Một góc Giếng nước (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Công viên Tết Mậu Thân bao gồm phần xây dựng trên cạn (tượng đài, nhà bia, cây xanh...) và phần mặt nước. Khu vực này xưa kia là đôi hồ nước ngọt thường gọi là Giếng Nước Mỹ Tho.
Công viên Tết Mậu Thân nay hay Giếng Nước xưa nhìn tổng thể đều là hệ thống gồm 2 hồ nước một lớn một nhỏ trải theo hướng bắc - nam, có đường Lý Thường Kiệt xuyên chếch qua, Công viên giới hạn bởi các đường Ấp Bắc, Yersin, Lê Thị Hồng Gấm, Tết Mậu Thân; hồ lớn dài độ 800 m, đầu kề bên chợ Thạnh Trị; hồ nhỏ kề bên Bờ Kè sông Tiền, dài độ 190 m và thông ra sông bằng một cống ngầm, 2 hồ nối nhau cũng bằng một cống ngầm dưới đường Lý Thường Kiệt; bề rộng hai hồ đều khoảng 85m.
Nghe nói trước đây, nước từ sông được lấy trữ trong hồ nhỏ để lắng bớt sau đó cho qua hồ lớn làm nguồn nước để cấp cho nhà máy nước vào mùa nước lợ (nhiễm mặn); khoảng năm 1988, có lẽ khi “nước lợ” đã được khắc phục, hai đầu hồ lớn được lấp một đoạn để hình thành công viên, mái bờ của 2 hồ được lát đá rồi xây lan can như hiện nay. Giếng Nước đã nhỏ bớt để trở thành công viên.
HÀO, KINH VÀ GIẾNG
Đã có tác giả cho biết về xuất xứ của Giếng Nước Mỹ Tho, theo đó nguyên thủy đây là hào phòng thủ của thành Định Tường được triều Nguyễn đào năm 1826, chính quyền thực dân Pháp đã cải tạo hào thành này thành kinh đặt tên là kinh Nicolais (hay Nicolas?). Khoảng năm 1883, đã bắc hai cây cầu sắt qua kinh: cầu phía trong (khoảng đầu công viên trên đường Ấp Bắc) tên là cầu Nicolas, cầu thứ hai chỉ dành riêng cho xe lửa gọi là cầu Hào hay cầu Hào Thành nay là trên đường Lý Thường Kiệt.
Đến năm 1927 khi kinh bị bồi lấp nhiều thì người Pháp cải tạo thành hồ chứa nước: Kinh được lấp hai đầu, cầu Nicolas được phá dở. Công trình dự định làm trong 7 tháng nhưng vì thời cuộc có nhiều biến động nên kéo dài và hồ nước ngọt này chỉ được hoàn thành vào năm 1933, chia thành hai ô: ô nhỏ nằm sát sông Tiền, hình gần như vuông mỗi cạnh khoảng 150 mét, ô lớn phía trong gần như hình chữ nhật, dài 800 mét, rộng 150 mét và đây là thời điểm được cho là bắt đầu có tên gọi Giếng Nước Mỹ Tho.
Hào đã thành Kinh rồi thành Giếng ở khu vực công viên hiện nay và nhiều người đã nói đây là cái Giếng độc nhất vô nhị, không có hình dáng như giếng truyền thống thường thấy và là cái “giếng” lớn nhất Việt Nam!
VÀI CHUYỆN QUANH GIẾNG
Khoảng năm 1902 chính quyền thuộc địa lấy khoảnh đất ở vàm kinh Nicolas và sông Tiền lập một ụ sửa chữa xáng (tàu cuốc), lấy tiếp đất ngôi đình địa phương để lập một “phú de” (fourrière) tức kho chứa đồ thất lạc và chuồng nhốt chó thả rong bị xe bắt chó bắt đem về. Phú de đã là khu dân cư và vùng ụ xáng bây giờ có Thư viện tỉnh và khách sạn Mê Kông. Cũng ở đầu Giếng nhỏ, phía đối diện sát sông Tiền là bến bắc Rạch Miễu (tiếng Pháp “bac” nay gọi là “phà”) thường gọi là Cầu Bắc mà bây giờ đã ở bên trong của Bờ Kè mới được xây dựng, kế tiếp là trường tiểu học Cầu Bắc (trường lá) mà bây giờ là Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Tiền Giang.
Đầu Giếng lớn, sát bờ rạch Bảo Định có chợ Thạnh Trị được lập năm 1954 với bến đò qua làng Thạnh Trị, cũng có bến xe đò (xe khách), xe lô (xe khách nhỏ, chạy suốt) của tỉnh; nơi đây từ thời Pháp thuộc có nhà máy ép dầu dừa, lò mổ heo. Khu vực này thuộc chợ Thạnh Trị ngày nay.
Bên bờ tây giếng nước, nghĩa địa Đất Thánh Tây có nhiều ngôi mộ lính Tây chết trận mà đầu tiên có lẽ là trung tá lính thủy Bourdais, kẻ chỉ huy tấn công thành Định Tường từ hướng rạch Bảo Định bị đạn thần công giết chết ngày 12-4-1861 tại vùng Hóc Đùn - Trung Lương. Sau khi chiếm thành Định Tường, thực dân Pháp đã đưa xác vào chôn giữa thành (khu vực dinh tỉnh trưởng hay nhà khách tỉnh) để tôn vinh và khi đắp đại lộ chính ở Mỹ Tho (nay là đường Hùng Vương), thực dân đã lấy tên đặt cho lộ chính cũng như cải táng ông ta về nghĩa địa này. Trước 1975, khu đất rộng trước Đất Thánh Tây còn là bãi đáp trực thăng quân sự, sau năm 1980, do yêu cầu phát triển thành phố Mỹ Tho, nghĩa địa Đất Thánh Tây bị giải tỏa và khu vực này hiện nay là Nhà thi đấu đa năng và Hồ bơi Tp Mỹ Tho.
Giếng Nước Mỹ Tho là địa danh đã trở thành một biểu tượng văn hóa khi người ta đến với Mỹ Tho. Đã có nhiều thắc mắc hoặc giải thích về tên một cái “hồ đôi” lại được gọi là giếng. Tuy nhiên theo người viết nghĩ thì có lẽ chỉ đơn giản do cách nói, cách nghĩ của người địa phương lúc mới có hồ nước ngọt này, theo đó thì nước ngọt uống được liền thời đó thường lấy từ giếng đào và vì có yếu tố đào và có nước ngọt uống liền thì gọi là giếng chăng ?!
Bây giờ thì đây là một nơi thư giãn quen thuộc của nhiều cư dân Tp Mỹ Tho và du khách khi có dịp thăm Mỹ Tho.
Ý kiến bạn đọc