TIN XẤU VÀ SỰ LÊN NGÔI CỦA CÁI ÁC

Đăng lúc: Thứ hai - 03/06/2019 16:11
Napoleon trong khi đi đày biệt xứ, ông đã nói với một viên sĩ quan trên tàu: “Hãy đọc sách và quan tâm đến thi ca. Các nhà thơ là những người có khả năng chắp cánh cho tâm hồn và mang đến cho ta cảm giác thần tiên.”. Câu nói của Napoleon-một vị tướng tài ba của thế giới giữa thế kỷ XIX khi ông đã bị thất sủng cho thấy sự thấu triệt của một trí tuệ lỗi lạc về sự tác động của thi ca đối với tâm hồn con người. Cuộc đời của ông như một cuốn tiểu thuyết nhưng tâm hồn, tính cách của ông lại ẩn chứa vẻ đẹp huy hoàng và tráng lệ của một bài thơ tuyệt hay.

Ngày nay, thời khủng hoảng thừa thông tin, thật ít người “quan tâm đến thi ca”. Trên các trang báo in, báo điện tử, các chương trình phát thanh truyền hình đầy rẫy những tin xấu: tình-tù-tội. Nhìn ở góc độ tiếp nhận, tin xấu có hai loại đó là tin về những việc xấu và tin về một sự việc được (bị) nhà báo thổi phồng, phóng đại hoặc xuyên tạc nhằm mục đích xấu. Tin xấu đã trở thành thực phẩm tinh thần không thể thiếu của con người thời hiện đại. Ban đầu, chúng ta tiếp nhận tin xấu để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ. Dần dà, chúng ta đón đợi và tiếp nhận tin xấu với sự háo hức xen lẫn thích thú. Chúng ta tiếp nhận tin xấu bằng thái độ thờ ơ và vô cảm trước số phận của con người liên quan đến thông tin. Chúng ta lầm tưởng rằng khi chúng ta đưa tin về cái ác, cái xấu là đã nhận diện được nó và cái ác, cái xấu sẽ tự nhiên biến mất. Chính sự vô cảm của chúng ta với cái ác và sự vô tình tàn nhẫn của con người đã tạo cho cái ác mảnh đất màu mỡ và giúp nó thêm sinh sôi, nảy nở…

Tin xấu lưu giữ và gây ra vết sẹo trong tiềm thức, làm hủy hoại những “cảm giác thần tiên” trong tâm hồn con người. Tin xấu vây bủa và làm ô nhiễm không gian sống, không gian văn hóa và không gian tâm tưởng của con người. Thời hiện đại, chúng ta có thể chấp nhận sự nghèo nàn về đời sống tinh thần nhưng lại thường không chịu được sự thiếu thốn về vật chất và sự thiếu hụt về nhu cầu tiêu dùng. Chúng ta thường chê bai một bài thơ dở, một nhà thơ không có tài nhưng ít ai lên án một tin xấu và tìm cách đẩy lùi cái ác, cái xấu. Dù một bài thơ hay hoặc dở thì nó cũng là một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ và hình tượng mang tính thẩm mỹ. Xét ở góc độ thẩm mỹ và đạo đức, bài thơ chính là Tin Tốt mà nhà thơ đã gửi gắm, thông tin cho người đọc. Bài thơ có thể chưa hay, chưa mới về ngôn từ, hình tượng, ý tứ nhưng dù sao nó cũng mang đến cho người đọc một cách nhìn, cách cảm mới của nhà thơ về con người, sự vật, thiên nhiên…

Có một nhà thơ nói rằng: “Thêm một người làm thơ là bớt đi một kẻ cướp, giảm đi một người làm điều ác”. Câu nói cho thấy, khi một người làm thơ nghĩa là tâm hồn họ đang hướng về cái đẹp, cái thiện, cái chân thật nên họ ít có khả năng làm điều ác, điều xấu hơn. Khi chúng ta tiếp nhận Tin Tốt và tâm hồn chúng ta lấp đầy Tin Tốt thì những tình cảm cao thượng sẽ sinh sôi cái ác, cái xấu sẽ bị đẩy lùi. Đúng như Napoleon đã nói, các nhà thơ mang đến cho ta cảm giác thần tiên. Như vậy, khi tiếp nhận thi ca, cái ác và sự khủng khiếp của địa ngục sẽ bị đẩy lùi trong thế giới nội tâm của mỗi người.

Võ Tấn Cường
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 91)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 92
  • Khách viếng thăm: 88
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 9870
  • Tháng hiện tại: 1461315
  • Tổng lượt truy cập: 45428548