, nghe tiếng rao “Chí mè phủ... Chí mè phủ…” của bà già Tàu hay tiếng chị  bán chè quen thuộc “Đậu xanh, nước dừa, đường cát hôn... ôn...” chúng tôi thường  ngoắc lại, mỗi đứa “giải quyết” hai ba chén mới hết cơn thèm, nhưng món ăn ưa thích nhất là món khoai bắp nướng. Trời mưa mà “gặm” trái bắp nướng bùi bùi, béo béo, miếng khoai khen khét thơm thơm, ngọt lịm thì có gì bằng. Để tiết kiệm tiền, chúng tôi thường tạt qua mấy vựa bắp khoai ở chợ Cầu Muối mua mấy chục bắp non, vài kí lô khoai sữa, rồi bên bếp lửa than rực hồng, mọi người tha hồ nướng, tha hồ nhai. Tiếng than nổ tí tách, tiếng cười tiếng nói râm ran khiến cho đám khoai bắp chẳng mấy chốc bị “ tiêu diệt gọn”.

Trời mưa mà vào các quán cà phê một mình, nhâm nhi tách cà phê để nghe vị đắng thơm mà nghiền ngẫm sự đời hay thấm thía nỗi buồn riêng tư mà chỉ có riêng mình hiểu thấu.

Minh họa: Nguồn Internet

Mưa bây giờ là những cơn mưa đầm đìa nước, nghênh ngang trên đường những “lô cốt” đọng đầy nước mưa đục lừ, rác rưới, xác chuột chết trôi theo dòng nước ngập lút bánh xe, dòng nước đục chảy cuồn cuộn như một dòng sông, xe cộ chen chúc nhau qua những chướng ngại vật, nước mưa dơ bẩn bắn tung tóe vào mặt, vào đầu người đi đường. Tuổi trẻ bây giờ không còn thong dong dạo chơi, hẹn hò  dưới mưa mà phải khẩn trương về nhà hoặc đến trường, đến sở làm cho kịp “con nước”, vì càng mưa, đường phố càng ngập chìm như bão lũ miền Tây. Trẻ con không có không gian để nô đùa trong mưa, bọn chúng cũng tranh thủ thời gian y như người lớn vì dù cho mưa gió bão bùng cỡ nào cũng phải cố gắng “chạy sô” cho kịp các loại lớp học. Người đứng tuổi dầm mưa coi chừng bị cảm cúm, bị các bệnh thời đại như viêm họng, viêm a mê đan, viêm phế quản, viêm phổi... Người già càng không dám ra mưa vì sức đề kháng làm sao chống chọi nổi với những giọt mưa đã bị ô nhiễm đậm đặc.

Nước mưa bây giờ không còn tinh khiết, ngọt ngon như xưa. Người nông dân ngày trước nâng niu lu nước mưa như một loại thức uống quí trong nhà. Sau mấy trận mưa đầu mùa, các bà nội trợ bắt đầu hứng nước vào các mái đầm, đậy đệm cẩn thận, có người còn bỏ trái bí đao vào cho tan ra trong nước để uống cho mát, nước được bảo quản kỹ lưỡng để cho cả gia đình dùng suốt năm, chờ mùa mưa tới. Ngày nay, họ không dám uống nước mưa vì khói bụi của các khu công nghiệp thải ra làm vẩn đục bầu trời, không chỉ trong nước mà cả một  tầng khí quyển đang có nguy cơ bị hủy hoại.

Không biết có thành phố nào trên thế giới có mật độ mưa dày như ở xứ mình hay không, khí hậu chỉ có hai mùa mưa nắng và những cơn mưa bây giờ là nỗi ám ảnh thường xuyên của các tầng lớp thị dân, nhất là đối với dân lao động. Riêng tôi, để cho lòng được nhẹ nhàng hơn, mỗi khi đi dưới mưa thường nhớ về năm xưa năm xửa, những ngày áo dài tơ, guốc mộc, thong thả đi cùng mưa mà tâm hồn thư thái lâng lâng, rồi lại nghêu ngao hát: “Tháng Sáu trời mưa… trời mưa không dứt… Trời không mưa… Anh cũng lạy trời mưa…”

Kim Quyên
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 87)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 254
  • Khách viếng thăm: 253
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 50578
  • Tháng hiện tại: 2283128
  • Tổng lượt truy cập: 46250361