Mùa này lá săng kê rụng trụi lủi, những thân cây gầy rộc khẳng khiu chĩa lên trời như ngàn đốt xương trắng hếu giữa gắt gỏng nắng gió. Thảng hoặc, giữa chót vót thẳm xanh của nền trời, hiện lên vài chùm trái sót, khô rạc, không đủ trị giun sán cho bọn nhóc bụng ỏng trong làng.
Minh họa: Tuấn Anh
***
Đám thiêu ở đó.
Hình hài cha tôi sau ba năm trời lặng yên dưới lòng đất bỗng chốc co rút, bật ngồi dậy trong đám lửa cháy phừng phừng. Ông hiện diện trong tôi lần cuối với cái gập người run rẩy khắc khổ trong tiếng lửa nấc. Hình ảnh đó đè lên trên tất cả những ký ức cũ của tôi về người. Những gì còn sót lại mãi mãi về sau trong tôi là một dáng ngồi xiêu vẹo khổ hạnh ruỗng nát. Là tiếng nứt nổ răng rắc vang vọng của những hốc xương giòn khô đang trong cuộc chuyển hóa về tro bụi. Và cả mùi khói nhợn đen từng cuộn cuộn tuôn ra một thứ mùi ngấy lạnh phả vào buổi chiều tháng chạp heo hắt gió.
Dòng kênh nghẽn trơ đáy ngay dưới chân cầu, như một làn hơi tàn không còn chở nổi những tiếng kèn u uẩn về với biển.
Mẹ tôi nói, ai đã lạc vào đó, bị vướng bùa mê sẽ không còn có thể tìm thấy lối ra. Những người đến đưa con người kia thoát khỏi vũng mê trở về, thường phải đền mạng, sẽ bị thư yểm côn trùng vào cơ thể rúc rỉa cho đến chết. Cái chết quằn quại và đầy bi hận.
Những ám ảnh ma quái người lớn thổi vào trí óc tôi trong thời thơ ấu càng khiến cho ngôi làng này như được phủ bọc bởi một lớp khói sương đầy huyễn hoặc, một cõi ám chướng đầy hiểm nguy mà con người không thể giải thích. Không biết tự bao giờ, huyền thoại huyễn hoặc dựng lên những nỗi sợ trong tâm trí kẻ khác như những bức tường thành vô hình mà kiên cố cô lập ngôi làng.
Cũng chính vì những điều đó mà chúng tôi kiên quyết khước từ, đến chết đói cũng không ăn những thức ăn có nguồn gốc từ vùng miền này. Những chiếc bánh bột gạo nhân mè được nướng rất thơm ở chợ trở nên ế ẩm khó giải thích. Những chiếc lu, thạp bằng đất nung đựng nước mát thơm mùi đất đai nhưng thường bị những người đàn ông lấy búa nện vỡ toang khi mấy chị vợ vì không biết đã trót đội về nhà. Những món đồ chơi của trẻ nhỏ làm bằng đất nung mộc mạc bị xếp xó, thậm chí, bị chôn sâu dưới đất để âm hồn oan nghiệt không theo đó mà nhập vào lũ trẻ.
Chúng tôi, từ nhỏ đã biết nhận diện và lánh xa giống người có đôi mắt tròn và lông mi dài, quăn, sống mũi cao, môi trầm, nước da đen ngăm và tiếng nói chắc như sấm rền, mùi mồ hôi còn thoang thoảng mùi khét của than, của máu dã thú và làn hơi ẩm mục của lá rừng. Chúng tôi phải tự tìm cách bảo vệ mình trước thế giới hoang dã ma thuật đầy dọa nạt luôn ám ảnh tâm trí. Họ sẽ biến chúng ta thành những nô lệ để trả thù. Sau khi lưu đày, thầy cúng của họ sẽ cắt cổ chúng ta bằng những câu liêm bén ngọt. Chúng ta bị biến thành những con ma hời, chỉ còn chiếc đầu lâu cùng những túi ruột lòng thòng bay lang thang trong đất trời và hú lên những tiếng oán hờn căm hận trần gian. Rồi trong hình hài đó, đêm hôm khuya khoắt, chúng ta sẽ bay về quê nhà cắn vào cổ những người thân yêu khi họ đang ngủ say để hút máu. Và, cứ thế, như một cách truyền bệnh dịch, những con ma hời gieo rắc nòi giống quái nghiệt của mình cho khắp làng mạc. Có khi con người cả ngôi làng này sẽ bị biến thành ma hời. Một bầy ma hời la eo éo trên những ngọn cây dương liễu, phả ra mùi máu tanh tưởi.
Trong khi đó, toàn bộ phần còn lại của thân thể chúng ta sẽ bị thiêu cháy trên giàn lửa đỏ ở ngoài những cánh rừng.
Mẹ tôi nói như thể đã trải nghiệm những chuyện ma quái ấy. Tôi nhìn thấy ánh lửa đèn dầu trong mắt mẹ nhảy rức rức nhập nhòe. Tôi ôm chặt mẹ khi ngoài cánh cửa có tiếng “xoạc” của một chiếc lá bàng rụng tiếp đất.
Cha con sẽ bị như thế. Mẹ nói.
Vì sao?
Cha con đã ăn phải bùa mê thuốc lú của đàn bà trong ngôi làng đó.
Cha sẽ bị cắt cổ hả mẹ? Tôi vươn cái nhìn đầy nước mắt sợ hãi về phía mẹ.
Không. Khi lớn, con sẽ đưa cha về. Cha con sẽ lành lặn.
Nhưng rồi con sẽ bị họ trả thù, thư yểm côn trùng vào trong người?
Họ sẽ không làm vậy với đứa con trai. Họ chỉ làm vậy với người đàn bà đi giành lại người chồng trong tay họ.
***
Người đàn ông đánh trần, ngực vâm như hai chiếc mã la thoa đầy mỡ thú vung tay cất chiếc khâu liêm cột ở đầu ngọn sào thọc sâu vào trong đám lửa cháy, móc vào hốc mắt của chiếc sọ người đang tua túa khói lửa từ trung tâm đám cháy. Anh ta bẩy chiếc sọ còn oi óp khói đen đi trong không gian theo một đường cầu vồng rồi thả xuống chiếc mâm thầy cúng đặt sẵn trên bãi cỏ. Thầy cúng nhắm mắt ngước lên trời cao lầm rầm quán niệm, rồi cúi xuống, vung cán rựa bổ một tiếng “bục” lên hốc sau của sọ. Người đàn bà trẻ có đôi mắt huyền buồn bã, môi mặt bợt tái đang khóc như muốn ngất lả trong tay những người đàn bà lớn tuổi. Còn đứa trẻ thì úp mặt vào ngực tôi. Tôi ôm chặt lấy nó và nghe vị chua mồ hôi trên cổ nó hòa tan trên cơ thể mình, như hòa làm một nguồn mạch. Tôi dỗ dành nó đừng khóc, dù, chính tôi lại thấy nghẹn ứ ở cổ họng và nước mắt cứ trào ra.
Thầy cúng dùng chiếc kéo lớn gỉ sét, cắt trên phần xương trán của cha tôi bảy miếng tròn, rồi cho vào kút (2). Lần cuối cùng tôi nhìn thấy trên hộp sọ cha tôi một nụ cười khắc khổ và man dã. Một người đàn ông trẻ nhẫy mồ hôi bước đến và hắt mâm rượu còn những đốt xương vụn vào trong đống lửa cháy tàn, một phần còn lại hắt xuống dòng kênh trơ dộp đáy rêu vàng vọt.
Rừng chiều nổi một đợt gió lạnh khiến tôi rùng mình. Tôi đặt thằng nhỏ vào tay mẹ nó, người đàn bà đang quằn quại như một bệnh nhân lên cơn co giật, mặt khướt mồ hôi và nước mắt. Tôi bước đến nhận từ tay thầy cúng chiếc kút nhỏ sau nghi thức xa lạ đẫm màu huyền bí. Ông nói, giờ đây anh có thể mang cha anh đi khỏi làng. Tôi gật đầu lặng lẽ bước theo con đê ngoằn ngoèo phía rìa làng, đi lần về quốc lộ. Tiếng khóc u uẩn của người đàn bà muốn trói chân tôi. Nhưng gió thổi dạt tôi đi xa ngôi làng với bước chân liêu xiêu, bủn rủn. Từng cơn gió thổi thông thống như đoàn người không nhân diện xô đẩy tôi rời xa tiếng kèn eo ắt như muốn khoét rỗng lòng dạ kia càng nhanh càng tốt. Bầu trời phía sau lưng như đang sụp xuống. Ngôi làng sau lưng như đang ngập trong khói xám của thứ âm khí nặng nề. Tôi ghì chặt chiếc kút vào ngực và bước sấp ngửa. Tôi chọn một gò đất cao, ngoảnh lại một lần nữa nhìn đoàn người hành lễ đi chậm chạp ủ rũ bên hàng rặng săng kê đầu làng, khăn áo lất phất trắng tời tã trong bụi khói mù mịt. Một đám khói đỏ ở rìa rừng đã cất cao, chạm tới tầng mây hoang lạnh của buổi chiều đông.
Ngôi làng nằm sau rặng cây xương xẩu ọp ẹp và chìm khuất như khúc hát buồn tủi, xa vắng.
Hơi nóng từ chiếc kút lan tỏa sâu vào lồng ngực tôi. Mùi rượu xuyên qua hơi thở tôi. Tôi bước đến cây cầu độc mộc bắc qua dòng kinh, đứng ngoái lại một lần nữa và đưa tay áo quệt dòng nước mắt chực vỡ òa. Trong đầu tôi lại vẫn hiện lên hình ảnh con người bật dậy ngồi xiêu vẹo trong lửa cháy phừng phừng. Tôi không muốn tin những gì còn lại của cha nằm gọn ở đây, trong chiếc kút nhỏ bé này. Tôi không muốn tin một cuộc hành trình rong ruổi của đứa con trai lần theo dấu vết người cha bất bạt chỉ để nhìn thấy sự cứu rỗi nảy lên từ đốm lửa thiêu buồn thảm giữa không gian nghi thức gặp gỡ và tiễn đưa xa lạ.
***
Dì nói rằng, dì không bỏ bùa ổng. Tôi nhìn thấy sự chân tình trong giọng nói nghẹn ngào, đôi mắt hạt huyền đen thẳm của người đàn bà có thân hình xốc vác. Ổng chỉ nói rằng, ổng đang khổ đau. Ổng muốn tìm một chỗ nương náu. Dì nói. Và dì nhìn vào mắt ổng, dì tin. Tôi cười chua chát với ý nghĩ: làm gì có khổ đau, làm gì có ai bỏ rơi ổng, chỉ có ổng mới là người bỏ rơi vợ con để theo đuổi đam mê ích kỷ. Ông ấy đã là trụ cột của một gia đình chuẩn mực, hạnh phúc. Tôi từng nghĩ vậy từ khi nhận biết sự ra đi của ông. Và lúc này, tôi càng nghĩ vậy. Nhưng tôi lại dằn nén sự trách móc để lắng nghe người đàn bà tiếp tục bộc bạch may ra tìm thấy manh mối nguyên nhân cuộc ra đi của cha mình. Tôi ngồi gần bếp lửa và khều mớ than hồng. Thằng Keo tựa bờ mông tong teo vào vai tôi và chăm chú nhìn khuôn mặt chảy nhão của mẹ nó. Mùi mồ hôi chua khét từ mái tóc sém nắng của thằng bé khiến tôi cảm nhận mối dây liên hệ mờ nhạt giữa tôi và nó. Tôi muốn kìm nén những xúc cảm thân thương gần gũi. Tôi luôn giữ một khoảng cách nhất định với giọt máu đi hoang của cha. Nó thì ngờ nghệch, ngơ ngác trước những câu chuyện của người lớn. Đứa con nít năm tuổi yếu ốm còi cọc như nó cũng không sao hình dung được rằng, trong cuộc đời mình, lại có một người anh chung cốt nhục luôn trong vai diễn của kẻ lạ. Có lẽ đến mãi về sau, trong cuộc đời này, tôi và nó cũng chỉ là một thứ cơ duyên máu thịt run rủi, ở hai không gian cách biệt, khó gắn kết hay gần gũi.
Người đàn bà kể lại những ngày cha tôi đến làng, chuyện ông ấy đã thổ lộ với bà về một mái ấm không hạnh phúc, về khát vọng được đi đây đó trong những chuyến buôn dài ngày. Rằng ông đã quá mỏi mệt với những tháng năm tù túng, bị buộc chặt trong những bổn phận quẩn quanh, những quan hệ đơn điệu nhàm chán dưới lớp áo êm đềm hạnh phúc, những trách nhiệm đóng kín đời sống. Dì lắng nghe và biết mình sẽ bước vào cái kịch bản mà người đàn ông khổ đau kia đang kiểm soát. Vậy là bắt đầu những ngày tháng cơ cực thiếu thốn, nhưng ông ấy luôn tỏ ra an vui. Dì nói. Dì, ổng và thằng nhỏ trôi dạt hết bãi chợ này đến làng mạc khác trên những chiếc xe lúc lỉu hàng gốm sứ. Dì giỏi buôn bán. Ổng cũng hết lòng giúp vợ, lo cho thằng Keo. Năm này qua tháng khác, không nhà cửa, không điểm dừng. Nhưng rồi cuộc sống không thể cứ trôi lêu bêu bất định mãi. Dì tính phải trở về làng ổn định sớm để cho thằng nhỏ đi học. Chứ sống vậy lâu năm, đời sống bụi đường sẽ nuốt mất cuộc đời tương lai của nó. Về làng chưa kịp làm gì thì ổng đổ bệnh. Ổng không để dì được chăm sóc cho trọn nghĩa vợ chồng. Khối u trong gan của ông đến kỳ bộc phát. Ổng trải qua những cơn đau dai dẳng rồi kiệt sức, ra đi.
Tôi nói, vậy mà mẹ con nói cha đã bị bỏ bùa, bị che mắt, không tìm thấy đường về. Nhiều năm trời, con đã tưởng rằng cha đã rất đau khổ ở ngôi làng này và cha mong ngày về với mẹ con con.
Dì nhìn tôi. Và nói chậm rãi. Con à, cha con cũng hay kể về con trong những ngày tháng ở đây. Ổng tìm cách gặp con nhưng chính mẹ con đã ngăn cản quyết liệt. Mẹ con đã không thể tha thứ cho ổng.
Có chuyện đó sao. Bao nhiêu năm con đã không hay biết.
Có những bí mật trong đời sống gia đình mà cho đến khi chết, người ta không muốn thổ lộ cho ai được biết cả, kể cả những người thân yêu nhất. Những bí mật được giấu kín để bảo vệ cho nền tảng quan hệ các thành viên không bị lung lay, rạn nứt.
Người đàn bà múc cháo ra tô, bưng lên bàn. Hai tô lớn và một chén nhỏ. Thằng Keo ngồi vào chiếc ghế đẩu, cặp chân gầy rộc bơi bơi trong không khí. Trong ánh sáng ấm áp tỏa ra từ bếp lửa, tôi nhận ra vẻ mặt đôn hậu nhưng kham khổ của người đàn bà. Con ăn đi. Bây giờ trách móc nhau cũng chẳng được gì. Ổng chết lâu rồi. Ba năm qua nằm ngoài bìa rừng, chắc ổng cũng suy nghĩ nhiều về chuyện đã làm với gia đình con, về những chọn lựa trong cuộc đời.
Nhưng cho đến giờ, con vẫn không thể hiểu được, cho đến khi cha con bỏ đi, gia đình con vẫn êm ấm. Ba mẹ con chưa bao giờ nặng nhẹ với nhau một lời nào. Ba từng là người đàn ông trầm lặng. Ổng ít tỏ bày. Mọi tình cảm được biểu lộ qua việc làm, sự quan tâm dành cho con và mẹ con.
Mẹ con không tha thứ cho ổng?
Con không thể biết được. Nhưng chắc rằng, nhiều năm qua, bà sống rất buồn.
Vậy thì con cũng không thể hiểu được điều gì đã xảy ra trong đời sống vợ chồng của ba mẹ con. Không phải vết thương nào cũng phơi bày ra để người ta có thể chữa lành. Có những thương tích trong đời sống vợ chồng nằm sâu âm ỉ ở bên trong, không dễ nhận thấy và làm lành được. Dì đã tin rằng, ổng đến đây trong tình trạng thực sự khổ đau, mất mát và tàn tạ. Ổng suy sụp và câm lặng, giằng xé và quyết liệt. Cho đến giờ phút này, dì vẫn tin ổng không lừa dối dì hay mẹ con. Ổng có chọn lựa của ổng.
Và dì có nghĩ cuộc sống như thế này sẽ làm cho ba con cảm thấy hạnh phúc hơn?
Dì cảm nhận được điều đó. Dì nhìn thấy giọt nước mắt và nụ cười của ông trong giây phút ông hấp hối. Và cả cái siết tay thật chặt. Giọng người đàn bà nghẹn lại.
Thằng Keo ngừng ăn. Nó đưa mắt nhìn tôi, rồi nhìn mẹ nó. Bà nói với nó bằng một câu thổ ngữ mà tôi không thể hiểu. Thằng nhỏ lại ngoan ngoãn múc cháo cho vào miệng, len lén nhìn tôi.
Nếu mẹ con thực sự muốn mang ổng về, thì dì không có ý kiến gì cả. Nhưng xin đừng dằn vặt ông ấy. Dì chỉ xin được trọn nghĩa tình với cha con bằng một lễ nghi gọi là nghĩa tận ở làng này. Ngày sống ổng đã nhiều lần đến những đám thiêu trong làng để ghi chép và tìm hiểu phong tục; ổng muốn khi chết sẽ được hành lễ theo một đám thiêu truyền thống ở ngôi làng này. Ổng nói với rằng, khi rượu thấm vào xương, lửa thiêu đốt nhục thể, con người tan vào trong nước, trong đất mà mình gắn bó, sống cùng con người, đời sống mà mình yêu thương, chọn lựa.
Dì muốn tro bụi và những vụn xương còn lại của ổng tan ra trong đất đai của ngôi làng này, dù linh hồn có thể quy về nơi quê nhà trú ngụ.
Người đàn bà tỏ ra cương nghị khi nói những điều mà những phụ nữ dễ mủi lòng như mẹ tôi có thể sẽ không cầm được tiếng khóc gào than thở. Tôi cúi mặt húp vội tô cháo thịt gà nấu loãng và mặn. Mắt tôi giàn giụa nước. Thằng Keo nhìn tôi lạ lẫm và rón rén. Rồi nó đưa chân khều khều lên đầu gối tôi. Tôi bắt gặp cái nhìn lo âu trong trẻo của nó. Tôi gặp trong nó nỗi buồn của mình những năm qua. Nỗi buồn như sợi dây mong manh nối kết giữa tôi và thằng bé xa lạ mà tôi sẽ phải nhận là em, đứa em trong trò lập trình cay đắng của số phận.
Ổng có nói được với dì điều gì về chuyện trở về quê nhà trước khi mất không?
Không.
Ổng không nhắc gì đến...
Không. Tất cả sức lực, ông dành để chống chọi với cơn đau đớn.
***
Tôi bước lên một gò đất cao nhìn về chiếc cầu nhỏ vắt qua dòng kinh đi vào ngôi làng. Tôi cố gắng không để tâm trí mình bị chi phối bởi hình ảnh người đàn bà đội chiếc nón tơi cũ đứng ôm con năm tuổi bất động nhìn theo những bước đi của tôi xa dần về phía đường lớn, nhưng không thể. Đôi mắt hạt huyền đen thẳm vẫn trói chặt suy nghĩ của tôi. Cái nhìn thơ ngây và ái ngại của thằng Keo vẫn ăn sâu vào tâm trí tôi trong khi sức nóng từ chiếc kút đang vơi trên nhịp đập dần bình thản trên trái tim tôi. Cả mùi rượu cũng đã tan loãng, không còn cồn cào dậy men. Những gì vừa diễn ra như một giấc mộng.
Tôi đứng như trời trồng. Những đợt gió chiều thổi vi vút. Không gian bao phủ bởi một màn khói đốt đồng ngái nồng. Mùi cỏ, mùi tro váng vất, thảng hoặc. Những chuyến xe khách về thị trấn quê nhà tôi vừa vụt ngang, ném lại những tiếng còi lạc lõng. Tôi nghe mắt mình cay xè. Tôi bị chôn chân trên nấm đất bên ngoài ngôi làng đã từng buộc chặt cuộc phiêu lưu của cha mình.
Tôi ghì chặt chiếc kút vào ngực và quỳ xuống trên đám cỏ khô.
Tôi nhận ra người đàn bà đội nón bế đứa con tất tơi tất tả đi về phía mình.
Sài Gòn, 12.2012
(1) Tên gọi khác: trâm bầu, chưng bầu, tim bầu, song re..., mọc nhiều ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
(2) Tiểu sành đựng tro sau đám thiêu.
Ý kiến bạn đọc