Giấc mơ của Lọ Lem

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/02/2013 15:42
VNTG - Được nghỉ học trước Tết một tuần, con Mầm lao ngay vào kế hoạch kiếm tiền để mua dép mới. Mẹ nó đã tuyên bố rồi, Tết này nhà nó không ăn Tết, vì trái cây rớt giá, mà thứ gì cũng lên. Mẹ nó chỉ rán sắm cho nó và thằng Nụ - em trai nó, mỗi đứa một bộ đồ; còn giày dép, nón nải thì dùng cái cũ. Nón thì không đội cũng không sao; nhưng đôi dép của nó đã chật rồi, lại bể đế, mang đi học thì còn rán được, chứ đi chơi Tết nó thấy quê quê với bạn bè.
Vì vậy, nó đã quyết tâm  mấy ngày nghỉ học này phải tranh thủ bắt ốc, hái rau bán lấy tiền mua cho nó đôi dép mới và cho thằng Nụ đôi sandal. Thằng Nụ đã học lớp 5 rồi mà chưa hề được xỏ chân vào một đôi dép da. Nó chỉ có đôi giày bata sờn mũi để mang đi học và đôi dép cao su cũ kỹ để rửa chân trước khi đi ngủ thôi. Con Mầm càng thương em hơn khi thấy thằng Nụ mặc cái áo trắng sắp ngả sang màu cháo lòng để
đi học.
Con Mầm đi từ sáng đến trưa chỉ vớt được hơn 2 ký ốc và hái được một nhúm ớt hiểm. Nó đem ra chợ bán được 11.000 đồng, vậy mà nó mừng như người ta trúng số. Hồi sáng đi vớt ốc cặp con kênh Cũ, ngang qua cái nền chuồng vịt bỏ hoang, con Mầm thấy rau má, rau dền lên xanh mướt. Nó ước lượng, nếu hái hết đám rau đó cũng được vài ký, cộng với mấy cái bắp chuối xiêm ngoài vườn, bán rẻ cũng được mười mấy ngàn nữa. Nó cố gắng làm cho nhanh những công việc mẹ nó giao rồi tay xách giỏ, tay xách cái vợt, nhảy chân sáo ra đi. Mái tóc đuôi gà của nó cứ đánh qua đánh lại trên tấm lưng mỏng như lá lúa. Chiếc áo trắng cũ khoác ngoài không gài nút, hai vạt áo phất phơ như hai cánh bướm. Chân tay nó dài ngoẳng; bóng nó đổ dài trên hàng cây bên đường.
Nó hái rau từ lúc nắng chói chang đến khi nắng tắt. Giỏ rau đã đầy cứng, xách lên thấy nằng nặng, nó mừng lắm. Nó đứng vặn vẹo cho đỡ đau lưng, thì phát hiện dưới con mương dẫn nước vào vườn có rất nhiều ốc. Những con ốc lát, ốc bươu nổi lều bều như trái mù u. Có con há miệng tròn xoe như một bông hoa màu đen. Con Mầm mừng quýnh, cắm cúi lia vợt. Đầy vợt, nó định về nhưng lại tiếc. Nó cởi cái áo khoác ngoài ra đùm ốc, rồi lại xách vợt đi. Càng đi sâu vào vườn nó càng thấy nhiều ốc. Trời nhá nhem tối, xung quanh không có bóng người, nó thấy lành lạnh. Nó rùng mình khi chợt nghĩ: Hay là ốc ma? Rồi nó nghe tiếng cha nó gọi. Tiếng gọi văng vẳng nhưng cũng đủ cho nó nhận ra là cha nó đang giận dữ. Chắc cha nó lại say rượu nữa rồi. Mỗi lần say là cha nó trở nên khó chịu, hay kiếm chuyện gây gổ với mẹ nó và đánh, chửi chị em nó. Cha nó mà phát hiện giờ này nó còn vớt ốc ở đây chắc nó bầm mình. Vì vậy, nghe cha nó kêu mà nó lặng thinh, không dám lên tiếng.
Con Mầm len lén đi vòng lối sau vườn, rồi núp vào đám khoai môn nghe ngóng. Nó thấy mẹ nó đang bẻ củi sau hè, không thấy em Nụ, cũng không thấy cha nó. Chắc là cha nó đã ngủ. Nó rón rén đi về phía mẹ. Thấy nó, mẹ nó hốt hoảng ra hiệu cho nó im lặng, rồi kéo nó ra vườn. Dúi vào tay nó ba tờ giấy bạc 20.000 đ, mẹ nó thì thầm dặn: “Ổng say rượu rồi. Đang kiếm chuyện ba gai. Con giấu đồ trong đám khoai môn, rồi đi vòng ra đường cái, về nhà bằng ngả trước. Mẹ đã nói với ổng là sai con đi lên dì Mười lấy tiền bán chuối. Con nhớ nói là dì Mười đi vắng, con phải chờ nên về trễ. Kiếm chỗ rửa mặt mũi, chân tay cho sạch nghe hôn. Ổng mà biết con đi
vớt ốc tới giờ này chắc đánh luôn cả mẹ”.
Gì chớ chuyện nói dối cha để được “tai qua nạn khỏi” con Mầm đã quen rồi. Mẹ nó chỉ cần nói sơ qua là nó đã hiểu. Con Mầm đi vòng ra đường, rồi vào nhà bằng cửa trước. Thấy nó, con chó vẫy đuôi kêu ư ử. Cha nó đang nằm trên bộ ván, cất tiếng hỏi giật giọng: “Đứa nào đó? Con Mầm phải không?”. Con Mầm dạ mà bụng đánh bù cạp. Cha nó ngồi bật dậy, gằn giọng quát:“Mầy đi đâu từ chiều tới giờ?”. Con Mầm diễn đúng kịch bản của mẹ nó. Cha nó đấm tay xuống ván cái rầm, dằn từng tiếng: “ĐM. lấy tiền hả? Tiền đâu? Không có là chết mẹ nghe con!”. Con Mầm móc túi đưa cho cha nó ba tờ giấy bạc mà run như thằn lằn đứt đuôi. Cha nó đứng lên quát: “Mày đi, mày có hỏi tao không?”. Con Mầm thưa: “Mẹ biểu con đi, lúc đó cha không có ở nhà”. “Tao đi đâu? Đi làm hay đi chơi?”. “Dạ, cha đi làm”. Sau câu trả lời đó con Mầm bị một cái tát như trời giáng; kèm theo lời đe nẹt: “Mày dám nói xỏ tao hả?”. Con Mầm vừa đau vừa uất ức, nó biết nó trả lời đàng nào cũng bị đánh. Nước mắt nó chảy dài, nó khóc không thành tiếng; hay nói đúng hơn là nó không dám khóc. Cha nó đánh mà khóc là bêu diếu cha nó, là báo cho bà con hàng xóm biết… Nó sẽ bị đánh thêm. Mẹ nó xuống nước để giải vây cho nó: “Tui còn không biết trả lời sao cho ông vừa lòng, nói gì con Mầm. Thôi tha cho nó đi ông ơi!”. Cha nó đứng lên, bước tới bàn với lấy bình nước. Chân nai đá chân hưu, đá vào cái ghế, ổng trừng mắt chửi đổng: “ĐM. ghế đẳng để vậy đó! Đồ đàn bà hư!”. Mẹ nó giả lả: “Tôi xin lỗi, tôi vô ý. Nè, ông uống ly trà đường này rồi ngủ một giấc cho khỏe”. Chưa bao giờ con Mầm thấy mẹ nó nhẫn nhịn, chịu đựng như vậy. Nó cúi đầu giấu đôi mắt đầy nước, đưa tay che khuôn mặt in
năm ngón tay, lủi vào kẹt vách, ngồi khóc.
Nó nhớ Tết năm ngoái nhà nó buồn hiu. Cha nó nhậu say về kiếm chuyện gây gổ với mẹ nó; rồi đập bàn ghế, đập chén bát, nồi niêu; xô đổ giàn mướp sau nhà. Cái gì đập không bể thì ổng quăng xuống mương. Mẹ nó kêu trời và khóc chứ không dám can ngăn. Chị em nó sợ hãi nép vào một góc, giương mắt nhìn. Thằng Nụ tức tưởi nói: “Em ghét hết mấy người rủ cha nhậu”. Tỉnh rượu, cha nó lội xuống mương vớt đồ lên. Những vật dụng bằng gốm xứ, thủy tinh đều bị bể; những thứ bằng nhôm, bằng nhựa thì sứt mẻ, móp méo không sử dụng được. Mẹ nó bán mấy con vịt xiêm để dành mua sắm Tết, bán luôn con gà để cúng mùng 3 mà không đủ tiền sắm lại đồ đạc. Mỗi lần cha nó đi nhậu về là thế nào cũng có chuyện, không gây gổ với mẹ nó thì cũng kiếm cớ hành chị em nó. Có lần vì mải mê làm bài không nghe tiếng cha gọi, mà thằng Nụ bị buộc tội là dám coi thường cha và bị đánh lằn ngang lằn dọc khắp người. Con Mầm không mong giàu sang, chỉ mong cha mẹ nó hòa thuận, cửa nhà êm ấm. Mỗi khi đến nhà bạn chơi, thấy cha mẹ bạn vui vẻ, nói chuyện với con cái ngọt ngào, con Mầm ngưỡng mộ lắm. Nghĩ đến nhà mình, con Mầm lại buồn. Cha nó rất nghiêm khắc, khiến nó và thằng Nụ ít khi dám đến gần. Chưa bao giờ nó dám nắm tay cha nó, đừng nói gì đến bá cổ nằn nì đòi cha mua đồ chơi như bạn.
Thật ra thì cha nó không hoàn toàn xấu, hầu hết chuyện nặng nhọc trong nhà đều do cha nó làm. Những lúc không say rượu cha nó cũng hiền lắm, cũng quan tâm đến chị em nó lắm. Tiền mua tập sách, tiền đóng học phí cho chị em nó đều do cha nó đi làm mướn mà có. Cha nó đội nắng dầm mưa, lặn ngụp trong nước để vét mương, cuốc đất cho người ta. Bị bệnh, cha nó không dám tới bác sĩ, để dành tiền cho chị em nó vào năm học mới. Nhưng lúc say rượu ổng lại trở thành con người khác: khó khăn, cộc cằn, thô lỗ, sẵn sàng gây sự với bất cứ ai. Mẹ nó nói tại túng cùng quá, cuộc sống khó khăn quá nên cha nó vậy đó. Nó sợ nhất là cha nó cứ hăm he cho nó nghỉ học. Năm nay nó học lớp 7 và học rất giỏi, dù việc học tập của nó không được xếp ưu tiên. Nó phải giúp mẹ làm đủ thứ công việc; từ nấu cơm, chặt củi, đến làm cỏ, tưới cây… Xong chuyện mới được ngồi vào bàn học. Cha nó nói, chắc học hết cấp II thì cho nó nghỉ; vì trường cấp III cách nhà mười mấy cây số, lại phải qua sông, vừa không an toàn, vừa có quá nhiều thứ chi phí, cha nó lo không nổi…
Khóc một hồi con Mầm ngủ thiếp đi. Trong mơ nó thấy mình mặc áo dài trắng, đạp xe qua cầu. Chiếc cầu thật dài, thật cao, đẹp như cầu vồng vắt qua bầu trời, nối hai bờ con sông quê nó. Chỉ mình nó đi trên chiếc cầu ấy. Chân nó mang đôi dép màu trắng có cái nơ nhỏ xinh xinh. Trước giỏ xe là cái cặp mới và một nhành mai với những bông vàng rực. Nó tưởng như mình đang bay trong gió, đang hòa vào trời mây. Gió đẩy mái tóc nó và tà áo dài tạt về một phía; phất phơ, chấp chới như một cánh chim. Hôm nay là ngày tựu trường. Nó thật sung sướng, thật hạnh phúc, vì nó đã được vào trường cấp III! Nhờ có cây cầu này và số tiền học bổng của một tổ chức từ thiện tặng mà cha
nó cho nó đi học tiếp. Con
Mầm cười.
Nụ cười trên môi còn chưa tắt thì con Mầm nghe tiếng mẹ gọi. Nó giật mình thức dậy và thấy mình còn ngồi trong kẹt vách. Nó chợt nhớ tới mớ rau và ốc còn giấu trong đám khoai môn. Ngày mai phải đem ra chợ bán sớm chắc cũng đủ tiền mua cho nó và thằng Nụ đôi dép mới.
Nụ cười lại bừng sáng trên khuôn mặt của lọ lem.
Ngọc Thủy
(Theo VNTG số 50)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 129
  • Khách viếng thăm: 126
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 32671
  • Tháng hiện tại: 553951
  • Tổng lượt truy cập: 60904089