Tôi với nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đứng ngoài hiên hứng những giọt nước mát lạnh rồi áp vào má, rửa lớp bụi bám trên mặt sau một chặng đường. Những giọt nước mát khiến chúng tôi tỉnh hẳn, câu chuyện râm ran, tiếng cười vang trên khu vườn trong buổi chiều vắng lặng, thánh thót mưa.
Chúng tôi bước vào nhà, nhà văn Bích Ngân đang mải mê chụp hình, xem những lá thư đã ố vàng của ông được lộng trong tủ kính, nào thư ông viết gởi cho gia đình, thư thăm hỏi bạn bè, thư của bạn bè gởi cho ông. Tôi ngạc nhiên vì ông cụ lúc còn sống trông có vẻ lãng tử phiêu bồng, không có nét gì của người tỉ mẩn chi tiết, vậy mà không ngờ khi lập nhà lưu niệm, hơn 100 hiện vật được trưng bày cẩn trọng, dù biết đó là công sức của chàng rể hiếu thảo Trần Đức Nghị và chị Hằng (con gái) sưu tầm, gìn giữ từng bức thư, tấm hình, từng kỷ vật nho nhỏ được lưu giữ cẩn thận. Ông già “Nam bộ học” này, ai muốn biết chuyện trên trời dưới đất, chuyện nắng mưa, sông nước của miệt đồng bằng thì hỏi ông, ông rành rẽ từ tên của con kinh đào, chuyện bắt cá bắt cua, chuyện cây đước cây tràm, chuyện đất đai, lịch sử... Ông biết rất nhiều chuyện, ngày ngày dong ruổi khắp hang cùng ngõ tận ở miền Tây và thành phố Sài Gòn (ông có thói quen đi bộ để ngắm nhìn, quan sát, hỏi han, ngẫm ngợi), khảo cứu, tích trữ những chi tiết quí báu, ông như một Tự điển sống, một bồ tư liệu mà hiếm có ai tường tận như ông về chốn nơi nào mà ông đã và đang sống, đã từng đi qua.
Tác giả trước nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam |
Lúc ông còn sinh thời (những năm 1973-1975), tôi được quen ông khi hay lui tới tòa soạn báo Điện Tín, là tờ báo phản chiến lúc bấy giờ do nhà thơ Kiên Giang (Hà Huy Hà) làm Tổng Thư ký Tòa soạn. Nghe tên đã lâu, đọc bài và ái mộ ông với những truyện ngắn, truyện dài, truyện ký... nghĩ rằng chắc nhà văn này lãng tử phong độ lắm, nhưng khi tôi bước vào tòa soạn, tôi thấy một người đàn ông nhỏ nhắn, ngồi trên ghế theo kiểu “nước lụt” (hai chân co lên), mặc cái áo sơ mi cũ kĩ, cặp kiếng trễ trên sống mũi đang hí hoáy viết bài gì đó mà nhà thơ Kiên Giang đang bàn thảo. Chú Kiên Giang giới thiệu nhà văn Sơn Nam với tôi, tôi gật đầu chào, chú Kiên Giang nói với nhà văn “Con nhỏ này là con Hoa Đồng Tháp hôm rồi tôi nhắc với ông đó”, ông nhìn tôi gật gù, cười cười rồi hỏi:
- “Sao lấy bút danh giống... ở trỏng quá vậy?”.
- “Dạ... Tại quê cháu ở Đồng Tháp chú à”.
- “Tao biết tỏng hết... khỏi giấu làm gì...”, rồi ông cúi xuống tiếp tục viết.
Sau này, khi Hội VHNT Tiền Giang tổ chức trại truyện ngắn, mời ông xuống nói chuyện sáng tác, gặp tôi, ông kêu ra ngoài hành lang chuyện trò: Chú đọc truyện ngắn Nước rút của bây đã quá, nước rút cũng chết mà nước cạn cũng khó sống, chú thích lắm, muốn nói chuyện với bây mà biết nói gì đây, mình đâu giỏi giang hơn ai mà đi khen ngợi, bảo ban này nọ. Ráng mà viết cho hay nhen. “Có đường lắm đó!”.
Ngày 10/10/1974, ông bị bắt giam vì cùng với nhà thơ Kiên Giang (Trưởng ban tổ chức) tổ chức ngày “Ký giả ăn mày” để chống lại luật 007 của chính quyền Thiệu về những luật lệ báo chí có tính cách bóp nghẹt tự do ngôn luận mà các Hội đoàn ký giả và Chủ nhiệm các tờ báo của Sài Gòn lúc bấy giờ đồng thuận phản đối. Ông cùng nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Vũ Hạnh, nhà thơ Trương Chính Tâm... và nhiều ký giả khác bị bắt giam gần đến ngày 30/4/1975 mới được thả ra.
Đất nước hòa bình, ngày ngày ông lại ung dung trên mọi ngõ ngách của Sài Gòn để quan sát, tìm hiểu từng góc phố con đường, có khi lộn xuống miền Tây, lênh đênh trên chiếc xuồng ba lá hay những chiếc tắc ráng xuôi ngược bôn ba trên những dòng sông, những kinh cùng ngõ tận mà nhìn ngắm để viết tiếp những trang đời.
Giản dị, mộc mạc, khiêm tốn, chân thành, tình cảm... nhà văn Sơn Nam với nhà thơ Kiên Giang, như một cặp đôi tri âm tri kỷ, giống nhau tính cách, hợp nhau lý tưởng, gắn kết bên nhau qua bao gió giông của thời cuộc, vượt qua cuộc sống riêng tư nhiều trắc trở, hai người bạn vẫn luôn có nhau trên từng trang giấy, cống hiến cho đời một di sản văn hóa đồ sộ, cống hiến cho quê hương những câu chuyện bổ ích, những bài thơ tình xúc động, những vở cải lương còn lưu truyền mãi đến ngày nay.
Mưa đã tạnh. Rời khu nhà tưởng niệm, tôi vẫn còn miên man vương vấn, nhớ gốc khế gốc chanh, nhớ cây ngọc lan tỏa hương thơm ngát, nhớ hương cau thoang thoảng phía sau nhà mà chạnh nhớ những người anh, người chú thân thương đã khuất, giờ đây hình bóng chỉ còn tạc trên đá, in trên giấy để mỗi khi lần giở từng trang sách, đọc đi đọc lại những câu chuyện, những bài thơ mà thấm thía biết bao chuyện đời, mà ngưỡng mộ những người đi trước, những người có tâm, có tài mà trân quí biết bao!
Ý kiến bạn đọc