Ðêm giao thừa ở bót Hàng Keo

Đăng lúc: Thứ tư - 01/02/2017 16:25
Vừa rẽ vào con hẻm nhỏ ở đường làng số 21, bây giờ là đường Ngô Tùng Châu Gia Định, bỗng nhiên tôi chột dạ, quay nhìn lại phía sau… đã quá muộn!
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Tên mật vụ tên “Đặng đen” đã lù lù quay ngang chiếc xe Môbilết màu vàng chặn ngõ, tôi bị còng tay ngay lập tức và tập bản thảo đã làm xong bằng giấy Stancill trên ba ga xe đạp của tôi cũng được trao cho tên mập mặc áo sơ mi ca rô có dáng vẻ của một sếp mật vụ mang kính đen như đang chờ tôi trước cửa.

- Vô đi, “nhóc”!

Tôi được đẩy vào căn nhà quen thuộc, anh Bảy Trung Kiên, mặt mày sưng húp thảm hại nhìn tôi bằng đôi mắt tuyệt vọng, nhìn cảnh bừa bãi của căn phòng, bên cạnh các máy in là giấy tờ, tài liệu vương vãi, tôi lạnh cả người, thằng bé 15 tuổi trong tôi chợt tràn ngập một nỗi sợ hãi kinh hoàng.

Một cái tát nẩy lửa kèm theo câu hỏi:
- Tụi bây còn một thằng nữa, Bảy Hữu đâu, nói ngay nếu mày muốn sống! Tên “sếp” mật vụ gầm gừ.

- Tôi… tôi không biết.

Hình như có một ánh chớp lóe sáng, nổ tung óc tôi, một cú đánh vào mặt đã nâng cao tôi lên rồi ngã xuống cái thùng các tông ở góc phòng.

Đang học lớp đệ tứ trường Tabert La San thì tôi theo anh Bảy Hữu, chẳng có lý do cao cả nào hết, chỉ vì anh Bảy là em ruột của anh rể tôi và tôi lại thích phim hành động, quê anh ở Mỹ Lồng, Bến Tre và tôi thì ở Mỹ Tho, hai anh em đều lên Sài Gòn ở chung để đi học, tính tôi thì rất hiếu động phá phách, anh Bảy đã ân cần nhắc nhở, uốn nắn cho tôi “nên thân một chút” như lời anh thường nói… và vào đêm Noel năm 1965, hai anh em chở nhau bằng xe đạp đi chơi ở chợ Tân Định, dừng xe bên hông rạp hát Modern anh dúi vào tay tôi một xấp giấy nhỏ kèm theo một cục đá xanh:

- Ngọc thấy chiếc xe Jeep đang đậu đàng kia không, thằng Mỹ đang mua thuốc lá đó, đi vòng ra sau, để xấp giấy lên mui dằn cục đá lên… rồi rút nhanh lên.
Chẳng một chút đắn đo, tôi nhanh như một con sóc, chỉ 30 giây là hoàn thành nhiệm vụ.
Quả nhiên, một cảnh tượng đẹp mắt đang diễn ra giữa ban ngày với sự ngạc nhiên của mọi người, chiếc xe quân sự do một tên Mỹ lái vừa tới đầu đường Hai Bà Trưng thì do dằn xóc, viên đá rơi xuống, truyền đơn của Mặt trận Giải phóng tung bay như bướm, trắng xóa cả khu phố đông người.
Sau công tác “đầu tay” ấy, anh Bảy Hữu, học sinh lớp đệ nhị trường Pétrus ký (bây giờ là trường Lê Hồng Phong) chính thức nhận tôi vào đội, tôi chỉ được biết thêm anh Trung Kiên, vốn là nhạc sĩ Nguyễn Lê Dân, cộng thành tổ tam tam chế, in truyền đơn và làm báo cho phong trào sinh viên học sinh chống Mỹ, giữa Sài Gòn nhiều bất trắc cùng với các máy in Ronéo với mấy thùng tài liệu. Chúng tôi được đưa lên xe cảnh sát trước những đôi mắt xót thương ái ngại của bà con lao động trong xóm.

Sáng 30 Tết
Phòng giam B của bót Hàng Keo nằm trên đường Chi Lăng Gia Định rộn ràng chuẩn bị chuyển trại, hơn 30 người bị bắt trước đó đã hoàn tất hỏi cung được đưa về trại giam mới, người đi Phú Lợi, kẻ về Chí Hòa, Phú Quốc, hình như buổi chia tay lần này ai cũng biết là khó có ngày gặp lại, mặc kệ những nét mặt cau có của đám lính gác, những cái khăn, những rê thuốc, mấy viên thuốc chống cảm, chai dầu Nhị Thiên Đường lại được dúi vào tay chúng tôi, những người còn ở lại, vô cùng xúc động vì ai cũng biết, cuộc hỏi cung tiếp tục ắt là lành ít dữ nhiều.
11 giờ tối đêm 30 Tết, hình như ai cũng về nhà để mừng giao thừa, con đường Chi Lăng vốn đông đúc đã im hẳn tiếng xe, thỉnh thoảng vọng lại một vài tiếng máy xe vội vã. Tên lính trực gác, không biết nghĩ sao, quăng vào phòng chúng tôi một bọc nhỏ, anh Trung Kiên đợi cho hắn đi khuất ở cuối hành lang mới mở cái bọc ra… ồ, thật bất ngờ, ngoài gói bánh mứt, hạt dưa còn có hai cây nến nhỏ xíu chắc là để cúng giao thừa.
Anh Ba gọi tất cả chúng tôi lại góc phòng rồi nói:
- Tết đã đến, chúng ta là những kẻ không nhà, bất hạnh gặp nhau ở đây, đề nghị bà con mình cùng mừng năm mới.
Thế là ai nấy đều tạm quên cảnh “cá chậu chim lồng”, ngồi sát lại nhai hạt dưa rồi cùng nhau tâm sự.
Nghe kể mới biết, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, tôi và anh Ba vì “bể” công tác in ấn, anh Sáu Tâm, tài xế taxi bị bắt vì khẩu súng lục của khách là một sĩ quan Mỹ say rượu làm rớt trên xe mà không giao nộp, anh Sáu cười khi nói ra các lý do giữ lại khẩu súng:
- Súng Mỹ, trả lại cho chúng bắn đồng bào ta hay sao? Tôi tính quăng xuống sông Thị Nghè thì bị…
Như thế đó, cả Sài Gòn đang sôi sục chống Mỹ, có thể nói Sài Gòn đang trở nên một vùng đất không yên tĩnh của trên một triệu người Mỹ, bất trắc chực chờ… một em bé đánh giày, một phu xe xích lô và cả cô vũ nữ trên sàn nhảy đều có thể trong phút chốc trở thành một chiến sĩ biệt động thành, diệt Mỹ xuất quỉ nhập thần.
Đúng lúc đó, tiếng pháo đón giao thừa vang lên rộn rã, từ phía Cây Thị, phía hồ tắm Chi Lăng rồi ngay cả con hẻm phía sau bót Hàng Keo, bà con thi nhau đốt pháo mừng năm mới.
Anh Ba đứng lên:
- Thưa đồng bào, đồng chí, năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều đón nghe trên radio lời thơ Chúc Tết của Bác Hồ, năm nay sa vào tay giặc, tôi xin đọc lại bài thơ Chúc Tết của Bác.
Chỉ có 4 câu thơ giản dị mà hào khí ngất trời, tiếng pháo vẫn râm ran nổ, chúng tôi ai cũng trầm ngâm, mặc tưởng.
Riêng tôi chú bé 15 tuổi bỗng thấy mình như lớn hẳn lên, tim tôi bồi hồi và hình như ngoài nỗi nhớ nhà, nhớ má, tôi còn có một thoáng chút tự hào nào đó không rõ.
Khi nhận được tin tôi bị bắt vì làm “VC”, gia đình tôi như nhận được bom tấn!
Là con trai út và còn là con thứ hai sau chị tôi, má tôi rất phiền lòng về thằng con trai duy nhất của mình, học hành thì chuyên môn “đội sổ”, tính tình thì phá phách lì lợm, tối ngày cứ rong chơi đánh nhau. Tưởng vậy là đủ chán rồi, ai dè… bây giờ lại gây ra chuyện tày trời!
Lúc đó, ba tôi là tài xế riêng của luật sư Hoàng Cơ Thụy, còn má tôi thì có sạp vải ở chợ Bến Thành lại là bạn “tứ sắc” của một vài bà vợ mấy ông đang có quyền thế, vậy là ba và má tôi làm một cuộc chạy đua để “móc” tôi ra trước khi xảy ra lớn chuyện.

Sáng mùng 4 Tết, tôi được gọi lên “làm việc”, phòng của trung tá Sang vẫn còn cây mai rụng vàng cả góc phòng, châm điếu thuốc, ông ta nhìn tôi:

- Nhỏ xíu mà cái gan lớn dữ há, “đồng chí”?
Tôi nín thinh vì thực sự cũng chẳng biết gì để khai suốt mấy ngày nay.
Nhìn tôi như một sinh vật ngoài hành tinh ông ta cười và tiếp:
- Mầy quả thật là may mắn, “thăm” bót Hàng Keo của tao gần cả tuần nay mà còn “lành lặn”, đạt kỷ lục rồi đó. Mầy biết tại sao không, chưa bao giờ tao nhận được nhiều cú điện thoại vì một thằng “nhóc” như mầy, kể cả điện thoại của một ông tướng bên Bộ Tổng Tham mưu.

Tôi ký tên vào biên bản cuối cùng với cái lý do rất buồn cười là chỉ vì ham vui nghe theo lời dụ dỗ của kẻ khác khi còn ở độ tuổi vị thành niên!

Sau nầy tôi mới biết, hóa ra câu nói “Lệnh ông vẫn thua công bà” là rất đúng, bà bạn “tứ sắc” của má tôi to nhỏ với ông chồng làm tướng.
- Tội nghiệp thằng nhỏ hiền lành lại ham vui nên mới vậy!
Bước ra khỏi cổng bót Hàng Keo vào trưa mùng 4 Tết năm đó Sài Gòn vẫn còn không khí tưng bừng của năm mới… Riêng tôi, tôi vẫn không thể nào quên những gương mặt tràn đầy niềm tin chiến thắng dù đang ở vào hoàn cảnh tồi tệ nhất, điều gì đã làm cho họ lạc quan đến vậy? Và cũng từ đêm Giao thừa đáng nhớ năm ấy, tôi đã chọn được cho cuộc đời mình một hướng đi.
Thảo Bích
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 78)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 316
  • Khách viếng thăm: 309
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 31606
  • Tháng hiện tại: 1254283
  • Tổng lượt truy cập: 63483251