Minh hoạ: Thanh Tiên
Trên bản đồ, từ thị trấn của huyện, nơi chúng tôi đang có mặt đến đình Mỹ Luông cách khoảng chỉ mười cây số đường chim bay không xa lắm, nhưng chúng tôi không phải là chim. Không là chim thì đi đường bộ thôi. Chở nhau bằng xe máy băng qua mười hai cây số đường quốc lộ, đường tỉnh lộ rồi thêm bốn cây số đường nông thôn chúng tôi tới đình. Bước qua cái cổng chính có dòng chữ Đình thần Mỹ Luông - Trùng tu năm Giáp Ngọ năm 1954 đắp nổi bằng chữ Nho và chữ Quốc ngữ, chúng tôi đi vào sân đình rêu phong, cổ kính.
Không có thói quen nghỉ trưa, ông Từ Thông ngồi đọc sách chờ chúng tôi dưới mái hiên nhà từ, bên phải ngôi đình. Đây là ngôi nhà do công quỹ của đình dựng nên để ông Tư có nơi ăn, chốn ở, sinh hoạt riêng trong thời gian làm từ.
Đến trước hiên nhà, chúng tôi chào hỏi ông Tư:
- Chào ông Tư, ông khỏe chứ?
- Vẫn khỏe, cám ơn.
Ông bắt tay chúng tôi và từ tốn nói:
- Chào hai thầy, xin mời vào trong bàn uống nước nghỉ mệt một chút đã rồi hãy đi thăm đình sau. Vào đây!
Căn nhà từ của ông Tư nhỏ gọn nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Chung quanh nhà trồng nhiều hoa kiểng vừa đẹp vừa lạ do ông Tư sưu tập. Trên tầng cao hơn ngôi nhà là bóng râm mát của những tàn cây cổ thụ cao to như: dương, sao, dầu, gừa, sắn… Mặc dù trời trưa nắng nhưng ở đây vẫn mát mẻ. Trên các tán lá cây rậm rạp, nhiều chim chóc bay qua lại rộn rịp và hót vang trong khuôn viên. Phong cảnh thật hữu tình.
Sau khi vượt qua chặng đường dài, nhiều nắng gió, mệt mỏi, trong ngôi nhà mát rượi, chúng tôi được giải nhiệt nhanh chóng bằng những ly nước mát ông Tư vừa mới lấy ra từ cái tủ lạnh mini.
- Ông Tư ở đây với ai? - Hai Trí vừa uống nước vừa gợi chuyện với ông Tư.
- Tôi ở đây một mình là chính. Mỗi chiều đi làm về, thằng Út qua ở với tôi nhưng cũng không thường xuyên lắm. Nhà tôi ở gần đây đã giao cho thằng lớn chăm sóc, tôi hết tuổi lao động rồi.
- Ông Tư làm từ bao lâu rồi?
- Hơn mười năm rồi, có nhiều lúc tôi muốn nghỉ ngơi giao việc này cho người khác, nhưng mỗi lần như vậy thì tôi bị bệnh, khó ở trong người và thấy nhớ đình quá không bỏ được. Tôi có duyên với cái đình này hay sao ấy. Ông già tôi khi còn sống cũng làm khánh tiết cho đình này mười mấy năm. Bây giờ đến lượt tôi làm từ. Mấy năm nay tôi chỉ ăn chay thôi.
- Diện tích đình có rộng không ông Tư?
- Cũng khá rộng, bị lấn chiếm nhiều nhưng phía trước còn ba công đất, phía sau còn năm công. Gần một mẫu đó.
- Bây giờ xin phép ông Tư cho chúng tôi đi thăm bên trong đình, chụp ảnh và đi một vòng khuôn viên đình, ông Tư há!
Rất trịnh trọng, ông Tư mặc áo dài, đội khăn xếp, đốt đèn nhang tỏ rõ rồi hướng dẫn chúng tôi thăm khu đình trung. Gian thờ thần đẹp lộng lẫy, cổ kính, uy nghi với trang trí sơn son, thếp vàng chạm khắc tinh vi. Hai Trí mải mê chụp ảnh, đọc liễn, đối, hoành phi, hỏi han, ghi chép liền tay. Ông Tư cũng giải thích liền miệng, chỉ chỏ liên tục. Riêng tôi thì thoải mái.
Đi đến đâu ông nói đến đó như một cuốn tự điển sống vậy:
- Đây là gian thờ người có công lập làng, khai mở đất hoang được vua sắc phong thần làng. Bên đây là nơi thờ các vị tiền hiền, hậu hiền là những người có công lập làng, giữ làng là những bậc tiền nhân, hậu bối nói chung nhưng không có tên họ, cùng có công khai mở đất nước hàng trăm năm trước…
- Đây là cái ao đình, nó được đào để lấy đất làm mặt bằng xây dựng đình trung. Hồi xưa nó rất sâu, có nhiều cá bông, ếch, rùa, cua đinh… Bây giờ thì hết rồi, nó đang lạn dần…
- Đây là cây gừa cổ thụ, tuổi của nó còn lớn hơn tôi. Tới mùa trái chín chim bay về ăn trái đông vô số kể. Có đến hàng chục loài chim, và hàng trăm con tụ tập về mỗi ngày…
- Còn đây là các hàng cây xà cừ xanh mát quanh năm là nơi ngủ qua đêm của hàng trăm con chim sẻ. Ban ngày nó đi ăn ở các nhà máy xay lúa gần đây, tối về ngủ trên các cây này…
Đi giáp một vòng quanh đình, chúng tôi quay lại nhà từ để nói lời cảm ơn, bồi dưỡng cho ông và cúng đình. Ông Từ Thông chỉ nhận vật phẩm cúng đình, không nhận bồi dưỡng. Ông giữ chúng tôi lại để trao đổi thêm vài điều tâm đắc.
Theo ông đình làng Mỹ Luông là một di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh đang xuống cấp, cần được nâng cấp, trùng tu để giữ gìn di tích, phát huy truyền thống tốt đẹp, nhớ ơn những người có công mở cõi, giữ nước. Một số người dân sống gần đình chưa tốt hay xâm phạm, phá phách đình. Mấy năm trước có tên trộm cưa vách gian thờ đình vào lấy trộm bộ lư đồng quý giá. Lại còn có một ít thanh niên lêu lổng nhậu nhẹt vào đây bẫy chim, bắt cá, ban đêm rọi đèn lấy súng hơi bắn chim sẻ, nói nó không nghe, giữ cũng không xuể, có khi nó còn muốn cự lại mình.
- Vậy ông Tư làm sao?
- Vụ bắn súng hơi, tôi báo cáo, xã đội đã cấm được rồi. Vụ bẫy chim tôi với thằng Út đuổi thẳng. Vụ lấy trộm bộ lư đồng tuy biết được người lấy nhưng không có bằng chứng nên không xử được. Thời may qua năm sau, vợ nó sanh con, mới sanh ra con nó có tật cánh tay phải. Nhân đó tôi với mọi người đồn lên rằng vì cha ăn cắp của đình nên con mới bị bẻ tay như vậy… Còn vụ thuốc cá, đâm ếch thì vào bữa trưa hôm đó tôi nghe tiếng ếch kêu rất lớn ở ao đình, tôi ra đó thì gặp thằng Hai Thẹo đang lén lút thuốc cá, vớt cá và đâm được một con ếch rất lớn. Con ếch bạch tạng trắng muốt và lớn một cách khác thường nặng gần hai kí lô, hai con mắt ếch lớn gần bằng hai hột nhãn, vàng khè, sáng rực. Tôi nói với nó “Mầy đâm cái gì ở ngoài này mà tao nghe tiếng một người đàn bà kêu ré lên là trời ơi! Chết tôi rồi, ai đâm tôi, ai cứu tôi với, chết tôi rồi, trời ơi!” . Nó cãi lại “Ông nghe sao chớ con ếch này chỉ kêu áo! áo! éo! éo ! thôi chứ có kêu trời đâu”. Tôi bảo nó “Tại mầy không để ý nên chỉ nghe được tiếng ếch mà không nghe được tiếng người của nó. Chính nó kêu trời đó, lúc nó mới bị đâm. Mầy thả con ếch ra đi, con ếch này là của đình, sống rất lâu năm. Nó là con ếch bà, ếch ma sống trong quan tài mục của mấy cái mả lạn, mầy thấy da nó trắng bách không? Thả đi!”. Thằng Hai Thẹo vẫn ương ngạnh, nó nói: “Vật giữ nhơn mà ông Tư, không thả gì hết! Chiều nay tôi nhậu tuốt”. Một tháng sau, vợ chồng nó vô ý để cho thằng con trai ba tuổi té xuống đìa chết. Khi vớt lên, thằng nhỏ đã chết cứng trong tư thế nằm mộp chống hai tay, hai chân theo dạng con ếch nằm. Tôi và bà con mới kháo với nhau rằng Hai Thẹo vô đình đâm chết con ếch ma nên bây giờ con nó phải thành ma ếch.
- Làm vậy ông Tư thấy có hiệu quả gì không?
- Cũng có chứ! Vậy mà những vụ phá phách tài sản của đình cũng giảm đi phần nào. Nhiều người cho là đình này linh thiêng, ai vô đình phá phách thì coi chừng, có ngày!!
Sau khi chia tay ông Tư, trên đường về tôi nói với Hai Trí:
- Tội nghiệp ông Tư, một mình giữ đình không xuể nên mới nghĩ ra những cách như vậy. Nếu có hàng rào chắc chắn, có sự giáo dục từ cộng đồng tốt hơn thì ông đỡ lo hơn nhiều. Khi nghiên cứu xong đề tài này, Hai Trí nên nhớ có những khuyến nghị, biện pháp tôn tạo các đình thần thật hiệu quả nha. Nhớ đó!
- O.K… O.K.
- O.K chi cho nhiều vậy, cần một tiếng O.K thôi. Vậy nha!
Ý kiến bạn đọc