Thầy Năm Tú

Đăng lúc: Thứ hai - 03/06/2019 15:42
Khi màn đêm buông xuống Mỹ Tho cũng là lúc những trụ đèn sắt tỏa ánh sáng nhợt nhạt đủ soi lờ mờ con đường chạy cặp bờ sông, nơi có ga xe lửa đi Sài Gòn. Ánh sáng từ những chiếc đèn carbure đặt trong lồng kiếng chạm trổ đẹp mắt của người Pháp đem sang tuy yếu ớt nhưng đêm nay vẫn đủ sức tỏa sáng cả một vùng bên vàm Bảo Định bởi hàng trăm chiếc đèn lồng thấp nến treo trước nhà hàng khách sạn Minh Tân. Đêm nay nơi đây quy tụ hàng trăm thực khách được mời đến dự tiệc ăn mừng cô Mary Kiều Loan, con gái ông phán Sửu vừa đậu bằng Thành Chung (Diplome). Tiếng là thi đậu, thực ra kết quả này là do cha cô đã cậy quan Đốc học cúi lòn, lo lót từ trên xuống dưới chẳng biết bao nhiêu là cọc giấy “xăn” (cent). Mặc kệ! Tốn kém bao nhiêu cũng được, miễn đứa con gái rượu của ông giựt được cái bằng cấp cao quý ấy cho rỡ ràng gia đình dòng họ bởi lẽ lúc bấy giờ phụ nữ cả nước được vinh dự ấy chưa được năm trăm người. Vả lại, ông Phán đã xin được cho con gái vào làm việc ở Tỏa Sứ, vừa có tiền, vừa có danh vọng, lại được quen lớn với nhiều quan Đại Pháp, còn gì bằng! Chính vì thế, bữa tiệc hôm nay, ngoài hàng trăm quan chức làm việc cho Pháp trong và ngoài tỉnh từ các quan Tham, quan Phán, quan Đốc, cho đến các thầy Trợ giáo, thầy Thông, thầy Ký… còn có các quan lại Nam triều như quan Huyện, quan Phủ, hương chức hội tề địa phương...kể cả các lão bá hộ, các chàng công tử có tiếng trong vùng. Đặc biệt, đêm nay, ngoài những bàn tiệc trên chục món sơn hào hải vị, thực khách còn được chiêu đãi một bữa tiệc tinh thần do ban đờn ca tài tử Nguyễn Tống Triều, một ban đang lừng danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh đến biểu diễn.

Chưa đến giờ mời, thực khách đã kéo tới khá đông, toàn là bậc thượng lưu sang trọng, lớp trẻ thì nam thanh nữ tú thi nhau ăn diện đúng mốt, nam đầu cắt ca rê, áo sơ mi, cổ thắt nơ, nữ tóc uốn quăn hoặc thả bính, áo đầm xòe lè loẹt, tươi cười rạng rỡ. Đối với họ, được mời đến đây hôm nay là một danh dự lớn, không chỉ là được thưởng thức những món ăn ngon, nghe đờn ca tài tử mà là dịp để phô trương thế lực, rằng mình thuộc thành phần sang trọng, quý phái mới được kết thân với gia đình ông Phán, một tầng lớp danh gia vọng tộc trong xã hội. Ông bà Phán Sửu và cô con gái cưng đến từ chiều sắp xếp mọi việc cho chu tất để đón khách quý.

Khoảng bảy giờ rưỡi, một chiếc xe hơi hiệu Delahaye dừng lại trước khách sạn. Bước xuống xe là một người đàn ông trung niên, mặc áo sơ mi trắng dài tay, cổ thắt cà vạt đỏ, chân đi giày Tây bóng ngời, trông thật sang trọng. Đó là Pierre Tú, một thầy giáo gốc người Vĩnh Kim, tuy ông đã thôi nghề dạy học nhưng mọi người vẫn gọi là thầy Năm Tú. Ông mang quốc tịch Pháp, nổi tiếng giàu có và “chịu chơi”, danh tiếng vang khắp lục tỉnh, chỉ thua Hắc công tử ở Bạc Liêu và Bạch công tử ở Mỹ Tho. Ngoài tài lịch thiệp, nhạy bén trong làm ăn, thầy Năm Tú là một người rất yêu nghệ thuật. Ông quen hầu hết các Thầy đờn, tài tử ca nổi tiếng của Nam Kỳ Lục Tỉnh bấy giờ. Khi nghe các ban đờn ca biểu diễn ở các lễ cúng đình, giỗ chạp ở các gia đình giàu có, ông thường đến xem và “chi sộp” cho anh em những số tiền khá lớn để ủng hộ. Đêm nay, được ông Phán Sửu mời đến dự tiệc, lại nghe có ban đờn ca tài tử Tư Triều phục vụ, thầy Năm thích lắm. Vì thế, dù đang có công việc riêng ở Sài Gòn, ông cũng tranh thủ lái xe về dự.

Vừa bước vào cửa, thầy Năm Tú đã được ông Phán Sửu đon đã tiếp đón. Ông giới thiệu những quan chức có quyền lực trong tỉnh. “ Ô! Bonjour! Bonjour monsieur Tú!”. Ông bắt tay họ một cách miễn cưỡng, xã giao dăm ba câu rồi trở về vị trí của mình, chăm chú nhìn về một góc khán phòng, nơi vang lên những tiếng đờn. Dàn nhạc gồm có năm người, bốn nam một nữ. Dàn ca có hai tài tử nữ. Đàn ông mặc áo xuyến đen dài, quần lụa bóng màu trắng, chân đi giày “ma-mị”, đầu quấn khăn nhiễu đen; phụ nữ mặc áo dài đen, tóc búi bánh tiêu, cổ và tay đeo đầy vòng xuyến.

Ông bà Phán Sửu dắt con gái cưng ra trình diện, không quên đưa cao khung bằng cấp Thành Chung cho mọi người xem trong tiếng vỗ tay vang dậy. Quan khách lần lượt lên tặng quà, nào là bao thơ, quần áo, cả những món nữ trang quý báu. Thầy Năm Tú cũng tặng cho cô Mary Kiều Loan một hộp son phần đắc giá, loại của Pari chính hiệu. Gia đình chủ nhân, nhất là cô Mary choáng ngợp trong hào quang danh vọng và giá trị vật chất vừa nhận. Ông Phán Sửu mời quan khách thưởng thức chương trình đờn ca tài tử trướng khi nhập tiệc. Khán phòng bổng im phăng phắc. Tất cả hướng về một góc phòng, nơi có bày bộ ván gỏ và mấy chậu kiểng, có năm thầy đờn và hai tài tử ca ngồi sẳn.

Một người trong ban tài tử bước ra cúi chào trịnh trọng giới thiệu:

- Ban đờn ca tài tử Nguyễn Tống Triều xin kính chào bà con cô bác mộ điệu. Xin giới thiệu dàn nhạc chúng tôi gồm có: Ông Tư Triều, trưởng ban, đờn kìm, ông Chín Quán đờn độc huyền, ông Mười Lý thổi tiêu, ông Bảy Vô đờn cò và cô Hai Nhiễu, con gái của ông Tư Triều đờn tranh vừa ca- Dàn ca có cô Ba Đắc, cô Năm Thoàn, con gái của nhạc sư Lê Văn Huệ.

Chương trình gồm có các bài hòa tấu, hòa ca mà Thầy Năm Tú đã từng nghe như: bài “Bá Lý Hề” theo điệu Văn Thiên Tường của Ký Quờn sáng tác năm 1907, “Nơi đài văn minh” theo điệu Tứ Đại Cảnh, bài “Tô Huệ chức cẩm hổi văn” theo điệu Nam Ai, do Mạnh Tự Trương Duy Toản sáng tác năm 1906, bài “Thương con gà chết” theo điệu Ái Tử kê, “Khương Thượng Tử Nha” theo điệu Lưu Thủy Trường do ông Hoàng Huấn Trai sáng tác năm 1908.

Thầy Năm Tú say sưa như muốn nuốt chửng từng ngón đờn, từng tiết mục.

Nhứt là ngón đờn kìm của Tư Triều. Từng giọt âm thanh buông ra từ ngón tay ông như những mũi kim đâm xoáy vào trái tim người nghe. Vốn là người có tâm hồn khá cứng rắn nhưng khi nghe  ông Tư đờn các bài Nam Ai, Văn Thiên Tường, Giang Nam, thầy Năm Tú không thể dằn lòng, những giọt nước mắt cứ muốn trào dâng theo độ run nhấn cữ “xang” trên phím đờn. Ngón đờn kia nhắc ông nhớ tới lời nói của ông Diệp Văn Cương, một quan lại triều đình Huế về hưu ở Sài Gòn: “Khi nghe Tư Triều đờn kìm rồi tôi không còn muốn nghe ai đờn nữa cả!”.

Giọng ca của cô Hai Nhiễu đêm nay cũng để lại cho người nghe những ấn tượng sâu sắc. Cô từng làm say đắm tâm hồn của không biết bao nhiêu đấng “tu mi nam tử”, từng vang danh với bài Giang Nam “Đêm xuân” của Phan Đăng Đàng mở đầu với câu: “Đêm đêm xuân là đêm đêm xuân…”
 

Minh họa: Thanh Sơn

Đặc biệt nhất là tiết mục Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm Nguyệt Nga” của soạn giả Trương Duy Toản do cô Ba Đắc thể hiện đã thực sự làm cho Thầy Năm Tú hồn xiêu phách tán. Cô Ba vừa đẹp, vừa ca hay lại có tài diễn xuất ra điệu bộ khi thể hiện cả ba nhân vật với ba tính cách khác nhau trong bài ca. Thực ra, thầy Năm Tú đã được thưởng thức tiết mục này một lần khi dự xem chương trình tài tử do ông Tống Hữu Định, còn gọi là ông Phó Mười Hai, người sáng tạo ra lối hát tài tử có ra bộ nầy, tổ chức ở Vĩnh Long. Đêm nay, cô Ba Đắc ca diễn một mình nhưng đã tạo được sức sức lôi cuống mãnh liệt khiến thầy Năm Tú bổng nẩy ra một suy nghĩ  rất lạ. Dù những ý tưởng ấy ẩn hiện trong đầu như một cuồn chỉ rối nhưng bỗng dưng ông thấy lóe lên những tia hy vọng về một tiền đồ xán lạn cho nghệ thuật đờn ca nầy.

Chương trình đờn ca tài tử kết thúc trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ của nhiều người. Trước khi vào tiệc, một đại diện của Ban tài tử lịch sự đứng lên nói:

- Kính thưa tất cả các quan lớn và quý khách có mặt hôm nay, ban đờn ca tài tử chúng tôi đã đem hết khả năng ra phục vụ. Nếu có điều chi sơ sót xin chư vị thứ lỗi và chỉ giáo!

Đây là những câu nói khiêm tốn, lịch sự của ban tài tử sau mỗi lần kết thúc chương trình phục vụ bất kỳ ở đâu. Và bao giờ họ cũng nhận được vô số những lời ngợi ca và tiếng vỗ tay tán thưởng. Đêm nay cũng thế, những tràng vỗ tay giòn giã như pháo tết vang khán phòng. Ban tài tử đứng lên cúi đầu đáp lễ.

Chợt Tư Triều lên tiếng, giọng không được vui:

- Tôi thấy ông Pierre Tú không vỗ tay lại ngồi cúi gầm mặt. Hẳn là ông không vừa lòng qua chương trình của chúng tôi?

Thầy Năm Tú giật mình trước câu hỏi ấy, vội đứng lên:

- Không không! Tài đờn ca của anh Tư và quý ban cả Lục Tỉnh nầy có ai sánh bằng. Tôi thật tâm bái phục, bái phục! Chương trình đờn ca của quý ban, nhất là bài Tứ Đại Oán của cô Ba Đắc đã làm tôi suy nghĩ và mơ ước vươn lên một đỉnh cao mới để nghệ thuật cầm ca khởi sắc hơn. Giá như…

Giọng ông trưởng ban run lên vì giận:

- Ông Pierre Tú, ông có thể chê thẳng, chúng tôi sẳn sàng lĩnh giáo!

- Anh Tư, anh hiểu lầm ý tôi rồi. Tôi chỉ muốn nói là…

Thấy tình hình có vẽ căng thẳng, ông Phán Sửu lên tiếng :

- Thôi thôi, chúng ta bỏ qua chuyện đó đi, mời tất cả quý khách bước sang phòng bên nhập tiệc!

Tất cả mọi người đứng lên kéo sang phòng tiệc. Bên tai thầy Năm văng vẳng những lời bình phẩm:

- Người ta ca hay đờn giỏi như vậy mà chê là sao?

- Khắp Lục Tỉnh có ban nào hơn ban này đâu mà chê?

- Nghe nói từ trước tới giờ ông Pierre Tú rất thích ban đờn ca của Tư Triều, sao hôm nay lại nói vậy?

- Họ ganh tỵ nhau đó mà!

Đầu óc Thầy Năm Tú quay cuồng với những lời bình phẩm ấy. Ông ân hận vô cùng. Chỉ vì một câu nói chưa tròn vẹn mà vô tình gây ra sự hiểu lầm làm rạn nức tình tri kỷ giữa ông với Tư Triều, người nhạc sĩ tài ba mà ông luôn kính mến. Thầy Năm Tú đứng lên, đảo mắt nhìn khắp phòng ăn rộng lớn của nhà hàng xem Tư Triều ngồi chỗ nào để ông đến giải tỏa sự hiểu lầm. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một tài tử nào dự tiệc. Ông tìm hỏi Phán Sửu mới biết ban tài tử đã xin phép về sớm vì bận việc.

Phán Sửu quả quyết:

- Tôi biết chắc là họ bỏ về vì tự ái trước câu nói của ông, ông Pierre à!

- Tôi vẫn một lòng quý trọng tài năng của các tài tử ấy mà!

Phán Sửu nhấn mạnh từng tiếng :

- Ông đã nói: “Tôi đang suy nghĩ và mơ ước vươn tới một đỉnh cao nghệ thuật mới khởi sắc hơn. Giá như… ”, đúng vậy không?

-  Thực sự tôi đã nói như vậy!

Phán Sửu quả quyết:

- Câu nói của ông như một gáo nước lạnh tạt vào mặt họ, ông biết chứ?

- Thực tình tôi không hiểu ý ông!?

- Một ban đờn ca tài tử nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh, được mời biểu diễn tại Hội chợ đấu xảo ở Maseille từ năm 1906, được nhà hàng khách sạn Minh Tân của Giber Trần Chánh Chiếu, thầy Hộ chủ rạp chiếu bóng Casino ở Mỹ Tho, nhà hàng Cửu Long Giang ở  Sài Gòn mời biểu diễn hàng tuần, chưa có ban tài tử nào được ái mộ đến thế. Vậy mà ông Pierre bảo là cần vươn tới một đỉnh cao nghệ thuật là sao?!

Thầy Năm Tú khẳng định:

Nghệ thuật là vô bờ bến! Tôi không chê ban Tài tử anh Tư Triều nhưng tôi nghĩ đây là nền tảng để hình thành một loại hình nghệ thuật khác hay hơn nữa!

Phán Sửu mai mỉa: 

Ông nghĩ là mình sẽ làm được sao?

Tôi hoàn toàn tin tưởng chuyện ấy!

Phán Sửu bỉu môi :

- Ảo tưởng!

Ông Phán tỏ thái độ nóng giận vì nghĩ rằng thái độ cao ngạo của Pierre Tú đã làm ảnh hưởng đến ngày vui của gia đình ông.

Thầy Năm Tú nhìn mọi người cụng ly chúc mừng Mary Kiều Loan với những lời tâng bốc tận mây xanh. Ông lặng lẽ tách rời đám đông lái xe rời nhà hàng…

*

Nghe tiếng xe hơi dừng lại, người đàn ông đeo kính đen, có ria mép, lứa tuổi trung niên vội ra mở cổng. Kiểu cách ăn mặc chứng tỏ ông ảnh hưởng lối sống Tây Âu. Chiếc áo bành tô (paletot) bằng vãi bố trắng, cổ đứng có một hàng nút lớn bằng sa cừ kết ở giữa, đội mủ trắng, giày Tây ống cao ( bottine).Vừa thấy người quen, ông reo lên:

- Ô! Mông-sừ  Pierre Tú! Moa chờ toa từ sáng đến giờ, cứ nghĩ là toa bận việc không tới!

Thầy Năm Tú tươi cười:

- Sa Đéc với Mỹ Tho có xa xôi gì!

- Mời toa vô nhà dùng trà đã!

Người đàn ông đón thầy Năm Tú chính là André Lê Văn Thận, chủ của một gánh xiệc lớn tên Tân Nam Việt (Cirque du jeune Annam) từng đi lưu diễn khắp lục tỉnh và Sài Gòn. Đây là gánh hát xiệc lớn đầu tiên ở Nam Kỳ dựa theo mô hình gánh xiệc Huê Kỳ Harmsfrong- cireus. Từ năm 1915, ông Phó Mười Hai tức Tống Hữu Định ở Vĩnh Long đáp xe hỏa về Sài Gòn ghé nghỉ đêm ở Mỹ Tho được xem ban Nguyễn Tống Triều đờn ca có tiết mục  “Bùi Kiệm Nguyệt Nga” do cô Ba Đắc trình ca có diễn. Cô ra bộ đưa tay lên xuống, dù ngồi yên một chỗ nhưng trông cũng khá lạ mắt. Trở về, ông nhờ người chỉnh sửa bài ca thành ba nhân vật Bùi Kiệm, Bùi Ông và Nguyệt Nga cho diễn. Ông André Thận thấy hay đem phụ diễn trước khi hát xiệc rất được khán giả hoan nghinh. Khi gánh xiệc Tân Nam Việt trình diễn tại Mỹ Tho, đêm nào thầy Năm Tú cũng đến, chủ yếu xem mấy màn ca ra bộ phụ diễn, từ đó càng thôi thúc ông đi tìm một loại hình nghệ thuật mới.

Vừa rồi, thầy Năm Tú tình cờ gặp André Thận ở Sài Gòn. Ông kể lại câu chuyện hiểu lầm xảy ra ở nhà hàng khách sạn Minh Tân hôm ấy đồng thời nói luôn suy nghĩ của mình là muốn sáng tạo một loại hình nghệ thuật mới trên cái nền âm nhạc tài tử của cha ông. Loại hình đó là gì ông cũng chưa biết. Nhưng khi tiếp cận với kịch nghệ Tây Âu và đờn ca tài tử của xứ mình, ông nghĩ có thể phối hợp thành những vở hát hấp dẫn. Loại hình hát bội cũng kết hợp những điệu hát Nam, hát khách, nói dặm, nói thơ… phối hợp với những động tác diễn xuất ước lệ đã một thời tạo nên sức cuốn hút ma mị làm say đắm người xem qua các vỡ tuồng. “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, “Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ”, “Triệu Tử Long đoạt ấu chúa”, “Quan Công phò nhị tầu”… làm khán giả mê mẩn. Ta không dùng nhạc tài tử để đưa lên sân khấu những cốt chuyện từ lịch sử dân tộc không? Câu hỏi ấy cứ bám theo thầy Năm Tú, ngay cả trong giấc ngủ. Các điệu tài tử lại vô cùng phong phú, đủ sức diễn tả mọi cung bậc cảm xúc của con người. Thật ra, thầy Năm Tú ấp ủ điều nầy lâu rồi nhưng còn do dự. Đến khi các tiết mục tài tử có ra bộ của các huynh đệ tài hoa của xứ Vãng như Phó Mười Hai, Kinh Lịch Quờn, Phan Đăng Đàng, André Thận xuất hiện, ông càng tự tin và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình.

Nghe xong, André Thận gật gù thầm thán phục những ý tưởng nghệ thuật mới mẽ của Thầy Năm. Ông nói:

- Giờ moa có hẹn phải đi gấp. Hẹn toa sáng chủ nhật tuần sau tại nhà moa ở Sa Đéc ta sẽ bàn tiếp. Chắc chắc moa sẽ ủng hộ toa hết mình và sẽ giúp đở toa nhiều chuyện trong việc này!

Sau lần gặp gỡ ấy, thầy Năm Tú thấy phấn khởi vô cùng và mong cho đến ngày chủ nhật. Chẳng biết André Thận có giúp ông được gì không nhưng trong lúc này thầy Năm chỉ cần sự động viên, ủng hộ của mọi người đối với việc làm của mình là quý lắm rồi!

André Thận rót tách trà vô-lông mời bạn. Vừa lúc ấy có chiếc xe lôi dừng ngoài cổng. Gương mặt ông tươi lên :

- Ô! Trương tiên sinh đã tới!

Rồi vội vã chạy ra cổng đón khách mới vào. Đó là một người đàn ông trạc ngũ tuần, mắt sâu, má cóp, lại thêm hàm râu dài dưới cằm nên trông già trước tuổi. Ông mặc áo dài đen, quần lãnh trắng, đầu đội khăn đóng, thoáng trông ai cũng đoán biết đó là một môn sinh của cửa Khổng sân Trình.

André Thận giới thiệu:

- Đây là tiên sinh Mạnh Tự Trương Duy Toản, người Vũng Liêm, xứ Vãng!

Thầy Năm Tú mừng rỡ reo lên:

- Ô! Tôi nghe danh tiên sinh rất lâu, tâm đắc với những bài ca sâu sắc của tiên sinh mà chưa có dịp gặp mặt, hôm nay thật hân hạnh!

-  Cách đây mấy hôm moa sang Vãng chơi tình cờ gặp Trương tiên sinh. Nghe moa kể về ý định của toa, tiên sinh rất ủng hộ. Sẵn dịp moa mời tiên sinh tới hôm nay để gặp toa. Biết đâu toa sẽ được lĩnh hội nhiều ý kiến quý báu!

Mạnh Tự tử tốn:

- Không dám, không dám!

Bề ngoài Mạnh Tự giống như một nhà Nho nhưng thực ra ông đã từng theo học quốc ngữ và Pháp ngữ ở Sài Gòn, từng làm Kinh kịch tòa Khâm sứ tại Nam Vang. Suốt thời gian dài ông tham gia Hội Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu, từng  sang Nhật hoạt động phong trào Đông Du, làm thư ký cho nhà cách mạng Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Ông bị Pháp bắt quản thúc tại Pyrénées, sau đó giam vào ngục Santé Prison de la Sant. Năm 1916 bị trục xuất về nước và bị nhà cầm quyền Pháp đưa xuống an trí ở làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ. Trong thời gian hoạt động cách mạng và ngay cả lúc bị giam cầm, Trương Duy Toản đã sáng tác nhiều bài ca có nội dung cổ vũ tinh thần dân tộc, lòng ái quốc đồng thời bộc bạch tâm sự trước cảnh nước mất nhà tan, như “ Phan Yên ngoại tiết phụ gian truân”, “Bùi Kiệm thi rới trở về”, “Kim Kiều hạnh ngộ”…

Andre Thận khai mào câu chuyện:

- Thưa tiên sinh, ngài nghĩ sao về ý định thành lập gánh hát kiểu mới của ông Pierre Tú?

Mạnh Tự nhìn thẳng thầy Năm:

- Trước khi nêu chính kiến của mình, tôi muốn hỏi ông Pierre một câu…

Thầy Năm Tú lễ phép:

- Tiên sinh cứ hỏi…

- Ông suy nghĩ kỷ về việc ấy chưa?

- Đó là tất cả tâm huyết của tôi!

Trương Duy Toản gật gù:

- Tốt! Đó là một việc làm đúng đắn, nó không chỉ phát xuất từ tình yêu nghệ thuật mà còn thể hiện lòng yêu nước, bảo tồn văn hóa dân tộc. Đờn ca tài tử là vốn quý trong nền văn hóa dân tộc, ông muốn làm cho nó tỏa sáng hơn nữa bằng sự sáng tạo vừa tiếp thu tiếp thu cái mới của sân khấu Tây  Âu vừa giữ gìn 5 viên ngọc hò, xự, xang, xê, cống của ông cha ta để lại. Quý hóa biết chừng nào, ông Pierre ạ!

- Tiên sinh quá khen làm tôi thấy xấu hổ trong lòng. Thật ra đó chỉ là ý tưởng. Từ ý tưởng đến hiện thực là một quãng đường dài còn phải vượt qua nhiều gian nan và cần sự tiếp sức của nhiều người !

- Đúng đúng! Nhưng khó khăn nào thì với ý chí và quyết tâm, tôi tin là ông sẽ vượt qua tất cả! Có điều…

- Sao, thưa tiên sinh!

  Giọng nói Mạnh Tự chậm rãi, vẽ nghiêm trọng:

- Ông hãy chuẩn bị đối phó với búa rìu dư luận…

- Xin tiên sinh nói rõ hơn…

   Ánh mắt Mạnh Tự nhìn xa xăm, vẽ lo lắng:

- Như các ông đã biết, từ kinh đô Huế xa xôi, nhã nhạc cung đình vào phương Nam kết hợp với những làn điệu dân ca, hò lý nơi vùng đất mới mà hình thành đờn ca tài tử. Nó đã gắn liền với những giọt mồ hôi khai hoang mở đất và những giọt máu giữ gìn thôn xóm. Tiếng đờn, lời ca tài tử đã từng vui buồn với vàm sông Đồng Nai, bến nước Chín Rồng. Cho đến khi các nhạc sư Nguyễn Quang Đại và Trần Quang Quờn cùng các thế hệ môn sinh đã nâng cao, sáng tạo để hình thành hai trường phái nhạc tài tử miền Đông và miền Tây, nhạc tài tử đã trở thành dòng âm nhạc bác học độc đáo, là viên ngọc quý ngày càng tỏa sáng trong tâm hồn người dân Nam Bộ. Đối với họ, đây là đỉnh cao, là thần tượng, là một sự kết hợp âm thanh hoàn chỉnh nhất. Ngày nay, ông Pierre có ý chấp cánh nó để sản sinh một nghệ thuật mới, dù đây không phải là sự phá bỏ mà là một hành động cách tân cũng không sao tránh được những cú sốc trong giới tài tử và người thưởng ngoạn. Thêm vào đó, đờn ca tài tử là một nghệ thuật đang từng bước được đại chúng hóa, không còn là thú tiêu khiển của giới quan lại nhà giàu như khi mới xuất hiện. Giờ đây nó đã  là món ăn tinh thần không thể thiếu, từ giai cấp quý tộc cửa cát lầu son cho đến giới bình dân người bình dân đồng sâu ruộng cạn. Ngoại trừ một số người theo Tây để được hưởng đặc quyền đặc lợi, đa số người dân còn lại đang sống trong gông cùm áp bức, chỉ muốn tung xiềng bứt xích, dù không dám nói ra nhưng mối thù Tây đang đè nặng trong trái tim mọi người. Ông Pierre Tú, xin lỗi, ông lại là người có quốc tịch Pháp. Hành động của ông dễ bị nghi ngờ là phá hoại, biến một bộ môn nghệ thuật dân tộc thành ngoại lai. Tôi thực sự lo lắng sự hiểu lầm đáng tiếc ấy!

Thầy Năm Tú ngồi yên, những nếp suy tư hiện rõ trên vầng trán rộng. Sự biến đổi kinh tế chính trị trước làn sóng xâm lược của thực dân đã đưa đẩy ông vào quốc tịch Pháp. Nhưng gia đình ông đã vươn lên bằng chính tài năng bon chen trong thương trường chớ không hề dựa vào thế lực ngoại bang để bốc lột dân nghèo. Thực tế ở Nam Kỳ, từ khi giặc Pháp áp đặt chính sách bảo hộ, không ít kẻ bám gót Tây để được vinh thân phì gia. Có người khiếp sợ trước binh lực hùng cường, có người khâm phục nền văn minh cơ khí của Pháp mà hùa theo đám quan lại nịnh Tây và tâng bốc chúng bằng những từ như “Quan thầy Đại Pháp”, “Nhà nước Đại Pháp”, “Mẫu quốc Bảo hộ”…Đa số lớp thanh niên có học thời bấy giờ chỉ hướng về hai con đường tiến thân, một là làm quan cho Nam triều, hai là giữ chức lớn trong nhà nước bảo hộ và họ xem đó là danh dự. Thầy Năm Tú có những suy nghĩ trái lại. Ông cảm thấy xấu hổ khi trót mang quốc tịch Pháp và thường khuyên bạn bè hãy bỏ từ “Pierre” khi gọi tên mình. Ông xem đó là một lầm lỡ lớn và tự nguyện sẽ làm cái gì đó để chuộc tội với dân tộc.

Thầy Năm mạnh dạn bộc bạch hết sự trăn trở của mình cho Mạnh Tự nghe. Tiên sinh gật gù trong sự đồng cảm:

- Khi ông có ý phát triển  một bộ môn nghệ thuật dân tộc là tôi đủ biết ông là người như thế nào. Vừa rồi, tôi nêu những điều không hay có thể xảy đến chỉ nhằm cảnh báo để ông chuẩn bị tư thế đối phó. Thật ra, bất cứ cái mới nào xuất hiện, dù mang tính tích cực, cũng bị chống đối. Nhưng thời gian và hiệu quả của việc làm ấy sẽ trả lời tất cả. Mình hành động bằng cái tâm thì không có gì phải chùng bước!

Sau phút im lặng, thầy Năm Tú ngước lên nhìn thẳng vào mặt Trương tiên sinh :

- Gánh hát được thành lập sẽ tạo điều kiện để tôi bộc bạch nỗi lòng của mình bằng những nhân vật, bằng tiếng hát lời ca!

André Thận buột miệng kêu lên:

- Hay! Hay lắm! Moa sẽ ủng hộ toa đến cùng!

Ánh mắt thầy Năm Tú trở nên rạng rỡ hơn. Ông quay về phía Mạnh Tự, cung kính:

- Thưa tiên sinh, tôi phải bắt đầu từ đâu?

   Mạnh Tự đáp ngay :

- Bắt đầu từ việc lập một xác gánh ! Sàn gỗ, phông màn, cảnh trí, đạo cụ… Nó như là một cơ thể phải có nếu muốn tồn tại!

- Việc ấy tôi đã bàn với ông André rồi!

- Ồ! Vậy sao? Mạnh Tự tròn mắt hỏi.

André Thận lên tiếng:

- Phải, thưa tiên sinh! Tôi vốn rất yêu nghệ thuật và gần hai năm qua gánh hát xiệc gắn liền với tôi như hình với bóng. Nhưng nay vì hoàn cảnh tôi phải chuyển hướng làm ăn nên sẽ nhường xác gánh, trong đó có các thầy đờn và tài tử ca, kép có Hai Thông, Tám Cang, đào có cô Hai Mão, Hai Cúc đang rất ăn khách. Tất cả tôi sẽ chuyển cho ông Pierre lập gánh!

Thầy Năm Tú tiếp lời:

- Gánh hát sẽ diễn theo kiểu kịch nghệ Tây phương, mỗi tuồng sẽ có cảnh trí riêng phù hợp, không dùng một cảnh duy nhất mang tính ước lệ như hát bội. Hiện tôi chưa biết nhờ ai?

André Thận nói nhanh:

- Việc nầy thì toa yên tâm. Moa sẽ giới thiệu một người bạn thân là họa sĩ Trần Ngọc Điều. Ông ấy chuyên vẽ tranh sơn thủy nổi tiếng ở Sài Gòn.  Và sẽ giới thiệu một cửa hàng để toa mua thêm một số nhạc cụ phương Tây!

Mạnh Tự Trương Duy Toản vuốt râu, vẽ đắc ý:

- Nghe các ông bàn mà tôi thấy như trước mắt hiện rõ gánh hát của ông Pierre Tú, tất cả sẽ ổn thôi!

- Còn một việc vô cùng hệ trọng là tuồng tích!

André Thận vỗ nhẹ vai thầy Năm Tú:

- Moa đã suy nghĩ điều ấy nên hôm nay mời Trương tiên sinh tới!

Thầy Năm Tú nắm chặt tay bạn:

- Ông thật chu đáo, André ạ!- Quay sang Mạnh Tự, ông nói tiếp- Khắp Lục tỉnh Nam Kỳ có ai soạn bài ca và tuồng tích hơn Mạnh Tự, Nhờ tiên sinh giúp cho gánh hát vài tuồng mới!

Mạnh Tự hỏi:

- Ông muốn tuồng hát khai trương có đề tài gì?

André Thận chen vào:

- Theo tôi nên chọn một tác phẩm có tiếng của nước ngoài để phóng tác sẽ dễ thu hút người xem. Chẳng hạn như  “Le Cid”  của Pierre Coneille hoặc “Hamlet”, “Romeo and Julliet”, “Othello”… của đại văn hào Shakespear chẳng hạn!

Ánh mắt Mạnh Tự nheo lại và vầng trái hằng lên những nếp nhăn, chốc sau ông cất tiếng, giọng chậm rãi:

- Gánh hát của ông Năm Tú thành lập từ một loại hình nghệ thuật dân tộc, theo tôi, nên chuyển thể từ những tác phẩm nổi tiếng của  nước ta chứ!

Thầy Năm Tú lễ phép:

- Xin lĩnh hội ý kiến của tiên sinh!

- Trước hết tôi sẽ soạn tuồng “Kim Vân Kiều” phóng tác từ truyện thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du để diễn khai trương, sau đó tôi sẽ soạn tiếp vở “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu. Các vị thấy sao?

Không ai bảo ai, thầy Năm Tú và André Thận cùng thốt lên một lượt:

- Bái phục! Bái phục!

Sau buổi gặp gỡ thấm tình tri âm tri kỷ ấy, thầy Năm Tú lái xe về Mỹ Tho trong một tâm trạng phấn chấn, nôn nao. Ông đã tìm được lối thoát cho mọi khó khăn trên con đường thực hiện mơ của của mình.

Về tới nhà, việc đầu tiên là ông báo tin vui với vợ, không màng tới việc ăn uống dù rất đói. Cô Tám Hảo nói :

- Bước khởi đầu như vậy là may mắn lắm rồi, mình không phải lo lắng gì nữa!

- Chưa đâu mình à! Với lực lượng ca diễn từ gánh xiệc của André Thận chuyển sang chưa đủ. Là một gánh hát chuyên hát tuồng, mình cần phải tìm những tài tử vang danh hợp tác thì gánh mới đứng vững được!

- Mình quên hai chị ruột của em là Ba Điều, Năm Thoàn, những giọng ca sáng giá hiện nay à?

- Nhưng các chị ấy đang cộng tác cho ban đờn ca tài tử của Tư Triều, biết có chịu về với mình không?

Cô Tám Hảo đáp ngay:

- Em đã đem ý định của mình nói với hai chị. Các chị cho biết độ rày chú Tư Triều hay đau yếu nên ban tài tử ít hoạt động. Nghe nói vợ chồng mình lập gánh hát, các chị đã ướm lời với một số tài tử sang đầu quân, toàn là giọng ca sáng giá như cô Ba Đắc, cô Hai Nhiễu, các anh Tám Danh, Sáu Đổ… tất cả đều vui vẽ đồng ý!

Thầy Năm Tú mừng rỡ:

- Vậy thì còn gì bằng, vợ anh giỏi quá!

- Anh quên em là con nhà nòi, ái nữ của nhạc sư Lê Văn Huệ sao!

Thầy Năm Tú nghiêng người, đưa tay phát một cử chỉ rất “Tây”:

- Mời bà xã yêu quý đi ăn tối!

*

Đêm 15/3/1918,  xứ Mỹ Tho diễn ra một sự kiện văn hóa đặc biệt, một ngày hội lớn. Đó là ngày khai trương bảng hiệu “Gánh hát Thầy Năm Tú” Mới hai giờ chiều, khắp các nẻo đường Mỹ Tho từng dòng xe thổ mộ, xe kéo và người đi bộ nô nức kéo về địa điểm biểu diễn mới xây mang tên “Rạp Thầy Năm Tú” trong khu vực chợ Mỹ Tho. Còn trên sông Bảo Định xuồng ghe tấp nập khắp nơi tụ về không đủ bến đậu. Hàng chục chiếc xe kéo chở người của gánh hát túa đi khắp nơi kê loa sắt vô miệng quảng cáo:

- “Nghe đây! Nghe đây! Đêm nay là ngày 15 tháng 3 năm 1918, tại rạp hát Thầy Năm Tú sẽ khai trương bảng hiệu bằng vở tuồng “Kim Vân Kiều” của soạn giả Mạnh Tự Trương Duy Toản với dàn đào kép có hạng cả Lục Tỉnh Nam Kỳ đều biết tiếng như  Cô Hai Cúc vai Vương Thúy Kiều, cô Ba Đắc vai Thúy Vân, cô Năm Thoàn vai Hoạn Thư, cô Hai Nhiễu vai hồn ma Đạm Tiên, cô Ba Điều vai sư cô Tam Hợp, cô Hai Xã vai ni cô Giác Duyên, cô Sáu Mão vai Tú Bà, thầy Hai Thông vai Kim Trọng, kép Sáu Nhiêu vai Vương Quang, Tám Cang vai Vương viên ngoại, Sáu Đỗ vai Từ Hải, Năm Thiên vai Sở Khanh, Tám Danh vai Mã Giám Sinh. Đây là lần đầu tiên ca tài tử có diễn xuất, có tích có tuồng , có cảnh trí,  y trang rực rỡ. Bổn hiệu mời cô bác tới xem, bỏ qua rất uổng. Nghe đây! Nghe đây! ”

Để chuẩn bị cho đêm khai trương, suốt hơn bốn tháng từ ngày mua lại xác gánh xiệc và thu nhận đào kép, thầy Năm Tú không được một phút ngơi nghỉ. Ông nhắc nhở các cộng sự từ việc lớn như chuyển xác gánh của André Thận từ Sài Gòn về, phân vai, xem ông Mạnh Tự Trương Duy  Toản tập tuồng, gợi ý họa sĩ vẽ cảnh. Đặc biệt, thầy Năm đã tổ chức hẳn một tổ quảng cáo hoạt động bằng hình thức phát loa, mướn nhà in Xưa và Nay (Imprimerie d’ Autrefols et d’ aujourdhui) in hàng chục ngàn tờ chương trình (programme) rải từ Sài Gòn đến Lục Tỉnh Nam Kỳ không bỏ sót tỉnh nào.

Gánh hát Thầy Năm Tú, mỗi tuần lễ đều có hát 3 đêm tại Mỹ Tho, 3 đêm tại rạp Eden Chợ Lớn và rạp Modern ở Sài Gòn. Kịch mục lúc đầu gồm có: “Kim Vân Kiều”, “Lục Vân Tiên”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Trưng Nữ Vương”, “Hạnh Nguyên Cống Hồ”, “Trang Tử gỏ bồn ca”…

Đặc biệt, thầy Năm Tú đã  xây một rạp hát, trước đó chiếu phim lấy tên là Cinéma- théâtre, giờ sửa sang lại có tên rạp hát Thầy Năm Tú dành riêng cho gánh hát biểu diễn. Rạp được cất theo kiểu Pháp. Sân khấu cao rộng, phía dưới là nơi ăn nghỉ của đào kép. Sàn diễn có bố trí ròng-rọc để chuyển cảnh, hai bên có nhiều lớp cánh gà. Trần rạp gắn quạt máy hiệu Ventilateur, phía cuối và hai bên rạp là lầu gỗ lót ván.  Khoảng giữa chừa trống, kê hàng trăm ghế gồm 4 hạng:  thượng hạng, hạng nhất, hạng nhì, cuối khán phòng và trên lầu là ghế hạng ba. Chính giữa, cách sân khấu khoảng mười mét có lập một phòng đặc biệt, sắp hai hàng ghề dựa mười cái, gọi là “loger” dành cho các vương tôn công tử hay các quan lớn đưa gia đình đến xem với giá vé đặc biệt.

Đêm khai trương gánh hát các quan Tây lẫn quan ta ở Mỹ Tho đều có mặt. Khán giả đông ngẹt rạp, đứng chật cả những lối đi. Những tràng pháo tay tán thưởng đảo kép vang lên liên tục. Lần đầu tiên khán giả được thưởng thức một tuồng hát hấp dẫn và lạ lẫm với cảnh trí lộng lẫy, y trang rực rỡ, ánh sáng đẹp mắt cùng tài năng ca diễn của một dàn đào kép tài danh bực nhứt ở Lục Tỉnh bấy giờ. Khán giả khi khóc cho số phận truân chuyên bất hạnh của nàng Kiều, lúc cười cho thói đời đen bạc, khi uất giận trước bọn người độc ác, gian manh. Đêm hát đã cuốn hút làm cả ngàn khán giả phải say mê, mãi đến khi cánh màn nhung khép lại, họ rời rạp hát ra về trong tiếc  nuối.

Đón tiếp quan khách xong, thầy Năm Tú và vợ lui vào hậu trường theo dõi đêm hát. Thầy đứng sau cánh gà hồi hộp theo dõi từng cảnh, từng màn. Mỗi tràng pháo tay của khán giả không chỉ là niềm vui của đào kép mà còn là hạnh phúc của ông bầu. Cô Tám Hảo trao ly nước chanh và lấy khăn chậm những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán chồng.   Khi màn nhung khép lại, một số thân hữu tranh thủ tìm đến chia vui với thầy Năm Tú. Trong số đó có cả André Thận và Mạnh tự Trương Duy Toản. Thầy Năm ôm chặt từng ngường, nghẹn ngào không nói ra lời.

Mạnh Tự xiếc chặt bàn tay Thầy Năm, giọng nghẹn đi vì xúc động:

- Lịch sử sẽ ghi nhận công lao của ông qua việc làm này, ông Tú ạ!

Ngay thầy Năm Tú và những người cộng sự cùng góp công sức cho sự thành công đêm nay cũng chưa biết gọi tên loại hình nghệ thuật mới mẻ này là gì.

Nhờ lực lượng diễn viên hùng hậu, tài năng, tuồng tích đặc sắc, rạp thầy Năm Tú luôn luôn đông khách. Cũng trong năm 1918, hãng đĩa Pathé Phono đặt cơ sở sản xuất đĩa hát nhựa tại Sài Gòn. Nắm lấy thời cơ, thầy Năm Tú quan hệ cho diễn viên gánh hát của mình đến thu thanh. Đây là những đĩa cải lương đầu tiên của Việt Nam. Ông rất phấn khởi khi biết rằng mình là người đầu tiên đưa giọng ca các diễn viên gánh mình lên đĩa nhựa. Ông đã cho thu câu giáo đầu trong mỗi đĩa như sau: “Đây là ban hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho ca trên đĩa Phathé Phono nghe chơi!”

Đĩa hát thầy Năm Tú bán tới đâu, tiếng thơm gánh hát của ông lan đến đó. Từ nam Bộ, rồi tới Trung bộ, rồi ra Hà Nội.

Chiều hôm ấy, thầy Năm Tú từ rạp hát về, cô Tám Hảo ra đón tận cổng. Cô trao cho chồng tờ báo, nói:

- Báo xuất bản tận Hà Nội viết về mình đó!

Thầy Năm Tú vội vã mở ra đọc, bài báo có tựa đề “Những cái đầu tiên của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho” có đoạn như sau:

“Gánh hát thầy Năm Tú Mỹ Tho là gánh cải lương đầu tiên của Việt Nam, rạp hát  Thầy Năm Tú là rạp cải lương đầu tiên, tuồng “Kim Vân Kiều” là vở cải lương đầu tiên, đĩa nhựa của gánh hát thầy Năm Tú là đĩa cải lương đầu tiên.Với tài năng và nhiệt huyết của mình, ông Châu Văn Tú đã chấp cánh cho nghệ thuật cải lương bay khắp cả nước. Ông đã ghi một dấu ấn lịch sử, một nét son trong việc phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam”

Thầy Năm Tú nắm chặt tờ báo, ngước nhìn vợ. Ông thầy đôi mắt cô Tám Hảo cũng hoe đỏ vì xúc động. Hình như cô muốn nói một câu gì đó để chia sẻ niềm vui với chồng nhưng đôi môi cứ mấp máy không thốt được nên lời...

 

(Nguồn gốc của từ “Cải lương”: Ngày 14/4/2017, trên báo Nông Cổ Mín Đàm có đăng bài “Cải lương hí nghệ” ủng hộ việc cải cách đờn ca tài tử sang ca ra bộ. Từ “cải lương” bắt đầu xuất hiện vào năm 1918. Mãi đến năm 1920, ông Trương Văn Thông, một nghiệp chủ có bề thế ở Sa Đéc lập gánh hát Tân Thinh, treo cạnh bảng hiệu câu đối “Cải cách hát ca theo tiến bộ- Lưu truyền tuồng tích sánh văn minh”. Từ đó danh từ “Cải lương” chính thức trở thành tên gọi cho loại hình nghệ thuật mà thầy Năm Tú đã sáng lập - Tác giả chú thích)

 

Huỳnh Anh
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 91)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 131
  • Khách viếng thăm: 127
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 32711
  • Tháng hiện tại: 553991
  • Tổng lượt truy cập: 60904129