Chuyến thăm cuối cùng

Đăng lúc: Thứ ba - 10/07/2018 15:55
Gần tới ngày 30 tháng 4 ăm 1975, tôi có một chuyến đi thú vị cùng ông ngoại vào trong cứ. Thật ra ông cháu tôi chỉ là người dẫn đường, nhân vật chinh của cuộc hành trình này là má con thím Hai Hùng. Thím Hai dắt đứa con gái trạc tuổi tôi, tên Hàn Ni từ Sài Gòn về nhờ ông ngoại bắt liên lạc để dẫn con vô thăm chồng là chú Hai Hùng. Nghe nói đã mười mấy năm, kể từ khi thím Hai mang bầu tới lúc ấy vợ chồng chưa có dịp gặp lại, cha con chưa hề biết mặt nhau.

Khi chú Hai thoát ly vô trong bưng, thím Hai “vợ việt cộng nằm vùng”, bị o ép riết chịu không nổi phải bỏ xứ lên Sài Gòn, bươn chải mưu sinh đủ nghề, rồi trụ được một sạp vải ở chợ An Đông. Công việc buôn bán ngày càng phát đạt, bận bịu, thím ít khi về quê. Giỗ chạp hay lễ tết, thím cũng chỉ sáng có mặt, chiều đã lật đật quay trở lên Sài Gòn. Mỗi khi về, ngoài quà cáp biếu xén bà con hậu hỉ, trước khi đi, thím gọi bà ngoại vô buồng, rụt rè rút ra một xấp tiền, giọng nghèn nghẹn: Cái này con nhờ thím Tư trích ra mua những thứ cần thiết, còn lại thì gửi vô cho ảnh chi xài. Bà ngoại nhìn xấp tiền mới cáu, phân vân. Bây không thu xếp vô thăm nó một chuyến được sao? Thím Hai thở dài. Công chuyện của con ở trển bề bộn lắm. Bán buôn lớn phải lấy hàng, giao mối lái, đâu có bỏ đi được. Con Hàn Ni lại còn nhỏ quá, đâu thể bỏ nó ở nhà một mình được. Thì bây dẫn nó theo cho cha con nó gặp mặt nhau luôn. Từ khi bây sinh nó, thằng Hai có biết mặt con đâu. Thím Hai lắc đầu. Không được đâu thím ơi. Con Hàn Ni còn nhỏ, lại bịnh rề rề, đi đường sá xa xôi rủi có bề gì… Bà ngoại thở dài không biết nói gì thêm. Ngó thím Hai quày quả đi ra lộ để đón xe trở lên Sài Gòn, ông ngoại bảo với bà ngoại. Mai mốt bà đừng có nhận tiền của nó nữa. Thằng Hai nó cần thấy mặt vợ con chứ đâu phải mấy cái thứ này. Bà ngoại thở dài. Đành vậy nhưng hoàn cảnh nó cũng đơn chiếc, một mình một thân bươn chải nuôi con ở trên đó, còn phải lo tiếp tế cho chồng. Mà người mình trong đó cũng thiếu thốn trăm bề, được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu.

          Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn in đâm hình ảnh tất bật bận rộn chuẩn bị cho những chuyến vô cứ thăm chú Hai Hùng của ông bà ngoại. Những chuyến đi ít gì cũng hơn cả tuần có khi kéo dài gần một tháng. Thường bà ngoại đảm nhận nhiệm vụ này vì: đàn bà dễ ăn nói khi gặp sự cố hơn đàn ông. Những khi bà ngoại vì công việc không thể vắng nhà, thì ông ngoại phải đi. Ông đi bao nhiêu ngày ở nhà bà ăn ngủ không yên bấy nhiêu ngày. Đêm đêm, bà đốt nhang bàn thờ tổ tiên van vái cho ông đi tới nơi về tới chốn, gặp được chú Hai Hùng. Những chuyến thăm nuôi như vậy có khi phải chuẩn bị mấy tháng trời. Người đi thăm phải  liên lạc với bên trong hẹn ngày giờ, địa điểm… Có khi  phải chờ đợi gần nửa năm ròng. Rồi phải cân nhắc việc sắm sửa những thứ mang theo. Thuốc men, đồ ăn thức uống, vật dụng cá nhân….sao cho hợp lý để có thể “đối đáp”, qua mặt bót, đồn.        Thường ông bà ngoại đóng giả làm người đi vô kinh mần lúa. Hồi đó Đồng Tháp mười còn bạt ngàn đất hoang, dân tứ xứ kéo vô khai khẩn, làm lúa một vụ 6 tháng là có thể chở về cả ghe, xuồng lúa ăn cả năm. Đi mần lúa là cái cớ để mang theo thuốc men, thức ăn dự trữ mấy tháng trời. Thường là mắm ruốc khèo thịt ba rọi, khô, chà bông, muối tiêu…, để được lâu ngày. Sang lắm thì có thêm keo chuối khèo, bánh phục linh, bánh mì chiên để nhâm nhi uống trà lúc nông nhàn. Thuốc hút thì chủ yếu là thuốc rê,  chứ captan hay rubi qua đồn thường bị lính tịch thu.

-Ngữ này là đem đồ tiếp tế rồi chứ đi mần lúa gì mà sang dữ vậy! Lại còn đèn pin, radio nữa, đem vô cho mấy cha việt cộng xài chứ gì.

- Xứ đó rắn rít, muỗi mòng đêm tối  nó cũng bò vô không có đèn pin xịt làm sao thấy chúng mà tránh. Ban ngày làm lụng, đêm rúc trong hòi có cái đài nghe cải lương cho đỡ buồn, đỡ nhớ nhà!

          Những chuyến thăm nuôi “trần thân khổ nhộng”, của ông bà ngoại và những người có chồng con, anh chị em hoạt động “bên trong” được kể lại như… giai thoại về những nỗ lực vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, đôi khi nguy hiểm cả tính mạng như gặp bom pháo, mìn bọng…, để được đền đáp khi gặp được người thân, thầy họ vẫn mạnh khỏe, tràn ngập tinh thần lạc quan chiến đấu. Sau những chuyến thăm nuôi trở về, trong nỗi vui mừng gặp được chú Hai, ông bà ngoại không khỏi ngậm ngùi: Tội nghiệp thằng Hai chắc nó mong gặp được vợ con lắm. Dù nó không nói ra, nhưng nghe kể về vợ con, mắt nó cứ sáng lên. Mà con Hai cũng tệ một tấm hình hai mẹ con cũng không gửi cho chồng. Bà ngoại binh thím Hai. Là nó đề phòng, lỡ chuyện thăm nuôi đổ bể, hay bị bắt bớ, lọt vô tay tụi lính sẽ liên lụy…

          Chú Hai Hùng là cháu kêu ông bà ngoại  bằng chú thím. Dù là cháu, nhưng ba má chú bị pháo bắn chết, ông bà ngoại nuôi chú từ nhỏ, nên coi như con. Ông bà ngoại đã cưới vợ cho chú, đã chọn cho chú con đường thoát ly vào bên trong khi tới tuổi đi quân dịch. Chuyện chú Hai Hùng mồ côi hồi nhỏ xíu được ông bà đem về nuôi, chú ngoan ngoãn, học giỏi, biết nghe lời người lớn, và khi chiến đấu thi dũng cảm gan dạ ra sao được ông bà kể lể cho đám con cháu trong những lúc quây quần làm những mẻ bánh tổ, chuối khô chuẩn bị đi thăm chú. Vì vậy, dù chưa một lần gặp, nhưng trong tôi đã đầy ắp ngưỡng mộ về chú, mong muốn được gặp chú.

          Chuyến đi thăm chú Hai lần này không mất nhiều thời gian và không phải đi xa. Trước đó mấy ngày, người trong tổ chức nhắn ông ngoại tới nhà ông Sáu Chi (một địa chỉ giao liên) bên Thủ Ngữ. Ông ngoại đi một buổi trời, về kêu bà ngoại vô buồng, giọng thì thầm, phấn khởi. Thằng Hai nó về gần lắm, bà. Nó nhắn biểu tui đưa vợ con nó vô cho nó gặp. Bà ngoại mừng rỡ. Gần là ở đâu. Ông ngoại lắc đầu. Chuyện bí mật tổ chức không tiết lộ, chỉ nói đi về trong ngày nên tui độ là rất gần. Nghe nói nó về chuẩn bị chiến dịch đánh lớn.

 

          Chiều đó ông ngoại kêu chị Hà ra bưu điện đánh điện tính kêu thím Hai dẫn bé Hàn Ni về quê có việc gấp. Chắc cũng linh tính sao đó nên hôm sau má con thím đã có mặt. Sáng sớm một ngày cuối tháng 3, ông ngoại dẫn đoàn… vượt sông, theo lời hướng dẫn của người chỉ đường, tiến thẳng vô chỉ huy sở của chú Hai Trung. Cuộc đi thăm này không lỉnh kỉnh quà cáp. Chỉ võn vẹn con ngỗng quay và thúng xôi bà ngoại đồ hồi khuya cho mấy chú bồi dưỡng. Xuồng vừa cặp bến, vừa chạm chân lên cây cầu làm bằng thân dừa, trong tôi đã trào lên một cảm giác thật lạ. Chỉ cách một con sông, bờ này ngó qua thấy rõ bờ bên kia, cũng nhà cửa, vườn cây, ruộng đồng, nhưng tôi cảm thấy như bên này là một thế giới khác. Hình như từng cành cây, ngọn cỏ, con đường qua những đồng lúa đều “ẩn chứa” bên trong một điều bí mật. Ngay cả những người dân đang làm lụng trên nương, rẫy, ngó đoàn chúng tôi với nụ cười thân thiện, cũng khang khác những dân làm nông bên bờ kia. Đi được một đỗi, người dẫn đường nói: Mình sắp vô tới “vùng giải phóng” rồi. Thím Hai có vẽ xúc động. Tôi và Hàn Ni vừa đi  vừa quơ chân vô đám mắc cở hai bên đường cho chúng xếp lá lại. Tôi còn bài cho nó hái trái nổ thả xuống rãnh nước, để nghe tiếng nổ lách tách. Mấy trò chơi dân dã là chúng tôi quên đường xa và cái nắng như đổ lửa lên đầu.

Tới vạt trâm bầu um tùm lau sậy, người dẫn đường kêu chúng tôi dừng lại. Anh ta bắt tay lên miệng làm loa giả tiếng chim kêu rất điệu nghệ. Lập tức từ trong đám lau sậy, một thanh niên mặt đồ đen, cổ quấn khăn rằn, vai mang súng bước ra. Người thanh niên lễ phép chào ông ngoại và thím Hai, trao đổi gì đó với người dẫn đường rồi đưa cho chúng tôi mỗi người một cái khăn, giải thích để bảo đảm an toàn, chúng tôi phải bịt mắt lại. Dò dẫm theo người thanh niên len lỏi qua con đường quanh co dưới những rặng trâm bầu dày đặt một lúc lâu, thì nghe tiếng thì thầm: Tới rồi, bác, cô, mấy em mở khăn ra đi.

Cho tới bây giờ, mỗi khi nhớ lại giây phút đó, trong tôi vẫn còn tràn ngập cảm xúc khó tả. Khi chiếc khăn bịt mắt được mở ra, một thế giới cổ tích như hiện ra trước mắt tôi. Dưới vạt trâm bầu um tùm, một lô cốt kiên cố sừng sững, từ bên trong một người đàn ông tóc muối tiêu, cao dong dõng, bước ra. Ông hơi khựng người, rồi đi như chạy về phía chúng tôi. Tôi nghe tiếng thím Hai khóc nức lên, tiếng ông ngoại xúc động. Hàn Ni lại với ba đi con! Những giọt nước mắt sum vầy, những cái ôm siết, những lời thăm hỏi… kể sao cho siết… Chiều đó sao bữa cơm đoàn tựu dưới táng trâm bầu, chúng tôi bịn rịn chia tay chú Hai Hùng. Hàn Ni khóc nưc nở. Chú Hai vuốt tóc nó. Nín đi, con gái, vài hôm nữa ba sẽ về với con.

Mấy hôm sau là đến ngày 30 tháng 4, đất nước hoàn toàn giải phóng!

Thanh Nguyên
(Theo Văn nghệ Tiền Gaing số 85)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 310
  • Khách viếng thăm: 304
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 17199
  • Tháng hiện tại: 538479
  • Tổng lượt truy cập: 60888617